2006-06-21 15:13:52

Mau mắn theo Chúa Giêsu, hăng hái rao giảng Tin Mừng và hiến mạng sống làm chứng cho Chúa


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu mời trên đây trong buổi tiếp kiến hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 21-6-2006.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của thánh Giacôbê Cả. Đại ý ngài nói: sau khi tìm hiểu gương mặt hai thánh tông đồ Phêrô và Anrê, hôm nay chúng ta tìm hiểu chân dung tông đồ Giacôbê. Các danh sách Phúc âm nhắc tới hai vị cùng mang tên này: đó là Giacôbê con ông Dêbêđê và Giacôbê con ông Alfêô (x. Mc 3,17.18; Mt 10,2-3), cũng được gọi phân biệt là Giacôbê Cả và Giacôbê thứ. Kiểu gọi này không có ý đo lường sự thánh thiện, nhưng chỉ muốn ghi nhận tầm quan trọng mà các tác phẩm tân ước dành cho các vị, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đời Chúa Giêsu.

Giải thích nguồn gốc tên gọi Giacôbê Đức Thánh Cha nói: ”Tên gọi Giacôbê dịch từ Hy lạp ”Jakóbos” là hình thái hy lạp của tên Giacóp vị tổ phụ nổi tiếng. Tông đồ Giacôbê là anh của Gioan và trong các danh sách như danh sách Phúc Âm thánh Mạccô (Mc 3,17), Người đứng thứ hai sau thánh Phêrô, hay thứ ba sau Phêrô và Anrê, như trong Phúc Âm thánh Mátthêu và Luca (x. Mt 1,13; Lc 6,14). Các thay đổi này là dấu chỉ truyền thống

sống động của Giáo Hội, luôn luôn muốn nhấn mạnh trên tầm quan trọng của thánh Giacôbê. Trong cảnh Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ đầu tiên, Giacôbê đứng sau Phêrô và Anrê (x. Mt 4,18.21; Mc 1,16.19). Trong các văn bản khác Giacôbê chiếm chỗ thứ hai sau Phêrô nhưng trước Gioan, và là ba tông đồ thân tín được hiện diện bên Chúa Giêsu trong phép lạ cho con gái ông Giairô sống lại (x.Mc 5,37; Lc 8,51), trong biến cố Chúa hiển dung trên núi Tabor (x. Mt 17,1; Mc 0,2; Lc 9,28), trong dịp Chúa nói về ngày cánh chung (x. Mc 13,3) và sau cùng khi Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Giệtsêmani (x. Mt 26,37; Mc 14,33). Giacôbê cũng được nhắc tới trước Gioan, khi hai anh em xin Chúa Giêsu cho ngồi bên phải và bên trái trong Nước của Người (x. Mc 10,35-40). Có một điều chắc chắn đó là thánh Giacôbê có uy tín rất lớn trong Giáo Hội Giêrusalem thời khai sinh, mà thánh nhân phụ trách cùng với thánh Phêrô.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng tông đồ Giacôbê cũng đã là dân chài lưới, và khi được Chúa gọi đã mau mắn cùng em ”bỏ cha là Dêbêđê trong thuyền với các người làm và đi theo Chúa” (Mc 1,20). Thế rồi hai con ông Dêbêđê được Chúa Giêsu đặt cho cái tên rất lạ là ”Boanerghes”, nghĩa là ”con của sấm sét” (Mc 3,17), có lẽ vì lòng hăng hái của hai người. Thật thế, thánh Luca thuật lại rằng khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đi lên Giêrusalem, Người sai các sứ giả đi trước dọn đường: ”Họ vào trong một làng của người Samaria để chuẩn bị cho Người, nhưng các người này không muốn đón tiếp Người vì Người đang tiến về Giêrusalem. Thấy thế các môn đệ Giacôbê và Gioan nói: ”Lậy Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi chúng nó không? Nhưng Chúa Giêsu quở mắng các ông” (Lc 9,52-55). Phản ứng bạo lực của hai môn đệ chắc chắn biểu lộ tình yêu đối với Chúa Giêsu, nhưng cũng cho thấy sự thù nghịch giữa người Do thái và người Samaria (x. Ga 4,9b). Nhưng Chúa Giêsu không yêu thích bạo lực, và lời quở trách của Người phải là bài học cho Giacôbê, sau này sẽ ngã qụy mà không nổi loạn chống lại bạo lực bất công của vua Herôđê, khi làm chứng cho tình yêu của mình đối với Thầy. Trước đây Giacôbê xin được đối xử đặc biệt trong chiến thắng của Chúa Giêsu: giờ đây các sự kiện cho thánh nhân hiểu rằng sự đồng chia sẻ số phận của Chúa Giêsu phải được diễn tả ra trong việc cùng uống chén rất đắng với Người” (x. Mc 10,38-39).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Trong cuộc đời của thánh Giacôbê có hai biến cố quan trọng và ý nghĩa: đó là biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor và biến cố Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu. Trong cả hai trường hợp thánh Giacôbê được Chúa Giêsu chọn cùng với Phêrô và Gioan như là chứng nhân: chắc chắn đây là một dấu chỉ đặc biệt của sự lựa chọn từ phía Chúa Giêsu. Đây là hai tình trạng rất khác biệt nhau: một đàng Giacôbê cùng với hai Tông Đồ khác được sống kinh nghiệm vinh quang và xuất thần, đàng khác là đứng trước nỗi khổ đau và sự hổ nhục. Chắc chắn kinh nghiệm thứ hai giúp thánh nhân sửa chữa việc giải thích sai lầm của kinh nghiệm thứ nhất. Giacôbê đã phải thấy rằng Đấng Cứu Thế, mà dân Do thái mong đợi như là kẻ chiến thắng, thật ra không chỉ được vây bọc bởi danh dự và vinh quang, nhưng cũng bao gồm khổ đau và yếu đuối nữa. Như thế thánh nhân từ từ trưởng thành trong lòng tin, bằng cách từ từ phân định căn cước cứu thế đích thật của Thầy mình”.

