2006-08-24 16:49:55

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về chuyến viếng thăm Đức, hiện tình Giáo Hội và một số vấn đề quốc tế.


Ngày 5-8-2006 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã dành cho các Đài phát thanh truyền hình Bavière (Nam Đức) ARD, ZDF, Deutsche Welle và chương trình Đức ngữ Vaticăng một cuộc phỏng vấn dài tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Bài phỏng vấn đã được đài truyền hình bang Baviere truyền đi chiều Chúa Nhật 13-8-2006.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha vào tháng 9 tới đây Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Đức hay đúng hơn quê hương Bavière. Những người chuẩn bị chuyến viếng thăm nói rằng Đức Thánh Cha nhớ quê hương. Quê hương có phải là một trong các ý niệm thuộc gia tài tinh thần, mà Đức Thánh Cha sẽ đề cập tới trong chuyến viếng thăm hay không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Lý do đó là tôi muốn viếng thăm một lần nữa các nơi và các người, mà gần họ tôi đã lớn lên và đã được đào tạo, và tôi muốn cám ơn họ. Và dĩ nhiên, vì chức thừa tác của tôi, tôi cũng muốn bầy tỏ một sứ điệp vượt ngoài vùng đất quê hương của tôi nữa.

Các đề tài thì tôi để cho các bài đọc Phụng Vụ chỉ cho thấy. Đề tài chính đó là chúng ta phải tái khám phá ra Thiên Chúa, không phải bất cứ vì Thiên Chúa nào, mà Thiên Chúa với một gương mặt nhân bản, vì khi chúng ta trông thấy Chúa Giêsu Kitô là chúng ta trông thấy Thiên Chúa. Từ đó chúng ta phải tìm ra các con đường để gặp gỡ nhau trong gia đình, giữa các thế hệ, cũng như giữa các nền văn hóa và các dân tộc, và tìm ra các con đường cho sự hòa giải và chung sống hòa bình trên thế giới này, tìm ra các con đường dẫn đến tương lai. Và các con đường dẫn đến tương lai đó chúng ta sẽ không thể tìm ra, nếu không nhận được ánh sáng từ bên trên. Như thế, tôi không lựa chọn các đề tài chuyên biệt nhưng để cho các bài đọc Phụng Vụ hướng dẫn diễn tả sứ điệp nền nảng của lòng tin, lồng khung trong bối cảnh cụ thể ngày nay, trong đó trước hết chúng ta phải tìm sự cộng tác của các dân tộc và tìm ra các đường lối có thể dẫn đưa tới hòa giải và hòa bình.

Hỏi: Như là Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha có trách nhiệm đối với Giáo Hội toàn thế giới, nhưng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng sẽ lôi kéo sự chú ý trên tình hình của tín hữu Công Giáo Đức. Mọi quan sát viên đều đồng ý cho rằng bầu khí tại Đức tốt, nhưng dĩ nhiên là các vấn đề cũ vẫn còn đó, chẳng hạn như: số tín hữu sống đạo giảm sút, số người lãnh nhận bí tích Rửa Tội ngày càng ít hơn, nhất là Giáo Hội ngày càng ít ảnh hưởng trên cuộc sống xã hội. Đức Thánh Cha nhận thấy hiện tình Giáo Hội Đức như thế nào?

Đáp: Trước hết tôi sẽ nói rằng nước Đức thuộc Tây Âu, cả khi nó có đặc thái riêng; và trong thế giới Tây Âu ngày nay chúng ta đang sống một làn sóng của thuyết thiên quang luận mới và triệt để, hay quý vị muốn gọi thế nào thì gọi. Lòng tin trở thành khó khăn hơn, vì thế giới trong đó chúng ta đang sống là thế giới hoàn toàn do chúng ta làm ra, và Thiên Chúa không hiện ra một cách trực tiếp nữa. Người ta không trực tiếp uống nước từ nguồn nữa, mà uống từ bình người khác kín đầy và đưa cho chúng ta. Con người tái xây dựng cho mình một thế giới và việc tìm thấy Thiên Chúa đàng sau thế giới đó ngày càng trở thành khó khăn hơn. Đây không phải chỉ là trường hợp đặc biệt của nước Đức, mà là tình hình chung của toàn thế giới, đặc biệt tại Tây Âu.

Đàng khác Tây Âu ngày nay bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa khác, trong đó yếu tố tôn giáo nguyên thủy rất mạnh, và các nền văn hóa này kinh hoàng trước thái độ lạnh lùng của Tây Âu đối với Thiên Chúa. Sự hiện diện của sự thánh thiêng trong các nền văn hóa khác, cho dù có bị che lấp nhiều cách, cũng đánh động trở lại thế giới Tây phương, đánh động chúng ta là những người đứng ở ngã tư đường. Và từ trong sâu thẳm của con người sống bên Tây phương và tại Đức cũng luôn trào dâng lên sự đòi hỏi một ”cái gì lớn lao hơn”.

Chúng ta thấy là giới trẻ kiếm tìm một cái gì ”hơn nữa”, chúng ta thấy trong một nghĩa nào đó, hiện tượng tôn giáo trở lại, cả khi đó là một phong trào thường kiếm tìm cái vô định đi nữa. Nhưng với tất cả những điều đó Giáo Hội hiện diện trở lại, lòng tin cống hiến câu trả lời. Và tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm này, cũng như chuyến viếng thăm tại Koeln, là cơ may để cho người ta thấy rằng: tin là điều tốt đẹp, niềm vui của một cộng đoàn lớn đại đồng có sức mạnh lôi cuốn, đàng sau nó có cái gì quan trọng; và như thế cùng với các phong trào kiếm tìm mới cũng có các cánh cửa mở ra cho lòng tin, dẫn đưa chúng ta tới với nhau, và nói chung chúng cũng tích cực đối với xã hội.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, năm ngoái trong chuyến viếng thăm tại Koeln Đức Thánh Cha đã thấy giới trẻ rất sẵn sàng lắng nghe và họ đã tiếp đón Đức Thánh Cha rất hứng khởi. Trong chyuyến viếng thăm tới đây, Đức Thánh Cha có sứ điệp đặc biệt nào cho người trẻ hay không?

