2006-03-07 16:08:12

1 BỘ TRƯỞNG ITALIA TỐ GIÁC SỰ KỲ THỊ CÁC TÍN HỮU KITÔ TẠI ÂU CHÂU


DUESSELDORF. Bộ trưởng về gia sản văn hóa của Italia, Ông Rocco Buttiglione, tố giác rằng các tín hữu Kitô ngay càng bị kỳ thị tại Âu Châu.

Trong bài thuyết trình chiều ngày 4-3-2006 tại thành phố Duesseldorf bên Đức về đề tài ”Đức tin trong tình trạng bị thử thách cụ thể - kinh nghiệm của một nhà chính trị”, Ông Buttiglione nhận định rằng: ”Sự ghét bỏ và bài Kitô hữu (Christo-phobie) là hình thức oán ghét duy nhất đang được người ta chấp nhận tại Âu Châu”.

Ông Buttiglione là một triết gia và là tín hữu Công Giáo sùng đạo. Hồi mùa hè năm 2004, Ông đã được chỉ định làm Phó chủ tịch kiêm Ủy viên tư pháp, tương đương với phó thủ tướng và bộ trưởng tư pháp của Ủy ban hành pháp thuộc Liên hiệp Âu Châu. Nhưng chỉ vì ông dám bày tỏ xác tín lương tâm, theo đó những hành vi đồng tính luyến ái là tội, nên đa số các thành phần trong nghị viện Âu Châu đã quyết liệt bỏ phiếu không phê chuẩn việc bổ nhiệm Ông. Trong bài thuyết trình, Ông Buttiglione cũng để lại kinh nghiệm về tình trạng bị kỳ thị chỉ vì là tín hữu Kitô xác tín. Ông cho biết nhiều chính trị gia trong Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu Châu cũng bị kỳ thị như thế.
Bộ trưởng Buttiglione kêu gọi Liên hiệp Âu Châu hãy bày tỏ lập trường minh bạch về các vụ bách hại các tín hữu Kitô tại Nigeria. Ông nói: ”Thật là một điều ô nhục khi Liên hiệp Âu Châu không bao giờ lên tiếng rõ ràng về các vụ bách hại Kitô hữu ở Nigeria.”

Ông Buttiglione kêu gọi Âu Châu đừng quên căn cội Kitô của mình, nhất là trong tình trạng xung đột hiện nay với Hồi giáo, vấn đề xác định căn tính của Âu Châu càng là điều cấp thiết hơn nữa. Ông nêu ví dụ những giá trị như sự tha thứ mà người Âu Châu rất đề cao, là một giá trị có nguồn gốc nơi Kitô giáo. Ông nói: ”Chẳng hề có cây gươm của Chúa Giêsu, nhưng có cây gươm của Mohamed”. Đó cũng là một sự khác biệt về văn hóa cần để ý tới trong việc cứu xét cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên hiệp Âu Châu. (KNA 5-3-2006)

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.