2006-02-22 14:11:09

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi tín hữu cầu nguyện cho sứ vụ Phêrô của ngài


Trong buổi tiếp kiến chung hơn 14.000 tín hữu năm châu sáng thứ tư 22-2-2006, lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã xin mọi người cầu nguyện cho sứ vụ của ngài.

Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em thân mến, trong cung thánh của đền thờ thánh Phêrô, như anh chị em biết, có Ngai Tòa của Tông Đồ Phêrô, một kiệt tác của kiến trúc sư Bernini, đó là chiếc ngai lớn bằng đồng được bốn thánh Giáo Phụ nâng đỡ, hai vị của phương tây là thánh Agostino và thánh Ambrogio và hai vị phương đông là thánh Gioan Kim Khẩu và thánh Giêrolamo. Tôi xin anh chị em hãy dừng lại chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật gợi hứng đó, trong ngày lễ hôm nay được trang hoàng với nhiều nến sáng, và tôi xin anh chị em cầu nguyện đặc biệt cho sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó cho tôi. Khi hướng mắt nhìn lên kính mầu bằng thạch cao bên trên Ngai, xin anh chị em hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần, để Ngài luôn trợ lực công việc phục vụ toàn Giáo Hội của tôi với ánh sáng và sức mạnh của Ngài. Tôi xin hết lòng cám ơn anh chi em về những lời cầu đó cũng như sự chú ý kính cẩn của anh chị em”.

Trước đó, Đức Thánh Cha đã giải thích nguồn gốc và ý nghĩa lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô. Đây là một truyền thống rất cổ xưa đã có chứng tích tại Roma từ hồi thế kỷ thứ IV, qua đó cộng đoàn giáo hội cám tạ Thiên Chúa vì sứ mệnh Ngài đã giao phó cho tông đồ Phêrô và các người kế vị. ”Cattedra” ”Ngai tòa” , dịch sát chữ, có nghĩa là chiếc ghế của vị Giám Mục, đặt trong nhà thờ mẹ của một giáo phận, và vì thế nhà thờ này đươc gọi là ”cattadrale” ”nhà thờ chính tòa”. Ngai tòa biểu hiệu cho quyền bính của vị Giám Mục và một cách đặc biệt biểu hiệu cho huấn quyền của ngài, nghĩa là giáo huấn tin mừng mà ngài được mời gọi duy trì và thông truyền cho cộng đoàn kitô, trong tư cách là người kế vị các Tông Đồ. Khi vị Giám Mục nhận Nhà thờ riêng biệt được giao phó cho mình, ngài đội mũ và cầm gậy mục vụ giám mục và ngồi trên ngai. Từ ngai tòa đó, trong tư cách là thầy dậy và chủ chăn, ngài sẽ hướng dẫn tín hữu bước đi trên con đường lòng tin lòng cậy và lòng mến.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha xác định nguồn gốc ngai tòa của thánh Phêrô và nói: ”Được Chúa Kitô tuyển chọn như là ”đá tảng” trên đó Chúa xây Giáo Hội của Ngài (x. Mt 16,18) thánh Phêrô đã bắt đầu thừa tác vụ của mình tại Giêrusalem, sau khi Chúa về trời và sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngai tòa đầu tiên của thánh Phêrô là ”Nhà Tiệc Ly”, và chắc chắn là trong căn phòng đó nơi Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện cùng với các môn đệ, thánh Phêrô đã có một chỗ đặc biệt dành cho ngài. Tiếp theo đó ngai tòa của thánh Phêrô là Antiokia, một thành phố nằm cạnh bờ sông Oronte bên Siri, hồi đó là thành phố lớn thứ ba của đế quốc Roma, sau Roma và Alessandria bên Ai Cập. Thành phố này đã được thánh Phaolô và Barnaba rao giảng Tin Mừng và tại đây lần đầu tiên các môn đệ được gọi là các kitô hữu (Cv 11,26). Thánh Phêrô đã là vị Giám Mục đầu tiên, tới độ Tử Đạo Thư Roma, trước khi lịch phụng vụ được cải cách, cũng đã tiên liệu một ngày lễ kính Ngai Tòa thánh Phêrô tại Antiokia. Từ thành phố này Chúa Quan Phòng đã dẫn thánh Phêrô tới Roma, nơi ngài kết thúc cuộc chạy đua phục vụ Tin Mừng với cuộc tử đạo. Vì thế ngai tòa Roma đã nhận được danh dự lớn lao hơn và cũng tiếp nhận nhiệm vụ, mà Chúa Kitô đã dành cho thánh Phêrô: đó là phục vụ tất cả mọi Giáo Hội địa phương cho việc xây dựng và hiệp nhất toàn Dân Chúa. Ngai tòa Roma, như thế, được thừa nhận như là ngai tòa của người kế vị thánh Phêrô và ”ngai tòa” của Giám Mục Roma diễn tả ngai tòa của vị Tông Đồ đã được Chúa Kitô trao phó cho nhiệm vu chăn dắt tất cả đoàn chiên của Ngài. Các Giáo Phụ cổ xưa nhất của Giáo Hội minh xác điều này, chẳng hạn như thánh Ireneo Giám Mục thành Lyon. Trong khảo luận ”Chống lại các lạc giáo” thánh nhân miêu tả Giáo Hội Roma như là Giáo Hội ”cao cả và cổ xưa nhất, được mọi người biết tới... được hai tông đồ rất vinh hiển là Phêrô và Phaolô thành lập và xây dựng tại Roma”. Thánh Ireneo viết thêm: ”Giáo Hội hoàn vũ, nghĩa là tín hữu ở khắp mọi nơi, phải đồng ý với Giáo Hội này vì sự cao cả đặc biệt của nó” (III, 3, 2-3). Về phần mình Giáo Phụ Tertulliano khẳng định như sau: ”Giáo Hội Roma này xinh đẹp biết bao! Vì chính các Tông Đồ đã đổ ra cho nó tất cả giáo lý cùng với máu của các vị” (La prescrizione degli eretici, 36). Như thế Ngai tòa của Giám Mục Roma không chỉ diễn tả việc phục vụ cộng đoàn Roma, mà cũng diễn tả sứ mệnh của nó hướng dẫn toàn Dân Chúa nữa”.

