2006-04-10 16:02:57

Chúa Nhựt Lễ Lá tại Vatican


Từ năm 1986, chúa nhựt Lễ lá được chỉ định làm ngày Quốc tế giới trẻ. Tại sao lại chọn ngày đó? Bởi vì nhớ lại biến cố các bạn trẻ cầm cành lá ô-liu đi đón rước Đức Giêsu khi Người lên Giêrusalem lần chót để hoàn tất công trình cứu chuộc. Điều này đã trở thành ca khúc quen thuộc của phụng vụ khi đi kiệu lá từ bao thế kỷ : Pueri haebreorum tollentes ramos olivarum”: “Các trẻ Do-thái cầm nhành ô-liu đi đón Chúa và reo vang ca tụng: Hoan hô trên các tầng trời”. Vào lúc đầu các ngày quốc tế giới trẻ được cử hành ở mỗi giáo phận, rồi kế đó, ngoài các buổi cử hành hàng năm ở cấp giáo phận vào chúa nhựt Lễ Lá, còn có những Đại hội ở cấp hoàn vũ diễn ra 2 năm một lần. Đại hội lần cuối được tổ chức vào tháng 8 năm ngoái ở Koln (Đức), và lần tới sẽ tới phiên của thành phố Sydney (Australia) vào năm 2008. Điều đáng được nêu bật ở đây là biểu hiệu của ngày quốc tế giới trẻ không phải là ngọn đuốc thiêng như tại Thế-vận-hội, cũng không phải là cành lá ô-liu như các thiếu nhi Giêrusalem đi đón rước Chúa Giêsu, nhưng là cây thập giá. Cây Thập giá được dựng lên tại lễ đài của mỗi Đại Hội, và sau đó được chuyển giao cho đoàn đại biểu của nơi sẽ diễn ra Đại Hội lần tới. Trong khoảng thời gian hai kỳ Đại Hội, cây Thập giá sẽ được rước đi theo một lộ trình do Toà thánh ấn định với các giám mục liên hệ: đây là sẽ một thời kỳ hành hương học hỏi và cầu nguyện cho các giáo hội địa phương.


Chúa nhựt hôm qua, sau Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 9 giờ rưỡi sáng tại quảng trường thánh Phêrô, cùng với hồng y Joachim Meisner (tổng giám mục Koln) và hồng y George Pell (tổng giám mục Sydney), lễ nghi chuyển giao Thánh giá đã diễn ra giữa đoàn đại biểu của hai giáo phận. Qua ngày thứ hai, cây Thánh giá giá sẽ lên đường sang lục điạ Phi châu, dùng lại ở Dakar (Senegal), và kế đó sẽ viếng thăm 20 quốc gia Phi châu (Guinea Bissau, Gambia, Ghana, Togo, Burkina Faso, Niger, Cameroun, Gabon, Congo Brazzaville, Burundi, Rwanda, Kenya, Malawi, Zambia, Madagascar, Botswana, Swaziland) cho đến tháng 2 năm 2007, sau đó sẽ rời Nam Phi để cập bến Australia, đi thăm viếng tất cả các giáo phận nước này và tới tháng 7 năm 2008 thì sẽ được dựng lên tại Đại Hội Sydney.


Ngày Lễ Lá có ý nghĩa gì đối với các bạn trê? Đặc biệt, Thánh giá có ý nghĩa gì đối với các tín hữu? Đó là đề tài của bài giảng Thánh lễ của Đức Thánh Cha sau khi đã công bố bài Thương khó, được tóm lại trong ba điểm: khó nghèo, hoà bình, đại đồng. Ba ý nghĩa này được gói ghém trong đoạn văn của ngôn sứ Dacaria (9,9-10) nói về vị vua Mesia đến thiết lập hoà bình trên khắp thế giới.