Đáp: Trước hết tôi xin nói rằng tôi rất sung sướng khi thấy người trẻ ngồi lại với nhau, sống với nhau trong lòng tin và muốn làm một điều tốt lành nào đó. Thái độ sẵn sàng làm việc thiện rất mạnh nơi người trẻ. Chỉ cần nghĩ đến nhiều hình thức thiện nguyện trong đó người trẻ dấn thân thì đủ biết. Dấn thân góp phần trợ giúp các người nghèo khổ cần được giúp đỡ trên thế giới này là một việc làm lớn lao. Vì thế, việc thúc đẩy đầu tiên là khuyến khích các bạn trẻ thực hiện điều này: Các bạn trẻ hãy tiến lên! Hãy tìm các dịp để làm việc thiện! Thế giới cần đến ý chí này, cần đến sự dấn thân này! Rồi có lẽ cần thêm một lời đặc biệt này nữa: đó là người trẻ hãy can đảm có các quyết định vĩnh viễn. Nơi giới trẻ có rất nhiều sự quảng đại, nhưng đứng trước nguy cơ phải dấn thân trong suốt cuộc đời, đời hôn nhân cũng như trong chức linh mục, người trẻ sợ hãi.

Thế giới chuyển động một cách thê thảm: giờ đây tôi có thể định đoạt toàn cuộc đời tôi với tất cả các biến cố tương lai không thấy trước được: nhưng với một quyết định vĩnh viễn tôi lại không tự cột buộc chính sự tự do của tôi hay sao, và tôi lại không đánh mất đi sự tự do di chuyển hay sao? Vì thế, cần thức tỉnh nơi người trẻ lòng can đảm dám có các quyết định vĩnh viễn. Thật ra, các quyết định đó là những điều duy nhất giúp trưởng thành, tiến bước, và đạt một cái gì lớn lao trong cuộc sống, các điều duy nhất không hủy hoại sự tự do, nhưng cống hiến cho nó hướng đi đúng đắn trong không gian. Dám liều lĩnh làm điều này, dám có cái nhảy vĩnh viễn này và cùng với nó tiếp nhận sự sống một cách tràn đầy là điều mà tôi sẽ sung sướng có thể thông truyền cho người trẻ.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, xin cho con có một câu hỏi liên quan tới tình hình chính trị nước ngoài. Trong các tuần qua niềm hy vọng hòa bình tại Trung Đông đã lại trở thành rất bé nhỏ mong manh. Đức Thánh Cha thấy Tòa Thánh có các khả thể nào đối với tình hình hiện nay? Đức Thánh Cha có thể có ảnh hưởng tích cực nào trên hiện tình và các tiến triển tại Trung Đông?

Đáp: Dĩ nhiên là chúng tôi không có khả năng chính trị nào, và chúng tôi cũng không muốn có quyền lực chính trị nào cả. Nhưng chúng tôi muốn kêu gọi tín hữu Kitô và tất cả mọi người trong một cách nào đó cảm thấy được Tòa Thánh mời gọi, để huy động tất cả mọi lực lượng biết thừa nhận rằng chiến tranh là giải pháp tồi tệ nhất đối với mọi người. Chiến tranh không đem lại điều gì tốt lành cho ai hết, kể cả cho những người xem ra chiến thắng.

Chúng ta biết rất rõ điều đó tại Âu châu này, theo sau hai thế chiến. Điều mà tất cả mọi người cần đến là hòa bình. Bên Libăng có một cộng đoàn Kitô mạnh mẽ, có các tín hữu Kitô giữa các người A rập, có các tín hữu Kitô bên Israel, và ước gì Kitô hữu toàn thế giới dấn thân đối với các quốc gia thân yêu này. Có các lực lượng luân lý sẵn sàng giúp hiểu biết rằng giải pháp duy nhất là chúng ta phải sống với nhau. Chúng tôi muốn huy động các lực lượng đó: các giới chức chính trị phải tìm ra các con đường để điều này có thể xảy ra mau chóng chừng nào có thể và nhất là một cách lâu bền.

Hỏi: Như là Giám muc Roma Đức Thánh Cha kế vị thánh Phêrô. Làm sao có thể tỏ lộ được chức thừa tác Phêrô một cách thích hợp ngày nay thưa Đức Thánh Cha? Và Đức Thánh Cha cảm thấy tương quan căng thẳng và sự quân bình giữa quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và giám mục đoàn như thế nào?

Đáp: Dĩ nhiên là có, và cần phải có căng thẳng và quân bình trong tương quan giữa Giáo Hoàng và giám mục đoàn. Đa diện và hiệp nhất phải luôn tìm ra tương quan hai chiều với nhau, và tương quan đó phải được lồng khung trở lại trong các tình hình thay đổi của thế giới này. Ngày nay chúng ta có một bản hòa ca mới của các nền văn hóa, trong đó Âu châu không còn là tiếng nói định đoạt duy nhất nữa, nhưng các cộng đoàn Kitô của các lục địa khác đang chiếm hữu được sức nặng riêng và mầu sắc riêng. Chúng tôi phải học biết sự hòa nhập của các yếu tố khác nhau này một cách mới mẻ luôn.

Vì thế chúng tôi đã phát triển các dụng cụ khác nhau: các cuộc viếng thăm 5 năm một lần của các Giám Mục, trước đây đã có nhưng nay được sử dụng nhiều hơn, để các Giám Mục có thể thực sự nói chuyện với các cơ quan của Tòa Thánh và cả với tôi nữa. Tôi nói chuyện với từng Giám Mục một. Tôi đã nói chuyện với hầu hết các Giám Mục Phi châu và với nhiều Giám Mục Á châu.