Nói tiếp trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô như sau: ”Như vậy, mừng kính Ngai Tòa Thánh Phêrô có nghĩa là trao ban cho nó một ý nghĩa thiêng liêng sâu đậm và nhận ra nơi đó một dấu chỉ đặc biệt tình yêu của Thiên Chúa, là Mục tử nhân lành và vĩnh cửu Đấng muốn quy tụ toàn Giáo Hội của Ngài và hướng dẫn nó trên con đường cứu độ. Trong biết bao nhiêu chứng tá của các Giáo Phụ, tôi thích nhắc tới thánh Giêrolamo, theo một bức thư thánh nhân viết cho Giám Mục Roma. Bức thư đặc biệt hay vì nó trình bầy ngai tòa thánh Phêrô như là nơi cặp bến chắc chắn của sự thật và hòa bình. Thánh nhân viết như sau: ”Con đã quyết định tham khảo ý kiến ngai tòa thánh Phêrô, nơi người ta tìm thấy lòng tin mà miệng của một vị Tông Đồ đã ca tụng; giờ đây con đến nơi đó xin lương thực cho linh hồn con, nơi một thời con đã được mặc lấy Chúa Kitô. Con không theo một quyền tối thượng nào khác, nếu không phải là quyền tối thượng của Chúa Kitô; vì thế con hiệp thông với phước lành của Đức Cha, nghĩa là với ngai tòa thánh Phêrô. Con biết rằng Giáo Hội đã được xây dựng trên ngai tòa này” (Le lettere I, 15,1-2).

Sau khi tóm tắt bài huấn dụ cho tín hữu hiểu Đức Thánh Cha đã chào mọi người bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques và Slovac. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố niềm tin của họ nơi Giáo Hội, niềm tin đã được các Tông Đồ truyền lại. Chào các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ngài xin các anh chị em đau yếu dâng những lúc gặp thử thách cho Chúa để cầu nguyện cho con tim của nhiều người rộng mở cho lời loan báo Tin Mừng. Ngài xin các cặp vợ chồng mới cưới luôn làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô là Đấng đã kêu gọi họ cùng nhau hiện thực chương trình sống chung. Trước đó chào các bạn trẻ trong đền thờ Thánh Phêrô Đức Thánh Cha cầu mong lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô thúc đẩy tất cả dưỡng nuôi lòng tin cá nhân và cộng đoàn bằng niềm tin dựa trên chứng tá của thánh Phêrô và các Tông Đồ, bằng cách noi gương các ngài, trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô trong Giáo Hội và giữa lòng thế giới.


Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.