2006-08-30 15:29:20

Thiên Chúa cống hiến ơn thánh cho người tội lỗi: nòng cốt của Tin Mừng Kitô.


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong trong buổi tiếp kiến hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 30-8-2006.

Trong bài huấn dụ trình bầy chân dung của thánh Mátthêu Tông Đồ ngài nói: ”Anh chị em thân mến, tiếp tục loạt bài trình bầy gương mặt của 12 Tông Đồ, hôm nay chúng ta dừng lại trên gương mặt của thánh Mátthêu. Thật ra không dễ vẽ ra gương mặt của thánh nhân, vì chúng ta có ít tin tức và vụn vặt liên quan tới người. Vì thế điều có thể làm không phải là tìm hiểu tiểu sử của thánh nhân cho bằng rút tỉa ra từ Phúc Âm chân dung của người.

Thánh Mátthêu luôn luôn hiện diện trong danh sách 12 Tông Đồ do Chúa Giêsu tuyển chọn (x. Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13). Tên gọi của người trong tiếng Do thái có nghĩa là ”ơn của Thiên Chúa”. Phúc Âm mang tên thánh nhân giới thiệu người trong danh sách các Tông Đồ với định tính đặc biệt là ”người thu thuế” (Mt 10,3). Như thế thánh nhân được nhận diện như người ngồi ở bàn thu thuế mà Chúa Giêsu đã gọi: ”Đi ngang qua đó Đức Giêsu trông thấy một người ngồi ở bàn thu thuế tên là Mátthêu và nói: ”Hãy theo Ta”. Ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mt 9,9).

Thánh sử Mạc-cô (x. Mc 2,13-17) và thánh sử Luca (Lc 5,27-30) cũng kể lại ơn gọi của người ngồi ở bàn thu thuế nhưng gọi ông là ”Levi”. Từ đó nảy sinh ra nghi vấn trong việc nhận diện tông đồ Mátthêu với ông thu thuế Levi. Nhưng Phúc Âm thứ nhất nhận diện chắc chắn vì gắn liền Mátthêu với tên gọi ”người thu thuế”.

Trước đó các Phúc Âm kể lại phép lạ Chúa Giêsu làm tại Capharnao (x. Mt 9,1-8; Mc 2,1-12) và nhấn mạnh rằng nó gần Biển Galilea, nghĩa là gần Hồ Tiberiát (x. Mc 2,13-14).

Như vậy có thể suy diễn ra rằng thánh Mátthêu làm nghề thu thuế tại Capharnao, gần biển (Mt 4,13), nơi Chúa Giêsu là khách trong nhà của thánh Phêrô.

Dựa trên các quan sát đó chúng ta có thể đưa ra vài suy tư. Thứ nhất Chúa Giêsu tiếp nhận vào trong nhóm các người thân tín của Ngài một người, mà quan niệm thông thường của người Do thái thời đó cho là một người thu thuế tội lỗi. Thật thế ông Mátthêu không chỉ là người thu tiền bạc bị coi là ô uế vì đến từ những người ngoài dân Chúa, mà cũng còn cộng tác với chính quyền ngoại bang tham lam dễ ghét, cho tự do thu thuế. Chính vì vậy các Phúc Âm đều nói đến ”bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Mt 9,10; Lc 15,1), ”bọn thu thuế và quân đĩ điếm” (Mt 21,31). Ngoài ra họ thấy nơi người thu thuế thí dụ của sự hà tiện hẹp hòi (x. Mt 5,46) và kể tên ông Giakêu như là ”quan thuế vụ giầu có” (Lc 19,2), trong khi dư luận quần chúng thì loại họ vào hàng ”trộm, cướp, bất công và ngoại tình” (Lc 18,11).

Từ đó Đức Thánh Cha rút tỉa ra suy tư đầu tiên như sau:

Chúa Giêsu không loại trừ ai khỏi tình bạn của Ngài. Trái lại, chính khi ngồi ăn trong nhà của Mátthêu Levi, Chúa Giêsu đã tuyên bố câu quan trọng sau đây để trả lời cho những kẻ coi sự việc Ngài giao du với hạng người đó là gương mù gương xấu: ”Người khoẻ mạnh không cần đến thấy thuốc, nhưng người đau yếu mới cần: tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).

Tin vui của Phúc Âm là ở chỗ Thiên Chúa cống hiến ơn thánh cho kẻ tội lỗi. Trong dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, Chúa Giêsu còn cho thấy người thu thuế vô danh như là gương mẫu của sự tin tưởng khiêm tốn nơi lòng từ bi của Thiên Chúa. Trong khi người biệt phái khoe khoang sự hoàn thiện luân lý của mình, thì ”người thu thuế không dám ngẩng mặt lên trời, mà chỉ đấm ngực và nói rằng: Lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Và Chúa Giêsu bình luận rằng: ”Tôi bảo thật: người này ra về được công chính, còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,13-14).