Giờ đây tới phiên các Giám Mục Trung Đông, Đức, Thụy Sĩ, và trong các cuộc gặp gỡ này Trung Ương và Vòng Ngoài cùng ngồi lại với nhau trong sự trao đổi thẳng thắn và tôi nghĩ rằng tương quan đúng đắn hai chiều trong cái căng thẳng quân bình này lớn lên. Chúng tôi cũng có các dụng cụ khác nữa như Thượng Hội Đồng Giám Mục, Họp Hồng Y Đoàn, mà giờ đây tôi sẽ triệu tập thường xuyên và tôi muốn phát triển thêm, trong đó có thể cùng nhau thảo luận các vấn đề thời sự và tìm các giải pháp mà không theo một chương trình nghị sự lớn.

Thật ra chúng ta biết một đàng Giáo Hoàng không phải là một ông vua tuyệt đối, nhưng đàng khác lại phải đại điện cho toàn thể trong tư thế cùng nhau lắng nghe Chúa Kitô.

Nhưng ý thức được rằng cần phải có một cơ cấu hiệp nhất, bảo đảm cho cả sự độc lập của các lực lượng chính trị, ràng các Giáo Hội Kitô không đồng hóa với quốc tịch, chính ý thức đó khiến cho cần phải có một cơ cấu cao hơn và rộng rãi hơn, tạo ra sự hiệp nhất trong việc sát nhập sinh động của tất cả, đồng thời đàng khác tiếp nhận và thăng tiến sự đa diện, đây là ý thức rất mạnh.

Do đó tôi tin rằng có sự gắn bó mật thiết thực sự với chức thừa tác Phêrô, được điễn tả ra trong ý muốn phát triển nó thêm lên, làm sao để đáp ứng được ý muốn của Chúa và các nhu cầu của thời đại ngày nay.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, tháng 9 tới đây Đức Thánh Cha lại viếng thăm nước Đức. Như là đất của Tin Lành, nước Đức đặc biệt ghi đậm dấu các tương quan giữa các Giáo Hội khác nhau. Các tương quan đại kết là một thực tại có thể cảm thấy được, nhưng chúng luôn có những khó khăn mới. Đức Thánh Cha thấy có thể cải tiến tương quan với Giáo Hội Tin Lành như thế nào, hoặc Đức Thánh Cha có thấy các khó khăn nào không?

Đáp: Có lẽ điều quan trọng cần nói trước hết là Giáo Hội Tin Lành có nhiều khác biệt. Nếu tôi không lầm thì bên Đức chúng tôi có ba cộng đoàn tin lành lớn là Luther, Cải Cách và Liên hiệp Phổ. Ngoài ra ngày nay có nhiều Giáo Hội tự do nữa, và bên trong các Giáo Hội Tin Lành cổ điển cũng có nhiều phong trào như ”Giáo Hội tuyên xưng” vv...

Như thế đó là các Giáo Hội khác nhau, mà chúng tôi phải đối thoại để tìm kiếm hiệp nhất trong sự tôn trọng các tiếng nói khác nhau và phải cộng tác với nhau. Tôi tin rằng điều đầu tiên phải làm trong xã hội ngày nay đó là chúng ta tất cả đều phải tìm diễn tả các đường nét luân lý chính yếu một cách rõ ràng và thực hành chúng, cũng như bảo đảm cho xã hội có luân lý, vì nếu không, thì không thể thực hiện được mục tiêu chính trị, là tạo công lý cho tất cả mọi người, sự chung sống tốt đẹp, và hòa bình. Trong nghĩa này, tôi tin rằng chúng ta đang ở trên nền tảng Kitô chung đứng trước các thách đố luân lý mới.

Thế rồi, dĩ nhiên là phải làm chứng cho Thiên Chúa trong thế giới này, đang gặp khó khăn trong việc tìm Chúa; khiến cho Thiên Chúa được hữu hình nơi gương mặt nhân bản của Đức Giêsu Kitô; khiến cho con người thời nay đến được với các suối nguồn đó, mà nếu không có chúng thì luân lý trở thành cằn cỗi và mất đi các điểm tham chiếu của nó; cũng như trao ban niềm vui, vì chúng ta không sống cô đơn một mình trong thế giới này. Chỉ như thế mới nảy sinh ra niềm vui trước sự cao cả của con người, không phải là sản phẩm không thành công của sự tiến hóa, mà là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta phải di chuyển trên hai bình diện đó: bình diện của các quy chiếu luân lý lớn lao, và bình diện từ bên trong cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa cụ thể. Nếu chúng ta làm điều đó, và nhất là nếu tất cả các nhóm của chúng ta không tìm sống lòng tin một cách riêng rẽ, nhưng luôn luôn sống từ các nền tảng sâu thẳm nhất của nó, thì khi đó có lẽ chúng ta sẽ mau chóng đi tới chỗ thể hiện sự hiệp nhất ra bên ngoài, nhưng chúng ta sẽ trưởng thành hướng về sự hiệp nhất bên trong, mà nếu Chúa muốn một ngày kia cũng sẽ dẫn tới sự hiệp nhất bên ngoài.

Hỏi: Cách đây một tháng, Đức Thánh Cha đã đến Valencia để tham dự Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới. Ai chú ý lắng nghe những gì Đức Thánh Cha đã nói, đều ghi nhận rằng Đức Thánh Cha đã không bao giờ dùng từ ”hôn nhân đồng phái tính”, cũng không nói tới phá thai và ngừa thai. Các quan sát viên đều cho đó là điều rất hay. Đương nhiên là Đức Thánh Cha có ý loan báo lòng tin, chứ không phải đi vòng quanh thế giới như là ”tông đồ luân lý”. Đức Thánh Cha có thể giải thích điều này không ạ?

