Như quý vị đã biết, từ hôm thứ năm tuần rồi, Đức Thánh Cha đang thực hiện một chuyến
tông du sang Ba-lan mang tính cách hành hương, viếng thăm các địa điểm sinh sống và
hoạt động của vị tiền nhiệm: thủ đô Warsawa, thánh điện Czestochowa, Wasowice nơi
sinh quán, và cách riêng là thành phố Krakow. Tại thành phố mà đức Karol Wojtyla
đã từng làm tổng giám mục trước khi được bầu lên chức vụ kế vị thánh Phêrô, đức đương
kim giáo hoàng đã có hai buổi tiếp xúc quan trọng với đám đông: vào tối thứ bảy tại
quảng trường Blonie với gần nửa triệu các bạn trẻ. Và sáng chúa nhựt hôm qua cũng
tại địa điểm này ngài đã chủ sự Thánh lễ với sự tham dự của một triệu rưỡi tín hữu,
đến từ khắp các miền của nước Ba-Lan và các quốc gia láng giềng. Dĩ nhiên trong số
đó, nhiều bạn trẻ đã có mặt từ tối hôm trước, và họ kéo dài cuộc canh thức bất chấp
những cơn mưa tầm tã, dưới sự hướng dẫn của các linh mục hướng dẫn buổi cầu nguyện
và cử hành bí tích thống hối. Đức Thánh Cha rời Toà giám mục Krakow lúc 9 giờ
sáng, để ra quảng trường Blonie cách đó 2 cây số. Trên khán đài danh dự, có tổng thống
và thủ tướng nước BaLan, cựu tổng thống Lech Walesa, chủ tịch quốc hội và cựu tổng
thống cộng hoà Slovac ông Kovac. Đồng tế với đức Bênêdictô XVI là 120 giám mục đến
từ các giáo phận Balan và 30 quốc gia châu Âu. Hai ngàn linh mục đã phụ trách việc
trao Mình Thánh Chúa. Sau Thánh lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ kết thúc với việc
hát kinh kính Đức Mẹ, đức thánh cha trở về toà Giám mục để nghỉ ngơi. Vào lúc 4 giờ
chiều ngài đáp xe đi thăm viếng trại tập trung Auschwitz cách đó 60 cây số, và chủ
sự một buổi cầu nguyện, rồi sau đó đáp máy bay trở về Rôma. Chúng tôi sẽ dành buổi
tường thuật này cho chương trình phát thanh ngày mai. Hôm nay xin kinh mời quý vị
theo dõi Thánh lễ và bài giảng vào ban sáng. Các bài lễ được trích từ thánh lễ
mừng Chúa Lên Trời, mặc dù dân chúng địa phương đã cứ hành lễ này hôm thứ năm vừa
qua. Ngoài ra, hôm qua cũng trùng với kỷ niệm 29 năm đức thánh cha thụ phong giám
mục (28/5/1977). Phần lớn bài giảng được dành để suy niệm các bài đọc sách thánh và
áp dụng vào hoàn cảnh hôm nay. Cũng như ngày vừa qua, bài giảng bắt đầu bằng tiếng
Ba-lan, rồi sau đó đọc tiếp bằng tiếng Ý, và được đức cha tổng thư ký hội đồng giám
mục đọc bản dịch ra tiếng địa phương. Bài giảng được mở đầu như sau: Hỡi những
người Galilê, tại sao đứng đây nhìn trời?
Anh
chị em thân mến, ngày hôm nay,vẫn còn vọng lên câu hỏi được kể lại
trong sách Tông đồ công vụ. Lần này câu hỏi được hướng
đến chúng ta: “Tại sao đứng đây nhìn trời?” Khi
giải đáp cho câu hỏi đó, gói ghém tất cả sự thật nền tảng
về cuộc sống và định mệnh của con người.Câu hỏi
xoay quanh hai thái độ liên hệ đến hai thực tại của cuộc sống
con người: cuộc sống dưới đất và cuộc sống trên
trời. Trước hết là thực tại dưới đất: “Taị
sao đứng đây? Tại sao ở dưới đất?”.
Chúng ta trả lời rằng: chúng tôi ở trên mặt đất, bởi vì Đấng
Tạo hoá đã đặt chúng tôi như chóp đỉnh của
công trình tạo dựng. Dựa theo kế hoạch tình yêu khôn tả, Thiên Chúa toàn năng
đã tạo thành vũ trụ từ hư vô. Và sau khi hoàn tất công trình
của mình, Ngài đã kêu gọi con người hiện hữu, được
dựng nên theo hình ảnh và giống như Ngài (xc St 1,26-27). Thiên Chúa
ban cho nó phẩm giá được làm con Thiên Chúa và được bất
tử. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng con người đã lạc lối,
đã lạm dụng ơn tự do của mình, đã nói “không” với
Chúa, và như thế là đã tự lên án cho mình vào kiếp sống
trong đó sự dữ, tội lỗi, đau khổ và sự chết đã
len vào. Nhưng chúng ta cũng biết được rằng Thiên Chúa
không chịu bó tay trước tình trạng như vậy, và
đã đi vào lịch sử của con người. Lịch sử
con người trở thành lịch sử cứu độ. “Chúng ta ở dưới
đất”, chúng ta bén rễ dưới đất, chúng ta lớn lên
từ đất. Tại đây chúng ta thi hành điều thiện trong những
lãnh vực mênh mông của cuộc sống thường nhật, trong lãnh vực của vật
chất cũng như trong lãnh vực tinh thần, trong những quan hệ hỗ
tương, trong cuộc kiến thiết cộng đoàn nhân loại, trong
văn hoá. Tại đây chúng ta cảm thấy nỗi nhọc nhằn của người
lữ thứ đang tiến đến mục tiêu, trải qua những con
đường ngoằn nghèo, giữa nghi nan, căng thẳng, do dự và
đồng thời trong niềm thâm tín rằng trước sau gì con đường
cũng sẽ dẫn tới đích điểm. Và thế là nảy ra câu suy nghĩ: “Phải
chăng tất cả chỉ có thể thôi sao? Phải chăng trái đất này là
chỗ đứng vĩnh viễn?”
