2006-01-27 16:43:26

Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Khannoukah
 


Trong các lễ của Do thái có lễ ”Khannoukah”. Năm nay lễ Khannopukah trùng với ngày Giáng Sinh của Kitô giáo, vì bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 năm 2005 và kéo dài trong 8 ngày tức cho tới ngày mùng 1 tháng giêng năm 2006.

Lễ Khannoukah là lễ thanh tẩy và cung hiến đền thờ Giêrusalem lần thứ hai. Nó đã được thành lập sau thời Môshê, hồi năm 165 trước công nguyên, trong dịp thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem dưới thời Macabây, như trình thuật trong sách Macabây I chương 4 câu 36 đến 60. Tuy nhiên, để có thể hiểu lý do và ý nghĩa của lễ thanh tẩy thánh hiến này cần phải đi ngược dòng lịch sử Do thái hy lạp để trở về thế kỷ thứ III trước công nguyên.

Aláchxăng Đại Đế sinh năm 356 trước công nguyên, là con vua Philipphê II, vua Macedonia và hoàng hậu Olympias, và ông đã từng là môn sinh của triết gia Aristote. Sau khi vua Philipphê II băng hà, Aláchxăng Đại Đế lên ngôi vua năm 336, bình định cuộc nổi loạn tại Hy Lạp và chiến thắng vua Dario III của Ba Tư. Từ năm 333 ông bắt đầu đánh chiếm các nước khác và thành lập một đế quốc rộng mênh mông, trải dài từ Ai Cập sang cho tới biên giới Ấn Độ ngày nay. Trước khi qua đời năm 323 trước công nguyên Aláchxăng Đại Đế chia đế quốc rộng mênh mông của mình cho các tướng lãnh đã đồng lao cộng khổ với ông trong 10 năm trời đánh đông dẹp bắc. Vùng Siri và Palestine thuộc quyền cai trị của nhà Seleucides. Năm 176 trước công nguyên vua Antiochus IV Epifane phát động cuộc bách hại khốc liệt chưa từng có chống lại dân Do thái. Nhà vua bắt họ phải tôn thờ cúng bái các thần ngoại giáo và theo các thói tục của người hy lạp. Chính cuộc bách hại đó khiến cho nhà Macabây khởi nghĩa giành độc lập và bảo toàn Do thái giáo. Ông Mattatia, tư tế Modin đã giết viên chức của vua Antioko IV, khi ông này đến Modin để bắt dân do thái cúng tế các thần linh. Sau đó ông cùng các con và những người có cảm tình theo ông trốn vào trong sa mạc và tổ chức kháng chiến. Cùng theo ông cũng có nhóm Asidei sau này sẽ là những người biệt phái, và tất cả những ai phải trốn chạy vì bị bách hại. Sau khi tư tế Mattatia qua đời năm 166 trước công nguyên, con ông là Giuđa lên nắm quyền chỉ huy phong trào kháng chiến chống đế quốc hy lạp, và liên tiếp chiến thắng trong nhiều trận đụng độ. Năm 165 trước công nguyên anh em nhà Macabây, dưới sự lãnh đạo của Giuđa, chiếm lại được thành Giêrusalem, tổ chức các lễ nghi thanh tẩy và thánh hiến đền thờ, và thành lập lễ Khannoukah, tức là lễ thanh tẩy và cung hiến đền thờ lần thứ hai.

Chương 4 sách Macabây I kể lại rằng ông Giuđa chọn những vị tư tế không có gì đáng trách, thiết tha với Lề Luật, và để các ông thanh tẩy Nơi Thánh, rồi khiêng những viên đá nhơ nhuốc ném vào nơi ô uế. Họ phá hủy bàn thờ dâng lễ toàn thiêu đã ra ô uế, rồi lấy các tảng đá còn nguyên mà xây bàn thờ mới theo kiểu cũ. Họ trùng tu Nơi Thánh, bên trong Nhà Tạm và thánh hiến các tiền đình. Họ làm những đồ thánh mới và đưa vào trong Đền Thờ trụ đèn, bàn thờ để đốt hương và bàn đặt bánh tiến. Họ đốt hương trên bàn thờ và thắp đèn trên trụ để chiếu sáng trong Đền Thờ. Họ đặt bánh trên bàn và giăng các bức trướng. Thế rồi ngày 25 tháng chín tức là tháng Kislev theo lịch do thái, họ dậy sớm ”và theo như Luật truyền, họ dâng lễ tế trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu họ vừa mới xây. Họ đã cử hành lễ cung hiến bàn thờ giữa tiếng đàn tiếng hát, tiếng hạc cầm và tiếng não bạt, vào đúng lúc đúng ngày trước đây dân ngoại đã làm cho ra ô uế. Toàn dân sấp mặt xuống thờ lạy và chúc tụng Trời, Đấng đã giúp họ thành công. Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ trong tám ngày liên tục, hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu, hy lễ hiệp thông và tạ ơn. Họ lấy các triều thiên bằng vàng và những tấm biển mà trang trí mặt tiền Đền Thờ, đồng thời cũng sửa sang các lối ra vào, các phòng ốc và làm lại các cửa phòng. Dân chúng vui mừng khôn kể xiết, và quên hẳn nỗi nhục nhằn dân ngoại đã gây ra. Ông Giuđa cùng với anh em và toàn thể đại hội Israel quyết định là hằng năm, trong thời gian tám ngày, từ hai mươi lăm tháng Kislev, phải cử hành lễ cung hiến bàn thờ thật tưng bừng rộn rã” (1 Mcb 4,52-59).