Đáp: Dĩ nhiên là được chứ. Trước hết phải nói rằng tôi đã có hai lần, mỗi lần 20 phút để nói. Nếu một người có ít giờ như thế, thì không thể bắt đầu nói tiếng ”Không” được. Trước hết cần phải biết chúng ta thực sự muốn cái gì, có đúng không nào? Và Kitô giáo, Công giáo không phải là một mớ các cấm đoán, mà là một sự lựa chọn tích cực. Nhìn Kitô giáo một cách mới mẻ như thế là điều rất quan trọng, bởi vì ngày nay ý thức này hầu như đã biến mất. Người ta nghe nói nhiều tới điều không được phép, nhưng giờ đây cần phải nói rằng: chúng ta có một tư tưởng tích cực để đề nghị, rằng người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau, rằng bậc thang tính dục, tình yêu đam mê cảm xúc, tình yêu chia sẻ hiệp thông diễn tả các chiều kích của tình yêu và hôn nhân, trước tiên lớn lên trên con đường đó, như là cuộc gặp gỡ tràn đầy hạnh phúc và phước lành giữa người nam và người nữ. Và rồi gia đình bảo đảm cho cho sự tiếp nối giữa các thế hệ, trong đó các thế hệ giao hòa với nhau, và trong đó cả các nền văn hóa có thể gặp gỡ nhau. Như thế điều quan trọng trước hết là nhấn mạnh những gì chúng ta muốn.

Tiếp đến cũng có thể xem chúng ta không muốn điều gì. Và tôi tin rằng cần phải nhìn xem và suy tư, sự kiện người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau để cho nhân loại tiếp tục sống không phải là một phát minh của Giáo Hội Công Giáo: mọi nền văn hóa đều biết điều này. Liên quan tới phá thai thì nó không thuộc điều răn thứ sáu, mà thuộc điều răn thứ năm ”Chớ giết người!” Đây là điều chúng ta phải giả thiết như là đương nhiên và chúng ta phải luôn luôn nhấn mạnh: con người bắt đầu trong lòng mẹ và là người cho tới hơi thở cuối cùng. Con người phải luôn được tôn trọng như là người. Nhưng điều này trở thành rõ ràng hơn, nếu điều tích cực đã được trình bày trước.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trên toàn thế giới tín hữu chờ đợi từ Giáo Hội Công Giáo các câu trả lời cho các vấn đề toàn cầu cấp bách nhất như bệnh Sida và nạn nhân mãn. Tại sao Giáo Hội Công Giáo lại nhấn mạnh nhiều trên luân lý như vậy, thay vì nhấn mạnh trên việc thử tìm giải pháp cụ thể cho các vấn đề then chốt của nhân loại như bên Phi châu chẳng hạn?

Đáp: Vâng, đây mới là vấn đề: chúng tôi có thật sự nhấn mạnh trên luân lý nhiều như thế hay không? Khi nói chuyện với các Giám Mục Phi châu, càng ngày tôi càng xác tín rằng vấn đề nền tảng có tên là giáo dục và đào tạo, nếu chúng ta muốn có các bước tiến trong lãnh vực này. Tiến bộ chỉ là tiến bộ thực sự, nếu nó phục vụ con người, và nếu chính con người lớn lên, thì không phải chỉ có quyền lực kỹ thuật của nó lớn lên, mà cả khả năng luân lý của nó cũng lớn lên nữa. Và tôi tin rằng vấn đề đích thật của tình hình lịch sử của chúng ta là sự quân bình giữa sự lớn lên nhanh chóng không tin được của quyền lực kỹ thuật và sự lớn lên của khả năng luân lý, là khả năng không lớn lên một cách đồng đều với kỹ thuật. Vì thế việc đào tạo con người là đơn thuốc đích thật, và tôi dám mói là chìa khóa của tất cả, và đó cũng là con đường của chúng ta.

Nói một cách vắn gọn, việc đào tạo này có hai chiều kích. Trước hết dĩ nhiên là chúng ta phải học hỏi, chiếm hữu được sự hiểu biết, được khả năng, biết cách làm sao.

Trong chiều hướng này thì Âu châu, và trong các thập niên qua, Mỹ châu đã tiến rất nhiều và đó là điều quan trọng. Nhưng chỉ phổ biến cái làm sao thôi, nếu chỉ dậy như dậy chế tạo và sử dụng máy móc thế nào, sử dụng các phương thức ngừa thai như thế nào, thì khi đó không nên lấy làm lạ là cuối cùng, tại sao chúng ta lại đứng trước các cuộc chiến và các bệnh dịch Sida.

Bởi vì chúng ta cần cả hai chiều kích: cần phải đào tạo trái tim con người, nếu có thể nói được như vậy, qua đó con người chiếm hữu được các điểm tham chiếu và tập sử dụng kỹ thuật của mình một cách đúng đắn. Và đó là điều mà chúng tôi tìm cách thực hiện. Trong toàn Phi châu và tại nhiều nước Á châu chúng tôi có cả một mạng lưới các trường học mọi cấp, nơi trước hết có thể học hiểu, chiếm hữu sự hiểu biết đích thật, khả năng chuyên môn, và nhờ đó đạt được sự độc lập và tự do. Nhưng trong các trường này chúng tôi không chỉ tìm cách thông truyền cái biết làm thế nào, mà cũng đào tạo con người nhân bản nữa, con người mà chúng tôi muốn hòa giải, mà chúng tôi biết rằng phải xây dựng chứ không tàn phá, và chúng tôi có những điểm tham chiếu cần thiết giúp con người biết chung sống với nhau.

 Trong phần lớn đại lục Phi châu các tương quan giữa tín hữu Hồi và tín hữu Kitô rất gương mẫu. Các Giám Mục đã thành lập các ủy ban hỗn hợp Kitô hồi giáo, để xem có thể tạo ra hòa bình trong những tình trạng xung khắc như thế nào. Và mạng lưới các trường học, dậy nghề và đào tạo nhân bản rất quan trọng, được bổ túc bởi một mạng lưới các nhà thương và trung tâm cứu trợ có thể tới đều khắp với các làng mạc xa xôi nhất. Và tại nhiều nơi, cả sau những tàn phá của chiến tranh, Giáo Hội là lực lượng duy nhất còn nguyên vẹn. Đây là một thực tại. Và ở nơi nào có chữa trị, thì cũng có việc săn sóc bệnh Sida và cống hiến giáo dục, trợ giúp thiết lập các tương quan đúng đắn với tha nhân. Vì thế tôi tin rằng chúng ta phải sửa sai hình ảnh, theo đó Giáo Hội chỉ gieo vãi chung quanh mình các cấm đoán cứng nhắc. Chính bên Phi châu Giáo Hội hoạt động rất nhiều để cho các chiều kích khác nhau của việc đào tạo bao gồm và hiện thực cả việc vượt thắng bạo lực và các bệch dịch, kể cả bệnh sốt rét rừng và lao phổi nữa.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Kitô giáo đã được phố biến khắp nơi trên thế giới bắt đầu từ Âu châu. Giờ đây nhiều người nghĩ rằng tương lai của Giáo Hội là nơi các đại lục khác. Có đúng thế không? Hay nói cách khác, tại Âu châu nơi Kitô giáo xem ra bị giản lược vào chiều kích cá nhân riêng tư, Kitô giáo có tương lai nào không?

