2018-07-16 15:58:00

Giáo Hội công giáo và tiến trình hòa bình giữa hai nước Etiopia và Eritrea


Ngày 28 tháng 6 vừa qua tân thủ tướng Etiopia Abiy Ahmed đã nghênh tiếp phái đoàn của Eritrea do thủ tướng Osman Saleh cầm đầu, tại phi trường Addis Abeba thủ đô Etiopia. Phái đoàn đã được tặng mỗi người một vòng hoa như biểu hiệu của hòa bình và sự tiếp đón nồng hậu. Trên các đường phố thủ đô có treo quốc kỳ của hai nước Etiopia Eritrea và các băng rôn chào mừng.

Hiện diện trong lễ nghi tiếp đón cũng có ĐHY Berhaneyesus Sourapiel, chủ tịch Liên HĐGM Đông Phi châu, viết tắt là AMECEA, đồng thời là chủ tịch  HĐGM Etiopia và là TGM Trưởng giáo phận Addis Abeba. ĐHY đã định nghĩa biến cố này là “một thời điểm hạnh phúc cho các Giáo Hội công giáo Etiopia và Eritrea. Ngài cho biết tín hữu của cả hai nước đã chuẩn bị cho nền hòa bình ngay từ khi xung khắc bùng nổ. Theo ĐHY Giáo Hội công giáo đã giữ nhiệm vụ chiếc cầu nối giữa hai quốc gia trong suốt các năm căng thẳng này qua HĐGM của hai nước thường xuyên nhóm họp với nhau cho tới thời gian gần đây, khi ĐTC Phanxicô cho thành lập Giáo Hội trưởng Eritrea. Hồi tháng 11 năm ngoái các Giám Mục Liên HĐGM Đông Phi dưới sự hướng dẫn của ĐC Thomas Msura, TGM Blantyre Malawi, phó chủ tịch Liên HĐGM Đông Phi, đã viếng thăm Eritrea để tỏ tình liên đới với Giáo Hội đang lo lắng đối với các thách đố khó khăn của người dân nước này.

Chuyến viếng thăm này của phái đoàn Eritrea ghi dấu một bước tiến quan trọng trong tương quan giữa hai nước, vì các liên lạc ngoại giao giữa Etiopia và Eritrea đã bị gián đoạn gần 20 năm qua, khi Eritrea đòi độc lập khỏi Etiopia hồi năm 1993. Trước kia cả hai nước Etiopia và Eritrea đã là thuộc địa của Italia. Vào năm 1952 Liên Hiệp Quốc định nghĩa cho Eitrea là tỉnh tự trị, mặc dù vẫn thuộc Liên bang Etiopia. Nhưng năm 1962 hoàng đế Haile Selassies đơn phương sáp nhập Eritrea vào Etiopia khiến cho người Eritrea nổi lên kháng chiến đòi độc lập và tạo ra cuộc chiến du kích kéo dài suốt 30 năm cho tới khi Eritrea giành được độc lập năm 1993.

Tuy nhiên, xung khắc bùng nổ giữa hai nước ngày mùng 6 tháng 8  năm 1998, khi Etiopia xua quân đánh chiếm Badme thuộc Eritrea, và khơi mào cho cuộc chiến kéo dài cho tới năm 2000, khiến cho 80.000 người chết và 1 triệu người phải tản cư lánh nạn.  

** Tổng thống Meles Zenawi của Etiopia và Isaias Aferwerki của Eritrea đã thi nhau chạy đua vũ trang. Etiopia mua các máy bay truy kích của Nga trong khi Eritrea mua các trực thăng chiến đấu của Italia. Quân đội của cả hai nước lên tới 300.000 người. Các thành phố của cả hai bên bị bỏ bom. Một phần tư quân đội Eritrea là phụ nữ, và trong trận chiến phía Eritrea giữ thế thủ với các đường hầm đọc biên giới. Các tướng lãnh Etiopia chế nhạo binh sĩ Eritrea và nói: “Quân Eritrea giỏi đào hầm, nhúng chúng tôi sẽ biến các hầm ấy thành nghĩa trang”. Chính quyền Asmara tố cáo chính quyền Addis Abeba là xua giới trẻ vào chỗ chết. Nhưng Etiopia đã thắng Eritrea và xung khắc đã kết thúc với thỏa hiệp hòa bình ký kết giữa hai nước tại Algeri ngày 12 tháng 12 năm 2000. Theo đó có một ủy ban được thành lập và có nhiệm vụ xác định biên giới giữa hai nước một cách vĩnh viễn. Tuy nhiên các căng thẳng giữa hai nước đã kéo dài cho tới năm 2012, khi quân đội Eiopia tấn công vài nơi trên đất Eritrea, để trả thù việc Eritrea huấn luyện các nhóm chống đối tấn công Etiopia.

