2006-06-14 15:03:55

Sống thân tình với Chúa và hăng say loan báo Chúa cho mọi người như thánh Anrê



Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi như trên trên trong buổi tiếp kiến hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 14-6-2006.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã suy tư về gương mặt của thánh Anrê, em của thánh Phêrô, tông đồ của thế giới Hy lạp và nói: ”Đặc thái đầu tiên gây ấn tượng nơi thánh Anrê đó là tên gọi của người: nó không phải là tên gọi do thái mà là tên gọi Hy lạp, một dấu chỉ không thể bỏ qua, chứng minh cho thấy một sự cởi mở văn hóa nào đó của gia đình thánh nhân. Trong danh sách Nhóm Mười Hai, Anrê đứng thứ hai theo Phúc âm thánh Mátthêu (Mt 10,1-4) và thánh Luca (Lc 6,13-16) hay thứ bốn theo thánh Mạccô (Mc 3,13-18) và sách Công Vụ (Cv 1,13-14). Dầu sao đi nữa, thánh nhân là người có uy tín lớn trong các cộng đoàn kitô tiên khởi.

Liên hệ máu huyết giữa thánh Phêrô và thánh Anrê cũng như ơn gọi chung của hai vị được nêu bật trong các Phúc Âm: ”Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilea, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô và em ông là Anrê, đang quẳng lưới, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ”Hãy theo tôi và tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người” (Mt 4,18-19; Mc 1,16-17). Phúc Âm thứ tư cho thấy một đặc thái khác nữa: đó là ban đầu Anrê là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, người một ngày kia đã tuyên bố Chúa Giêsu là ”Chiên Con Thiên Chúa” (Ga 1,36). Khi đó Anrê cùng một môn đệ khác nữa đi theo vị Rabbi trẻ. Thánh sử ghi lại rằng: ”Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,37-39). Như thế, Anrê đã được nếm hưởng những giây phút thân tình với Chúa Giêsu. Trình thuật tiếp tục với một ghi nhận ý nghĩa: “Một trong hai người đã nghe các lời của Gioan Tẩy Giả và đã đi theo là Anrê, em ông Simon. Trước hết ông gặp anh mình là Simon và nói: ”Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô, rồi ông dẫn anh mình tới gặp Đức Giêsu” (Ga 1,40-43). Cử chỉ này chứng minh cho thấy tinh thần truyền giáo ngoại thường của Anrê. Như vây Anrê là Tông Đồ đầu tiên được Chúa Giêsu mời gọi đi theo Người. Chính vì thế phụng vụ Giáo Hội Bisantin tôn kính thánh Anrê và gọi Người là ”Protóklitos” có nghĩa là ”người đầu tiên được gọi”. Cũng chính dựa trên tương quan giữa Phêrô và Anrê, Giáo Hội Roma và Giáo Hội Constantinople cảm thấy là anh em với nhau một cách đặc biệt. Để nêu bật tương quan này hồi năm 1964, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trao trả hài cốt của thánh Anrê, cho tới lúc đó được giữ trong đền thờ thánh Phêrô, cho Vị Giám Mục Trưởng Chính Thống của thành phố Patrasso bên Hy Lạp, là nơi theo tương truyền Tông Đồ Anrê chịu tử đạo”.

Tiếp tục hài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng các truyền thống phúc âm đặc biệt nhắc đến tên thánh Anrê trong ba dịp khác nữa. Lần đầu tiên trong trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều tại Galilea. Chính Anrê đã báo cho Chúa Giêsu biết sự hiện diện của một thiếu niên có 5 cái bánh và 2 con cá, và ông ghi nhận chúng chẳng là bao so với đám đông tụ tập nơi đó (x. Ga 6,8-9). Cần phải chú ý tới tính thực tế của Anrê: nhận thấy thiếu niên, nhưng cũng ý thức được sự thiếu thốn ít ỏi tài nguyên của chú bé. Tuy nhiên Chúa Giêsu biết cách khiến cho nó đủ cho đám đông dân chúng đến nghe Người giảng dậy. Dịp thứ hai là tại Giêrusalem. Khi thầy trò ra khỏi Đền Thờ, một môn đệ trầm trồ khen ngợi các viên đá lớn và công trình kiến trúc vĩ đại, nhưng Chúa Giêsu trả lời rằng một ngày kia sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Khi đó Anrê cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan nói với Chúa: ”Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và có điềm gì báo trước khi tất cả sắp đến hồi chung cuộc không?” (Mc 13,1-4). Để trả lời cho câu hỏi này Chúa Giêsu đã loan báo biến cố Giêrusalem sẽ bị phá hủy và ngày tận thế. Người mời gọi các môn đệ chú ý đọc ra các dấu chỉ thời đại và tỉnh thức. Kinh nghiệm đó đậy cho chúng ta biết rằng không cần phải sợ hãi khi hỏi han Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng chấp nhận các giáo huấn Người cống hiến cho chúng ta.