Đáp: Trước hết tôi xin đưa ra vài điểm phân biệt tế nhị. Thật ra như chúng ta biết, Kitô giáo phát xuất từ Cận Đông. Và trong thời gian lâu nó phát triển bên vùng Cận Đông, và được phổ biến tại Á châu hơn điều ngày nay chúng ta tưởng nghĩ rất nhiều sau các thay đổi do Hồi giáo gây ra. Đàng khác, chính lý do này đã khiến cho trục của Kitô giáo di chuyển một cách rõ ràng sang Tây phương và Âu châu, và Âu châu - chúng ta hãnh diện và vui mừng nói lên điều này - đã phát triển Kitô giáo trong các chiều kích trí thức cũng như văn hóa lớn lao. Nhưng tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải nhớ tới các Kitô hữu Đông phương, vì họ đã luôn luôn là một thiểu số trong tương quan phong phú với bối cảnh chung quanh, nhưng giờ đây họ có nguy cơ phải di cư. Và cái nguy hiểm lớn đó là các nơi nguồn gốc của Kitô giáo không có các Kitô hữu nữa. Tôi nghĩ là chúng ta phải trợ giúp các anh chị em này nhiều để họ có thể ở lại.

Trở lại với câu hỏi của qúy vị, Chắc chắn là Âu châu đã trở thành trung tâm của Kitô giáo và phong trào truyền giáo. Ngày nay các đại lục khác, các nền văn hóa khác cũng bước vào ý niệm của lịch sử thế giới với sức năng đồng đều như Âu châu. Như thế là gia tăng số tiếng nói của Giáo Hội, và đây là điều thiện hảo. Thật là điều tốt có thể diễn tả các tâm tính khác nhau, các ơn khác nhau của Phi châu, Á châu và châu Mỹ, đặc biệt là châu Mỹ Latinh. Tất cả dĩ nhiên đã không chỉ được đánh động bởi lời của Kitô giáo, mà cũng bị đánh động bởi sứ điệp ngàn đời của thế giới Âu châu là thế giới đã đem tới cho các đại lục khác bằng chứng bùng nổ, mà chính chúng tôi đã nhận chịu trong chính mình.

Tất cả các Giám Mục của các phần đất khác trên thế giới nói với chúng tôi rằng: chúng tôi vẫn còn cần đến Âu châu, cả khi Âu châu chỉ là một phần của một toàn thể lớn hơn. Giờ đây chúng tôi vẫn còn mang trách nhiệm, đến từ các kinh nghiệm của chúng tôi, từ khoa thần học đã phát triển nơi đây, từ kinh nghiệm Phụng Vụ của chúng tôi, từ các truyền thống của chúng tôi, kể cả các kinh nghiệm đại kết mà chúng tôi đã có được: tất cả những điều đó rất quan trọng đối với các đại lục khác. Vì thế ngày nay chúng tôi cần không đầu hàng, không co cụm lại với nhau và nói: ”Này, chúng ta chỉ là một thiểu số, ít nhất hãy tìm duy trì con số bé nhỏ này”. Nhưng chúng tôi phải duy trì sống động sức sinh động, mở ra các tương quan trao đổi, làm sao để chúng ta cũng nhận được các sức mạnh mới.

Hiện nay bên Âu châu cũng có các linh mục Ấn độ và Phi châu, kể cả Canada là nơi nhiều linh mục Phi châu làm việc một cách rất hay. Nghĩa là cho đi và nhận lại. Nhưng nếu trong tương lai chúng ta có nhận đựơc nhiều hơn, thì chúng ta cũng phải tiếp tục cho đi với lòng can đảm và một sức sinh động lớn hơn.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong các quyết định quan trọng liên quan tới chính trị và khoa học, các xã hội tân tiến không hướng tới các giá trị Kitô, và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Giáo Hội chỉ được coi như là một tiếng nói cảnh cáo hay ngăn chặn thôi. Giáo Hội lại không phải ra khỏi lập trường thế thủ này để có thái độ tích cực hơn liên quan tới tương lai và việc xây dựng hay sao, thưa Đức Thánh Cha?

Đáp: Trong mọi trường hợp chúng tôi có bổn phận nêu bật điều chúng tôi muốn là tích cực. Và điều này chúng tôi phải làm trước hết trong cuộc đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo, bởi vì lục địa Phi châu, linh hồn Phi châu và cả linh hồn Á châu nữa, cảm thấy kinh hoàng trước thái độ thờ ơ của lý trí Tây Âu. Cần cho họ thấy là bên Tây Âu không chỉ có vậy thôi. Và thế giới duy đời của chúng ta cũng phải ý thức rằng lòng tin Kitô không phải là một ngăn cản, nhưng là cây cầu cho cuộc đối thoại với các thế giới khác. Nghĩ rằng nền văn hóa thuần túy lý trí, nhờ sự khoan nhượng của nó, nên dễ tiến tới với các tôn giáo khác hơn, là điều không đúng. Vì nó thiếu ”cơ quan tôn giáo” là điểm móc nối, qua đó các người khác có thể bước vào trong liên hệ.

