2006-02-02 17:32:02

Nạn chế tạo và buôn bán vũ khí nhẹ trên thế giới
 


Trong các tuần vừa qua, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã phát động chiến dịch ”Chống vũ khí” với sự tham dự của 170 quốc qia, nhằm bài trừ tệ nạn buôn bán vũ khí trên thế giới. Chiến dịch khuyến khích gửi 1 triệu gương mặt từ khắp nơi trên giới tới hội nghị dự thảo ”Thỏa hiệp quốc tế về buôn bán vũ khí”, sẽ được triệu tập tại New York trong các ngày từ 26-6 đến mùng 7-7 năm 2006 này. Tại Italia đã có 30 tổ chức tham gia chiến dịch trong đó có: hiệp hội công nhân công giáo Italia, Hòa Bình Chúa Kitô, Liên hiệp các dòng truyền giáo, và mạng Lilliput cùng rất nhiều tổ chức công giáo và không công giáo khác.

Bên Pháp, sáng kiến này cũng được tổ chức Caritas yểm trợ, trong khi việc phối hợp trên bình diện quốc tế được đảm trách bởi ba tổ chức lớn là Ân Xá Quốc Tế, Oxfam và Iansa. Ba tổ chức này cho biết đã thu thập được 600.000 tấm hình. Đây là lần đầu tiên các tổ chức nhân đạo quốc tế phát động một chiến dịch quy mô như thế nhằm ngăn chặn nạn buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Hiện nay trên thế giới có 639 triêu vũ khí nhẹ đủ loại lưu hành, tính đổ đồng cứ 10 người dân trên thế giới, thì có một người có vũ khí. Mỗi năm số vũ khí nhẹ trên đây sát hại 500 ngàn người, nghĩa là cứ mỗi phút có một người chết vì các vũ khí nhẹ. 72% số vũ khí xuất khẩu trên thế giới, kể cả vũ khí nặng, nằm trong tay ba nước Nga, Hoa Kỳ và Pháp. Một phần ba các quốc gia trên thế giới có các ngân khoản mua sắm khí giới nhiều hơn chi phí cho các dịch vụ y tế. Trong năm 2004 việc buôn bán khí giới đã đem lại ngân khoản 38 tỷ mỹ kim, tức gia tăng 11,5% so với năm 2003. Và khoảng 80% vũ khí nhẹ phát xuất từ các dịch vụ thương mại hơp pháp.

Hôm mùng 9-1 vừa qua Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, Đại diện Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi thiết lập một văn kiện quốc tế có tính cách bắt buộc về pháp lý liên quan tới việc buôn bán khí giới. Đức Tổng Giám Mục Migliore đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận đọc trước Ủy Ban chuẩn bị hội nghị của Liên Hiệp Quốc, nhắm duyệt xét những tiến bộ trong việc áp dụng chương trình phòng ngừa, bài trừ và loại bỏ các dịch vụ buôn ban bất hợp pháp các vũ khí nhẹ. Đức Tổng Giám Mục đã bầy tỏ hy vọng hội nghị năm nay sẽ bắt đầu suy nghĩ về việc thương thuyết để đạt tới văn kiện pháp lý bắt buộc về việc buôn bán vũ khí. Văn kiện này dựa trên các nguyên tắc của công pháp quốc tế, cũng như các quy luật về nhân đạo và nhân quyền. Nó có thể góp phần rất nhiều cho công cuộc bài trừ tận gốc rễ nạn buôn bán bất hợp pháp các loại khí giới, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia, đề cao lập trường quốc tế về các loại khí giới nhỏ và nhẹ.

Vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận rằng để giảm bớt nhu cầu về các loại vũ khí nhẹ, không những cần phải có một ý chí chính trị, nhưng còn phải quan tâm tìm hiểu các động lực gây ra xung đột, tội ác và bạo lực nữa. Điều đó đòi buộc mọi chính quyền phải hoạt động để phát huy một nền văn hóa hòa bình đích thực và thăng tiến sự sống giữa mọi phần tử xã hội.

