2006-01-28 16:21:54

Lời chúc nào cho quê hương, lời cầu nào cho Giáo Hội?


”Đắc tài, đắc lộc, đắc trường sinh. Đa tử, đa tôn, đa phú qúy”. Đó là một trong nhiều câu đối tết, mà trước kia người thân, bạn bè thường cầu chúc cho nhau trong ngày đầu xuân mới. Một mùa xuân nữa lại đến, người ta cầu chúc cho nhau được nhiều tài lộc và sống lâu, được đông con nhiều cháu và giầu sang phú qúy.

Trong bối cảnh hiện nay của đất nước và thế giới, có lẽ một vài phần của lời chúc ngày xưa ấy không còn được nhiều người dám tiếp nhận nữa. Thật vậy, khi mở lớn mắt nhìn vào thực tại xã hội và đất nước Việt Nam hôm nay cũng như hiện tình thế giới, với hàng tỷ người phải sống dưới mức nghèo đói, thì nhiều người sợ hãi các lời chúc nói trên.

Trong một đất nước có qúa nhiều người dân phải sống trong cảnh nghèo túng chật vật, thiếu công ăn việc làm, không được hưởng các dịch vụ an sinh và săn sóc y tế bảo đảm sức khỏe, thì càng sống lâu càng khổ, chứ có gì mà đáng mơ ước và cầu chúc cho nhau.

Trong một đất nước có đa số dân nghèo suốt đời lao nhọc vất vả, ”đổ mồ hôi sôi nước mắt” cũng chỉ vừa đủ ngày hai bữa, thì lời chúc trên đây có thể chỉ là một câu sáo ngữ ủi an ủi nhau, giúp hy vọng may ra năm mới sẽ khấm khá hơn năm cũ. Nhưng rồi trên thực tế tình hình không đổi thay bao nhiêu.

Đúng thế, nhà đã đông người qúa rồi, lại phải ”ăn bữa mai lo bữa hôm”, thêm con thêm cháu nữa, lấy gì mà nuôi chúng? Nhà nước đâu có chương trình trợ cấp các gia đình nghèo đông con. Đông con nhiều cháu để ngồi nhìn chúng nó ốm đau, nheo nhóc, không thuốc men, thiếu dinh dưỡng, không được học hành, mù chữ dốt nát, lang thang đầu đường xó chợ, lượm ống lon, bới đống rác, mò cua bắt ốc, bán hàng rong, hay ăn trộm ăn cướp, hoặc phải tìm về thành thị rồi trở thành nạn nhân của kỹ nghệ mại dâm, băng đảng tội phạm hay xì ke ma túy, thì đau khổ và tủi nhục lắm!

Những gia đình may mắn đủ ăn đủ mặc, có con khôn lớn được học hành qua bậc trung học, thường phải vượt biết bao nhiêu cửa ải khác mữa để có thể vào đại học và tốt nghiệp. Các sinh viên nghèo, dù có học giỏi và có khả năng cũng không được trợ giúp. Khi may mắn tốt nghiệp rồi, cũng chưa chắc đã tìm ra công ăn việc làm, nếu không đủ tiêu chuẩn và thủ tục như nhà nước quy định, trong đó có thủ tục đút lót.

Nhưng cũng có lẽ chính vì thế, nên dịp đầu xuân lại càng cần phải cầu chúc cho quê hương đất nước mau thoát khỏi tình trạng bần cùng, nghèo đói, tụt hậu, chậm tiến, có thêm nhiều người lãnh đạo đủ khả năng, liêm chính, đức độ, biết nhìn xa hiểu rộng, biết thương dân thương nước, phát huy dân chủ, dẹp bỏ ích kỷ cá nhân, đảng phái, tận dụng nhân lực và tài lực quốc gia cho các chương trình thăng tiến giáo dục, y tế, an sinh, phát triển kỹ nghệ, nông nghiệp và thương mại, để cho quốc gia nở mặt nở mày với thế giới.

Nhưng một quốc gia chỉ dân chủ và tân tiến thực sự, khi chính quyền biết tôn trọng các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, liên lạc, tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do thành lập các hiệp hội văn hóa và đảng phái chính trị, tự do đi lại trong nước cũng như ngoài nước.

Phải, một quốc gia chỉ dân chủ và tân tiến thực sự, khi chính quyền biết tôn trọng, bảo đảm và bênh vực các quyền tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của người dân. Các quyền đó là các quyền bẩm sinh gắn liền với phẩm giá và bản chất con người, mà các cơ cấu chính trị xã hội có bổn phận phải bảo vệ và tôn trọng. Phẩm giá của con người hiện hữu trước tất cả mọi cơ cấu xã hội, được con người sống trong các nhóm xã hội thỏa thuận thành lập ra để thăng tiến công ích và cuộc sống chung. Vì thế không có một thể chế và quyền bính chính trị xã hội nào có quyền tước đoạt các quyền căn bản của con người. Mọi hạn chế, đàn áp, sách nhiễu, cản ngăn, gây khó dễ đối với các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, đều là các tấn kích chống lại chính sinh lực tinh thần của một quốc gia. Những vụ đàn áp, bắt giữ, quản thúc hàng lãnh đạo tôn giáo và các tín hữu, cũng như những hành động bạo lực giật sập nhà thờ, phá hủy các nơi thờ phượng, cưỡng chiếm đất đai, tài sản của các Giáo Hội và các dòng tu hay các tổ chức bác ái từ thiện vv... đều là những tội phạm chống lại chính sức sống của một quốc gia.

Như thế, lời cầu đầu xuân cho các Giáo Hội, đó là song song với các tiến bộ dân chủ trên bình diện chính trị xã hội, cũng có các thăng tiến trong việc bảo vệ và tôn trọng quyền tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo nữa. Và dấu chỉ cụ thể hữu hiệu của việc tôn trọng và thăng tiến đó là nhà nước trả lại mọi đất đai, tài sản cho các Giáo Hội, và để cho các Giáo Hội hoàn toàn tự do hoạt động trong các lãnh vực bác ái xã hội và an sinh, hầu góp phần xây dựng một đất nước lành mạnh và cường thịnh, phục vụ công ích và hạnh phúc của toàn dân.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.