Vì vậy chúng ta phải và có thể cho thấy đối với tính cách liên tôn giáo mới mẻ, trong đó chúng ta sống, lý tính thuần túy tách rời khỏi Thiên Chúa không đủ, mà cần một lý tính rộng rãi hơn, giúp trông thấy Thiên Chúa hòa hợp với lý trí, và ý thức rằng lòng tin Kitô đã phát triển bên Âu châu cũng là một phương thế giúp lý trí và văn hóa đồng quy và để hòa nhập chúng với hành động trong một quan điểm thống nhất và rộng rãi. Trong nghĩa này tôi tin rằng chúng ta có một bổn phận lớn: đó là cho thấy rằng Lời mà chúng ta có, không thuộc các đồ cũ kỹ của lịch sử, mà cần thiết cho chính ngày nay.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, chúng con xin trở lại với các chuyến công du của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha sống trong nội thành Vaticăng, có lẽ Đức Thánh Cha cũng cảm thấy khó khăn, khi phải sống xa cách dân chúng và thế giới như vậy, ngay cả trong môi trường rất đẹp này của Castel Gandolfo. Nhưng mà chẳng bao lâu nữa Đức Thánh Cha đã 80 tuổi. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng, với ơn Chúa giúp, Đức Thánh Cha có thể làm vài chuyến viếng thăm mục vụ nữa hay không? Đức Thánh Cha có muốn viếng thăm các nơi nào nữa: Thánh Địa, Brasil?

Đáp: Nói thật ra thì tôi không cô đơn đâu. Dĩ nhiên là có các bức tường bao quanh khiến cho việc vào Vaticăng trở thành khó khăn, nhưng có một ”gia đình giáo hoàng”. Mỗi ngày có nhiều cuộc viếng thăm, đặc biệt khi tôi ở Roma.

Có các Giám Mục đến viếng thăm tôi, rồi có nhiều người khác, khách của các quốc gia, các nhân vật muốn nói chuyện riêng tư với tôi, chứ không phải chỉ nói về các vấn đề chính trị mà thôi. Trong nghĩa này có nhiều cuộc gặp gỡ mà tôi cám ơn Chúa đã thường xuyên ban cho tôi. Cũng là điều quan trọng khi tòa của người kế vị thánh Phêrô là nơi gặp gỡ, có đúng thế không? Từ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trở đi, thì qủa lắc cũng di chuyển sang hướng khác: chính các vị Giáo Hoàng bắt đầu các chuyến viếng thăm.

Tôi phải nói rằng tôi không khỏe mạnh lắm để dự trù nhiều chuyến viếng thăm lớn, nhưng ở đâu các chuyến viếng thăm này cho phép đưa ra một sứ điệp, ở đâu các chuyến viếng thăm đáp trả lại một ước mong thực sự, thì tôi muốn đến những nơi ấy, với ”mức độ” có thể đối với tôi. Một vài chuyến viếng thăm đã được thấy trước: năm tới tại Brasil có cuộc gặp gỡ của Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu Latinh CELAM, và tôi nghĩ rằng hiện diện tại đó là điều quan trọng trong bối cảnh, mà miền nam Mỹ châu đang sống một cách sâu đậm hiện nay, để củng cố niềm hy vọng sống động trong vùng này. Thế rồi tôi cũng ước ao viếng thăm Thánh Địa nữa, và tôi hy vọng có thể viếng thăm Thánh Địa trong ”thời hòa bình”. Còn lại chúng ta sẽ xem Chúa Quan Phòng dành cho tôi điều gì.

Hỏi: Xin phép Đức Thánh Cha cho con được nài nỉ thêm. Các tín hữu Áo cũng nói tiếng Đức, và họ chờ đợi Đức Thánh Cha tại đền thánh Đức Bà Mariazell có phải vậy không?

Đáp: Vâng, chuyến viếng thăm đã được thỏa thuận rồi. Tôi đã hứa một cách đơn sơ, một cách bất cẩn. Đó là nơi tôi rất thích đến độ tội đã nói: Vâng tôi sẽ trở lại với Mẹ của nước Áo. Và điều này lập tức trở thành một lời hứa, mà tôi sẽ giữ, và tôi sẵn sàng giữ lời hứa đó.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con rất khâm phục Đức Thánh Cha trong các buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần với 50.000 tín hữu và du khách hành hương. Chắc là mệt lắm! Làm thế nào mà Đức Thánh Cha chịu đựng được như vậy?

Đáp: Vâng, Chúa Nhân Lành ban cho tôi sức mạnh cần thiết. Và khi tôi trông thấy sự tiếp đón thân ái như thế, thì dĩ nhiên là tôi cũng được khích lệ.

Hỏi: Đức Thánh Cha vừa mới nói là đã bất cẩn đưa ra lời hứa. Điều này có nghĩa là mặc dù chức thừa tác với rất nhiều nghi thức bó buộc, Đức Thánh Cha không đánh mất đi tính tự nhiên của mình?

Đáp: Dầu sao đi nữa thì tôi cũng thử duy trì sự bộc phát, vì cho dù mọi chuyện có được xác định, tôi cũng muốn duy trì và thực hiện một điều gì đó hoàn toàn cá nhân.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, chị em phụ nữ hoạt động rất năng nổ trong nhiều trách vụ của Giáo Hội Công giáo. Như thế phần đóng góp của họ lại không phải được tỏ lộ rõ ràng hơn, và họ lại không được có các nhiệm vụ cao hơn trong Giáo Hội hay sao, thưa Đức Thánh Cha?

Đáp: Dĩ nhiên đây là vấn đề được suy tư nhiều. Như qúy vị biết, chúng tôi cho rằng lòng tin của chúng ta, việc thành lập đoàn Mười Hai Tông Đồ, bắt buộc chúng tôi và không cho phép truyền chức linh mục cho phụ nữ. Nhưng cũng không cần phải nghĩ rằng trong Giáo Hội khả thể duy nhất có được một vai trò nào đó phải là linh mục. Trong lịch sử Giáo Hội có rất nhiều bổn phận và nhiệm vụ. Bắt đầu bằng các chị em của các Giáo Phụ, để tới thời trung cổ, khi có các phụ nữ quan trọng có vai trò định đoạt, và cho tới thời nay.