Tuy nhiên, xét vì 80% tổng số vũ khí nhẹ lưu hành trên thế giới phát xuất từ các dịch vụ thương mại hợp pháp, vấn đề như thế không phải chỉ là cấm buôn bán vũ khí nhẹ bất hợp pháp, mà là cấm cả các dịch vụ buôn bán vũ khí nhẹ hợp pháp nữa, nghĩa là cấm toàn bộ. Nhưng đây không phải là điều dễ dàng, vì hầu hết mọi cường quốc kinh tế đều sản xuất và buôn bán khí giới.

Sau đây là hai thí dụ điển hình cho thấy thảm cảnh mà nạn chế tạo và buôn bán khí giới của các cường quốc và các nước giầu Tây Âu gây ra trên thế giới. Hiện nay trong số hàng chục nước biến thành chợ tiêu thụ vũ khí, có Cộng hòa dân chủ Congo và Sierra Leone.

Theo chứng từ của một nhân viên cứu trợ nhân đạo hoạt động trong vùng Bukavu, mạn nam Kivu, tại Cộng hòa dân chủ Congo, ”có nhiều vũ khí tới độ ai cũng tự ra luật và không bị trừng phạt. Ai có súng, người ấy có quyền trên bất cứ ai và có thể đe dọa bất cứ ai”. Trong bản tường trình đặc biệt về tình hình cộng hòa dân chủ Congo công bố trong khuôn khổ chiến dịch ”Kiểm soát vũ khí” hồi trung tuần tháng giêng vừa qua, nhân viên cứu trợ nhân đạo nói trên cũng cho biết luật vũ khí thống trị giữa các nhóm dân quân tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo, là miền có nhiều quặng mỏ qúy hiếm như coltan, đồng, vàng và kim cương. Vũ khí, khủng bố và bạo lực đủ loại đang thống trị tại đây. Từ năm 1998 tới nay 85% dân chúng sồng gần biên giới đã thường xuyên là nạn nhân của bạo lực. Trong 10 năm qua đã có 30.000 trẻ em vị thành niên bị xung vào các lực lượng dân quân. Các loại vũ khí lưu hành tại đây được chế tạo bên Đức, Pháp, Anh, Italia, Bỉ, Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel và Nam Phi.

Tại Sierra Leone cũng thế, không một vũ khí nào được sử dụng trong 11 năm nội chiến đã được chế tạo tại địa phương, mà tất cả đều đã được mua từ nước ngoài. Đã có 10.000 binh sĩ trẻ em tham gia cuộc nội chiến. Từ năm 2000 nhờ tiến trình hòa bình Lomé, các lực lượng khác nhau đã giao nạp 12.000 khẩu súng, trong đó có hơn 4.000 khẩu AK 47 chế tạo tại Trung Quốc, Nga, và các nước Đông Âu. Trong khi hơn 1.000 khẩu súng loại G3 được chế tạo bên Đức và được bán vào vùng Vịnh Tây Guinea, là vùng đất hoạt động của các lãnh chúa chiến tranh như Charles Taylor. Hơn 500 khẩu Fn Fal là loại súng được chế tạo bên Bỉ. Trong các cuộc nội chiến vùng này, các nước Libia, Côte d'Ivoire và Guinea là những nước trung gian bán khi giới cho các lực lượng giao chiến.