Đức Thánh Cha giải thích sự trưởng thành đó như sau: ”Sự trưởng thành đó được Chúa Thánh Thần thành toàn trong ngày lễ Ngũ Tuần. Khi đến lúc tuyệt đỉnh phải làm chứng cho Chúa, Giacôbê đã không tháo lui. Thánh Luca cho biết rằng vào đầu năm 40 của thế kỷ thứ I vua Hêrôđê Agrippa, cháu của vua Hêrôđê Cả ”bắt đầu bách hại vài người của Giáo Hội, và cho giết Giacôbê, anh của Gioan” (Cv 12,1-2).

Tin vắn tắt không chi tiết trên đây, một đàng vén mở cho thấy sự kiện Kitô hữu làm chứng cho Chúa với chính mạng sống mình là điều bình thường, đàng khác cho thấy thánh Giacôbê có địa vị cao trọng trong Giáo Hội Giêrusalem, bởi cả vai trò thánh nhân đã có khi Chúa Giêsu còn sống. Một truyền thống sau đó bắt nguồn từ Isidoro thành Siviglia kể rằng thánh Giacôbê đã sống bên Tây Ban Nha và rao truyền Tin Mừng cho vùng đất quan trọng này của đế quốc Roma. Theo một truyền thống khác nữa, thi hài của thánh nhân đã được đem sang Santiago di Compostella bên Tây Ban Nha. Như chúng ta đều biết, thành phố này đã trở thành nơi kính viếng và hành hương nổi tiếng không chỉ của Âu châu, nhưng của toàn thế giới nữa. Và vì thế mới có hình thánh Giacôbê cầm cây gậy hành hương và cuốn Phúc Âm, là các đặc thái diễn tả vị tông đồ đi loan báo Tin Mừng đó đây”.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Như vậy từ thánh Giacôbê chúng ta học được rất nhiều điều như: sự mau mắn tiếp nhận lời mời gọi của Chúa, cả khi Chúa có xin chúng ta bỏ ”con thuyền” của các an ninh nhân loại đi nữa; lòng hăng say theo Chúa trên các nẻo đường Người chỉ cho chúng ta, vượt xa hơn các yêu sách ảo tưởng của chúng ta; sự sẵn sàng làm chứng cho Chúa với lòng can đảm, và nếu cần cho tới chỗ hiến dâng mạng sống. Như thế thánh Giacôbê Cả là một mẫu gương hùng hồn của sự gắn bó với Chúa Kitô. Là người đã muốn cùng với em mình ngồi cạnh Thầy trong Nước Người, thánh nhân đã là Tông đồ đầu tiên chia sẻ cuộc tử đạo của Người”.

Trong số các đoàn hành hương Tây Âu, Đông Âu và Bắc Mỹ đông nhất vẫn là các nhóm Italia và Đức, chẳng hạn như đoàn 1.500 tín hữu thuộc giáo phận Acerenza do Đức Tổng Giám Mục Gioavanni Ricchiuti hướng dẫn. Từ Ba Lan có 1000 người. Từ Á châu có nhóm tín hữu thuộc học viện Salesien Macao, Trung Quốc. Từ Phi châu có đoàn hành hương Ghana. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô, Argentina và Brasil.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hành hương hiện diện bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Slovac, Sloveni, Lituani và Ý. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha xin thánh Luigi Gonzaga mà Giáo Hội kính nhớ hôm qua, bầu cử để người trẻ biết đánh giá cao nhân đức trong sạch; giúp các anh chị em đau yếu đương đầu với khổ đau và tìm được an uỉ trong Chúa Kitô bị đóng đanh; cũng như dẫn đưa các cặp vợ chồng mới cưới tới một tình yêu ngày càng sâu đậm hơn đối với Chúa và với nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.