2006-09-17 20:10:38

Đức Thánh Cha mời gọi canh tân tiếng ”xin vâng” với Thiên Chúa



Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu và du khách hành hương tại Casltel Gandolfo trưa Chúa Nhật 17-9-2006 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi mọi người canh tân hai tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa và cộng tác với ơn cứu độ.

Trưa Chúa Nhật hôm qua, tuy trời Castel Gandolfo mưa, nhưng cũng đã có hơn 2000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đoc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo. Ngài đã đề cập đến chuyến viếng thăm tông đồ mục vụ ngài đã hoàn thành những ngày vừa qua tại vùng Bavière nam Đức. Đức Thánh Cha vừa bắt đầu bài huấn dụ thì trời đổ mưa lớn, nên ngài ngắt quãng mấy lần và nói: ”Tội nghiệp anh chi em qúa. Nhưng mà chúng ta khỏe mạnh. Mưa cũng là dấu chỉ ơn của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến, chuyên công du tông đồ tại vùng Bavière, mà tôi đã hoàn thành các ngày vừa qua, đã là một kinh nghiệm tinh thần sậu đậm, trong đó giao thoa nhau các kỷ niệm cá nhân, gắn liền với các nơi thân thiết với tôi và các viễn tượng mục vụ cho công tác loan báo Tin Mừng trong thời đại chúng ta. Tôi cảm tạ Thiên Chúa về những an ủi nội tâm Người đã cho tôi, sống và đồng thời tôi cũng biết ơn tất cả những ai đã làm việc tích cực cho chuyến viếng thăm mục vụ của tôi được thành công. Tôi sẽ đề cập đến chuyến viếng thăm này một cách đầu đủ hơn vào buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư tới đây”.

Đề cập tới sự hiểu lầm một đoạn trích trong bài diễn nói với các giới khoa học tại đại học Regensburg, gây ra làn sóng phản đối trong thế giới hồi giáo, Đức Thánh Cha minh xác như sau: ”Trong lúc này đây tội chỉ muốn nói thêm rằng tôi rất lấy làm tiếc vì các phản ứng được khơi dậy bởi một đoạn ngắn trong diễn văn của tôi tại đại học Regensburg, bị coi là xúc phạm tới sự nhậy cảm của các tín hữu hồi giáo, trong khi đó là một lời trích từ một văn bản thời trung cổ, chứ nó không hề diễn tả tư tưởng của cá nhân tôi. Hôm qua Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã công bố một tuyên ngôn để giải thích ý nghĩa đích thật các lời nói của tôi. Tôi hy vọng rằng lời giải thích đó làm lắng dịu các tâm hồn và minh giải ý nghĩa đích thực diễn văn của tôi. Trong sự toàn vẹn của nó, diễn văn này là một lời mời gọi đối thoại thẳng thắn và chân thành, với sự tôn trọng lẫn nhau.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã nói đến hai lễ quan trọng mới được kính nhớ trong phụng vụ : đó là lễ Suy Tôn Thánh Giá, cử hành ngày 14 tháng 9 và lễ Đức Mẹ Sầu Bi, cử hành ngày hôm sau. Cả hai buổi cử hành này được tóm gọn trong cảnh Đóng Đanh, diễn tả Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá, như tả trong Phúc Âm thánh Gioan, là Tông Đồ duy nhất đã ở bên cạnh Chúa Giêsu đang hấp hối. Nhưng ”suy tôn Thánh Giá” có nghĩa là gì? Tôn kính một dụng cụ hổ nhục lại không phải là điều gây vấp phạm hay sao? Thánh Phaolô đã nói: ”Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đanh, là sự vấp phạm đối với người Do thái và là sự điên rồ đối với dân ngoại” (1 Cr 1,23). Nhưng các tín hữu kitô không tôn vinh bất cứ thập giá nào, mà tôn vinh Thập Giá Chúa Giêsu đã thánh hóa với hy tế của Người, là hoa trái và chứng tá của tình yêu vô biên. Trên Thập Giá Chúa Kitô đã đổ tất cả máu mình ra để giải thoát nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi và cái chết. Vì thế, từ dấu chỉ của sự chúc dữ, Thập Giá đã trở thành dấu chỉ của phước lành, từ biểu tượng của sự chết nó đã trở thành biểu tượng tuyệt diệu của của Tình Yêu chiến thắng thù hận, bạo lực và làm nảy sinh ra sự sống vĩnh cửu: ”O crux, ave spes unica! Ôi Thập Giá, niềm hy vọng duy nhất!”. Phụng vụ hát như vậy.

Thánh sử Gioan kể rằng: Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá (x. Ga 19,25-27). Nỗi đớn đau của Mẹ hòa nhập làm một với nỗi đớn đau của Con. Đó là một sự đớn đau tràn đầy niềm tin và tình yêu thương. Trên đồi Canvê, Đức Trinh Nữ tham dự vào quyền năng cứu độ của sự đớn đau của Chúa Kitô, bằng cách gắn liền tiếng ”fiat xin vâng” của Mẹ với tiếng ”xin vâng” của Con. Anh chị em thân mến, hiệp nhất trong tinh thần với Mẹ Đầu Bi, chúng ta cũng hãy canh tân tiếng ”xin vâng” của chúng ta với Thiên Chúa, là Đấng đã chọn con đường thập giá để cứu độ chúng ta. Đây là một mầu nhiệm đang tiếp diễn cho tới ngày tận thế, và nó cũng đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta nữa. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết mỗi ngày vác lấy thập già mình và trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường của vâng lời, hiến tế và tình yêu.

Trước khi chào tín hữu và du khách hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.