2006-09-06 15:21:09

Sẵn sàng sống thân tình với Chúa Giêsu và dẫn đưa mọi người tới gặp Chúa


Đức Thánh Cha đã khuyến khích mọi người như trên trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 6-9-2006 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của tông đồ Phiphiphê. Ngài nói: ”Anh chị em thân mến, tiếp tục trình bầy chân dung của các tông đồ hôm nay chúng ta gặp gỡ tông đồ Philiphê. Trong danh sách Mười Hai Tông Đồ, người luôn luôn chiếm chỗ thứ 5 (x. Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,14; Cv 1,13), nghĩa là trong số các vị đầu tiên. Tuy gốc Do thái, nhưng người lại có tên hy lạp, cũng như Anrê, và đây là một dấu chỉ bé nhỏ cho thấy sự rộng mở văn hóa đáng chú ý. Các tin tức liên quan tới thánh Philiphê được cống hiến cho chúng ta trong Phúc Âm của thánh Gioan. Thánh Philiphê cũng có cùng quê sinh như thánh Phêrô và Anrê nghĩa là Betsaida (x. Ga 1,44), một thành thuộc vùng châu quận do một trong các con của vua Hêrốt Cả cai trị, cũng có tên là Philiphê (x. Lc 3,1).

Phúc Âm thứ tư kể lại rằng sau khi được Chúa kêu gọi, Philiphê gặp Nathanael và nói với ông: ”Chúng tôi đã gặp Đấng mà ông Môshê, Lề Luật và các ngôn sứ đã nói tới, là Đức Giêsu con ông Giuse, người thành Nagiarét” (Ga 1,45). Trước câu trả lời nghi ngờ của Nathanael ”Từ Nagiarrét có thể phát xuất ra điều gì sao”, Philiphê không đầu hàng nhưng cương quyết đáp lại: ”Hãy đến mà xem” (Ga 1,46). Trong câu trả lời ngắn gọn nhưng rõ ràng đó Philiphê biểu lộ các đặc thái của một chứng nhân đích thực: ông không chỉ bằng lòng với việc loan báo, nhưng trực tiếp mời gọi người đối thoại, bằng cách gợi ý cho họ sống cùng kinh nghiệm cá nhân điều đã được loan báo. Cùng hai động từ này đã được Chúa Giêsu dùng khi hai môn đệ thánh Gioan Tiền Hô tới gần và hỏi Người ở đâu” (x. Ga 1,39).

Áp dụng vào cuộc sống cụ thể của tín hữu Đức Thánh Cha nói: ”Chúng ta có thể nghĩ rằng thánh Philiphê cũng nói với chúng ta bằng hai động từ giả thiết sự liên lụy cá nhân đó. Thánh Tông Đồ làm cho chúng ta dấn thân hiểu biết Chúa Giêsu từ gần. Thật vậy, tình bạn cần sự gần gũi, còn hơn thế nữa phần nào đó nó sống vì sự gần gũi. Vả lại không bao giờ được quên rằng theo những gì thánh Mạccô viết, Chúa Giêsu tuyển chọn Mười Hai Tông Đồ với mục đích đầu tiên là để ”họ ở với Người” (Mc 3,14), nghĩa là chia sẻ cuộc sống của Người và trực tiếp học hỏi nơi Người không chỉ cung cách hành xử, mà nhất là biết Người là Ai.

Sau này, trong thư thánh Phaolô gửi các tín hữu Ephexô, chúng ta đọc thấy rằng điều quan trọng là ”học hỏi Chúa Kitô” (4,20), như thế không chỉ lắng nghe các giáo huấn của Chúa, mà còn hơn thế nữa phải hiểu biết cá nhân của Người, nghĩa là nhân tính và thiên tính của Người, mầu nhiệm và vẻ đẹp của Người. Thật vậy Chúa Giêsu không chỉ là là một Bậc Thầy, một Người Bạn, còn hơn thế nữa là một Người Anh. Làm sao chúng ta có thể biết Người tường tận, nếu chúng ta sống xa Người? Sự thân tình, quen thuộc, gần gũi giúp chúng ta khám phá ra căn tính đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Và đó là điều thánh Philiphê nhắc nhớ cho chúng ta biết.

Thế rồi trong dịp hóa bánh ra nhiều thánh nhân nhận được từ Chúa Giêsu một câu hỏi chính xác: có thể mua bánh ở đâu để cho những người theo Chúa khỏi đói (x. Ga 6,5). Khi đó Philiphê rất thực tế trả lời: ”Thưa có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng không đủ cho mỗi người một miếng” (Ga 6,7). Ở đây chúng ta thấy sự cụ thể của thánh nhân, là người biết phân định các hậu qủa của tình hình. Nhưng thật là hay, khi Chúa Giêsu lại quay ra hỏi Philiphê để xem phải giải quyết vấn đề ra sao: đó là dấu chỉ hiển nhiên cho thấy thánh nhân thuộc nhóm môn đệ thân tín của Chúa.