Trong bài diễn văn tại buổi lễ nhậm chức tân thủ tướng Abiy đã công khai bầy tỏ ước muốn bình thường hóa các liên lạc với Eritrea và mời gọi chính quyền Asmara dấn thân trong tiến trình này. Về phía mình thủ tướng Yemane Ghebre Meskel của Eritrea cho biết các căng thẳng giữa hai nước sẽ được giải quyết, khi Etiopia rút các lực lượng  quân sự về nước, nhất là ra khỏi thành phố Badme.

Thủ tướng Abiy Ahmed là người đầu tiên thuộc bộ lạc Oromo, là nhóm dân đông nhất Etiopia, nắm giữ chức vụ này. Ông cũng là chủ tịch Mặt trận cách mạng dân chủ nhân dân Etiopia từ năm 1991. Ông đã được 108 trên 180 phiếu tín nhiệm và thay thế ông Hailemariam Desalegn từ nhiệm hồi tháng 2 năm nay. Từ hai năm qua người Oromo phản đối chính quyền có đa số người Tigrini, yêu cầu cải cách ruộng đất, và để cho người Oromo được tham chính, chấm dứt các vụ vi phạm quyền con người. Các vụ biểu tình của người Oromo đã bị chính quyền của thủ tướng Hailemariam đàn áp. Chính quyền cũng ngăn chặn hệ thống liên mạng nhiều lần, và cấm sử dụng các phương tiện truyền thông để kiểm soát các vụ đàn áp dân chúng. Sau cùng nhà nước Etiopia đã phải thú nhận rằng từ tháng 8 năm 2016 cho tới tháng 4 năm 2018 lực lượng an ninh của chính quyền đã gây tử vong cho 669 người biểu tình. Hồi đầu năm nay tình trạng giới nghiêm vẫn tiếp tục. Để giảm bớt căng thẳng chính quyền của thủ tướng Hailemariam đã trả tự do cho các tù nhân chính trị, các nhà báo và hứa đóng cửa nhà tù Maekelawi. Tuy nhiên, sau đó lại có một vài nhà báo bị bắt giam trở lại mà không có lý do. Trong vùng Oromo các vụ bạo động đã không ngớt khiến cho 10.000 người phải chạy lánh nạn sang thành phố Moyale của Kenya. Tân thủ tướng Abiy có các liên lạc tốt với người Oromo biểu tình cũng như các lực lượng an ninh trong nước . Ngoài ra ông có mẹ là kitô hữu và cha hồi giáo, và nói thông thạo các thứ tiến Amarico, Oromo và Tigrinya là ba ngôn ngữ chính của Etiopia.

** Trong lịch sử nước này người Oromo đã bị gạt ra ngoài lề trước hết bởi người Amhara là chủng tộc chiếm ưu thế dưới thời của chế độ độc tài cộng sản của đại tá Menghistu, sau đó là sự hiện diện của người Tigrini chiếm địa vị ưu thế với cuộc cách mạng do ông Meles Zenawi khởi xướng. Việc ông Abiy Ahmed người Oromo lên giữ chức thủ tướng cho phép Etiopia mở ra một giai đoạn đối chiếu chính trị thanh bình và tích cực hơn.

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ khả năng giải hòa và thay đổi của ông, vì chính ông là người đã thành lập Hãng An ninh thông tin  kiểm soát hệ thống liên mạng Etiopia bằng cách dùng các loại công nghệ tân tiến để theo dõi các người chống đối chính quyền trong cũng như ngoài Etiopia. Theo tin báo chí cuộc gặp gỡ nói trên của phái đoàn Eritrea với tân chính phủ Etiopia mới chỉ là bước đầu cho một loạt các cuộc hội kiến liên quan tới các cải cách, mà tân thủ tướng Abiy Ahmed đề ra. Trong diễn văn nhậm chức tân thủ tướng Abiy Ahmed nói: “Cuộc tranh chấp này giữa hai nước chấm dứt  với thế hệ này. Ước chi kỷ nguyên của tình yêu thương và hòa giải bắt đầu”. Trong cùng ngày chính quyền Etiopia cũng rộng mở cho các dịch vụ dầu tư tư nhân và ngoại quốc trong vài lãnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc gia như viễn thông, vận chuyển máy bay và năng lượng. Tân thủ tướng Abiy Ahmed cương quyết đẩy mạnh các cải tổ kinh tế nhằm nâng cao phát triển quốc gia. Hiện nay Etiopia thiếu ngoại tệ trầm trọng khiến cho khả năng thương mại quốc tế bị hạn chế rất nhiều. Chính vì thế chính quyền có chương trình tư nhân hóa vài lãnh vực công cộng và để ra một loạt các biện pháp tạo dễ dàng cho việc dầu tư hầu lôi cuốn các hãng xưởng ngoại quốc. Cho tới nay nông nghiệp là nguồn lợi chính của Etiopia. Nhưng với 100 triệu dân thị trường Etiopia có thể trở thành một thị trường tiêu thụ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Thỏa hiệp Algeri đã được ký kết giữa Etiopia và Eritrea qua trung gian của Tổ chức hiệp nhất Phi châu, của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, không chỉ nhằm mục đích chấm dứt một trong các cuộc chiến tàn khốc, nhưng còn muốn mở ra con đường chung sống hòa bình giữa hai quốc gia láng giềng thù nghịch chống đối nhau trong gần 20 năm trời. Tuy các xung đột đã chấm dứt năm 2000, nhưng thỏa hiệp đã không bao giờ được áp dụng  và các tương quan giữa hai nước vẫn tiếp tục căng thẳng. Hai bên cũng không có liên lạc ngoại giao với nhau, và trong các năm qua cũng đã xảy ra các đụng độ quân sự trên vùng biên giới.

