Tin tức nổi bật nhất trong thời sự Giáo hội tuần qua là lễ tấn phong 15 Hồng y,
bắt đầu với việc trao mũ đỏ hôm thứ sáu, và ngày hôm sau
là trao nhẫn trong Thánh lễ đồng tế. Chắc chắn ai cũng đã
biêt là ngày thứ bảy vừa rồi (25 tháng 3) là Lễ Truyền tin. Lời “xin vâng” của
Đức Mẹ Maria cũng phải là mẫu gương của những ai được
Chúa uỷ thác một sứ vụ trong Hội thánh. Nhưng có lẽ ít người
biết rằng ngày hôm trước đó (24 tháng 3) cũng mang một
ý nghĩa không kém phần sâu sắc: đó là ngày tưởng niệm các nhà truyền
giáo bị sát hại, do Bộ Truyền bá Tin mừng thiết lập nhân kỷ niệm ngày đức
cha Oscar Romero, tổng giám mục San Salvador, bị ám sát cách đây 26 năm đang
khi cử hành Thánh lễ. Bài huấn dụ trước khi đọc
kinh Truyền tin hôm qua đã nhắc đến các tín hữu
đang chịu bách hại vì đức tin, để tất cả chúng
ta cầu nguyện cho họ. Trước đó, vào ban sáng Đức
Thánh Cha đã đi thăm viếng một họ đaọ ở ngoại ô
thành phố Rôma, dâng kính “Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót”. Bài
giảng Thánh lễ đã chú giải đề tài đó trùng hợp
với đoạn sách Tin mừng chúa nhựt thứ bốn muà Chay, quen gọi là chúa
nhựt “Laetare” (hãy vui lên).
Trước hết xin mời quý vị theo dõi buổi
đọc kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến
Công hội hồng y được
triệu tập vào những ngày vừa qua để bổ niệm 15 tân hồng y là một cảm nghiệm sâu đậm
về tình Giáo hội, và đã cho chúng ta được thưởng thức vẻ phong phú tinh thần của tính
cách hợp đoàn, của việc gặp gỡ giữa những anh em thuộc nhiều gốc gác khác nhau nhưng
cùng mang chung một tình yêu thương đối với Chúa Kitô và Hội thánh của Người. Phần
nào chúng ta đã sống lại thực tại của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, được quy tụ chung
quanh Đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, và thánh Phêrô, để tiếp đón hồng ân Thánh
Linh và dấn thân rao giảng Tin mừng cho khắp thế giới. Lòng trung thành với sứ mạng
tới mức hy sinh mạng sống là một đặc trưng của các vị hồng y, được biểu lộ qua lời
tuyên thệ và màu đỏ của phẩm phục.
Do sự trùng hợp được Chúa Quan phòng,
Công hội hồng y diễn ra vào ngày 24 tháng 3, ngày tưởng niệm những nhà truyền giáo
đã ngã gục trong năm qua ở nhiều nơi trên thế giới, trong sứ mạng Loan báo Tin mừng
và phục vụ đồng loại. Vì thế công hội hồng y là một cơ hội để chúng ta cảm thấy mình
gần gũi với những Kitô-hữu đang phải chịu đau khổ vì đức tin. Sự chứng tá của họ,
được biết đến qua những tin tức hằng ngày, và nhất là sự hy sinh của những kẻ bị sát
hại, quả thực là tấm gương xây dựng và thôi thúc chúng ta hãy thành thực và quảng
đại dấn thân hơn nữa theo Phúc âm. Cách riêng, tâm trí tôi hướng đến các cộng đoàn
đang sống tại những nước thiếu tự do tín ngưỡng, hoặc tuy nhìn nhận quyền đó trên
giấy tờ nhưng trong thực tế thì rất hạn chế sự thực hành. Tôi xin gửi tới các anh
chị em đó lời khích lệ hãy bền tâm trong đức kiên nhẫn và yêu thương của Chúa Kitô,
là hạt giống của Triều đại Thiên Chúa đang đến, và thực sự đã hiện diện trong thế
giới chúng ta. Với những người đang hoạt động để phục vụ Tin mừng trong những hoàn
cảnh khó khăn, tôi xin bày tỏ tình liên đới nhân danh toàn thể Giáo hội, và đồng thời
tôi cam đoan sẽ nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện.
