2006-07-04 12:09:50

TINH THẦN TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC LINH MỤC ẤN


Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ - với 13 triệu tín hữu - là một trong những Giáo Hội linh động nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Á Châu.

Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ có 3 nghi lễ: La-Tinh, Siro-Malabar và Siro-Malankara. Điểm nổi bật là sự có mặt của các Hội Thừa Sai, trong đó có Hội Thừa Sai Thánh Toma Tông Đ của Giáo Hội Công Giáo Siro-Malabar nghi lễ đông phương. Hội có trụ sở tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ.

Hội Thừa Sai thánh Toma Tông Đồ được thành lập vào năm 1965, ban đầu dưới hình thức một Hội quy tụ các Linh Mục triều. Ba năm sau, Hội trở thành Hội Thừa Sai thánh Toma Tông Đồ có quy luật hẳn hoi. Ngày 22-2-1968, Hội chính thức ra mắt với sự hiện diện của Đức Hồng Y Furstenberg, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, và tất cả các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo Siro-Malabar nghi lễ Đông Phương.

Từ đó Hội không ngừng phát triển. Bắt đầu với con số khiêm tốn 18 thành viên, ngày nay, Hội có hơn 200 Linh Mục thành viên, cộng với gần 200 Chủng Sinh. 75% các thành viên là Linh Mục dưới 40 tuổi. Các Linh Mục có tinh thần truyền giáo thật cao và rất mong muốn được gửi đi truyền giáo.

Hội Thừa Sai thánh Toma Tông Đồ có ba cứ điểm truyền giáo tại miền Bắc, nằm trong lãnh thổ của hai tôn giáo lớn là Ấn giáo và Phật giáo. Do đó, công cuộc truyền giáo gặp rất nhiều cam go và chống đối của tín đồ Ấn giáo. Cha Sebastian Vadakel, Bề Trên tổng quyền của Hội nói:

- Rất thường khi chúng tôi mở một cứ điểm truyền giáo mà không có tín hữu Công Giáo nào. Nhưng chúng tôi không dấu diếm hoặc ngần ngại tỏ ra mình là tín hữu Công Giáo, Linh Mục và Thừa Sai. Trái với thói quen ở Kerala, nơi các cứ điểm truyền giáo, chúng tôi không mang áo chùng thâm khi đi ra ngoài, nhưng chỉ mặc y phục Linh Mục khi cử hành các nghi lễ Phụng Vụ thánh. Chúng tôi tiếp xúc với dân chúng qua các hoạt động xã hội: tổ chức các dịch vụ trong làng; thăng tiến nữ giới; bệnh xá; trường học v.v. Chúng tôi không bị ràng buộc vào bất cứ hình thức hiện diện đặc thù nào, nhưng thay đổi tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh.

Ujjain là cứ điểm truyền giáo đầu tiên của Hội Thừa Sai thánh Toma Tông Đồ và được mở vào năm 1968. Lúc đầu cứ điểm chỉ có một giáo xứ duy nhất. Hiện nay Ujjain có đến 34 giáo xứ với 55 Linh Mục và 162 nữ tu thuộc 11 Hội Dòng khác nhau.

Linh mục Anto Kudukkamthadam là Cha Sở giáo xứ Piploda. Vốn liếng kiến thức về xã hội học đã giúp Cha Anto biết rõ địa hình địa thế của xứ đạo. Theo Cha, có từ 5-7% dân làng là người giàu, 10% là giới trung lưu, còn lại 80% là người nghèo. Thế nhưng, Cha Anto nói:

- Vị Linh Mục tu sĩ nào dám công khai lên tiếng tố giác hố sâu bất công này thì tính mạng bị lâm nguy. Nữ tu Rani Maria bị ám sát cách dã man chỉ vì Chị hoạt động xã hội, khuyến khích các bà các cô biết tự tổ chức, phân định các hoàn cảnh và làm việc chung với nhau. Hoạt động của Chị Rani Maria mang lại kết quả tốt đẹp. Nhưng kết quả tốt đẹp lại gây khó chịu cho giới giàu có trong làng và họ thuê người giết Chị.

Thời gian đầu vô cùng khó khăn. Một ngày, tôi tưởng như giờ cuối cùng đã điểm. Một nhóm thanh niên thuộc phong trào chính trị Ấn giáo đến giáo xứ gặp tôi. Họ chất vấn tôi đủ điều:

- Ông là ai mà dám ở đây? Rồi ông đến đây để làm gì? Ông không phải dân địa phương, như thế có nghĩa ông nhận tiền viện trợ của Anh hoặc của Mỹ!

May mắn thay tôi nói được tiếng Hindi địa phương. Sau khi giải thích việc đang làm, tôi kết thúc:

- Các anh có thể giết tôi, tôi sẵn sàng chết vì Đức Chúa GIÊSU KITÔ!

Dần dần họ dịu lại. Một thời gian sau, khi họ thấy chúng tôi thật sự giúp dân làng, đặc biệt mở các lớp học bình dân, thì chính những người từng dọa giết tôi, lại gửi con cái họ đến học trường chúng tôi!

Cha Anto lấy lại bình tĩnh nhờ cầu nguyện và suy gẫm mỗi ngày. Rồi từ sau vụ khỏi bệnh lạ lùng, uy tín của Cha Anto càng gia tăng thêm. Một ngày, một dân làng bị bò húc gãy xương sống. Họ mang người bị nạn đến xin Cha chữa, vì nghĩ Cha là thầy thuốc. Cha Anto nói với người bệnh:

- Tôi không có thuốc, nhưng chỉ duy nhất Đức Chúa GIÊSU KITÔ có thể chữa ông lành.

Nói xong, Cha đặt tay trên ông và sốt sắng cầu nguyện. Bỗng chốc người bị nạn đứng lên và đi đứng như thường.

Từ đó, Cha Anto điều động một nhóm cầu nguyện và tiếp tục làm việc tông đồ trong an bình, không còn bị quấy nhiễu nữa!

(”Missions Étrangères de Paris”, n.315, Janvier/1997, trang 12-17).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.