2006-03-25 19:03:55

ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ VỚI CÁC TÂN HỒNG Y


VATICĂNG: Lúc 10 giờ 30 sáng hôm qua, lễ trọng Truyền Tin, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự thánh lễ với 15 Tân Hồng Y trước thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 300 Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và hơn 30.000 tín hữu.

Giảng trong thánh lễ có nghi thức trao nhẫn cho các Tân Hồng Y, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khẳng định rằng chiếc nhẫn trao cho mỗi vị gợi lại tiếng ”xin vâng” của Mẹ Maria với tổng lãnh thiên thần Garbiel trong ngày Truyền Tin. Mẹ Maria và tông đồ Phêrô là hai cột trụ nâng đỡ tòa nhà Giáo Hội. ”Nguyên lý Phêrô” được Chúa Giêsu xây trên các Tông Đồ được minh giải bởi ”nguyên lý Maria”, bắt nguồn từ tiếng ”xin vâng” qua đó Mẹ Maria chấp nhận để cho ”Ngôi Lời vĩnh cửu” hiện hữu như con người trong dòng thời gian. Hai chiều kích ấy được gắn liền nhau bởi giá trị tuyệt đỉnh của tình yêu, mà các Hồng Y được mời gọi làm chứng nhân. Chiếc nhẫn hồng y biểu tượng cho tình yêu hôn nhân của các vị với Giáo Hội. Nó nhắc lại sự gắn bó của các Hồng Y với lời mời gọi của Thiên Chúa, theo gương Mẹ Maria. Đức Thánh Cha nhấn mạnh như sau: ”Nhận lãnh chiếc nhẫn đối với anh em, như thế, giống như canh tân lời ”xin vâng”, tiếng ”này con đây” của anh em hướng tới Chúa Giêsu, là Đấng đã lựa chọn và cất nhắc anh em lên, đồng thời cũng hướng tới Hội Thánh, mà anh em được mời gọi phục vụ với tình yêu hôn nhân. Hai chiều kích của Giáo Hội: chiều kích thánh mẫu và chiều kích phêrô như thế gặp gỡ nhau trong cái khiến cho cả hai được thành toàn, là giá trị tuyệt đỉnh của tình yêu, là ân sủng lớn lao nhất và là con đường tốt lành nhất trong mọi con đường, như thánh Phaolô đã viết”.

Trước đó, Đức Thánh Cha nêu bật ý nghĩa của lễ nghi trao nhẫn cho các Tân Hồng Y trong khung cảnh lễ trọng Truyền Tin và nói: ”Nơi biến cố Truyền Tin, Giáo Hội nhận ra sự khởi đầu của mình. Mọi thực hiện lịch sử của Giáo Hội cũng như mọi cơ cấu của Giáo Hội phải quy chiếu về Suối Nguồn khai sinh đó là Chúa Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Chính Ngài là Đấng Giáo Hội luôn cử hành: Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng tôi, qua Ngài ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Cha được thành toàn. Sứ thần Gabriel đã chào Mẹ Maria là ”Đầng đầy ân sủng”, ân sủng ấy chính là tình yêu của Thiên Chúa, vì thế cũng có thể dịch là ”Đấng được Thiên Chúa yêu thương” (x. Lc 1,28). Tước hiệu ”đầy ân sủng” được diễn tả trong hình thái thụ động, nhưng lời đáp trả của Mẹ Maria đầy tích cực, vì Mẹ tiếp nhận làn sóng tình yêu của Thiên Chúa đổ tràn đầy trên Mẹ với tất cả sự sẵn sàng. Mẹ là môn đệ toàn vẹn của Đức Giêsu Con mình, là Đấng đã hoàn toàn tuân phục thánh ý của Thiên Chúa Cha: ”Lậy Thiên Chúa, này con đến để làm trọn thánh ý Cha” (Dt 10,5-7). Tiếng ”xin vâng” của Con và tiếng ”xin vâng” của Mẹ phản ánh trong nhau và làm thành một tiếng ”Amen” đối với thánh ý của Thiên Chúa Cha.

Sự kiện Đức Maria chấp nhận lời truyền tin của sứ thần đã cho phép Thiên Chúa và loài người ký kết giao ước mới một cách toàn vẹn. Và trong khoảng không gian tràn đầy ân sủng của tiếng xin vâng đó, Mẹ Maria cũng trở thành Mẹ Giáo Hội đến độ mọi cơ cấu và chức thừa tác của Giáo Hội đều ở dưới áo choàng chở che hiền mẫu của Mẹ. Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng: ”Tầm quan trọng của nguyên lý thánh mẫu trong Giáo Hội đã được minh nhiên bởi Công Đồng Chung Vaticăng II và vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu kính, người đã sống trung thực với khẩu hiệu ”Tất cả là của Mẹ”. Trong hướng đi tinh thần và trong chức thừa tác không mệt mỏi của người, sự hiện diện của Mẹ Maria là Mẹ và là Nữ Vương Giáo Hội đã được biểu lộ rõ ràng trước mắt mọi người. Hơn bao giờ hết sự hiện diện đó của Mẹ đã được người cảm nhận trong vụ mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981 tại quảng trường thánh Phêrô. Để tưởng nhớ biến cố thê thảm đó người đã cho làm một bức khảm đá mầu Đức Trinh Nữ ở trên Dinh Tông Tòa hướng xuống quảng trường thánh Phêrô để Mẹ đồng hành với những giai đoạn tột đỉnh và trạng huống của triều đại giáo hoàng dài của người, là triều đại đã bước vào giai đoạn cuối, đầy khổ đau nhưng cũng khải hoàn và phục sinh thực sự”.

Kết thúc bài giảng Đức Thánh Cha nói: ”Mọi sự đều qua đi trong thế giới này. Chỉ có Tình Yêu của Thiên Chúa là vĩnh cửu. Ai yêu thì cũng tự quên mình đi và phục vụ tha nhân. Và đó là con đường trên đó tôi muốn khởi đầu triều đại giáo hoàng của tôi với thông điệp đầu tiên, bằng cách mời gọi tất cả mọi người xây dựng Giáo Hội trong tình yêu, là sự hiệp thông yêu thương. Trong việc theo đuổi mục đích đó, anh em hồng y thân mến, sự gần gũi tinh thần và trong hoạt động của anh em là sự nâng đỡ và ủi an lớn lao cho tôi”.

Tiếp theo sau đó là nghi thức trao nhẫn. Các Tân Hồng Y đã đến trước mặt Đức Thánh Cha nhận lấy nhẫn hồng y dấu chỉ tình yêu và sự trung thành của các vị với Chúa Kitô và với Giáo Hội (SD RG 25-3-2006)

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.