2006-11-14 17:33:45

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA NHÂN NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỊ NẠN


VATICAN. Trong sứ điệp công bố hôm 14-11-2006, nhân ngày thế giới về di dân và tị nạn lần thứ 93, cử hành vào đầu năm 2007, ĐTC Biển Đức 16 đặc biệt kêu gọi trợ giúp các gia đình di dân và tị nạn ngày càng gặp nhiều khó khăn.

ĐTC nhắc đến thảm cảnh của Thánh gia thất Nazareth tị nạn ở Ai Cập, biểu tượng thân phận đau thương của hàng triệu người di dân và tị nạn, với những khó khăn, tủi nhục, cơ cực và tình trạng bấp bênh họ phải chịu.

Ngài cũng viết rằng: ”Giáo Hội khuyến khích sự phê chuẩn các hiệp ước và văn kiện pháp lý quốc tế nhắm bênh vực các quyền lợi của người di dân, tị nạn, và gia đình của họ.. Ngoài ra, cần phải trù định các luật lệ, các biện pháp pháp lý và xã hội, nhắm tại điều kiện cho sự hội nhập của các gia đình di dân và tị nạn”.

Về vấn đề hội nhập và đoàn tụ gia đình, ĐTC ghi nhận rằng hoàn cảnh của người tị nạn ngày nay dường như trở nên đồi tệ hơn so với trước kia, đặc biệt là về vấn đề đoàn tụ gia đình. Trong các trại dành cho họ, ngoài những khó khăn về mặt tổ chức, những khó khăn bản thân và những chấn thương tâm lý, do kinh nghiệm đau thương họ đã phải trải qua, còn có những nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị khai thác về tình dục, như một phương thế để sinh tồn. Trong những hoàn cảnh ấy, - ĐTC viết- cần phải có một sự hiện diện mục vụ đầy quan tâm của cộng đoàn Kitô, có thể thoa dịu những vết thương lòng, giúp tái lập nền văn hóa tôn trọng và tái khám phá giá trị của tình thương. Cần khích lệ những người bị tàn phá trong nội tâm phục hồi niềm tự tín. Cần dấn thân để bảo vệ phẩm giá và các quyền của gia đình, đảm bảo nơi cư trú phù hợp với nhu cầu của người di dân. Cần phải vun trồng một thái độ cởi mở và tích cực đối với người tị nạn đối với xã hội đón tiếp họ, giúp họ sẵn sàng đối với những những đề nghị tham gia xây dựng một cộng đoàn chung, một căn nhà chung của tất cả mọi người”.

Ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1-2007. Trong cuộc họp báo tại phòng báo chí Tòa Thánh sáng ngày 14-11-2006, ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý, tố giác nạn buôn bán người ngày càng bành trướng. Ngài nhận định rằng nạn buôn bán người là một hình thức mới của chế độ nô lệ. Xét về một khía cạnh, tệ nạn này còn tệ hại hơn cả thời buôn bán nô lệ xưa kia ở Phi châu. Thủ phạm tệ nạn này ngày nay chính là những kẻ gian ác kiểm được những mối lợi lớn lao qua các vụ buôn bán như thế.

ĐHY Martino cho biết ngoài những người di dân, ra nước ngoài với giấy phép cư trú và hợp đồng làm việc, còn có vô số những người khác, bỏ xứ sở ra đi, hoặc họ chỉ có những giấy tờ giả mạo, hoặc rơi vào mạng lưới của những băng đảng bất lương. Nhiều người thiệt mạng ngay trong cuộc hành trình, nhiều người khác, sau khi tới vùng đất di dân, lại bị rơi vào nạn tội phạm và mại dâm.

Trong cuộc họp báo, Đức TGM Agostino Marchetto, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động, than phiền về sự giảm bớt thiện cảm của người dân nơi các nước Âu Mỹ đối với những người tị nạn. Người di dân bị gán cho một hình ảnh xấu và bị coi như một nguy hiểm đe dọa cuộc sống của người dân tại các nước giàu, trong khi đó những người xin tị nạn ngày càng gặp khó khăn nhiều hơn.

Hiện nay có 20 triệu người tị nạn được Cao Ủy tị nạn LHQ trợ giúp, trong đó có 9 người được qui chế tị nạn. Có 4 triệu người tị nạn Palestine được cơ quan đặc nhiệm của LHQ giúp đỡ, 6 triệu người tản cư từ hơn 5 năm nay ở trong các trại tại các nước nghèo. (SD 14-11-2006)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.