2006-10-18 16:16:04

Thiên Chúa biến tội lỗi của con người thành dịp trao ban ơn cứu độ


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong bài huấn dụ nói với hơn 40.000 tín hữu hành hương và du khách năm châu sáng ngày thứ tư 18-10-2006.

Trình bầy gương mặt của Giuđa Iscariot, vị cuối cùng trong Đoàn Tông Đồ, người đã bàn nộp Thầy mình, Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến. Kết thúc chân dung các tông đồ đã được Chúa Giêsu trực tiếp kêu gọi, là Giuđa Iscariot, luôn luôn được nhắc tới sau cùng như là “người sẽ bán nộp Chúa”, nhưng cũng được gọi là ”một trong số Mười Hai”. Sự kiện này dấy lên hai vấn nạn. Vấn nạn thứ nhất là việc Giuđa được Chúa Giêsu lựa chọn, tuy bị coi là một tên ăn trộm trong nhiệm vụ quản lý của nhóm, và Chúa Giêsu đã có một phán quyết nặng nề về ông: ”Khốn cho kẻ vì người ấy mà Con Người bị giao nộp”.

Vấn nạn thứ hai liên quan tới các lý do sự bội phản của tông đồ Giuđa. Một vài người đề cập tới tính ham hố tiền bạc của ông, người khác thì cho rằng ông thất vọng vì Chúa Giêsu khước từ trở thành đấng cứu thế chính trị. Các Phúc Âm nhấn mạnh trên một khía cạnh khác: ”Satan đã gợi ý cho Giuđa giao nộp Chúa”. Việc phản bội của ông, diễn tả sự tự do của con người, đã dẫn đưa Chúa Giêsu tới cái chết, nhưng được Thiên Chúa biến trở thành một cử chỉ của tình yêu thương cứu độ. Chúa Giêsu đã bị Giuđa bán nộp, nhưng Người đã tự nộp mình cho tình yêu thương của Thiên Chúa Cha, và thánh Phaolô nói rằng: ”Thiên Chúa đã giao nộp Người cho chúng ta tất cả”. Như thế, trong chương trình nhiệm mầu của ơn cứu độ, Thiên Chúa nhận lấy cử chỉ không thể tha thứ được của Giuđa như là dịp để trao ban hoàn toàn Con của Người cho sự cứu chuộc thế giới.

Chúng ta cũng hãy nhớ đến gương mặt của Matthia, người ngay từ đầu đã chứng kiến tất cả mọi sự sẽ xảy ra cho Chúa Giêsu. Sau biến cố Phục Sinh, ông đã được chọn để thay thế chỗ của Giuđa. Ước chi sự trung thành của người dậy cho chúng ta biết đền bù những yếu đuối của các kitô hữu bất xứng trong Giáo Hội, bằng chứng tá trung thành của chúng ta đối với Chúa Kitô Giêsu.

Trước đó ĐTC đã giải thích tên gọi ”Iscariot” gây ra các tranh luận giữa giới học giả và nói: có người giải thích Iscariot là ”người của làng Iscariot” là quê sinh của Giuđa, nằm gần Hebron và được nhắc tới 2 lần trong Kinh Thánh (x. Gs 15,25; Am 2,2). Kẻ khác thì giải thích nó như là một thay đổi của từ ”sicario” là chiến binh vũ trang dao găm. Sau cùng cũng có người cho rằng tên gọi đó chỉ là kiểu viết một từ do thái-aramay có nghĩa là ”kẻ sắp giao nộp Người”. Kiểu gọi này được thánh Gioan dùng 2 lần trong Phúc Âm sau lời tuyên xưng của Phêrô (x. Ga 6,71) và trong biến cố xức dầu tại Betania (x. Ga 12,4). Các văn bản khác cho thấy sự phản bội đã được tiến hành, như trong Bữa Tiệc Ly và trong biến cố Chúa Giêsu bị bắt giữ trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,46.48; Ga 18,2.5). Danh sách các tông đồ nhắc tới sự bội phản của Giuđa (Mc 3,19; Mt 10,4; Lc 6,16). Sự bội phản gồm hai giai đoạn: dự tính, khi Giuđa đồng ý với các kẻ thù với giá là 30 đồng bac (x. Mt 26,14-16) và việc thi hành, qua cái hôn giao nộp Thầy mình trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,46-50). Dầu sao đi nữa, các thánh sử nhấn mạnh trên phẩm chất tông đồ mà Giuđa chia sẻ với các tông đồ khác, vì là ”một trong Nhóm Mười Hai” (Mt 26,14.17; Mc 14,10.20; Ga 6,71), hay ”thuộc số Mười Hai” Lc 22,3). Còn hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã hai lần trực tiếp nói với các Tông Đồ về Giuda và gọi ông là ”một người trong các con” (Mt 26,21; Mc 14,18; Ga 6,70; 13,21). Và thánh Phêrô sẽ nói về Giuđa rằng: ”Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào cùng một chức thừa tác của chúng tôi” (Cv 1,17).

