2006-03-02 13:32:47

HAI CHA CON


Cách đây lâu thật lâu, ở một làng quê nước Nhật, có hai cha con cùng sống nghề trồng trọt.

Ba bốn lần trong một năm, hai cha con chất rau lên chiếc xe bò rồi chở ra bán nơi chợ ở tỉnh gần nhất. Hai cha con cùng mang một tên họ, cùng canh tác trên một mảnh đất nhưng tính tình thì hoàn toàn khác biệt nhau. Trong khi người cha ung-dung vui hưởng cuộc đời, khoan-thai trong lao-công vất vả thì người con trái lại rất năng-động và luôn luôn nóng-nảy vội-vàng.

Vào một buổi sáng, hai cha con chất đầy rau lên chiếc xe rồi đánh bò kéo xe ra tỉnh. Người con trai dự tính nếu cho bò kéo xe đi suốt cả ngày và suốt cả đêm thì hai cha con sẽ ra đến tỉnh vào sáng sớm hôm sau, kịp phiên chợ nhóm ban mai.

Người con cầm dây kéo đi cạnh bò và thỉnh thoảng lấy roi đánh vào lưng bò thúc bò đi nhanh. Thấy vậy người cha dịu-dàng nói với con trai:

- Hãy chậm-rãi con à, có thế con mới đủ sức đi trn đường xa.

Người con lùng-bùng đáp lời:

- Nếu mình ra chợ sớm, trước các người khác, thì mới hy vọng bán được giá cao.

Người cha không nói năng gì. Ông kéo chiếc mũ phủ lấp đôi mắt rồi lim-dim ngủ trên ghế xe bò.

Đi được 4 dặm đường sau 4 tiếng đồng hồ, cả hai đến trước một căn nhà nhỏ. Người cha tỉnh dậy nói với con trai:

- Chú con sống ở đây. Cha con mình dừng lại chào thăm chú ấy.

Người con hấp-tấp đáp lại:

- Chúng ta bị trễ mất một giờ rồi!

Người cha ôn-tồn nói:

- Thế thì mất thêm vài phút nữa đâu có là bao! Chú ấy và cha sống không xa nhưng lại ít có dịp gặp nhau.

Người con trai bị bắt buộc chìu ý cha. Hai cụ già tay bắt mặt mừng thong-thả chuyện trò trong vòng một tiếng đồng hồ!Sau đó hai cha con lại tiếp tục lên đường.

Lần này người cha cầm dây điều khiển con bò kéo xe. Khi đến một ngã tư, người cha cho bò rẽ qua tay phải. Người con vội-vàng chặn lại:

- Lối bên trái là đường tắt sẽ đến nơi nhanh hơn.

Người cha khoan-thai trả lời:

- Cha biết rồi. Nhưng đường bên phải có quang cảnh đẹp hơn.

Không giữ được điềm-tĩnh, người con cau-có khó-chịu thưa với cha già:

- Bộ cha không có một ý niệm nào về việc tôn trọng thời gian sao?

Người cha nhân-ái giải thích:

- Chính vì cha biết tôn trọng thời gian nên mới dùng thời gian vào việc thưởng-lãm những cái đẹp. Đường bên phải đi ngang một cánh rừng có nhiều hoa dại muôn màu muôn sắc.

Vì quá vội-vã chỉ lo canh chừng mặt trời lặn nên người con trai không hề chú ý đến cảnh hoàng-hôn tuyệt đẹp.

Trời ập tối khi hai cha con đến gần một khu vườn. Thấy thế người cha hiền-từ nói với con trai:

- Hai cha con mình ngủ lại đây đi.

Người con nổi-sùng tỏ thái độ bất-kính với cha già và nói nhanh:

- Đây là chuyến cuối cùng con đi chung với Ba. Ba thích ngắm hoa hơn là thích kiếm được nhiều tiền!

 
Người cha ung-dung đáp:

- Đó là điều êm-ái nhất con vẫn trách cứ cha từ lâu lắm rồi mà!

Nói xong, người cha lặng lẽ đi vào giấc ngủ thần tiên.

Sáng sớm hôm sau, trước khi mặt trời ló dạng, người con đánh thức cha già dậy. Họ cột bò vào xe rồi cả hai tiếp tục đường dài. Đi được một dặm sau một giờ, hai cha con gặp một nông dân đang tìm cách lôi chiếc xe kéo ra khỏi cái hố.

Người cha nói với con trai:

- Con giúp ông ta một tay đi!

Người con càu-nhàu:

- Rồi lại mất thêm giờ nữa.

Nhưng cụ già nhắn-nhủ con trai:

- Con nên bình-tĩnh lại. Biết đâu có ngày s đến lượt con cũng bị rơi xuống hố như thế!

Khi hai cha con tiếp tục đường dài thì đã quá 8 giờ sáng. Bỗng nhiên giông tố nổi lên. Mây đen phủ kín bầu trời.

Người cha nói với con trai:

- Hình như bão táp đang đổ ập trên thành phố.

Người con lùng-bùng đáp:

- Nếu ra phố kịp thì vào giờ này mình đã bán xong hết trơn rồi!

Người cha dịu-dàng lập lại:

- Hãy chậm-rãi con à, có thế con mới đủ sức đi trn đường xa.

Mãi đến xế chiều hai cha con mới lên tới đỉnh đồi trông xuống thành phố. Cả hai cùng im lặng chiêm ngắm lâu thật lâu thành phố. Đó là thành HIROSHIMA.

Sau cùng - đứa con trai luôn vội-vàng tranh-thủ thời gian, chạy-đua với thời gian - cảm động cất lời cám ơn cha già:

- Bây giờ con mới hiểu thấu-đáo mọi lời cha khuyên dạy về nghệ thuật vui hưởng cuộc đời và tận dụng thời gian để làm việc thiện.

(Tiré du Reader's Digest Sélection)

 
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.