2006-10-13 11:06:13

THEO ĐẠO CÔNG GIÁO


Yuan Zhiming là một trong những người tham gia biến cố Thiên-An-Môn hồi tháng 5 năm 1989. Cuộc nổi loạn ôn hòa đòi dân chủ của sinh viên học sinh và giới trí thức Trung Quốc bị nhà cầm quyền Cộng Sản dập tắt tan tành.

Yuan trốn sang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Nơi đây, chàng may mắn gặp các Kitô hữu và xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Chính chàng kể lại con đường theo Đạo Công Giáo.

Nơi thành phố Princeton, thuộc bang New Jersey, điều làm tôi chú ý đến Kitô Giáo chính là tình thương giữa các tín hữu Kitô. Tôi được mời tham dự nhóm học hỏi Kinh Thánh. Các thành phần trong nhóm tuy mới quen biết nhau, nhưng tôi để ý thấy họ rất tin tưởng và yêu thương nhau đậm đà thắm thiết. Tôi cảm thấy thoải mái khi tham dự các buổi học hỏi. Vì đã trải qua kinh nghiệm đau thương của biến cố Thiên-An-Môn nên tôi nhìn cuộc đời với đôi mắt bi quan và cảm thấy vô cùng cô đơn. Thế nhưng các bạn trong Nhóm Học Hỏi Kinh Thánh tỏ ra quý trọng và yêu thương tôi, khiến tôi ấm lòng và không còn nghĩ mình bơ vơ lạc lõng.

Thế rồi, Lời Đức Chúa GIÊSU phán trong Tân Ước Phúc Âm thật sự đảo lộn con người tôi. Trong các Lời Đức Chúa GIÊSU phán, tôi khám phá ra quyền lực cùng sức mạnh mà tôi chưa từng gặp thấy trong các tác phẩm triết lý tôi từng đọc.

Mặc khải THIÊN CHÚA tỏ lộ rõ ràng khiến tôi không thể chối cãi, nhưng chỉ biết cúi đầu tuân phục và hoàn toàn chấp nhận. Tình thương của các Kitô hữu là chìa khóa mở cánh cửa để tôi bước vào trong ánh sáng huy hoàng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôi cảm nhận tinh thần tôi được THIÊN CHÚA chiếm hữu.

Từ đó, các triết thuyết không còn nét hấp dẫn lôi cuốn tôi nữa. Đối với tôi - giờ đây - các triết gia như Friedrich Hegel (1770-1831), Emmanuel Kant (1724-1804) hoặc Karl Marx (1818-1883), chả có giá trị gì khi so sánh với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Thế Toàn Năng, Đấng Cứu Độ Nhân Hậu của con người.

Tôi đắm mình trong việc theo đuổi, nghiên cứu và học hỏi thần học. Một thời gian ngắn sau đó, tôi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền. Muôn vàn cảm tạ hồng ân bao la của THIÊN CHÚA.

Chứng từ thứ hai của giáo sư Liu Xiaofeng, từng là giảng sư tại đại học Shenzhen, hiện nay làm việc tại Học Viện Nghiên Cứu Trung Hoa Kitô ở Shatin (Hong Kong). Giáo sư Liu là nhà trí thức Công Giáo, hiểu theo nghĩa: các nhà trí thức Trung Hoa ngưỡng mộ Kitô Giáo.

Theo giáo sư Liu thì ngày nay có ba hạng trí thức người Hoa thích nghiên cứu Kitô Giáo. Hạng thứ nhất học hỏi nền triết học của Kitô Giáo như là một tìm tòi trí thức nhưng không có đức tin. Hạng thứ hai tuy sẵn sàng chấp nhận đạo lý của Kitô Giáo, nhưng chưa đạt đến Đức Tin. Sau cùng là những nhà trí thức đạt đến chỗ tin vào Kitô Giáo và dành cho Kitô Giáo chỗ đứng lớn lao trong cuộc đời mình. Chính những người thuộc hạng thứ ba tạo thành ”những nhà trí thức Công Giáo đích thực”.

Thái độ thuận lợi tích cực của các nhà trí thức Trung Hoa ngày nay đối với Kitô Giáo được tỏ lộ rõ ràng trong sự kiện họ nghiên cứu, dịch thuật và phổ biến các tác phẩm về lịch sử Kitô Giáo, văn chương Kitô cũng như triết học và thần học.

Một trong những điều lôi kéo giới trí thức Trung Hoa tiến đến với Kitô Giáo chính vì họ cảm thấy có cái gì đó còn thiếu sót trong cuộc đời họ. Họ bị thu hút bởi ý niệm siêu việt trong sứ điệp Kitô Giáo và thắc mắc tự hỏi: ”Phải chăng siêu việt có tương quan với cuộc đời?” Thế rồi họ bắt đầu nghiên cứu Kitô Giáo về phương diện triết học. Dần dần, nhờ lý trí soi dẫn, họ bắt đầu nhìn nhận có thể có một niềm tin mặc khải. Ngoài ra, tình yêu và lòng nhân hậu cảm thông hiện diện trong sứ điệp của Kitô Giáo cũng là nét đẹp hấp dẫn lôi cuốn thế hệ - được giáo dục trong bầu khí tranh đấu giai cấp - tìm về với Kitô Giáo.

(”Missions Étrangères de Paris”, n.330, Juin/1998, trang 172-174).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.