2006-07-05 18:28:39

BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG CUỐI CÙNG CỦA ĐTC TRƯỚC KHI ĐI HÈ


VATICAN. Sáng thứ tư 5-7-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến chung 25 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đây buổi tiếp kiến chung cuối cùng của ĐTC trước khi ngài đi nghỉ hè tại miền núi Val d'Aosta bắc Italia từ ngày 11 đến 28-7-2006. Trong ba thứ tư sắp tới, sẽ không có buổi tiếp kiến chung.

Các tín hữu đã can đảm ở dưới mặt trời nóng bức, hơn 35 độ C. Trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô, phía sau mái che nhỏ dành cho ĐTC là hàng chục vị GM. Hai bên là những người được vé đặc biệt, nhất là các đôi vợ chồng mới cưới và người tàn tật.

VAI TRÒ CỦA THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ

Trong bài huấn dụ sau phần tôn vinh Lời Chúa bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ĐTC đã tiếp tục nói về đoàn Tông Đồ, đặc biệt là vai trò của thánh Gioan:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta dành buổi tiếp kiến hôm nay để nhớ tới một thành phần khác rất quan trọng trong đoàn Tông Đồ, đó là Gioan, con của ông Zebedeo và anh của Giacôbê. Tên của thánh nhân, thực là tên tiêu biểu của Do thái, có nghĩa là ”Chúa đã ban ơn”. Gioan đang vá lưới bên bờ hồ Tiberiade, thì được Chúa Giêsu gọi cùng với em (cf Mt 4,21; Mc 1,19). Gioan luôn thuộc vào số nhóm nhỏ các tông đồ được Chúa Giêsu mang theo mình trong một số trường hợp. Gioan cùng với Phêrô và Giacôbe, khi Chúa Giêsu bước vào nhà của Phêrô ở Cafarnaum để chữa lành bà nhạc của Phêrô (cf Mt 1,29); cùng với 2 tông đồ khác, Gioan đã theo thầy vào nhà ông Giairo, trưởng Hội đường, có người con gái nhỏ được Chúa cho sống lại (cf Mc 5,37); Gioan cũng theo Chúa lên núi, nơi ngài hiển dung (cf Mc 9,2); và ở cạnh Chúa trên Núi Cây Dầu, tại đây, đứng trước sự hùng vĩ của Đền thờ Jerusalem, Chúa đã nói về sự tàn phá thành thánh và tận thế (cf 13,3); và sau cùng, Gioan ở cạnh Chúa trong vườn Giệtsimani, khi Người lui riêng ra một nơi để cầu nguyện cùng Chúa Cha trước khi chịu khổ nạn (cf 14,33). Ít lâu trước Lễ Vượt Qua, khi Chúa Giêsu chọn hai môn đệ để sai các ông đi dọn phòng Tiệc Ly, Chúa đã ủy thác công tác đó cho Gioan và Phêrô (cf Lc 22,8).

Vị thế nổi bật của Gioan trong nhóm 12 Tông Đồ làm cho chúng ta dễ hiểu sáng kiến của Mẹ thánh nhân: một hôm bà lại gần Chúa Giêsu để xin ngài cho hai người con, là Gioan và Giacôbê, được ngồi bên tả và bên hữu của Chúa trong Vương quốc của ngài (cf Mt 20,20-21). Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu trả lời bằng câu hỏi: liêu hai người ấy có sẵn sàng uống chén mà ngài sắp uống hay không (cf Mt 20,22). Chủ ý đằng sau những lời ấy là để mở mắt cho hai môn đệ, để giúp họ biết mầu nhiệm về bản thân của ngài và báo trước tương lai của hai ông được kêu gọi trở thành chứng nhân cho Ngài đến độ đổ máu đào. Thực vậy, ít lâu sau đó, Chúa Giêsu minh xác rằbng ngài không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người (cf Mt 20,28). Trong những ngày sau khi Chúa sống lại, chúng ta lại thấy những người con của ông Zebedeo, cùng với Phêrô và vài môn đệ khác, đánh cá cả đêm mà không bắt được con cá nào, tiếp theo đó là sự can thiệp của Chúa Phục Sinh với mẻ cá lạ lùng: chính ”môn đệ Chúa yêu thương” là người đầu tiên đã nhận ra Chúa và báo cho Phêrô điều đó (cf Gv 21,1-13).

Giữa lòng Giáo Hội ở Jerusalem, Gioan chiếm một chỗ nổi bật trong việc hướng dẫn nhóm các Kitô hữu đầu tiên. Thực vậy, thánh Phaolô đã liệt kê Gioan vào số những người mà ngài gọi là ”những cột trụ” của cộng đoàn ấy (cf Gal 2,9). Trong thực tế, Thánh Luca, trong Tông Đồ Công Vụ, trình bày Gioan cùng với Phêrô trong lúc hai ông lên đền thờ để cầu nguyện (cf At 3,1-4.11) và xuất hiện trước Thượng Hội đồng Do thái để làm chứng về niềm tin của mình nơi Chúa Giêsu Kitô (cf At 4,13.19). Cùng với Phêrô, Gioan được Giáo Hội tại Jerusalem phái đi củng cố những người ở miền Samaria đã đón nhận Tin Mừng, cầu nguyện trên họ để họ nhận được Chúa Thánh Linh (cf At 8,14-15). Đặc biệt cũng cần nhớ lại điều mà Gioan, cùng với Phêrô, khẳng định trước Thượng Hội đồng Do thái đang xét xử hai ông rằng: ”Chúng tôi không thể im lặng về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (At 4,20). Chính sự thẳng thắn tuyên xưng đức tin như thế là mẫu gương và là lời cảnh giác cho tất cả chúng ta hãy luôn sẵn sàng quyết liệt tuyên xưng lòng gắn bó không lay chuyển của chúng ta với Chúa Kitô, đặt đức tin lên trên mọi toan tính hoặc lợi lộc phàm nhân.