Hội thánh tiến bước
trong dòng lịch sử và bành trướng khắp mặt đất, nhờ sự tháp tùng của Mẹ Maria, Nữ
vương các thánh tông đồ. Cũng như tại nhà Tiệc Ly, Đức Trinh nữ Maria trở thành ký
ức sống động của Chúa Kitô cho hết các tín hữu. Mẹ nâng đỡ lời cầu nguyện và niềm
hy vọng của tất cả chúng ta. Chúng ta hãy xin Người dẫn dắt trên đường đi mỗi ngày,
và che chở cách riêng những cộng đoàn Kitô-hữu đang trải qua những hoàn cảnh khó khăn
và đau khổ.
Giáo xứ “Thiên Chúa giàu lòng xót thương”
- mà Đức Thánh Cha đến thăm viếng vào buổi
sáng - mới được thành lập cách đây 10 năm, bao gồm
2500 gia đình và 8000 tín hữu. Ngôi thánh dường khởi công xây
cất vào tháng 3 năm 1998 và hoàn tất năm 2003. Tuy vậy
từ năm 2001, thánh đường này đã được trao
làm nhà thờ hiệu toà cho hồng y Francesco Sepe, bộ trưởng bộ Loan Truyền
Tin Mừng, vì thế ngài cũng hiện diện trong thánh lễ cùng với hồng y Camillo Ruini,
tổng đại diện giáo phận Rôma.
Bài giảng Thánh lễ gợi
hứng từ ba đề tài. Thứ nhất là niềm vui, được nói đến trong các bản văn phụng vụ của
chúa nhật thứ bốn Muà Chay. Đề tài thứ hai nói đến tình thương lân tuất của Thiên
Chúa, bổn mạng của giáo xứ và cũng là đề tài của đoạn sách Tin mừng. Đề tài thứ ba
gợi hứng từ kiến trúc của thánh đường, mang hình thù của một chiếc thuyền, hình ảnh
của Hội thánh.
Đề tài của niềm vui xuất hiện ngày từ bài ca-nhập-lễ:“Hỡi
Giêrusalem, hãy hân hoan …hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy hân hoan vui mừng”.
Vui vì lý do gì? Phải chăng vì sắp tới lễ Phục sinh? Đúng thế, nhưng nhất là vì chúng
ta được Thiên Chúa yêu thương. Tất cả các bài đọc Sách thánh đều lặp lại một giáo
huấn: Chúng ta là những con người mỏng dòn yếu đuối, phản bội bất trung, nhưng ra
như Thiên Chúa vẫn “cố chấp” tỏ lòng thương xót với chúng ta. Chân lý này được kể
lại trong bài đọc một, khi nói đến việc Thiên Chúa đưa dẫn dân Israel từ nơi lưu đày
trở về quê hương. Thánh Phaolô viết trong bài đọc hai rằng “Thiên Chúa là Đấng giàu
lòng thương xót, đã yêu thương chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân đáng chết thì
đã cho chúng ta được sống lại trong Đức Kitô” (Ep 2,4-5), và nhất là Tin mừng thánh
Gioan khẳng định rằng: “Thiên Chúa đã quá thương yêu thế gian đến nỗi đã bàn Ngươi
Con Một, ngõ hầu ai tin kính vào Người Con thì không phải chết, nhưng được sự sống
đời đời” (Ga 3,16). Tình thương của Chúa Cha đã thúc đẩy trao ban Đức Kitô, cách riêng
qua hy lễ của thập giá. Từ đó, tất cả các tín hữu được mời gọi hãy nhìn ngắm thập
giá, để khám phá ra tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Con người thời nay đang cần đến
dấu chỉ của tình yêu. Giáo hội chỉ có thể bày tỏ dấu hiệu duy nhất, đó là tình yêu
vô bờ bến của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Thập giá của Đức Kitô, qua cái chết và sự
sống lại của Người.