Sau cùng các Phúc Âm cũng ghi nhận một sáng kiến thứ ba của Anrê. Quang cảnh vẫn là thành Giêrusalem. Thánh Gioan kể lại rằng vào dịp lễ Vượt Qua có vài người Hy lạp có lẽ là tân tòng hay là người kính sợ Thiên Chúa đến thờ phượng Thiên Chúa của Israel. Anrê và Philiphê là hai tông đồ có tên hy lạp làm thông dịch viện cho họ và làm trung gian giữa họ với Chúa Giêsu, vì họ muốn gặp Chúa. Câu Chúa trả lời xem ra bí ẩn, nhưng lại giầu ý nghĩa: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24). Và Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa câu trả lời của Chúa Giêsu trong bối cảnh đó như sau: ”Chúa Giêsu muốn nói rằng: Phải, cuộc gặp gỡ giữa Ta và những người Hy Lạp sẽ xảy ra, nhưng không phải như là cuộc đối thoại đơn sơ như Ta với một vài người bị tính tò mò thúc đẩy. Với cái chết của Ta, có thể so sánh với biến cố một hạt giống rơi xuống đất, sẽ tới giờ vinh danh của Ta. Từ cái chết của Ta trên thập giá sẽ nảy sinh sự phong phú lớn lao: ”hạt lúa chết đi” biểu tượng cho biến cố Ta bị đóng đanh, trong sư phục sinh sẽ trở thành bánh sự sống cho thế giới; ánh sáng cho các dân tộc và các nền văn hóa. Phải, cuộc gặp gỡ với thế giới Hy lạp sẽ được thực hiện một cách sâu đậm như hạt giống rơi vào lòng đất, kéo tất cả các sức mạnh của đất trời về với mình và trở thành bánh. Nói cách khác, Chúa Giêsu nói tiên tri về Giáo Hội của các anh chị em ngoại giáo như là hoa trái sự Phục Sinh của Người”

Nói thêm trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha cho biết các truyền thống rất cổ xưa cũng coi thánh Anrê là Tông Đồ của người Hy Lạp trong các năm sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và cho chúng ta biết thánh nhân loan báo Tin Mừng cho thế giới hy lạp. Từ Giêrusalem thánh Phêrô qua Antiokia rồi tới Roma để thi hành sứ mệnh đại đồng của mình; trong khi Anrê là tông đồ của thế giới hy lạp: trong cuộc sống cũng như trong cái chết hai vị là anh em, một tình huynh đệ được diễn tả ra một cách biểu tượng trong tương quan đặc biệt giữa Tòa Roma và Tòa Constantinople, là hai Giáo Hội anh em.

Một truyền thống sau đó kể lại cái chết của Anrê tại Patrasso, nơi thánh nhân đã bị đóng đanh. Cũng giống như anh mình, lúc đó thánh nhân xin được đóng trên một hình thập giá khác với thập giá của Chúa Giêsu: đó là hình chéo chữ X, cũng gọi là ”thập giá thánh Anrê”. Theo một trình thuật bắt đầu từ thế kỷ thứ VI gọi là ”cuộc khổ nan của Anrê”, thánh nhân đã tuyên bố trong dịp ấy như sau: ”Ôi, lậy Thánh Giá đã được khai mào bởi thân xác Chúa Kitô và được trang hoàng bằng các chi thể của Người như thể là ngọc qúy. Trước khi Chúa leo lên thân ngươi, ngươi đã gây kinh hoàng. Nhưng giờ đây có được tình yêu thiên quốc, ngươi được tiếp nhận như ân phước. Các tín hữu biết rằng ngươi có biết bao nhiêu niềm vui, ngươi chuẩn bị cho họ biết bao nhiêu qùa tặng. Vì thế ta vững vàng và tươi vui đến với ngươi, để ngươi sung sướng tiếp nhận ta như môn đệ của Đấng đã bị treo trên ngươi... Ôi Thập Giá có phúc tiếp nhận sự oai phong và xinh đẹp của các chi thể Chúa!... Hãy nhận lấy ta, đem ta xa khỏi loài người và trả ta lại cho Thầy ta, để nhờ ngươi Đấng đã cứu chuộc ta tiếp nhận ta. Kính chào Thập Giá, xin kính chào!”

Rồi Đức Thánh Cha kết luận như sau: ”Ở đây có một nền tu đức kitô rất sâu đậm. Nó không coi Thập Giá như là một dụng cụ tra tấn khổ hình, nhưng như là phương thế không thể so sánh được, giúp trở nên giống Đấng Cứu Chuộc. Chúng ta phải học nơi đây bài học rất quan trọng này: các thập giá của chúng ta sẽ chiếm hữu được giá trị, nếu được nhìn và tiếp nhận như là một phần của thập giá Chúa Kitô, nếu được ánh sáng của Thập Giá Chúa soi chiếu. Chỉ từ Thập Giá đó của Chúa, cả các khổ đau của chúng ta cũng sẽ trở nên cao qúy và có ý nghĩa thực sự. Như thế, thánh Anrê dậy chúng ta mau mắn theo Chúa Giêsu (Mt 4,20; Mc 1,18), hăng say nói về Chúa với tất cả những người chúng ta gặp gỡ, và đặc biệt là vun trồng tương quan thân tình với Chúa, vì ý thức rằng chỉ nơi Người chúng ta mới có thể tìm thấy ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống và cái chết của chúng ta”.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.