Trong số các vùng trở thành nạn nhân và chợ tiêu thụ vũ khí có các nước vùng Đại Hồ bên Phi châu, các vùng thuộc vịnh Guinea, nước Sudan, vùng Caucase và Trung Mỹ Latinh. Sau các thành công của hiệp ước Ottawa về mìn chống người, các tổ chức nhân đạo quốc tế mới nghĩ ra sáng kiến phát động Thỏa hiệp quốc tế về buôn bán vũ khí. Sáng kiến này đã được Liên Hiệp Âu châu yểm trợ. Trong số các giới chức ngoại giao tại New York có thể ”nhăn mũi khó chịu” với thỏa hiệp này, có Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất nhiều vũ khí đứng hàng thứ hai sau Nga. Theo bản tường trình của học viện Stockholm, hai nước nhập cảng nhiều vũ khí nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Đạt được thỏa hiệp liên quan tới việc sản xuất và buôn bán vũ khí là điều khó, vì các cường quốc đều ít nhiều dính líu tới dịch vụ thương mại này và họ sẽ không phê chuẩn thỏa ước. Điển hình là cho tới nay Hiệp định Ottawa về mìn chống người đã không được Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ phê chuẩn. Trung Quốc và Italia là hai nước sản xuất nhiều mìn chống người nhất. Sau khi chính quyền Italia phê chuẩn thỏa hiệp, đã có nhiều mìn chống người bị phá hủy, nhưng việc thực thi các thỏa hiệp nghiêm chỉnh và hữu hiệu tới đâu, không ai biết được.

Tuy biết là khó, nhưng các tổ chức nhân đạo quốc tế vẫn hy vọng rằng 1 triệu đôi mắt của 1 triệu tấm hình được gửi về New York vào tháng 6 tháng 7 năm nay, may ra khuấy động được ”nước ao tù” của Liên Hiệp Quốc. Việc kiểm soát các vũ khí nhẹ hiện nay hoàn toàn bất lực, không bảo vệ được những người vô tội. Trong một thông cáo mới phổ biến, chiến dịch ”Chống vũ khí” cho biết 80% vũ khí nhẹ được buôn bán trong khung cảnh hợp pháp, nghĩa là có sự kiểm soát của các chính quyền. Sự kiện này có thể sẽ dưỡng nuôi việc buôn bán bất hợp pháp, nhờ có các dịch vụ cấp chứng chỉ giả. Và cũng xảy ra là một chính quyền đứng ra mua vũ khí, rồi bán lại cho các đồng minh của mình.

Trong hội nghị tại New York chắc chắn đại diện của các chính quyền cũng sẽ thảo luận về việc phải khắc tên nơi xuất xứ trên các vũ khí, để có thể biết chúng được chế tại đâu. Nhưng cũng có nhiều cách giúp trốn tránh việc kiểm soát này. Điển hình là trường hợp súng lục Beretta của Italia. Italia đứng hàng thứ hai về việc chế tạo loại súng lục này, sau Hoa Kỳ, và mỗi năm xuất cảng tới 300 triệu mỹ kim loại hàng này. Trong số các nước mua súng lục Beretta của Italia có Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Đức. Nhưng cũng có những nước khác đặt mua như Algerie, Malaysia, Colombia, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Pakistan, Congo và cả Trung Quốc nữa.

Tại Italia tuy có luật ngặt số 185 liên quan tới việc buôn bán vũ khí, nhưng cũng có nhiều ngõ ngách giúp tránh luật cấm. Trên bình diện buôn bán chính thức, nhiều thứ súng thuộc loại súng săn bắn, hay tự vệ, nhưng cũng có các loại súng trang bị ống nhòm. Và các loạisúng này đã được các tay bắn sẻ sử dụng tại Sarajevo, trong chiến tranh Bosni Erzegovine. Các vũ khí của cảnh sát cũng không được coi như vũ khí chiến tranh. Tuy có lệnh cấm bán khí giới cho các nước vi phạm các quyền con người hay chi phí cho quân sự nhiều hơn cho phát triển, từ trước tới nay Italia vẫn bán khí giới cho Trung Quốc và Siri. Vì không có luật cấm bán vũ khí nhẹ, nên trong các năm 1993-1997 Italia là quốc gia xuất khẩu nhiều vũ khí nhẹ nhất sang các nước như Sierra Leone, Burundi và Uganda, và cả cho Irak nữa cùng với giấy phép cho phép Saddam Hussein chế tạo súng lục Beretta.


Linh Tiến Khải  







All the contents on this site are copyrighted ©.