2006-03-25 20:13:06

Tâm niệm như phương thức dẫn đưa tín hữu tới gần Thiên Chúa và kết hiệp với Ngài
 


Tại hầu hết các nước trên thế giới, các dòng tu và các tu hội, đặc biệt là các dòng chiêm niệm, đều chọn nơi cao và thanh vắng tĩnh mịch để xây tu viện. Sự lựa chọn đó không chỉ diễn tả nhu cầu tách rời khỏi nếp sống ồn ào náo nhiệt và xô bồ của xã hội loài người, nhưng còn diễn tả nỗ lực và ước mong tiến lên cao trong cuộc sống tâm linh nữa, tiến tới chỗ gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa trong cuộc sống cầu nguyện, trong bầu khí chiêm niệm.

Trong nhiều thế kỷ dài, các tín hữu kitô đã thực hành một kiểu cầu nguyện gọi là tâm niệm: họ liên tục không ngừng gọi tên Chúa Giêsu Kitô, như được kể lại trong tác phẩm vô danh ”Các chuyện kể của một tín hữu hành hương người Nga”. Cuốn sách thuật lại con đường thiêng liêng của một tín hữu kitô nghèo, bôn ba, trăn trở, lang thang đây đó, tìm hiểu xem làm sao có thể thực hành lời thánh Phaolô mời gọi tín hữu giáo đoàn Thêxalônica ”cầu nguyện liên lỉ” (1 Tx 5,17). Chỉ khi gặp được một tu sĩ già hướng dẫn bước vào cuộc sống nội tâm, anh mới hiểu rằng ”lời cầu nội tâm liên lỉ của Chúa Giêsu là liên lỉ kêu Tên Thánh Giêsu Kitô, với tất cả tâm trí, trong ý thức về sự hiện diện liên tục của Ngài và trong việc khẩn cầu lòng từ bi thương xót của Chúa, trong mọi sinh hoạt của chúng ta, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Lời cầu đó như thế này: ”Lậy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Kiểu tâm niệm này dậy tín hữu từ chỗ lập đi lập lại công thức cầu nguyện bên ngoài đi sâu vào chiều kích nội tâm. Người cầu nguyệm tìm cách đạt tới sự kết hiệp nội tâm bằng cách trình bầy toàn con người của mình với Chúa, trong một lộ trình thanh tẩy và hiệp thông. Đó là lời cầu nguyện của người hướng lên Thiên Chúa với các lời cầu thinh lặng, sau khi đã tập trung tâm trí. Việc tập trung tâm trí là lúc cao nhất của lời cầu nguyện, trong đó con người được kết hiệp với Thiên Chúa dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tín hữu kitô được mời gọi lập lại Tên của Chúa Giêsu để liên lỉ ghi khắc trong con tim, trí khôn và toàn cuộc sống của riêng mình. Tuy nhiên, phải phân biệt giữa kỹ thuật cầu nguyện và lời cầu nguyện riêng tư đích thật. Chỗ nhất luôn luôn phải dành cho Chúa Thánh Thần là ”Đấng cầu nguyện trong chúng ta” (Rm 8,15).

Linh Mục Enzo Bianchi, tu viện trưởng tu viện Bose, bắc Italia đã viết: ”Sự kiện không có khả năng ở với chính mình và ở trong chính mình khiến cho chúng ta bôn chôn nóng nảy, hiếu chiến, không hài lòng thỏa mãn và cảm thấy bị tước đoạt. Nhưng nếu lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp ở với chính mình và sống an bình với chính mình, thì nó tuyệt đối không phải là đích điểm của chính nó; nó không phải là một kỹ thuật có thể chiếm hữu được trong biết bao nhiêu kỹ thuật bầy bán ngoài chợ hạnh phúc tâm linh tinh thần. Sự hiểu biết chính mình, mà lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dẫn đưa chúng ta tới, không vén mở cho chúng ta thấy siêu nhân trong chính mình, nhưng vén mở cho chúng ta thấy tội lỗi của chúng ta. Đối với tín hữu kitô, lời cầu nguyện đích thật là sự hiểu biết Chúa Kitô: Chúa Kitô bị đóng đanh. Vì thế truyền thống nga đã nhận ra nơi sự khiêm nhường chìa khóa giúp đạt điểm cao nhất của lời cầu nguyện nội tâm. Chúa Thánh Thần là sự khiêm hạ của Thiên Chúa, cũng hướng dẫn chúng ta trên con đường của lời cầu nguyện đích thực ấy” (Avvenire 10-9-2004).

Mọi lời kinh, mọi khẩu niệm phải dẫn đưa chúng ta tới lời cầu nguyện thinh lặng, là lời cầu tâm niệm. Lập đi lập lại một lời cầu cho đến chỗ nhập tâm có hiệu qủa thanh tẩy tâm trí và con người của chúng ta, giúp dọn đường cho sự gặp gỡ hiệp nhất với Thiên Chúa và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong tâm trí và mọi sinh hoạt thường ngày. Trong ý hướng đó, các tư tưởng và lời cầu, mà chính Chúa Giêsu đã dậy thánh Faustina Kowalska, Nữ Tông Đồ Lòng Từ Bi Thương Xót Chúa Giêsu Kitô, có thế giúp chúng ta tiến sâu vào con đường tâm niệm:

”Lậy Chúa Giêsu, Chúa tắt thở, nhưng suối nguồn sự sống vọt trào cho các linh hồn, và đại dương thương xót mở ra cho thế giới. Ôi, suối Nguồn Sự Sống, ôi Lòng Thương Xót Chúa vô lường, xin bao bọc toàn thế giới và dốc đổ Chính Chúa ra cho chúng con! Ôi Máu và Nước tuôn trào từ Trái Tim Chúa Giêsu như suối nguồn thương xót chúng con. Con tin cậy Chúa” (84).

”Lậy Cha Vĩnh Cửu, con xin dâng cho Cha Mình và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Yêu Dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, để đền tội chúng con và đền tội toàn thế giới”.
”Vì cuộc khổ nạn của Người, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.

”Lậy Thiên Chúa Chí Thánh, lậy Đấng Chí Thánh Quyền Năng, lậy Đấng Chí Thánh Bất Tử, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.

”Lậy Thiên Chúa Vĩnh Cửu, là lòng thương xót vô biên và là kho tàng từ bi bất tận, xin doái nhìn chúng con và gia tăng lòng thương xót Chúa nơi chúng con, để trong những lúc khó khăn chúng con không ngã lòng thất vọng, nhưng với lòng tin cậy bao la vâng theo thánh ý Chúa là Tình Yêu và chính Lòng Thương Xót. Amen”.

LTK







All the contents on this site are copyrighted ©.