Trong bài huấn dụ ĐTC khẳng định rằng sự lựa chọn cũng như số phận đời đời của tông đồ Giuđa là một bí nhiệm. Tuy biết rằng Giuđa ”hối hận đem 30 đồng bạc trả cho các thượng tế và kỳ mục và nói: ”Tôi đã phạm tội, vì tôi đã nộp người vô tội” (Mt 27,3-4), và mặc dù ông ra đi thắt cổ tự tự (Mt 27,5), chúng ta không có nhiệm vụ đo lường hành động đó thay thế cho Thiên Chúa vô cùng từ bi và công chính.

Nhưng gương mặt của tông đồ Giuđa dậy cho chúng biết điều này: sẽ là một lầm lẫn, nếu chúng ta nghĩ rằng đặc ân sống đồng hành gần gũi với Chúa Giêsu là đủ để khiến cho một người nên thánh. Lý do là vì Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta. Chúa tôn trong sự tự do của tông đồ Giuđa, ngay cả khi ông khép kín co cụm trong chính sự phán xử của mình và sa lầy trong ý muốn riêng của mình. Một con tim trở thành tồi bại cũng là một nguy cơ đối với từng người trong chúng ta. Và ĐTC giải thích điểm này như sau: ”Chúa Giêsu không ép buộc ý muốn của chúng ta, khi Người mời gọi chúng ta theo Người trên con đường sống Tám Mối Phúc Thật. Cách thức duy nhất giúp tránh khỏi rơi xuống các hố sâu vây quanh chúng ta đó là hoàn toàn hiến dâng cho Chúa Giêsu, bước vào sự hiệp thông tràn đầy với Người, để chúng ta suy nghĩ và hành động như Người, trong sự vâng phục hoàn toàn Thiên Chúa Cha.

Sau khi sa ngã tông đồ Phêrô đã hối hận ăn năn và được tha thứ. Giuđa cũng hối hận nhưng sự hối hận của ông biến thành nỗi tuyệt vong và như thế trở thành việc tự hủy hoại mình. Đây là lời mời gọi chúng ta nghe lời khuyên nhủ của thánh Biển Đức ”đừng bao giờ thất vọng” và không tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa. Thiên Chúa ”cao cả hơn trái tim chúng ta” (1 Ga 3,20)., Vì vậy cần phải ghi nhớ hai điều: thứ nhất Chúa Giêsu tôn trọng sự tư do của chúng ta. Thứ hai Chúa Giêsu chờ đợi sự sẵn sàng hối lỗi và hoán cải của chúng ta: Người giầu lòng từ bi và tha thứ. Sau cùng Thiên Chúa có thể biến đổi mọi sự thành điều thiện ích. Cả sự kiện Giuđa phản bội, qua sự Quan Phòng của Thiên Chúa, cũng có thể trở thành dịp cho hành động yêu thương tột định của Chúa Giêsu, cho ơn cứu rỗi thế giới”.

Sáng thứ tư hôm qua đã có hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với Đức Thánh Cha. Gần phân nửa đến từ Đức. Trong số các nhóm quốc tế có các tham dự viên tổng tu nghị các dòng Khổ nạn, dòng Nhà thương thánh Gioan Thiên Chúa Fatebenefratelli, trong đó có ba tu sĩ Việt Nam, dòng Tu huynh Thánh Tâm và dòng Nữ tu thừa sai Biển Đức Tutzing. Bên cạnh đó là các tham dự viên khóa thần học về đời thánh hiến do Học viện Claretianum Roma tổ chức, nhóm các nữ tu Ursuline Thánh Tâm Chúa Giêsu Hấp Hối, các tu sĩ dòng Thánh Gia Nagiaret.

Ngoài các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ, có các nhóm đến từ Đông Âu như: Ba Lan, Bulgari, Lituani, Croat và cộng hòa Tchèques. Từ Phi châu có các nhóm Ghana và Nigeria. Từ Á châu có các nhóm tín hữu Hong Kong, Indonesia, Đại Hàn, Phi Luật Tân và Thái Lan. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehico và Brasil. ĐTC đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào đông đảo người trẻ, các anh chị em đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người chiêm ngưỡng gương sống của thánh sử Luca đặc biệt giới trẻ trở thành các người can đảm loan báo Tin Mừng. Ngài khích lệ các người đau yếu vững tin đương đầu với các khổ đau với niềm hy vọng kitô, và cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới luôn biết kín múc nơi Chúa chịu đóng đanh tình yêu thương khiến cho sự kết hiệp của họ được vững bền và phong phú.

Trước khi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người Đức Thánh Cha cũng nghĩ tới các nạn nhân của tai nạn xe điện ngầm sáng thứ ba vừa qua trong thành phố Roma. Một chiếc xe điện ngầm đã tông vào một chiếc xe khác đang dừng tai một trạm, khiến cho 3 người thiệt mạng và 200 người bị thương trong đó có một ít người bị thương rất nặng. Cả hai chiếc xe đều mới và có trang bị các máy móc vi tính rất tối tân. Ngài nói: ”Trong giờ phút đớn đau này tôi đặc biệt gần gũi những người đã bị thương tích trong tai nạn này. Tôi muốn bầy tỏ các tâm tình an ủi và trìu mến của tôi đối với các anh chị em đó, và tôi bảo đảm đặc biệt nhớ tới họ trong lời cầu nguyện".

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.