2006-11-22 16:35:12

Giáo Hội là thân mình và là hiền thê của Chúa Kitô


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên khi giải thích giáo lý về Giáo Hội trong các thư của thánh Phaolô Tông Đồ, trong bài huấn dụ nói trước hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 22-11-2006.

Thực tại Giáo Hội là một trong các đề tài quan trọng nhất trong giáo hội học của thánh Phaolô. Nó bắt nguồn từ sự tiếp xúc của thánh nhân với cộng đoàn Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói:

Trước hết chúng ta phải ghi nhận rằng sự tiếp xúc đầu tiên của thánh nhân với con người Đức Giêsu đã xảy ra qua chứng tá của cộng đoàn Kitô Gierusalem. Nó đã là một cuộc tiếp xúc sóng gió. Thánh nhân đã trở thành người bắt bớ nhóm tín hữu mới của cộng đoàn. Chính người đã ba lần thừa nhận sự kiện này trong các thư của mình: ”Tôi đã bách hại Giáo Hội Chúa” (1 Cr 15,9; Gl 1,13; Pl 3,6), và giới thiệu thái độ của mình như là tội phạm tồi tệ nhất.

Dĩ nhiên, biến cố ngã ngựa trên đường đến thành Damasco đã là biến cố định đoạt, nhưng thật ra đó không phải là cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Giêsu. Sách Công Vụ ghi nhớ sự hiện diện của Phaolô trong vụ ném đá thầy sáu Stephano (7,58) và sự tán đồng đối với vụ kết án này (8,1). Các dữ kiện này cho phép chúng ta rút tỉa ra một nhận xét quan trọng đầu tiên: thường khi chúng ta đến với Chúa Giêsu và tiếp nhận hay khước từ Người qua trung gian cộng đoàn tín hữu. Điều này thật đến độ các tin tức mà các tác giả ngoại giáo cổ xưa như Svetonio, Tacito, Plinio il Giovane, cống hiến cho chúng ta liên quan tới Đức Giêsu, không phải là kết qủa của sự chú ý trực tiếp đến con người Đức Giêsu, mà chúng phát xuất từ sự tiếp xúc với nhóm người tin nơi Chúa. Như thế chính cuộc sống của Giáo Hội làm nảy sinh ra sự chú ý hay ít nhất vấn nạn về Đức Giêsu; nghĩa là chúng ta thường đến với Chúa Giêsu qua Giáo Hội!

Điều này cũng đúng với thánh Phaolô, là người đã gặp gỡ cộng đoàn trước khi gặp Đức Giêsu. Nhưng trong trường hợp của thánh nhân nó đã là cớ làm nảy sinh ra một cuộc bách hại khốc liệt. Đối với thánh nhân việc tin nhận Giáo Hội đã do một sự can thiệp của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thức tỉnh thánh nhân trên đường đến thành Damasco. Chúa Kitô tự đồng hóa với Giáo Hội và làm cho thánh nhân hiểu rằng bắt bớ Giáo Hội là bắt bớ chính Ngài. Khi đó Phaolô hoán cải quay về với Chúa Kitô và Giáo Hội. Từ đó chúng ta hiểu tại sao Giáo Hội đã hiện diện trong tâm trí và hoạt động của thánh Phaolô như vây.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nêu lên các lý do chứng minh cho thấy sự hiện diện đó của Giáo Hội trong tư tưởng và việc làm của thánh Phaolo. Thứ nhất là sự kiện thánh nhân đã thành lập nhiều giáo đoàn trong các thành phố khác nhau, nơi người tới rao giảng Tin Mừng. Khi nói đến các lo lắng cho các giáo đoàn khác nhau (2 Cr 11,28) là thánh nhân nghĩ tới các giáo đoàn khác nhau tại Galazia, Iconia, Macedonia và Akaia. Một vài giáo đoàn đã khiến cho người phải buồn phiền lo lắng, như các giáo đoàn vùng Galazia đã tin theo một Tin Mừng khác. Tương quan của thánh nhân với các giáo đoàn là tương quan sâu đậm đam mê, chứ không lạnh lùng chiếu lệ. Vì thế thánh nhân định nghĩa tín hữu Philiphê là ”niềm vui và là triều thiên” của người (Pl 4,1). Khi khác người so sánh các giáo đoàn với một bức thư gửi gắm duy nhất: ”Thư gửi gắm của chúng tôi là anh chị em, một bức thư viết trong tim chúng ta, được mọi người biết tới và đọc” (2 Cr 3,2)>. Nhiều lần khác nữa thánh nhân chứng minh cho tín hữu thấy tình hiền phụ và hiền mẫu của người, như khi gọi họ là ”các con nhỏ yêu mến” mà người sinh lại trong đau đớn cho tới khi Chúa Kitô được thành hình” (Gl 4,19; x. 1 Cr 4,14-15; 1 Tx 2,7-8).