Tín hữu Do thái mừng lễ Khannoukah trong vòng 8 ngày, vì khi dọn dẹp sửa sang Đền Thờ người ta đã tìm thấy trong Đền Thờ một lọ dầu thánh hiến nhỏ thuộc thời trước khi Đền Thờ bị dân ngoại làm cho ra ô uế. Lọ dầu thánh hiến này mang dấu triện của vị Thượng Tế. Tuy lọ dầu bé nhỏ, nhưng đã cho phép duy trì ánh sáng của cây đèn bẩy ngọn tại Đền Thờ trong vòng 8 ngày liền một cách lạ lùng. Đó là lý do đã khiến cho ông Giuđa đã cùng với anh em và toàn thể đại hội do thái đã quyết định mừng lễ Khannoukah trong vòng 8 ngày liên tiếp. Như thế lễ Khannoukah không chỉ là lễ kỷ niệm biến cố thanh tẩy và thánh hiến Đền Thờ Giêrusalem lần thứ hai, mà cũng còn là lễ của ánh sáng nữa. Tinh thần tuân giữ Lề Luật của Giavê và sự trung thành với niềm tin của Do thái giáo, chỉ tôn thờ một mình Giavê thiên Chúa là Chúa duy nhất, đã là lý do làm nảy sinh ra cuộc kháng chiến của anh em nhà Macabây. Vì thế, ánh sáng như là dấu chỉ của tinh thần, trở thành dấu chỉ đặc thù của lễ Khannoukah. Ánh sáng lòng tin đó được thắp lên trên cây đèn 9 ngọn.

Trong dip lễ Khannoukah, mỗi buổi chiều tín hữu Do thái thắp lên một ngọn đèn và đọc lời chúc tụng sau đây:

- ”Xin chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Vĩnh Cửu của chúng con, là Vua vũ trụ, Đấng đã thánh hóa chúng con bởi các giới răn của Chúa và đã truyền cho chúng con thắp sáng lên các ngọn đèn này của lễ Khannoukah.

- Xin chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Vĩnh Cửu của chúng con, là Vua vũ trụ, Đấng xưa kia đã làm các phép lạ cho cha ông chúng con”.

Trong 8 ngày mừng lề Khannoukah tín hữu Do thái đọc toàn thánh vịnh Hallel Lớn tức là các thánh vịnh từ 146 đến 150, thường được dùng trong các lễ nghi phụng vụ công cộng để chúc tụng Giavê Thiên Chúa, Chúa Israel. Các thánh vịnh 146 đến 150 đều bắt đầu và kết thúc với từ ”Halleluiah” Ca tụng Chúa đi.
- Thánh vịnh 146 mở đầu như sau: ”Halleluiah! Ca tụng Chúa đi hồn tôi hỡi! Suốt cuộc đời tôi xin hát mừng Chúa, sống bao lâu nguyện đàn ca kính Chúa Trời”.

- Thánh vịnh 147 viết: ”Halleluiah! Hãy ca ngợi Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người thỏa tình biết mấy! Chúa là Đấng xây dựng lại thành Giêrusalem, quy tụ dân Israel tản lạc về. Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương băng bó cho lành”.

- Thánh vịnh 138 mở đầu như sau: ”Halleluiah! Ca tụng Chúa đi tự cõi trời thăm thẳm, ca tụng Người, trên chốn cao xanh. Ca tụng Chúa đi mọi sứ thần của Chúa, ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh!”.

- Thánh vịnh 149 thì mời gọi tín hữu: ”Halleluiah!. Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, ngợi khen Người trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung! Hỡi Israel nào hoan hỉ, vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi. Con cái Sion hãy nhảy mừng, vì được Chúa làm vua hiển trị. Mừng thánh danh nào dâng điệu vũ, nhịp trống họa đàn theo khúc hoan ca. Bởi vì Chúa mến chuộng dân Người, ban cho kẻ nghèo được vẻ vang chiến thắng”.

- Còn thánh vịnh 150 viết: ”Halleluiah! Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa, ca tụng Người chốn cao thẳm uy linh. Ca tụng Chúa vì công trình hùng vĩ, ca tụng Người lẫm liệt uy phong”.

Mỗi chiều sau khi đốt đèn, tín hữu do thái Sefarades cũng hát thánh vịnh 30 mở đầu như sau: ”Lậy Chúa, con xin tán dương Ngài vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con”. Phúc âm thánh Gioan chương 10 câu 22 đến 38 cũng nhắc đến lễ Khannoukah, là lễ cung hiến đền thờ.







All the contents on this site are copyrighted ©.