Trong một lúc khác trước cuộc khổ nạn của Chúa, một vài người Hy lạp đến Giêrsualem dự lễ Vượt Qua ”tiến tới gần Philiphê và hỏi: thưa ông, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. Philiphê đến nói với Anrê rồi Anrê và Philiphê đi nói với Chúa Giêsu” (Ga 12,20-22). Một lần nữa chúng ta thấy đó là dấu chỉ uy tín đặc biệt của Philiphê trong đoàn tông đồ. Đặc biệt trong trường hợp này Philiphê là trung gian giữa vài người ngoại quốc và Chúa Giêsu. Thái độ đó dậy cho chúng ta biết luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu và khẩn nài từ bất cứ đâu cũng như hướng chúng tới Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn hoàn toàn các yêu cầu và khẩn nài đó. Thật là điều quan trọng nhận biết rằng chính Chúa mới là đích điểm của những lời khẩn nài đó chứ không phải chúng ta. Chúng ta phải hướng tới Chúa tất cả những người đang cần Chúa. Mỗi người trong chúng ta phải là con đường rộng mở cho Chúa. Còn có một dịp đặc biệt khác nữa, trong đó nổi bật lên gương mặt của thánh Philiphê.

Trong bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu khẳng địmh rằng ai biết Người là biết Cha (x. Ga 14,7) thánh Philiphê đơn sơ hỏi Chúa: ”Lậy Thầy, xin chỉ cho chúng con thấy Cha, là đủ cho chúng con rồi” (Ga 14,8). Chúa Giêsu trả lời với giọng điệu trách yêu: ”Philiphê con ở với Thầy từ bao lâu nay rồi mà chưa biết Thầy sao? Ai trông thấy Thầy là trông thấy Cha! Làm sao con lại nói: ”Hãy chỉ cho chúng con thấy Cha?” Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy hay sao?... Hãy tin Thầy: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9-11). Những lời này là những lời cao đẹp nhất trong Phúc Âm thánh Gioan. Chúng chứa đựng một mặc khải đích thật. Vào cuối phần dẫn nhập Phúc Âm thánh Gioan khẳng định: ”Thiên Chúa chưa có ai trông thấy bao giờ: chính Con Một, Đấng ở trong lòng Cha, đã vén mở cho thấy” (Ga 1,18). Lời tuyên bố đó của thánh sử đã được chính Chúa Giêsu lấy lại và xác nhận, nhưng với một sắc thái khác. Thật vậy trong khi phần dẫn nhập Phúc Âm đề cập đến sự can thiệp giải thích của Chúa Giêsu dựa trên các lời của Người, thì trong câu trả lời cho Philiphê Chúa Giêsu ám chỉ chính Con Người mình, để cho chúng ta hiểu rằng có thể hiểu Chúa, không phải chỉ qua những lời Người nói, mà còn qua cung cách sống của Người nữa.

Để diễn tả theo cái mâu thuẫn của mầu nhiệm Nhập thể chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa đã tự cho mình một gương mặt nhân loại, gương mặt của Chúa Giêsu, và vì thế từ nay trở đi, nếu thực sự muốn hiểu biết gương mặt Chúa Thiên Chúa, chúng ta chỉ cần chiêm ngưỡng gương mặt Chúa Giêsu! Thánh sử Gioan không nói cho chúng ta biết thánh Phipliphê có hiểu tràn đầy câu nói của Chúa Giêsu hay không. Có điều chắc chắn là thánh nhân đã thánh hiến cuộc sống mình cho Chúa. Theo vài trình thuật sau này (Công Vụ Tông Đồ) Philiphê trước hết đi rao giảng Tin Mừng bên Hy Lạp, sau đó tại vùng Frigia và tử đạo tại Gerapoli, với cực hình bị đóng đinh hay ném đá. Chúng ta muốn kết thúc suy tư bằng cách nhắc lại mục đích cuộc sống chúng ta phải nhắm tới: Đó là gặp gỡ Chúa Giêsu như thánh Philiphê đã gặp gỡ, bằng cách tìm trông thấy Chúa Cha nơi Người. Thiếu dấn thân này, chúng ta sẽ luôn luôn bị gửi trả lại cho chúng ta như một tấm gương, và chúng ta sẽ càng luôn cô đơn hơn! Trái lại thánh Philiphê dậy cho chúng ta để cho mình được Chúa Giêsu chinh phục, ở với Người và cũng mời gọi người khác chia sẻ sự đồng hành cần thiết đó của Người”.

Sáng thứ tư 6-9 đã có gần 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Đa số là tín hữu thuộc nhiều giáo phận Italia và Đức. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các nhóm hành hương Đông Âu như Ba Lan, Liên Bang Nga, Croat, Lituani, Rumani và Cộng hòa Tchèques. Từ Phi châu có đoàn hành hương giáo xứ Chúa Chiên Lành Bothasig, tỉnh Cape Town Nam Phi. Từ Á châu có nhóm tín hữu Phật giáo Tendai Nhật Bản. Từ Úc có nhóm hành hương giáo xứ Rockhampton, Queensland. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Colombia, Chile và Brasil. Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

LTK

 
 







All the contents on this site are copyrighted ©.