2006-05-17 14:09:46

Chân dung thánh Phêrô Tông Đồ và con đường theo Chúa của thánh nhân: vác thập giá theo Chúa


Đó đã là đề tài được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khai triển trong bài huấn nói trước hơn 50.000 tín hữu và du khánh hành hương năm châu sáng thứ tư 16-5-2006. Trong số các đoàn hành hương quốc tế có nhóm 300 thành viên phong trào Tổ Ấm, 150 thành viên thuộc Liên Hiệp các hội đoàn giới trẻ kitô, các nữ tu dòng Salesien và các nữ tu dòng thánh Catarina. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu có các đoàn hành hương Đông Âu gồm 2000 tín hữu Ba Lan và hàng trăm tín hữu các nước Sloveni, Croat, Cộng Hòa Tchèques, Slovac, Lituani và Liên bang Nga. Từ Á châu có các đoàn hành hương Ấn độ, Indonesia, Nhật Bản và Đại Hàn. Trong khi từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô, Guatemala, Chile và Brasil.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: ”Sau Chúa Giêsu, thánh Phêrô là nhân vật nổi bật nhất hay được các tác phẩm tân ước nhắc tới: ngài được nhắc đến 154 lần với tên gọi ”Petros”, ”đá”, ”đá tảng” là tiếng hy lạp dịch từ tên ”Kefa” trong tiếng Aramây, mà Chúa Giêsu đã trực tiếp đặt cho thánh nhân. Tên ”Kefa” được nhắc tới 9 lần trong các thư của thánh Phaolô. Thế rồi cũng phải thêm tên gọi ”Simon” được nhắc tới 75 lần, là hình thức phiên âm tiếng do thái ”Simeon” ( 2 lần: Cv 15,14; 2 Pt 1,1). Là con của Gioan ( x. Ga 1,42) trong hình thái tiếng Aramây ”bar-Jona”, con của Giona (x. Mt 16,17), Simon là người thành Bétsaida (x. Ga 1,44), một thành nhỏ nằm ở mạn đông biển hồ Galilea, cũng là quê sinh của Philiphê và dĩ nhiên của cả Anrê em của Simon nữa. Giọng nói của ngài là giọng vùng Galilea. Cũng như em mình, thánh Phêrô là dân chài: cùng với gia đình ông Zebedeo, cha của Giacobe và Gioan, ngài điều khiển một tổ chức đánh cá nhỏ bên hồ Ghenesaret (x. Lc 5,10). Vì thế thánh nhân có được tình trạng kinh tế dễ dàng và được linh hoạt bởi một ước muốn tôn giáo chân thành, thúc đẩy ngài cùng với em đi tới vùng Giuđea để nghe Gioan Tẩy Giả rao giảng.

Ngài là một tín hữu do thái, tin tưởng nơi sự hiện diện hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử dân Chúa và đau đớn khi thấy hoạt động quyền năng của Chúa trong các biến cố mà thánh nhân là nhân chứng. Thánh nhân có gia đình và bà nhạc của ngài, người một ngày kia được Chúa Giêsu chữa cho lành bệnh (x. Mt 8,14tt.; Mc 1,29 tt.; Lc 4,38 tt.) sống tại thành phố Capharnaum, trong căn nhà nơi Phêrô trú ngụ khi ở thành phố này. Các cuộc đào bới khảo cổ đã đưa ra ánh sáng dưới nền khảm đá mầu bát giác của một ngôi nhà thờ nhỏ thời bisantin, các dấu vết cũ một ngôi nhà thờ cổ xưa hơn, xây trên căn nhà đó, như các chữ viết kêu cầu thánh Phêrô làm chứng. Các Phúc Âm cho chúng ta biết rằng thánh Phêrô thuộc nhóm 4 môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu thành Nagiarét (x. Lc 5,1-11), thêm vào đó sẽ có một môn đệ khác, theo thói quen của mỗi Rabbi có 5 môn đệ: đó là ơn gọi của Levi (x. Lc 5,27). Sự mới mẻ trong sứ mệnh của Chúa Giêsu sẽ rõ ràng, khi từ 5 môn đệ ngài chọn tới 12 vị (x. Lc 9,1-6): Ngài đến để quy tụ dân Israel cánh chung, được biểu tượng bằng con số 12, như 12 chi tộc Israel”.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC miêu tả gương mặt thánh Phêrô như sau: ”Trong các Phúc Âm, Simon xem ra là người có tính cương quyết và dễ bị khích động: ngài sẵn sàng áp đặt các lý lẽ của mình kể cả bằng bạo lực như việc dùng gươm (x. Ga 18,10 tt). Đồng thời ngài cũng là người ngây thơ và sợ hãi, nhưng liêm chính cho tới chỗ thống hối chân thành nhất (x. Mt 26,75). Các Phúc Âm cho phép chúng ta theo dõi từng bước lộ trình tinh thần của ngài. Điểm khởi hành là lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nó đã xảy ra trong một ngày, khi Phêrô làm công việc đánh cá của mình. Chúa Giêsu ở gần bờ hồ Ghenesaret và đám đông vây quanh để nghe Ngài giảng. Số người nghe đông qúa tạo ra khó khăn. Trông thấy hai chiếc thuyền gần bờ, vì các người đánh cá đã xuống khỏi thuyền và đang giặt lưới, Chúa xin lên một trong hai thuyền, chiếc thuyền của Simon, và xin ông ra xa bờ một chút. Ngài ngồi xuống tòa giảng đột xuất ấy, và bắt đầu giảng dậy dân chúng từ thuyền (x. Lc 5,1-3). Khi đã giảng xong, Ngài nói với Simon: ”Hãy ra khơi và thả lưới đánh cá”. Simon thưa: ”Lậy Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm, mà không bắt được gì cả, nhưng theo lời Thầy tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,4-5). Chúa Giêsu đã không phải là bác thuyền chài chuyên nghiệp; thế mà bác thuyền chài Simon lại tin tưởng nơi vị Rabbi không đưa ra các câu trả lời nhưng mời gọi ông tin tưởng. Phản ứng của Simon trước mẻ cá lạ lùng là phản ứng kinh ngạc và run sợ: ”Lậy Chúa, xin xa tôi vì tôi là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Chúa Giêsu trả lời và mời gọi ông tin tưởng rộng mở cho một chương trình vượt mọi viễn tượng của ông: ”Đừng sợ, từ nay trở đi con sẽ là kẻ đánh cá người” Lc 5,10). Phêrô chấp nhận để cho mình bị lôi cuốn vào trong cuộc mạo hiểm lớn lao đó: ông là người quảng đại, ông thừa nhận mình hạn hẹp, nhưng tin tưởng nơi Đấng kêu gọi mình và đi theo giấc mộng của con tim. Ông thưa vâng và trở thành môn đệ Đức Giêsu.