Chúng ta hãy nghĩ tới thánh nữ Hildegarde thành Bingen, là người đã mạnh mẽ phản đối các Giám Mục và Đức Giáo Hoàng; thánh nữ Catarina thành Siena và thánh nữ Brigitta Thụy Điển. Như thế cả trong thời tân tiến ngày nay nữa phụ nữ cũng phải, và chúng ta cùng với họ, tìm ra chỗ đứng đúng đắn của mình.

Ngày nay nữ giới cũng hiện diện trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Nhưng có một vấn đề pháp lý: đó là vấn đề giáo luật, nghĩa là theo Giáo Luật quyền có các quyết định có hiệu lực trên bình diện luật pháp lại gắn liền với Chức Thánh. Như vậy từ quan điểm này có các giới hạn, mà tôi tin rằng chính chị em phụ nữ với lòng hăng say và sức mạnh của họ, với tính cách cao vượt của họ, với điều mà tôi định nghĩa là ”quyền lực tinh thần” của họ, họ sẽ biết tìm ra không gian của mình. Và chúng tôi phải lắng nghe Chúa, để không cản trở điều đó, mà cả chúng tôi nữa cũng vui sướng thấy yếu tố nữ giới có chỗ đứng tràn đầy hữu hiệu trong Giáo Hội, chỗ đứng thích hợp với họ, bắt đầu với Mẹ Maria và thánh nữ Maria Madalena.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong thời gian gần đây người ta lại nói tới sức quyến rũ mới của Giáo Hội Công Giáo. Như vậy đâu là sức sống và khả năng của cơ cấu vốn rất cổ xưa này này trong tương lai?

Đáp: Theo tôi, toàn triều đại của Đức Gioan Phaolô II đã lôi kéo sự chú ý của con người và nối kết họ với nhau. Điều đã xảy ra dịp người qua đời là một cái gì hoàn toàn đặc biệt trong lịch sử: làm sao hàng trăm ngàn người tuốn về quảng trường thánh Phêrô trong trật tự, đứng hàng giờ, đáng lý ra thì phải qụy rồi, thế mà họ vẫn chịu được được vì được huy động bởi một sự thúc đẩy bên trong. Và chúng ta đã sống lại quang cảnh đó trong ngày lễ khai mạc chức vụ chủ chăn của tôi, rồi ở Koeln cũng thế. Thật là hay đẹp khi kinh nghiệm cộng đoàn cũng đồng thời trở thành kinh nghiệm lòng tin.

Và người ta có kinh nghiệm lòng tin không phải ở bất cứ đâu, nhưng kinh nghiệm này trở thành sống động và trao ban cho đạo Công Giáo cường độ ánh sáng tại các nơi cử hành lòng tin. Dĩ nhiên kinh nghiệm đó cũng phải kéo dài ra trong cuộc sống thường ngày nữa. Cả hai điều phải đi đôi với nhau.

Một đàng là các lúc quan trọng, trong đó chúng ta sống kinh nghiệm xinh đẹp là mình đang ở đây, là Chúa hiện diện và chúng ta làm thành một cộng đoàn lớn được hòa giải vượt mọi ranh giới. Nhưng cũng cần kín múc từ đó niềm hăng say để có thể cầm cự trong các chuyến hành hương mệt nhọc của cuộc sống thường ngày, sống từ những điểm quy chiếu rạng ngời đó, hướng về chúng, và cũng biết mời gọi người khác tháp nhập vào cộng đoàn đang tiến bước.

Tôi cũng muốn nhân dịp này nói rằng: tôi cảm thấy xấu hổ về tất cả những gì đang được chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tôi, về tất cả những gì người ta đang làm. Nhà của tôi đã được sơn quét lại, một trường chuyên nghiệp đã làm hàng rào chung quanh. Giáo sư theo tin lành ở bên cạnh cũng đã cộng tác để làm việc này. Tôi thấy tất cả đều phi thường, tôi không muốn nói về tôi, mà tôi thấy đó như là dấu chỉ của một ý chí thuộc về một cộng đoàn trong lòng tin và phục vụ nhau. Chứng minh tình liên đới và để cho Chúa linh ứng cho chúng ta đó là điều khiến tôi cảm động và vì thế tôi xin hết lòng cảm ơn.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nói tới kinh nghiệm cộng đoàn. Giờ đây Đức Thánh Cha trở lại Đức lần thứ hai sau khi được bầu làm Giáo Hoàng. Với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, và có lẽ đàng khác với giải túc cầu thế giới, bầu khí chắc chắn là đã thay đổi. Người ta có cảm tưởng là người dân Đức cởi mở hơn đối với thế giới, khoan nhượng hơn và tươi vui hơn. Đức Thánh Cha còn ước mong gì nữa nơi người dân Đức?

Đáp: Dĩ nhiên là với thế chiến thứ II kết thúc, đã có một sự thay đổi bên trong xã hội đức, kể cả tâm thức đã được củng cố bởi việc thống nhất đất nước. Chúng tôi hòa nhập một cách sâu đậm hơn trong cộng đoàn quốc tế và dĩ nhiên là chúng tôi cũng được tâm thức quốc tế biến đổi. Và như thế các khía cạnh của cá tính đức, mà trước đây người ta không biết tới, cũng được đưa ra ánh sáng. Và có lẽ chúng tôi đã được vẽ ra một cách quá đáng như những người luôn luôn có kỷ luật và dè dặt, đây là điều cũng có nền tảng. Nhưng giờ đây người ta cũng thấy rõ hơn điều, mà tất cả mọi người đang thấy và tôi thấy đó là điều rất đẹp: đó là người Đức không chỉ dè dặt, đúng giờ và kỷ luật mà họ cũng tự phát, tươi vui và hiếu khách nữa. Đây là điều rất đẹp. Và tôi cầu chúc cho các đức tính đó lớn mạnh hơn nữa và cũng nhận được từ lòng tin Kitô sự hăng say và lâu bền.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Vị Tiền Nhiệm của Đức Thánh Cha đã phong chân phước và phong thánh cho nhiều Kitô hữu. Có người cho là nhiều quá. Các vụ phong chân phước và phong thánh đem lại cho Giáo Hội điều gì mới mẻ, chỉ khi nào các vị được tôn phong được coi như là mẫu gương đích thật. So với các nước khác, nước Đức tương đối sản suất ít chân phước và ít thánh. Có thể làm được gì để chiều kích mục vụ này phát triển và để cho nhu cầu phong chân phước và phong thánh trao ban hoa trái mục vụ đích thật không?

