2006-07-18 11:55:07

LINH MỤC TUYÊN ÚY TÙ NHÂN


Vừa chịu chức Linh Mục xong, tôi chuẩn bị hành trang để thi hành chức vụ nơi họ đạo. Lúc đó, tôi đã tự nguyện để ý chăm sóc cách riêng người nghèo và bị bỏ rơi. Nhưng tôi không hề nghĩ đến chuyện làm Tuyên Úy cho các tù nhân. Cho đến một ngày, hai cuộc gặp gỡ đau thương đã chuyển hướng cuộc đời tôi.

Cuộc gặp gỡ thứ nhất xảy ra với hai vợ chồng nghiện ma túy và bị bệnh Sida. Khi ông chồng bị giam, tôi thường viếng thăm an ủi ông. Trong số những lần ấy, có lần tôi đến để báo cho ông biết cái chết của vợ hiền. Nhưng nghiện ma túy như ông, hung tin vợ qua đời không gây xúc động bao nhiêu!

Tiếp đến - trong xứ đạo - có một giáo dân bị giam vì tội cưỡng hiếp người khác .. Tôi hơi e ngại khi gặp người vợ và hỏi bà có bằng lòng cho tôi đi thăm chồng bà không. Bà đồng ý. Tôi đi thăm ông và từ đó chúng tôi trở thành bạn hữu. Sau đó, có lần ông nói với tôi:

- Nếu hôm nay Cha trở thành Linh Mục Tuyên Úy nhà tù, hẳn là vì con đó!

Năm 1983, khi Cha Tuyên Úy nhà tù chính của thành phố Caen (Bắc Pháp) rời nhiệm vụ, tôi xin Đức Giám Mục chỉ định tôi vào chức vụ đó. Ngài chấp thuận. Nghe tin tôi trở thành Tuyên Úy nhà tù, có người phản ứng:

- Cha Sở chọn đứng về phía tù nhân!

Có người lại chỉ trích:

- Thật là uổng phí khi dành riêng một Linh Mục trẻ để chăm sóc cho vỏn vẹn vài trăm người!

Tôi chỉ mĩm cười đáp:

- Đây là một kiểu xa-xỉ của Phúc Âm!

Mỗi lần bước chân vào nhà tù tôi đến thăm trước tiên các tù nhân đau ốm và những người biết ”nhiều sự”. Chính họ mách cho tôi biết phải viếng thăm ai. Chẳng hạn họ nói ngay:

- Xin Cha đến thăm ông A. hoặc anh B .. Anh C. mới tự tử hụt đó Cha à!

Thời gian dành cho việc cử hành Thánh Lễ trong nhà tù là thời gian đặc biệt và thay đổi tùy theo tâm tình của mỗi tù nhân. Một tù nhân Marseille (Nam Pháp) nói với tôi:

- Con thích đi lễ vì trong Thánh Lễ, chúng ta hát Thánh Ca. Đối với con là dân Marseille thì vấn đề hát rất quan trọng. Nhưng nếu con hát một mình trong phòng giam thì các tù nhân khác sẽ bảo ”thằng này khùng”!

Trong khi đó, một tù nhân nói với tôi:

- Thưa Cha con thích đi lễ bởi vì nơi nhà nguyện, con tìm thấy sự thinh lặng. Thánh Lễ và nhà nguyện là thời gian và nơi chốn duy nhất con tìm gặp được thinh lặng đích thực.

Chúng tôi cũng tổ chức những buổi gặp gỡ chia sẻ Lời Chúa hàng tuần. Có tù nhân trước kia không bao giờ đi nhà thờ, giờ đây họ dành thời giờ để suy tư, cầu nguyện, bàn thảo, chia sẻ Lời Chúa và kinh nghiệm cuộc sống.

Nhà tù Caen là trung tâm tiếp nhận các tù nhân đến từ khắp nơi trong nước Pháp. Tôi thường tiếp gia đình tù nhân nơi văn phòng Tuyên Úy trước khi họ đi thăm thân nhân. Tuy nhiên, có gia đình tránh cuộc tiếp xúc với Cha Tuyên Úy. Có lẽ họ không muốn bị khám phá ra là gia đình của phạm nhân. Trái lại, có gia đình muốn gặp Cha Tuyên Úy trước, bởi vì như thế, họ tìm thấy an ủi và có thể bày tỏ nỗi đau khổ với vị Linh Mục.

Thường thì các tù nhân thuộc phái nam và là giới trẻ, trung bình ở lứa tuổi 25. Người vợ hoặc người yêu của một tù nhân trẻ bị kết án 15 năm tù, hẳn đau đớn tự hỏi:

- Liệu mình có đủ can đảm và trung tín đợi chờ trong một thời gian dài như thế không?

Do đó, tôi cố gắng tạo và giữ mối liên lạc với gia đình các tù nhân. Ngoài ra, các nhóm thiện nguyện Secours Catholique cũng giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ gia đình các tù nhân. Nhiều người tự lái xe để chở thân nhân các tù nhân nghèo và đưa đến nhà tù trong các ngày được phép thăm viếng .. Cử chỉ ưu ái này thật nâng đỡ tinh thần các gia đình bị thử thách vì có chồng con bị tù. Chúng ta nhớ lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ phán:

- Hỡi những kẻ Cha Thầy chúc phúc, hãy đến thừa hưng Vương Quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thưở tạo thiên lập địa .. Vì xưa Thầy ngồi tù, các con đã đến viếng thăm (Mt 25,34+36).

(Chứng từ của Cha Jacques Thierry).

(”Annales d'Issoudun”, Septembre/1996, trang 265-268).

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.