2006-03-07 14:10:15

TÀN TẬT NHƯNG ĐẦY TRÀN TÌNH THƯƠNG


Trong giấc ngủ, tôi cảm thấy một bàn tay nhỏ bé vuốt nhẹ trên mặt. Mở mắt ra, tôi trông thấy một bé gái nghiêng mình trên tôi. Rồi một hơi thở nhè nhẹ thoáng qua và bé đặt một chiếc hôn trên trán tôi ...

Trời chưa sáng nhưng bé Katie đã cống hiến cho tôi hình ảnh tuyệt đẹp đầu tiên của một ngày mới rạng: ”hình ảnh cô bé mũm-mĩm, trên mặt lấm-tấm những vết đỏ hồng”. Hình ảnh yêu-kiều làm nẩy sinh nơi tôi tâm tình dạt dào yêu sống. Đã 7 năm trôi qua, kể từ ngày bé Katie chào đời, cô bé cho tôi niềm hạnh phúc bao la là được làm cha và được yêu thương bé.

Lần đầu tiên bồng bé trên tay, lúc bé vừa lọt lòng mẹ, tôi đã có ý tưởng mơ hồ về chứng bệnh ”khờ khạo” khi trông thấy đôi mắt “xếch” của bé. Trong khi đó vợ tôi nói: ”Sao con mình giống Tàu quá!”

Vị bác sĩ chuyên về trẻ em cho chúng tôi biết bé Katie có đủ các triệu chứng của ”bệnh khờ”: cổ mập ù, đôi mắt xếch v.v. Thế nhưng phải đợi thêm vài ngày nữa mới biết chắc.

Cả hai vợ chồng chúng tôi cùng sững-sờ đau đớn và cùng ý thức đợi chờ một thảm họa ghê gớm hơn có thể xảy ra. Trước đó 18 tháng, bé trai 17 tuần lễ của chúng tôi bỗng đột ngột qua đời trong chiếc nôi của bé. Cái chết bất ngờ và không giải thích được của bé làm chúng tôi hiểu rằng: ”Cuộc sống con người thật mong manh và vô cùng quý giá!”

Sau khi biết rõ bé Katie bị bệnh khờ, các bác sĩ khuyên chúng tôi nên gửi bé vào một trung tâm dành cho các trẻ em tàn tật, nếu chúng tôi không muốn giữ bé tại nhà. Đề nghị này bị chúng tôi hoàn toàn gạt bỏ. Vợ chồng tôi cùng đồng ý rằng: ”Không ai chăm sóc con cái chu đáo bằng chính cha mẹ chúng!” Bé Katie sẽ sống trong gia đình với chúng tôi, dù có xảy ra bất cứ chuyện gì!

Thường thì các bé mắc bệnh khờ cũng bị mù, bị điếc và bị câm nữa. Nghĩa là các cơ quan của bé bị tàn tật. Chúng tôi sống thật âu-lo trong những tháng đầu tiên. Bé như không thấy và không nghe, nên không phản ứng gì. Đôi mắt chỉ trừng trừng nhìn vào khoảng không trước mặt.

Tuy nhiên với thời gian và với trọn lòng chăm sóc của chúng tôi, của hai ông bà nội ngoại, bé Katie như dần dần thoát ra cảnh tàn tật. Cô bé bắt đầu có phản ứng. Ngoài ra nơi viện dưỡng nhi, các bé khác rất yêu thương bé Katie. Chúng như hiểu rằng, bé Katie là một đứa trẻ không bình thường, nên sẵn sàng giúp đỡ và tha thứ cho những cử chỉ ”bất-thường và mất-dạy” của bé, như kéo áo, giựt tóc, hoặc giựt đồ chơi của các bé khác ...

Càng lớn - tuy có hơi chậm - bé Katie càng tỏ ra một bé gái với nhiều đức tính tuyệt diệu, đầy trìu mến và nhiệt tâm. Nói thế cũng không ngụ ý bé Katie là một thiên thần. Đôi lúc bé cũng tỏ ra giận dữ và cứng đầu. Riêng vợ chồng tôi, từ ngày bé Katie chào đời, chúng tôi thủ đắc thêm một nhân đức: nhân đức nhẫn nhục. Ngoài Katie ra, chúng tôi còn có hai đứa con khác, một lên 12 và một lên 3. Katie là đứa ở giữa.

Từ ngày có Katie, yêu thương và chăm sóc cho Katie, chúng tôi kinh nghiệm được rằng: trong cuộc sống chán chường của những người lớn, bé Katie mang lại cho chúng tôi sự ân-cần, lòng thương-cảm và tình yêu-thương là những điều ai ai cũng tìm kiếm. Tình yêu của bé Katie là một thứ tình yêu không dè-sẻn, vô-tư, vô-vụ-lợi của một người không bao giờ kỳ-thị bất cứ ai hoặc phân biệt bất cứ điều gì ..

(Reader's Digest SÉLECTION, Septembre/1996, trang 108-110).

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.