Như thế trong gương mặt của thánh Mátthêu các Phúc Âm đề nghị với chúng ta một sự mâu thuẫn đích thực: ai xem ra cách xa sự thánh thiện hơn có thể trở thành gương mẫu của việc tiếp đón lòng từ bi của Thiên chúa và để cho thấy các hiệu quả kỳ diệu trong cuộc sống của mình. Về điểm này thánh Gioan Kim Khẩu có đưa ra nhận xét ý nghĩa sau đây: ”Chỉ trong trình thuật vài ơn gọi người ta mới nói đến nghề nghiệp của các người liên hệ. Phêrô, Anrê, Giacôbe và Gioan được kêu gọi đang khi họ đánh cá, Mátthêu được kêu gọi trong khi hành nghề thu thuế. Đó là những công việc không có gì quan trọng, vì không có gì bấp bênh cho bằng nghề thu thuế và không có gì tầm thường hơn nghề chài lưới” (In Math. Hom., PL 57, 363). Như vậy, lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng đến với những kẻ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội, hhi họ đang làm các công việc thường ngày của mình.

Suy tư sau cùng có thể rút tỉa ra từ trình thuật Phúc Âm là thánh Mátthêu đáp trả lại ngay lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”ông đứng lên và đi theo Người”. Cái ngắn gọn của câu văn đề cao sự sẵn sàng của thánh Mátthêu trong việc đáp trả lại lời mời gọi. Đối với thánh nhân nó có nghĩa là từ bỏ mọi sự, đặc biệt là những gì bảo đảm cho việc kiếm sống chắc chắn nhưng thường khi bất công và không liêm chính. Đương nhiên là thánh nhân hiểu rằng cuộc sống thân tình với Chúa Giêsu không cho phép tiếp tục các sinh hoạt không được Thiên Chúa tán thành.

Chúng ta có thể trực giác được việc áp dụng cho cuộc sống ngày nay: đó là không thể chấp nhận sự gắn bó với những gì không phù hợp với việc theo Chúa Giêsu, như các của cải giầu sang bất chính. Có một lần Chúa đã nói rõ ràng rằng: ”Nếu con muốn trở nên trọn lành, hãy bán những gì con có đem cho người nghèo rồi đến theo Ta” (Mt 19,21). Và thánh Mátthêu đã làm điều đó. Ông đứng lên và đi theo Người. Trong việc đứng lên đó chúng ta có thể đọc thấy sự tách rời khỏi một tình trạng tội lỗi đồng thời ý thức đi theo một cuộc sống mới. Không phải vô tình mà động từ hy lạp thánh sử dùng ”anastás” cũng là động từ ở chỗ khác trong Tân Ước diễn tả sự sống lại của Chúa Giêsu.

Sau cùng, truyền thống Giáo Hội đều cho rằng thánh Mátthêu là tác giả sách Phúc Âm thứ nhất. Bắt đầu từ Papia Giám Mục Gerapoli sống bên Frigia khoảng năm 130. Đức Cha Papia viết: ”Mátthêu thu góp các lời của Chúa bằng tiếng Do thái và mỗi người giải thích các lời đó như có thể” (in Eusebio di Cesarea, HIst. eccl., III,39,16). Sử gia Eusebio còn ghi thêm: ”Mátthêu là người ban đầu đã giảng cho người Do thái, khi quyết định cũng giảng cho các dân tộc khác, đã viết Tin Mừng mà người rao giảng trong tiếng mẹ đẻ. Như thế người tìm cách thay thế bằng bút tích, cho những ai người phải xa cách, điều mà họ mất với sự ra đi của thánh nhân” (ibid., III,24,6). Chúng ta không có Phúc âm do thánh nhân biên soạn bằng tiếng Do thái hay tiếng Aramây, nhưng trong Phúc Âm bằng tiếng Hy lạp, chúng ta tiếp tục lắng nghe được, trong một cách nào đó, tiếng nói thuyết phục của nhân viên thuế vụ Matthêu, trở thành Tông đồ, là người tiếp tục loan báo cho chúng ta lòng từ bi cứu độ của Thiên Chúa.

Sáng thứ tư 30-8-2006 có hơn 8000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha tại đại thính đường Phaolo VI. Đa số các đoàn hành hương đến từ nhiều giáo phận Italia và Đức. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu có các nhóm hành hương Đông Âu Ba Lan, Croat, Sloveni, cộng hòa Tchèques. Từ Á châu có nhóm hành hương Nhật Bản. Từ châu Mỹ Latinh có đoàn hành hương Venezuela. Đến từ xa nhất là đoàn hành hương Australia.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Với các bạn trẻ các người đau yếu và cặp vợ chồng mới cuới Đức Thánh Cha nói hôm qua là lễ nhớ thánh Giona Tiền Hô tử đạo. Ước chi nó thôi thúc người trẻ trọn vẹn trung thành với Chúa Kitô, trợ giúp người đau yếu can đảm chịu đựng khổ đau và tìm thấy sự an bình và niềm ủi an trong Chúa; cũng như giúp các cặp vợ chồng mới cưới làm chứng cho tình yêu chân thành đối với Thiên Chúa với nhau và với tha nhân. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.