2006-03-31 18:22:41

Ý CHỈ CẦU NGUYỆN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA THÁNG 4-2006


Trong tháng 4-2006, ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu trong toàn thể Giáo Hội, hiệp ý với ngài để cầu xin Chúa cho các quyền cá nhân, xã hội và chính trị của phụ nữ được tôn trọng tại mọi quốc gia trên thế giới.

Tại nhiều nước Tây Phương, vấn đề bình quyền nam nữ đã được cải tiến nhiều, tuy rằng phụ nữ vẫn còn bị thiệt thòi trong nhiều lãnh vực. Tuy nhiên tại nhiều nước khác trên thế giới, phụ nữ còn bị kỳ thị về nhiều phương diện, và các quyền của họ về mặt cá nhân, xã hội và chính trị vẫn không được tôn trọng.

Trong sứ điệp công bố nhân ngày phụ nữ thế giới, 8-3-2006, Ông Tổng thư ký LHQ, Kofi Annan, đã nhận định rằng: ”Tính đến tháng giêng năm 2006, tỷ lệ sự hiện diện của nữ giới trong các quốc hội các nước đã đạt đến mức độ kỷ lục trên toàn trái đất. Hiện nay, có 11 phụ nữ đang đảm nhận chức vụ nguyên thủ quốc gia hay lãnh đạo chính quyền rải rác trên khắp thế giới và ba nước là Chilê, Tây Ban Nha và Thụy Điển có chính quyền nam nữ đồng đều”.

Tại Chilê, vào trung tuần tháng 3-2006, bà Michelle Bachelet đã nhận chức vụ tổng thống, trước sự hiện diện của hơn 30 vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng trên thực tế, điều kiện cuộc sống của giới phụ nữ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn tại khắp nơi trên mặt đất. Ngay tại LHQ, cơ quan này cũng không chú ý đủ đến sự bình quyền nam nữ trong các chương trình cải tổ. Mới đây, các tổ chức nữ quyền thế giới đã gửi một thư ngỏ đến ông tổng thư ký LHQ để than phiền rằng hơn 10 năm sau những hứa hẹn của hội nghị quốc tế về phụ nữ, nhóm hồi năm 1995 tại Bắc Kinh, LHQ vẫn không làm gì cả để thăng tiến phụ nữ. Các phái đoàn đại diện LHQ, các ban chuyên viên cấp cao và các chức năng quan trọng vẫn chỉ có rất ít sự hiện diện của nữ giới.

Tại Ấn độ, phụ nữ vẫn còn bị kỳ thị về nhiều mặt, đặc biệt là do chế độ hồi môn. Mỗi khi gả chồng cho con, nhà gái thường bị mất một số tiền lớn và nếu không có của hồi môn xứng đáng, phụ nữ khi về nhà chồng thường bị hành hạ, tủi nhục. Trong chế độ trọng nam khinh nữ như thế, nhiều gia đình tìm cách phá thai khi biết hài nhi sẽ sinh ra là trẻ nữ. 7000 người chết trong năm 2004 vì những vấn đề liên hệ đến của hồi môn, mặc dù hủ tục này đã chính thức bị luật pháp Ấn độ chính thức hủy bỏ từ năm 1961.

Tại các nước Arập Hồi giáo, do truyền thống tôn giáo và văn hóa, phụ nữ còn bị kỳ thị trầm trọng. Ví dụ tại Ai Cập, phụ nữ vẫn không có quyền được làm thẩm phán, mặc dù hiến pháp quốc gia không hề ngăn cấm. Tại Iran, phụ nữ cũng không được làm việc ngoài xã hội hay trong ngành du lịch nếu không có sự đồng ý của nam giới trong gia đình. Tuy thế, từ ba năm mới đây, Iran đã có đội lính cứu hỏa nữ giới đầu tiên trong lịch sử. 11 phụ nữ đã được tham gia chương trình huấn luyện do tổng thống Khatami đề ra. Đây là một trong số rất ít những cánh cửa hé mở cho phụ nữ Iran có thể tham gia vào đời sống xã hội nước nhà.

Cũng thế, tại Koweit, bà Maasuma Al-Moubarak mới đi vào lịch sử như là người phụ nữ đầu tiên được chỉ định làm bộ trưởng bộ Kế Hoạch. Tháng 5 năm 2005, phụ nữ Koweit cũng đã được nhìn nhận các quyền công dân, trong đó có quyền bầu cử và ứng cử. Nhưng tại Arạp Saudi, phụ nữ vẫn còn gặp nhiều ngăn trở trên con đường đòi hỏi quyền lợi. Họ không được quyền lái xe, đi ra ngoài một mình vv...

Tại Á châu, những vụ bạo hành phụ nữ vẫn còn rất thịnh hành, nhưng ít khi nào được đưa ra ánh sáng. Ông Paul Greening, nhân vật cấp cao thuộc Quỹ LHQ đặc trách dân số, nhận định rằng ”Nạn bạo hành phụ nữ đạt tới mức độ kỷ lục. Chẳng hạn tại Afganistan, không ai nhìn thấy gì cả, không ai nghe gì cả và không ai đề cập đến vấn đề này cả. Ai ai cũng cúi đầu chấp nhận mà thôi. Tại xứ này, bạo hành một phụ nữ không phải là một tội phạm, nhưng là một vấn đề gia đình mà thôi.”

Riêng tại Pakistan, nạn hãm hiếp phụ nữ xảy ra như cơm bữa, bình quân cứ hai tiếng đồng hồ thì xảy ra một vụ cưỡng hiếp cá nhân, cứ 8 tiếng, có một vụ cưỡng hiếp tập thể. Trong bối cảnh trên đây, với ý chỉ cầu nguyện chung tháng 4-2006, ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu góp phần thăng tiến phụ nữ tại các nơi trên thế giới, và đặc biệt cầu xin Chúa cho các quyền cá nhân, xã hội và chính trị của phụ nữ được tôn trọng tại mọi quốc gia trên thế giới.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.