Trong khung cảnh
đó, chúng ta cần bước sang phần thứ hai của câu hỏi được
thuật lại trong sách tông đồ công vụ “Tại sao nhìn lên trời?” Chúng
ta biết rằng khi các tông đồ muốn hỏi Chúa Phục sinh về việc tái thiết
vương quốc Israel, thì Người được nâng lên
cao trước mắt họ, và một đám mây che khuất Người
khỏi họ”. Và họ nhìn lên trời đang khi Người ra đi (Cv 1,9-10).
Họ nhìn lên trời, theo dõi Chúa Giêsu Kitô, đấng đã
chịu chết trên thập giá và sống lại, và được nâng lên cao. Chúng ta
không biết rõ lúc đó họ có ý thức mình đang chứng kiến
một biến cố vĩ đại huy hoàng, mở ra một cõi vô biên cho cuộc lữ
hành dưới thế của con người hay không. Có lẽ họ sẽ hiểu vào lễ
Hiện xuống, nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng. Tuy nhiên, đối với chúng ta,
biến cố đã xảy ra cách đây hai ngàn năm nay đã
trở thành rõ rệt. Tuy vẫn còn đứng ở dưới đất,
nhưng chúng ta được kêu gọi hãy ngước mắt lên trời, hãy hướng
sự chú ý, tư tưởng và con tim về mầu nhiệm khôn tả của Thiên
Chúa. Chúng ta được kêu gọi hãy nhìn về hướng của Chúa,
hướng về mục tiêu đã được định từ
khi tạo dựng. Ý nghĩa vĩnh viễn của cuộc sống chúng ta được gói ghém
ở đó.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào mừng tất cả
những người hiện diện, và gợi lên những kỷ niệm của đức Gioan Phaolô II, đặc biệt
là những lần cử hành Thánh Lễ cũng tại địa điểm này vào những năm 1979, 1983, 1987,
1997 và 2002, nhắc đến sự gắn bó với thành phố Krakow, và trong phần kết luận ngài
nói:
Anh chị em thân mến,
Khẩu hiệu của
cuộc hành hương của tôi đến nước Ba lan
là “Hãy đứng vững trong đức tin”. Lời nhắn nhủ
này được gửi đến tất cả chúng ta là những người
họp thành cộng đoàn các môn đệ của Chúa Kitô, và gửi đến
từng người chúng ta. Đức tin là một hành vi nhân linh
rất là bản vị, được thực hiện trong hai chiều kích. Trước
hết tin là chấp nhận chân lý mà trí óc chúng ta không thể hiểu thấu tường
tận. Cần chấp nhận điều mà Thiên Chúa mạc khải về chính mình, về chúng
ta, về thực tại bao quanh ta, kể cả những gì không thấy được, không
tả được, không tưởng tượng được.
Việc chấp nhận chân lý được mạc khải mở rộng tầm hiểu biết của
chúng ta, và cho phép chúng ta đạt đến mầu nhiệm đang
bao quyện chúng ta.Thật không dễ gì chấp nhận rằng lý trí của chúng ta bị giới
hạn. Và đến đây ta thấy nảy ra chiều kích thứ hai của
việc tin, đó là tín thác vào một ai đó, và ở đây
không phải là người phàm nhưng là tín thác vào Đức
Kitô. Tin điều nào đã là chuyện quan trọng rồi, nhưng
tin vào ai lại còn quan trọng hơn nữa.
Thánh
Phaolô đã nói về điều đó trong thư gửi Ephêso
mà chúng ta đã nghe đọc hôm nay. Thiên Chúa đã
ban cho ta thần trí khôn ngoan, “soi lòng mở trí cho thấy rõ, đây là niềm
hy vọng chúng ta đã nhận được nhờ ơn Người
kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú chúng ta được
chia sẻ cùng các thánh, đâu là quyền lực vô biên đã biểu
dương nơi Đức Kitô “ (xc Ep 1,17-20). Tin có nghĩa là phó thác mình cho Chúa,
ký thác vận mạng cho Ngài. Tin có nghĩa là thiết lập một mối quan hệ mật thiết với
Đấng Taọ Thành và Cứu chuộc, nhờ quyền lực của Thánh Thần, và làm cho mối quan
hệ đó trở nên nền tảng cho cuộc sống.
Vào cuối Thánh lễ,
ĐTC đã hát kinh Lạy Nữ vương thiên đàng và ban phép lành kết thúc. Bình Hoà