Theo lưu truyền, thánh Gioan là môn đệ được Chúa đặc biệt yêu thương, trong Tin Mừng thứ tư, là người đã dựa đầu vào ngực của Thầy trong bữa Tiệc Ly (cf Gv 13,21), đã đứng dưới chân Thánh Giá cùng với Mẹ Chúa Giêsu (cf Gv 19,25) và sau cùng, Gioan là chứng nhân về ngôi mộ trống cũng như về chính sự hiện diện của Chúa Phục Sinh (cf Gv 20,2; 21,7). Chúng ta biết rằng các học giả đã thảo luận về căn cước của Gioan, một số cho rằng Gioan chỉ là môn đệ tiêu biểu của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy để cho các nhà chú giải giải quyết vấn đề đó, ở đây chúng ta chỉ đón nhận một bài học quan trọng đối với đời sống chúng ta: Chúa muốn biến mỗi người chúng ta thành một môn đệ sống tình bạn thân mật với Ngài. Để thực hiện điều đó, không phải chỉ theo Chúa và nghe ngài bề ngoài; cần phải sống với Chúa và như Chúa. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong khuôn khổ một quan hệ rất thân mật, nồng nhiệt tín thác nơi CHúa. Và đó là điều xảy ra nơi các bạn hữu; vì thế, một hôm Chúa Giêsu đã nói: ”Không ai có tình yêu lớn hơn điều này, đó là hiến mạng vì bạn hữu mình... Thầy không gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu, vì tôi tớ không biết việc làm của chủ; nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe từ nơi Cha, Thầy cũng cho các con biết” (Gv 15,13.15).

Trong Ngụy Thư Gioan, thánh Tông Đồ không được trình bày như vị thiết lập các Giáo Hội và cũng không hướng dẫn các cộng đoàn đã được thiết lập, nhưng tiếp tục hành trình lưu động như người thông truyền đức tin trong cuộc gặp gỡ với ”các tâm hồn có khả năng hy vọng và được cứu thoát” (18,10;23,8). Tất cả được thúc đẩy do ý hướng nghịch lý là muốn tỏ cho thấy điều vô hình. Và thực vậy, Giáo Hội Đông phương gọi thánh Gioan bằng tên đơn sơ là ”Thần Học Gia”, nghĩa là người có khả năng nói một cách dễ hiểu về những sự thần linh, tỏ lộ con đường bí mật để đến cùng Thiên Chúa nhờ lòng gắn bó với Chúa Giêsu.

Lòng tôn kính thánh Gioan Tông Đồ được củng cố từ thành Ephêso, là nơi theo truyền thống, thánh nhân đã hoạt động trong nhiều năm trời và sau cùng qua đời khi tuổi rất cao, dưới thời hoàng đế Traiano. Hồi thế kỷ thứ 6, tại Epheso, hoàng đế Giustiniano đã cho xây cất một vương cung thánh đường to lớn để kính thánh Gioan, và ngày nay vẫn còn nhiều vết tích. Chính tại Đông Phương, thánh Gioan đã và đang còn được tôn kính nồng nhiệt. Trong các ảnh đạo của nghệ thuật Bizantine, thánh Gioan thường được vẽ như một cụ già đang chìm đắm trong sự chiêm niệm, hầu như trong thái độ mời gọi giữ thinh lặng.

Thực vậy, nếu không có thái độ mặc niệm như vậy, không thể tiến đến gần mầu nhiệm cao cả nhất của Thiên Chúa và mặc khải của Ngài. Đó là điều giải thích tại sao, cách đây nhiều năm, khi Đức Thượng Phụ Atenagora của Giáo Hội Chính Thống Constantinople trong cuộc gặp gỡ không thể quên được với ĐGH Phaolô 6, hai vị đã kêu cầu sự hiện diện của thánh Gioan và con tim các vị bừng cháy” (O. Clément, Dialoghi con Atenagora, Torino, 1972, p.159). Xin Chúa giúp chúng ta theo học với thánh Gioan để học được bài học cao cả về tình yêu, đến độ cảm thấy mình được Chúa Kitô yêu thương đến cùng (cf Gv 13,1), và hiến trọn cuộc sống của chúng ta cho Chúa.

Trong phần chào thăm các phái đoàn, ĐTC đặc biệt gửi lời chào những người tham dự Diễn đàn về việc bảo toàn thiên nhiên sắp tiến hành tại Brazil do sáng kiến của Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople. Ngài cầu chúc cho sáng kiến quan trọng này góp phần thăng tiến sự tôn trọng ngày càng sâu đậm hơn đối với thiên nhiên, vốnđ ược Thiên Chúa ủy thác cho bàn tay cần cù và trách nhiệm của con người.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.