2006-11-08 13:26:06

TÍN THÁC TRONG KHI BỆNH TẬT


Cha Daniel Fabre - người Pháp - bị liệt giường vì bệnh ung thư xương.

Với tư cách Linh Mục trong nhiều chức vụ khác nhau - đặc biệt là Tuyên Úy Phong trào Công Giáo Tiến Hành - cuộc đời Cha Daniel dệt nên bởi các cuộc họp mặt, gặp gỡ và tổ chức đủ loại.

Bỗng bệnh hoạn xuất hiện, đánh ngã vị Linh Mục đong đầy hăng say hoạt động. Cuộc đời Cha giờ chỉ trôi qua trong bệnh tật và cầu nguyện.

Chính lúc này, Cha Daniel biểu lộ gương mặt Linh Mục cao quý đích thực.

Ai đến thăm Cha đều ngạc nhiên về thái độ vui vẻ trẻ trung. Cha trở thành người được Tình Yêu THIÊN CHÚA chiếm hữu và biến đổi.

Cha giải thích sức mạnh giúp Cha can đảm chấp nhận thử thách như sau.

Trọn đời tôi, ngay từ khi mới là cậu bé 8-9 tuổi, tôi đã say mê Tình Yêu THIÊN CHÚA, và vẫn tiếp tục say mê Tình Yêu THIÊN CHÚA. Tôi cầu nguyện rất nhiều và cầu nguyện luôn luôn. Tôi cầu nguyện đều đặn từ 2 đến 3 giờ mỗi ngày.

Từ ngày ngã bệnh, lời cầu nguyện có lẽ có chút thay đổi, nghĩa là nới rộng hơn. Trước đây, tôi thường nói như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU vào lúc cuối đời rằng: ”Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Nhưng từ ngày bị bệnh, và cũng từ ngày đó tôi cảm thấy được yêu thương chăm sóc nhiều hơn, tôi không còn chỉ nói: ”Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”, nhưng tôi nói:

- Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con và con tự để mình được Chúa yêu thương.

Đúng thế, tôi nghĩ rằng được yêu thì quan trọng hơn là yêu. Và đây là điều tôi cảm nghiệm từ khi lâm trọng bệnh.

Ngày Cha Daniel Fabre biết mình bị ung thư xương và bệnh lan rộng, Cha thông báo cho Đức Giám Mục biết. Đức Giám Mục cẩn trọng nói:

- Cha bước vào giai đoạn cam go, thử thách và hấp hối!

Đó cũng là điều Cha Daniel tự nói với mình. Cha kể lại:

Khi biết mình mắc chứng bệnh nan y, tôi chuyển hướng đường tu đức, từ việc bắt chước Đức Chúa GIÊSU sống ẩn dật ở Nagiarét, sang việc bắt chước Đức Chúa GIÊSU lên Giêrusalem để chịu khổ nạn. Đức Chúa GIÊSU KITÔ phán: “Không ai cất được sự sống Thầy, nhưng chính Thầy tự hy sinh mạng sống” (Gio 10,18). Khi lên đền thờ Giêrusalem năm ấy, Đức Chúa GIÊSU biết rõ Ngài đi vào cuộc tử nạn, đi vào cái chết.

Đối với tôi đó là ”đường tu đức Giêrusalem”, và tôi cố gắng bước theo đường tu đức này, từ khi tôi lâm trọng bệnh. Tôi bình tĩnh chấp nhận bệnh tật và cái chết. Tôi ý thức rõ ràng tình trạng của tôi. Tôi sống trọn vẹn những ngày còn lại và luôn tự nhắc nhở mình rằng, sau cuộc sống ở đời này, tôi bước vào cuộc sống khác, trọn vẹn và viên mãn hơn. Cuộc sống hiện tại là hy vọng, là đợi chờ, đợi chờ Đức Chúa GIÊSU đến. Tôi thường thưa với Chúa:

- Lạy Đức Chúa GIÊSU xin hãy đến!

Trong cuộc sống hiện tại, tôi đi từ kinh nghiệm tự nhiên sang kinh nghiệm siêu nhiên. Chẳng hạn mỗi ngày có nhiều người đến thăm tôi. Khi tôi đợi chờ người nào đó mà tôi thương mến, tôi thưa với Chúa: ”Lạy Đức Chúa GIÊSU, xin hãy đến”, vì Đức Chúa GIÊSU cũng là người tôi thương mến! Nếu tôi nghĩ đến một người nào đó rất thương tôi, tôi thưa cùng Chúa:

- Lạy Chúa, Chúa còn thương con hơn người này nữa, con xin nép mình dưới cái nhìn yêu thương của Chúa và xin Chúa biến đổi con!

Khi được hỏi về ý nghĩa của đau khổ qua kinh nghiệm bệnh tật, Cha Daniel Fabre trả lời:

- Không nên nói ”phải chịu đau khổ”, hoặc nói ”đau khổ tạo nên ước muốn nhận lãnh Tình Yêu THIÊN CHÚA”. Bởi vì, một đau khổ, một bệnh tật có thể trở thành điều không thể chịu đựng được, khiến bệnh nhân ước muốn tự tử! Đau khổ không phải là điều Chúa muốn hoặc cho phép, nhưng là một mầu nhiệm mà theo tôi, đau khổ là trận chiến giữa thần dữ, thần tối tăm và Hoàng Tử Hòa Bình. Thêm vào đó phải nói đến tình trạng tội lỗi của con người. Cần phải nhắc lại rằng, THIÊN CHÚA không yêu thích đau khổ. Đau khổ nằm trong thân phận làm người. Điều trước tiên THIÊN CHÚA muốn là sự sống chứ không phải đau khổ. Trong Phúc Âm, Đức Chúa GIÊSU không bao giờ áp đặt đau khổ, trái lại, chính Ngài thoa dịu đau khổ. Theo tôi thì không phải những đau khổ của Đức Chúa GIÊSU cứu thoát chúng ta mà là thái độ của Ngài trước đau khổ: một thái độ biểu lộ Tình Yêu của Ngài đối với nhân loại. Ngài nhìn con người qua nhãn quan và liên hệ yêu thương của Ngài đối với THIÊN CHÚA CHA. Ngài cũng dạy chúng ta phải nhìn anh chị em đồng loại qua mối liên hệ yêu thương này.

(”PRIER”, n.126, Novembre/1990, trang 5-7).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.