2006-01-27 16:55:59

Buổi tiếp kiến chung 25-1-2006


Sáng ngày 25-1-2006 ĐTC đã tiếp kiến chung hơn 8000 tín hữu và du khách hành hương trong đại thính đường Phaolô VI. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các đoàn hành hương Động Âu. Từ Á châu có đoàn hành hương Nhật Bản.

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục giải thích phần 2 của thánh vịnh 143. Nhưng trước hết ngài nhắc đến tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu và nói: ”Anh chị em rất thân mến. Hôm nay kết thúc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô. Trong tuần này chúng ta đã suy tư về việc cần thiết phải không ngừng khẩn cầu Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn hiệp nhất trọn vẹn giữa tất cả mọi môn đệ của Chúa Kitô. Thật thế, lời cầu nguyện góp phần chính yếu vào việc khiến cho dấn thân đại kiết của các Giáo Hội và các giáo đoàn được chân thành và đem lại nhiều hoa trái phong phú hơn.

Trong buổi gặp gỡ hôm nay chúng ta muốn lấy lại thánh vịnh 143 mà Phụng Vụ Kinh Chiều đề nghị thành 2 phần khác nhau: phần một các câu từ 1 tới 8 và phần hai từ câu 9 tới 15. Phần hai của thánh vịnh vẫn giữ nguyên giọng thánh ca và ở đây cũng nổi bật gương mặt của ”Đấng được xức dầu” nghĩa là Đấng được thánh hiến” tuyệt diệu là Đức Giêsu, Đấng lôi kéo tất cả mọi người đến với Ngài để khiến cho mọi người trở nên một (x. Ga 17,11-12). Không phải vô tình mà bài thánh ca sẽ được ghi dấu bằng niềm hạnh phúc, sự thịnh vượng và hòa bình, là các biểu hiệu đặc thù của thời cứu thế”.

Nói tiếp trong bài huấn dụ ĐTC khẳng định rằng: chính vì thế, bài thánh ca được định nghĩa là một bài ca mới, là từ, trong ngôn ngữ kinh thánh, không chỉ gợi lên sự mới mẻ, mà cũng diễn tả sự tràn đầy cuối cùng đóng ấn cho niềm hy vọng (c. 9). Như thế, người ta ca ngợi đích điểm của lịch sử, trong đó sự dữ sẽ im tiếng nói, tiếng nói mà tác giả thánh vịnh miêu tả như là ”dối trá” và ”thề gian”, là các kiểu nói diễn tả sự tôn thờ thần giả (c. 11). Trong ánh sáng này người ta nói tới các kẻ gian ác, được coi như là những kẻ áp bức dân Chúa và lòng tin của họ nơi Chúa. Nhưng thay cho khía cạnh tiêu cực này là chiều kích tích cực lớn lao hơn: đó là chiều kích của một thế giới mới tươi vui, đang được củng cố. Đó là ”shalom” đích thật, đó là sự hòa bình cứu thế, một chân trời sáng láng được miêu tả sau đó với một loạt các quang cảnh của cuộc sống xã hội. Đối với chúng ta các cảnh đó cũng có thể trở thành một lời cầu chúc một xã hội công bằng hơn được nảy sinh.

Tiếp đến ĐTC liệt kê ra các cảnh xã hội trước hết là gia đình (c.12), được xây dựng trên sức sống của việc sinh sản con cái. Con trai là niềm hy vọng của tương lai, được so sánh với cây cối mạnh mẽ vươn cao, con gái được miêu tả như các cột chống đỡ ngôi nhà, tựa như các cột của một ngôi đền. Từ gia đình người ta bước sang cuộc sống kinh tế, rồi đến đồng quê với các sản phẩm hoa mầu được giữ trong kho lẫm, với các đoàn vật tràn ngập khắp đồng quê, và giống bò bê trong các thửa ruộng mầu mỡ (cc. 13-14). Rồi tác giả hướng cái nhìn tới thành thị, nghĩa là toàn cộng đoàn dân sự được hưởng ơn cao qúy là hòa bình, và niềm an vui. Thật thế, các lỗ hổng mà địch thù đã gậy ra cho tường thành trong các lần công hãm, sẽ không còn nữa; các cuộc xâm chiếm, cướp bóc và đầy ải cũng sẽ hết; và sau cùng sẽ không còn vẳng tiếng khóc than của những người tuyệt vọng, của nhưng người bị thương, của các nạn nhân và kẻ mồ côi, là những hậu qủa của chiến tranh (c. 14).

Bức tranh của một thế giới khác, nhưng có thể thực hiện đó, được giao phó cho công trình của Đấng Cứu Thế, và cũng là nhiệm vụ của dân Ngài. Tất cả cùng nhau, chúng ta có thể thực hiện dự án của sự hòa hợp và hòa bình này, bằng cách chấm dứt các hoạt động đánh phá của hận thù, bạo lực và chiến tranh. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn đứng về phía Thiên Chúa cảu tình yêu thương và công lý. Chính vì thế Thánh vịnh mới kết thúc với lời chúc lành dành cho dân có Thiên Chúa là Chúa, một dân tộc không từ bỏ lòng tin và các giá trị tinh thần và luân lý của mình. Một dân tộc có thể cùng với tác giả thánh vịnh cất lên bài ca mới tràn đầy tin tưởng và hy vọng. Nó nhắc nhớ tới giao ước mới, đã được các ngôn sứ loan báo (Gr 31,31-34) và đã được thành toàn nơi Đức Kitô (x. Dt 8,8-12); nó nhắc tới con người mới, tới tâm tình cảm tạ về cuộc sống được canh tân và cứu độ, tới chính sự mới mẻ là Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài.

ĐTC đã kết thúc bài huấn dụ bằng cách trích tư tưởng của thánh Agostino và khẳng định rằng thánh Agostino cũng nhắc nhở chúng ta về điều này khi giải thích thánh vinh 143. Ngài viết: ”Bạn đừng tưởng rằng ơn thánh đến từ luật lệ, trong khi trên thực tế, nhờ ơn thánh mà ta có thể chu toàn luật lệ. Vì thế thánh vịnh mới nói: ”Con sẽ gảy đàn thập huyền cầm”; Trên ”cây đàn thập huyền cầm” có nghĩa là trong luật lệ gồm mười điều răn. Trong Mười điều răn con sẽ cất cao thánh vịnh mừng Chúa, trong Mười điều răn con sẽ vui hưởng hạnh phúc nơi Ngài, trong Mười điều răn con muốn hát mừng Chúa bài ca mới, vì tình bác ái là sự toàn vẹn của luật lệ” (Esposizione sui Salmi 143,16: Nuova Biblioteca Agostiniana XXVIII, roma 1977, tr. 677).







All the contents on this site are copyrighted ©.