2006-09-25 17:36:17

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CÁC ĐẠI SỨ VÀ ĐẠI DIỆN CỘNG ĐOÀN HỒI GIÁO


CASTEL GANDOLFO. Sáng 25-9-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến các vị đại sứ các nước Hồi giáo và đại diện các cộng đoàn Hồi giáo Italia. Ngài tái đề cao tầm quan trọng của sự đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo.

Tại buổi tiếp kiến, với sự hiện diện của ĐHY Paul Poupard, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, có các vị đại sứ hoặc đại biện (chargé d'affaires) của 21 nước có đa số dân theo Hồi giáo và Liên hiệp các nước Arập, 15 thành viên hội đồng tư vấn Hồi giáo Italia và 2 đại diện của Trung tâm Hồi giáo Roma.

Trong bài diễn văn bằng tiếng Pháp, có kèm theo bản dịch bằng tiếng Arập, ĐTC tái bày tỏ lòng quí mến và tôn trọng các tín hữu Hồi giáo cũng như quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo đối thoại liên tôn và liên văn hóa với các tín hữu Hồi giáo. Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng sự đối thoại liên tôn và liên văn hóa là điều sinh tử đối tương lai của thế giới và nhân loại. ĐTC nói:

”Sự đối thoại liên tôn và liên văn hóa giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo không thể chỉ được thu hẹp vào một sự chọn lựa nhất thời. Đó là một thực tại, một sự cần thiết sinh tử, mà phần lớn tương lai chúng ta lệ thuộc vào đó”.

”Trong một thế giới chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ thuyết duy tương đối và quá nhiều khi loại trừ sự siêu việt của lý trí đại đồng, chúng ta hết sức cần một cuộc đối thoại chân thực giữa các tôn giáo và các nền văn hóa, có khả năng giúp chúng ta cùng nhau vượt tháng mọi căng thẳng, trong một tinh thần cộng tác đầy thành quả. Tiếp tục công trình mà vị tiền nhiệm của tôi, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã thi hành, tôi nồng nhiệt mong ước rằng các quan hệ tín nhiệm giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo từ nhiều năm nay, không những được tiếp tục, nhưng còn được phát triển trong tinh thần đối thoại chân thành và tôn trọng, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng chân thực, vui mừng nhận viết các giá trị tôn giáo chúng ta có chung với nhau, và thành thực tôn trọng những khác biệt. Cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa là một sự cần thiết để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ, đang được mọi người thiện chí mong ước. Trong lãnh vực này, con người ngày nay đang chờ đợi nơi chúng ta một chứng từ hùng hồn để chứng tỏ cho mọi người giá trị của chiều kích tôn giáo trong cuộc sống. Vì thế, trung thành với các giáo huấn của các truyền thống tôn giáo của mình, các tín hữu Kitô và Hồi giáo phải học cách cùng nhau hoạt động, như đã xảy ra trong nhiều kinh nghiệm chung, để tránh tất cả mọi hình thức bất bao dung, và chống lại mọi sự biểu lộ bạo lực; và chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, chúng ta phải hướng dẫn và khuyến khích dân chúng trong chiều hướng đó.

”Thực vậy, ”cho dù trong lịch sử, có nhiều sự bất đồng và đố kỵ nảy sinh giữa các tín hữu Kitô và Hoi giáo, Thánh Công Đồng khuyên nhủ tất cả mọi người hãy quên quá khứ và chân thành thực thi sự cảm thông hiểu biết lẫn nhau, cũng như cùng nhau bảo vệ và thăng tiến cho tất cả mọi người, công bằng xã hội, các thiện ích luân lý, hòa bình và tự do” (NA 3). Vì thế các bài học quá khứ phải giúp chúng ta tìm kiếm những con đường hòa giải, để sống trong sự tôn trọng căn tính và tự do của mỗi người, hướng tới sự cộng tác thành quá để phục vụ toàn thể nhân loại. Như ĐGH Gioan Phaolô 2 đã tuyên bố trong diễn văn với các bạn trẻ tại Casablanca ở Maroc, ”sự tôn trọng và đối thoại đòi phải có sự hỗ tương trong mọi lãnh vực, nhất là trong những gì liên quan đến các quyền tự do căn bản và đặc biệt là tự do tôn giáo. Các quyền tự do ấy tạo điều kiện cho hòa bình và sự cảm thông giữa các dân tộc” (n.5).

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.