** Cuộc chiến kéo dài 18 năm giữa hai nước khiến cho tình hình trong vùng thêm bất ổn và Etipia đã lợi dụng thế thượng phong ngoại giao của mình để cô lập hóa Eritrea, khiến cho Eritrea bị cộng đồng quốc tế cấm vận. Kể từ khi độc lập tới này Eritrea do nhà dộc tài Isaias Aferwerki cai trị. Xung khắc với Etiopia trở thành lý cớ để ông áp đạt chế độ độc tài công an cảnh sát.  Để đáp ứng các nhu cầu chiến tranh chính quyền Eritrea buộc giới trẻ nhập ngũ và là lính vô thời hạn. Thế là người trẻ Eritrea  tìm cách trốn lính và liều mình di cư ra nước ngoài. Làn sóng người Eritrea tỵ nạn bắt đầu trên bộ và trên biển. Hàng ngàn người liều mình bỏ nước ra đi bất chấp mọi hiểm nguy. Biết bao gia đình tan nát và bị chia lìa. Nhiều người di cư tỵ nạn đã không bao giờ tới bến vì đã ngã gục trên đường chạy trốn hoặc bỏ xác tại Địa Trung Hải.

Ngày mùng 5 tháng 6 vừa qua thủ tướng Abiy Ahmed loan báo sẵn sàng tôn trọng hoàn toàn thỏa hiệp Algeri, và chấp nhận quyết định của Ủy ban biên giới Etiopia Eritrea do Liên Hiệp Quốc ủng hộ hồi năm 2002 đã giao cho Eritrea nhiều vùng đất tranh chấp trong đó có thành phố thương mại Badme. Quyết  định này đã bị Etiopia làm ngơ trong 16 năm qua, bằng cách khước từ rút quân khỏi các vùng này. Tuy nhiên, ngày mùng 2 tháng 4 năm nay trong diễn văn nhận chức tân thủ tướng Abiy Ahmed đã nêu bật ý muốn mở ra cuộc đối thoại với Eritrea và khích lệ chính quyền Eritrea đáp trả lại các nỗ lực này của ông để cùng nhau tìm ra một giải pháp thương thuyết chấm dứt xung đột giữa hai bên và tạo dựng một tương quan hai chiều có lợi cho thiện ích của cả hai nước. Và sự thay đổi đã xảy ra. Thủ tướng Eritrea đã hướng dẫn phái đoàn sang viếng thăm Etiopia. Đây là điều đã không có ai tưởng tượng được cách đây mấy tháng. Biến cố tích cực này có được một phần cũng nhờ trung gian của Giáo Hội hai nước.

Giáo Hội công giáo Eritrea hiện có gần 150.000 tín hữu trên tổng số 5 triệu dân, với hơn 350 linh mục, 600 tu huynh và 800 nữ tu. Ngày 19 tháng giêng năm 2015 ĐTC Phanxicô đã tách rời Eritrea khỏi Tổng giáo phận Addis Abeba, và nâng lên hàng Tổng giáo phận Asmara với 3 giáo phận thuộc quyền. Trong khi Giáo Hội công giáo Etiopia có khoảng 700.000 giáo dân sống trong 13 giáo phận 4 thuộc nghi lễ Etiopi và 9 thuộc nghi lễ Latinh. Giáo tỉnh Addis Abeba có hơn 300.000 giáo dân sống trong 200 giáo xứ do 9 Giám Mục và gần 600 linh mục trông coi.

Trong suốt các năm chiến tranh cả hai Giáo Hội Etiopia và Eritrea đã luôn cố gắng giữ nhiệm vụ cầu nối và làm tất cả những gì có thể để thoa dịu các khổ đau của người dân cũng như cổ võ ngưng chiến hòa giải để cho người dân của cả hai nước được sống trong hòa bình. Nỗ lực đó giờ đầy đã hiện thực trước sự vui mừng hài lòng của cả hai dân tộc.

Linh Tiến Khải

 

 

 

 








All the contents on this site are copyrighted ©.