Trong các thư thánh Phaolo cũng minh giải giáo lý về Giáo Hội. Ngài định nghĩa Giáo Hội như là “thân mình Chúa Kitô”. Đây là định nghĩa, không tìm thấy trong các tác giả Kitô khác thuộc thế kỷ thứ I (1 Cr 10,17; Ep 4,12; 5,30; Cl 1,24). Nguồn gốc sâu thẳm của kiểu gọi này là Bí tích Mình Chúa Kitô. Thánh nhân nói: ”Vì chỉ có một bánh, mặc dù chúng ta nhiều, chúng ta chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Trong bí tích Thánh Thể Chúa Kitô trao ban Mình Người cho chúng ta và khiến cho chúng ta trở thành Thân Thể Người: ”Tất cả anh chị em là một trong Chúa Kitô” (Gl 3,28). Qua đó thánh Phaolô cho chúng ta hiểu rằng không chỉ có sự tùy thuộc Giáo Hội và Chúa Kitô, mà cũng có sự đồng hóa giữa Giáo Hội và Chúa Kitô nữa. Rồi Đức Thánh Cha giải thích nguồn gốc phẩm giá của Giáo Hội và Kitô hữu như sau:

Như thế từ đó bắt nguồn sự lớn lao và cao qúy của Giáo Hội, nghĩa là của tất cả chúng ta là thành phần của Giáo Hội: từ chỗ là chi thể của Chúa Kitô chúng ta nối dài sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Và từ đó cũng phát xuất ra bổn phận của chúng ta phải sống thực sự phù hợp với Chúa Kitô. Chính vì thế thánh Phaolô mới khuyến khích tín hữu liên quan tới các đặc sủng linh hoạt cấu trúc của cộng đoàn Kitô. Tất cả mọi đặc sủng đều bắt nguồn từ Thần Khí của Thiên Chúa Cha và Chúa Con, và tín hữu nào cũng nhận được sự biểu lộ đó của Thánh Thần cho ích chung của cộng đoàn (1 Cr 12,7). Điều quan trọng đó là mọi đặc sủng đều cộng tác với nhau để xây dựng Giáo Hội, chứ không được trở thành cớ gây chia rẽ (Ep 4,3-4).

Tuy nhiên, nhấn mạnh trên nhu cầu của sự hiệp nhất không có nghĩa là phải đồng nhất hóa hay san bằng cuộc sống Giáo Hội theo một kiểu hoạt động duy nhất. Chỗ khác thánh Phaolô dậy tín hữu đừng ”dập tắt Chúa Thánh Thần” (1 Tx 5,19), nghĩa là người khuyến khích tín hữu biết quảng đại dành chỗ cho các biểu lộ đặc sủng không thấy trước được của Chúa Thánh Thần, là suối nguồn năng lực và sức sống luôn mới mẻ. Thánh Phaolô cũng rất lưu tâm tới sự xây dựng cho nhau (1 Cr 14,26). Tất cả phải quy hướng về việc xây dựng Giáo Hội làm sao để Giáo Hội không ngưng trệ, không vết nhăn và không rách nát. Thế rồi cũng có thư giới thiệu Giáo Hội như hiền thê của Chúa Kitô (x. Ep 5,21-33). Đây là hình ảnh ám tỉ đã được các ngôn sứ dùng để miêu tả dân Israel hiền thê của Thiên Chúa (Hs 2,4.21; Is 54,5-8), nhưng diễn tả liên hệ thân tình giữa Chúa Kitô và Giáo Hội Người, trong nghĩa Giáo Hội là đối tượng tình yêu thương dịu hiền của Chúa, đồng thời cũng diễn tả tình yêu thương mà Giáo Hội phải có đối với Chúa. Như là chi thể của Giáo Hội chúng ta cũng phải đáp trả lại tình yêu của Chúa và trung thành với Chúa như thế.

Như vậy, tương quan hiệp thông đó có hai chiều: chiều dọc giữa Chúa Giêsu Kitô và chúng ta, và chiều ngang giữa tất cả những người tin và kêu cầu danh Chúa Giêsu Kitô (1 Cr 1,2). Đó là định nghĩa ơn gọi Kitô: tín hữu Kitô là người kêu cầu danh Chúa Giêsu Kitô. Các buổi cử hành phụng vụ phải chứng minh cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta trong niềm hiệp thông với Chúa Kitô và giữa chúng ta với nhau.

Sáng thứ tư hôm qua, tuy trời Roma mưa nhưng cũng đã có hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ hằng tuần với Đức Thánh Cha. Các đoàn hành hương đến từ các nước Ý, Pháp, Đức, Anh, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan, Ucraine, đảo Malta, Mehicô, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong số các nhóm hành hương quốc tế có 50 Linh Mục dòng Ngôi Lời đang tham dự khóa bồi dưỡng tại Nemi gần Roma; các nữ tu dòng Thừa Sai Claret Đức Maria Vô Nhiễm. Đông nhất là đoàn hành hương 7000 tín hữu các giáo phận vùng Abruzzo và Molise do các Giám Mục hướng dẫn nhân dịp các vị về Roma viếng mộ các Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện. Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết Chúa Nhật tới đây là lễ Chúa Kitô Vua. Ngài mời gọi người trẻ để cho Chúa Giêsu trở thành trung tâm điểm cuộc sống và lãnh nhận nơi Người ánh sáng và lòng can đảm cho mọi lựa chọn thường ngày. Ngài khuyến khích các anh ch em đau yếu hiểu biết gía trị cứu rỗi của khổ đau kết hiệp với Chúa Kitô và noi gương Chúa là Đấng đã biến thập giá thành ngai của Người. Đức Thánh Cha nhắc cho các cặp vợ chồng mới cưới biết hôm qua là ngày kỷ niệm 25 năm Đức Gioan Phaolo II công bố tông thư Familiaris consortio, đẩy mạnh công tác mục vụ gia đình trong Giáo Hội. Ngài cầu chúc họ luôn kết hiệp với Chúa Kitô trên con đường cuộc sống hôn nhân.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.