Đáp: Ban đầu tôi cũng có ý nghĩ là con số lớn các vụ phong chân phước như là đè bẹp chúng ta và có lẽ cần tuyển chọn hơn: chọn những gương mặt đi sâu hơn vào trong lương tâm chúng ta. Trong khi chờ đợi, tôi đã phân tỏa các lễ phong chân phước, để cho gương mặt các chân phước hiển nhiên hơn tại địa phương nơi các vị đã sinh sống. Có lẽ một vị thánh nước Guatemala không lôi cuốn tín hữu Đức lắm và ngược lại, một vị thánh vùng Altoeting không lôi cuốn tín hữu Los Angeles vv... có đúng thế không?

Ngoài ra tôi tin rằng việc phân tán về địa phương phù hợp với tính cách Giám Mục đoàn, với các cơ cấu đoàn thể, và là điều thích hợp để nêu bật rằng các nước khác nhau có các gương mặt riêng đặc biệt hữu hiệu và ảnh hưởng trong quê hương của các vị. Tôi cũng đã nhận thấy rằng các lễ phong chân phước tại những nơi khác nhau đánh động nhiều người hơn và người ta có thể nói: ”Sau cùng, đây là một người trong chúng ta”, để họ đến với vị thánh ấy và được linh hứng. Vị chân phước thuộc về họ, và chúng tôi hài lòng khi có nhiều vị thánh như vậy. Rồi từ từ với sự phát triển của xã hội toàn cầu, chúng ta biết các vị hơn, thì là điều tốt đẹp thôi. Nhưng trước hết điều quan trọng là cả trong lãnh vực này nữa cũng có sự đa diện và vì thế điều quan trọng đối với chúng tôi bên Đức là phải học biết các gương mặt các thánh của Đức và vui mừng.

Bên cạnh các vị đó còn có việc phong thánh các gương mặt lớn hơn, có tầm quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội. Các Hội Đồng Giám Mục riêng rẽ phải lựa chọn và xem xét để biết điều gì thích hợp và thật sự nói lên được điều gì đó với tín hữu giáo hội địa phương, và phải làm cho các gương mặt đó hiển hiện, không quá nhiều, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm. Các Hội Đồng Giám Mục có thể làm điều đó qua giáo lý, việc giảng dậy, và có lẽ bằng cách trình bầy với một cuốn phim nữa. Tôi có thể tưởng tượng ra nhiều phim rất hay đẹp. Dĩ nhiên tôi chỉ biết các Giáo Phụ, chẳng hạn một phim về thánh Agostino, một phim về thánh Gregorio Nazianzo vì gương mặt rất đặc biệt của người, một người liên lỉ trốn chạy các trách nhiệm ngày càng lớn được gia phó cho người vv...Cần phải nghiên cứu để thấy rằng không chỉ luôn luôn có các tình trạng xấu xa chung quanh chúng ta như được biết qua bao nhiêu phim ảnh trình chiếu, nhưng cũng có những gương mặt tuyệt vời của lịch sử, không nhàm chán chút nào, mà lại rất thời sự. Tóm lại không tìm chồng chất lên tín hữu quá nhiều gương mặt các thánh, nhưng làm cho nhiều người thấy các gương mặt thời sự và linh hứng.

Hỏi: Nghĩa là lịch sử trong đó cũng có hài hước nữa? Hồi năm 1989 tại Muechen Đức Thánh Cha đã được giải thưởng Karl Valentin Orden. Hài hước và sự nhẹ nhàng có vai trò nào trong cuộc sống của một Giáo Hoàng, thưa Đức Thánh Cha?

Đáp: Tôi không phải là một người liên tục có các chuyện vui trong trí. Nhưng biết nhìn khía cạnh vui cười của cuộc sống và chiều kích tươi vui của nó và đừng coi mọi chuyện một cách thê thảm, tôi thấy đó là điều rất quan trọng và tôi dám nói rằng nó cần thiết cho thừa tác vụ của tôi. Có một nhà văn nào đó đã nói rằng các thiên thần có thể bay vì các vị không coi mình quá quan trọng. Có lẽ chúng ta cũng có thể bay hơn một chút, nếu chúng ta không cho mình quan trọng qúa.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha khi có một nhiệm vụ quan trọng như Đức Thánh Cha thì dĩ nhiên là cũng bị quan sát rất nhiều. Người khác nói về Đức Thánh Cha. Và khi đọc, con ngạc nhiên thấy nhiều quan sát viên nói rằng Đức Giáo Hoàng Biển Đức là một nhân vật khác với Đức Hồng Y Ratzinger. Đức Thánh Cha thấy mình như thế nào?

Đáp: Tôi đã bị phân cắt nhiều lần rồi: khi là giáo sư thời gian ban đầu và thời gian chuyển tiếp, khi bắt đầu là Hồng Y và sau đó. Giờ đây có thêm một một sự phân chia nữa. Dĩ nhiên là các hoàn cảnh, tình trạng và con người ảnh hưởng, vì có các trách nhiệm khác nhau. Nhưng con người nền tảng và cả quan niệm nền tảng của tôi lớn lên, nhưng tất cả những gì nòng cốt đều y nguyên như thế, và tôi vui mừng thấy các khía cạnh trước kia không được ghi nhận, giờ đây cũng được nêu rõ.

Hỏi: Như vậy có thể nói rằng Đức Thánh Cha thích nhiệm vụ Giáo Hoàng và nó không là một gánh nặng đối với Đức Thánh Cha?

Đáp: Nói như thế là hơi qúa, vì thực ra nhiệm vụ đó rất mệt nhọc, nhưng trong mọi trường hợp tôi cố tìm ra niềm vui cả ở đây nữa.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.