Có một giai thoại ý nghĩa khác trong con đường tinh thần mà thánh Phêrô sẽ sống gần thành Cesarea Philiphê, khi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ một câu hỏi chính xác: ”Người ta nói con người là ai?” (Mc 8,27). Nhưng câu trả lời vì nghe nói, không đủ đối với Chúa Giêsu. Từ kẻ chấp nhận để cho mình bị liên lụy tới Ngài, Chúa muốn biết lập trường cá nhân của họ. Vì thế Ngài hỏi tiếp: ”Còn các anh, các anh nói Thầy là ai?” (Mc 8,29). Và thánh Phêrô trả lời nhân danh các vị khác: ”Thầy là Đức Kitô”, nghĩa là Đấng Cứu Thế. Câu trả lời này của thánh Phêrô không đến từ ”thịt xác và từ máu huyết” của thánh nhân, mà do Thiên Chúa Cha, là Đấng ngự trên trời, ban cho thánh nhân (x. Mt 16,17). Nó mang trong mình mầm giống lời tuyên xưng lòng tin của Giáo Hội”.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: ”Nhưng thánh Phêrô chưa hiểu ý nghĩa sâu thẳm sứ mệnh cứu thế của Chúa Giêsu. Bằng chứng là một lúc sau đó thánh nhân cho thấy Đấng Cứu Thế thánh nhân đang đi theo trong các giấc mộng của mình, rất khác với Đấng Cứu Thế trong chương trình của Thiên Chúa. Trước lời tiên báo cuộc khổ nạn, thánh nhân coi là gương mù gương xấu và phản đối, khiến cho Chúa Giêsu phải phản ứng mạnh mẽ (x. Mc 8,32-33). Thánh Phêrô muốn một Đấng Cứu Thế ”con người thiên chúa” hoàn thành các chờ mong của dân chúng bằng cách áp đặt quyền bính trên tất cả; trong khi Chúa Giêsu tự giới thiệu như là ”Thiên Chúa con người” đảo lộn các chờ mong của dân chúng bằng cách đi theo con đường của khiêm tốn và khổ đau. Đây là một sự lựa chọn định đoạt: chú ý tới các chờ mong của riêng mình và khước từ Chúa Giêsu, hay tiếp nhận Chúa Giêsu trong sự thật sứ mệnh của Ngài và gạt ra một bên các chờ mong qúa nhân loại. Là người nóng nảy thánh Phêrô không ngần ngại kéo Chúa Giêsu ra một bên và quở trách Chúa. Câu trả lời của Chúa Giêsu làm sụp đổ tất cả các chờ mong sai lạc, và mời gọi thánh nhân hoán cải và đi theo Ngài: ”Satan hãy xéo ra đàng sau Ta, vì ngươi không nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng theo loài người” (Mc 8,33).

Như thế thánh Phêrô học biết theo Chúa Giêsu đích thật có nghĩa là gì. Đó là ơn gọi lần thứ hai của thánh nhân, giống như ơn gọi của tổ phụ Abraham trong chương 22 sách Sáng Thế sau ơn gọi kể trong chương 12: ”Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo. Vì ai muốn cứu mạng sống mình sẽ mất, nhưng ai mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng sẽ cứu được nó” (Mc 8,34-35). Đó là luật khắt khe của việc theo Chúa: nếu cần phải biết từ bỏ toàn thế giới này để cứu linh hồn mình (x. Mc 8,36-37). Cả khi có vất vả, thánh Phêrô tiếp nhận lời mời gọi đó và tiếp tục con đường theo gót Thầy mình”.

ĐTC đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques, Sloveni Slovac, Lituani và Ý. Chào đông đảo người trẻ, các anh chị em đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ĐTC khuyến khích mọi người siêng năng lần hạt kính Đức Mẹ trong tháng 5, suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa để hiểu rõ hơn chương trình cứu độ, và phó thác mọi sự cho sự chở che hiền mẫu của Mẹ.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.