Trước hết, Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, cỡi trên một con lừa con. Con lừa là thú vật của các nông dân; và hơn nữa, lần này con lừa được đi mượn. Chúa Giêsu xuất hiện như một ông vua của người nghèo, một người nghèo ở giữa người nghèo và cho người nghèo. Sự nghèo khó ở đây được hiểu theo nghĩa Kinh thánh về những người anawim, nghĩa là những tâm hồn khiêm tốn. Có thể một người nghèo về tiền bạc nhưng lòng thì chất đầy tham lam của cải và quyền hành, muốn chiếm đoạt tài sản của những kẻ quyền thế. Đó không phải là thứ nghèo mà Chúa Giêsu đề cao trong bài giảng trên núi. Chúa Giêsu muốn nói đến con người có tâm hồn nghèo khó, ý thức rằng những gì mà mình đang sở hữu là một trách nhiệm đối với tha nhân. Ai có tâm hồn nghèo khó như vậy thì cũng thực sự được tự do, không còn bị nô lệ của nạn tham lam hối lộ đang tàn phá thế giới hiện nay. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ta được sự tự do nội tâm đó, được thực tập qua những sự từ bỏ hàng ngày để đi theo Chúa Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta (xc 2Cr 8,9).


Điểm thứ hai mà ngôn sứ Dacaria loan báo là đấng Mesia sẽ đến như là một vua hoà bình, người sẽ tiêu diệt chiến xa và kỵ mã, bẻ gãy cung tên. Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó qua cây thập giá. Cây thập giá có thể ví được như chiếc cầu vồng, nối liến đất với trời, bắt ngang qua vực thẳm ngăn cách các đại lục. Khí giới mà Chúa Giêsu trao vào tay chúng ta là cây thập giá, biểu tượng của hoà giải, biểu tượng của tình thương. Mỗi lần chúng ta làm dấu thánh giá, chúng ta hãy nhớ rằng đừng đối kháng sự bất công bằng sự bất công, đừng dùng vũ lực đế kháng cự vũ lực. Thánh giá nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có thể chiến thắng điều ác bằng điều thiện, chứ không phải lấy ác báo ác.


Điểm thứ ba mà ngôn sứ Dacaria loan báo là tầm mức hoàn vũ của vua Mesia. Ngài sẽ không chỉ thiết lập hoà bình cho dân tộc Israel mà thôi , nhưng còn mở rộng đến cùng cõi địa cầu. Điều này đã thực hiện nơi Chúa Giêsu, cách riêng qua bí tích Thánh Thể: từ khắp nơi trên thế giới, dù túp lều tranh nghèo nàn cho đến các thánh đường nguy nga, Chúa Giêsu đến với chúng ta mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Thể. Qua các ngôn ngữ khác nhau, các nền văn hoá khác nhau, Ngài vẫn tỏ hiện như một, như là tấm bánh trao ban cho mỗi người chúng ta. Đó là cách thức mà Ngài kiến tạo Nước Thiên Chúa trên địa cầu, nước của tình yêu vô biên giới.


Tất cả ba đặc tính nói trên được gói ghém trong cây thập giá. Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo. Cách đây không lâu lắm, người ta chống đối Kitô giáo bằng việc loại bỏ cây thập giá. Điều này chưa hoàn toàn trôi vào dĩ vãng, bởi vì vào thời nay, nhiều người vẫn còn ngại ngùng chấp nhận thập giá! Họ không muốn nghe nói đến hy sinh, từ bỏ. Họ muốn sống thoải mái, muốn làm gì thì làm, bất chấp luân lý. Nhưng đó chỉ là lời dụ dỗ của con rắn, đưa đến cái chết. Phần chúng ta, chúng ta chấp nhận thập giá như là cây mang lại sự sống. Chúng ta chỉ tìm thấy sự sống đich thực khi biết trao hiến tình yêu, chứ không phải là khư khư chiếm giữ.


Thánh lễ kết thúc lúc gần tới 12 giờ. Từ lễ đài, Đức Thánh Cha đã đọc những lời chào mừng các phái đoàn hành hương bằng tiếng Anh, Đức, Pháp, Tây ban nha, Bồ đào nha, Ba-lan. Sau cùng, ngài đã xướng kinh Truyền tin và ban phép lành Toà thánh.

Bình Hòa









All the contents on this site are copyrighted ©.