2006-02-03 15:34:30

CHÍNH QUYỀN 5 NƯỚC BỊ SÓNG THẦN VI PHẠM NHÂN QUYỀN


NEW YORK. Chính quyền tại 5 quốc gia bị sóng thần đã bị một số tổ chức phi chính phủ (ONG) tố giác vi phạm các quyền con người trong việc cứu trợ các nạn nhân.

Hôm 01.02.2006, một số tổ chức thiện nguyện phi chính quyền đã công bố báo cáo chung tại trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ, khẳng định rằng chính quyền các nước bị sóng thần tàn phá hồi tháng 12 năm 2004 thường xuyên vi phạm quyền con người trong phạm vi cứu trợ những nạn nhân sóng thần.

Theo báo cáo nói trên, rất nhiều nạn nhân sóng thần đã than phiền rằng chính quyền địa phương không bảo vệ họ trước những âm mưu kỳ thị, lường gạt cướp đoạt đất đai, các hành vi bạo lực đặc biệt đối với những kẻ yêu đuối vô phương tự vệ, như các phụ nữ.

Báo cáo mang tựa đề ”Đáp trả sóng thần: bảng đúc kết thành quả về phương diện quyền con người”. Đây là thành quả cuộc nghiên cứu sâu rộng tại Ấn Độ, Indonesia, quần đảo Maldives, Sri Lanka và Thái Lan, do ba tổ chức thiện nguyện phi chính quyền: ActionAid International, People's Movement for Human Rights Learning và Liên minh quốc tế về gia cư (Coalition internationale pour l'habitat) thực hiện.

Báo cáo mạnh mẽ phê bình nhiều chương trình cứu trợ chính thức do chính quyền thực hiện, đặc biệt trong lãnh vực bồi thường và tái định cư. Nhiều nạn nhân sóng thần đã bị chính quyền địa phương buộc phải tái định cư trong những cơ sở hay địa điểm không thích hợp, không đáp ứng đòi hỏi của các giới yếu đuối như phụ nữ trẻ em hay các nhóm sắc tộc thiểu số.

Báo cáo nêu trường hợp của bà Deng, một phụ nữ Thái Lan nạn nhân sóng thần. Bà cho biết là đã bị quân đội dùng súng uy hiếp, ngăn chặn không cho trở về mảnh đất sở hữu của bà. Về sau này, bà khám phá ra rằng mảnh đất của bà đã bị chính quyền bán cho một khách sạn lớn. Một trường hợp khác cũng được nêu ra trong báo cáo là trường hợp của Kamama, một phụ nữ Ấn Độ. Bà sống sót, nhưng chồng bị mất mạng trong cơn sóng thần ngày 26.12.2004. Khi đi nộp đơn xin bồi thường, bà đã bị chính quyền Ấn từ chối vì không có giấy khai tử của chồng. Chính quyền không cấp giấy khai tử cho chồng bà vì thi hài nạn nhân đã bị sóng thần cuốn đi mất tích.

Trong cuộc họp báo công bố báo cáo nói trên, chủ tịch hội thiện nguyện ActionAid, ông Ramesh Singh nhận định rằng: ”Chính quyền năm nước nói trên đã không chu toàn nhiệm vụ bảo vệ quyền con người cho các nhóm dân nghèo khổ yếu đuối, sống trong những điều kiện khó khăn. Thiên tai sóng thần đã đối xử với tất cả mọi người một cách rất bình quyền, nhưng các chính quyền lại xử sự với các nạn nhân cách đầy kỳ thị và bất công. Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu chính quyền các nước liên hệ hãy lãnh nhận trách nhiệm bảo vệ quyền của các công dân nước mình. Ông cũng yêu cầu các quốc gia hay tổ chức tài chánh đang viện trợ những ngân khoản cứu giúp lớn lao cho các nạn nhân sóng thần hay ghi thêm những tiêu chuẩn bảo vệ nhân quyền vào danh sách các điều kiện, chứ không chỉ đảm bảo các dấu chỉ tăng trưởng kinh tế mà thôi.”

Thiên tai sóng thần phát xuất từ một cuộc động đất ngoài khơi đảo Sumatra bên Indonesia ngày 26 tháng 12 năm 2004 đã tàn phá vùng duyên hải các nước chung quanh Ấn Độ Dương, khiến cho hơn 222 ngàn người chết và hàng triệu người khác tan nát sự nghiệp. Thiên tai này đã gây ra một đợt liên đới rộng lớn chưa từng thấy trên toàn thế giới. (AFP 02.02.06)


Mai Anh







All the contents on this site are copyrighted ©.