2018-01-30 12:15:00

Thương Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Amazzonia


 

Vào năm 2019 sẽ có Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Amazzonia.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Claudio Hummes, Chủ tịch “Mạng lưới giáo hội Toàn Amazzonia” của Liên HĐGM châu Mỹ Latinh, về mô thức phát triển từ Tin Mừng.

Amazzonia là vùng rừng rộng hơn 7 triệu cây số vuông, trong đó có 5,5 triệu cây số vuông là rừng già. Tuy 65% diện tích vùng Amazzonia thuộc nước Brasil, nhưng nó cũng trải dài ra các nước Colombia, Perù, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guiana, Suriname và Guyana Pháp. Tên gọi Amazzonia phát xuất từ bản tường trình của linh mục Gaspar de Carvajal viết ngày 22 tháng 4 năm 1542 về cuốn nhật ký du hành của cha trong vùng Amazzonia. Bản tường trình kể lại rằng người Tây Ban Nha đánh nhau với thổ dân Tapuyas, là bộ lạc trong đó cả phụ nữ cũng là các chiến binh. Ông Francisco de Orelana đã gọi tên con sông là Rio della Amazzoni, vì các phụ nữ chiến binh nhắc cho ông nhớ tới  các phụ nữ Amazzoni của Á châu và Phi châu xưa kia như hai văn sĩ Erodoto và Diodoro Siculo miêu tả trong thần thoại Hy Lạp.

Amazzonia có khí hậu ẩm ướt của vùng nhiệt đới với nhiệt độ trung bình là 26 độ C. Đây là vùng sinh thái có các loại cây cối thảo mộc và thú vật vô cùng phong phú, giống các vùng rừng già bên Á châu và Phi châu, nên có giá trị sinh thái vô giá. Trong vùng Amazzonia có khoảng 2, 5 triệu côn trùng khác nhau, 3.000 loại cá, 1.294 loại chim – một phần năm các loại chim trên toàn thế giới sống trong vùng này – 427 loại thú vật có vú, 427 loại vật vừa sống trên đất vừa sống dưới nước, 378 loại cây. Các nhà khoa học đã miêu tả giữa 96.669 và 128.834 loại vật không có xương sống chỉ nội tại Brasil mà thôi.

Từ nhiều thập niên qua các công ty đa quốc đã khai thác các quặng mỏ và gỗ quý hiếm trong vùng Amazzonia, việc xây dựng các hệ thống đường lộ và phá rừng lấy đất trồng trọt đã khiến cho toàn hệ thống sinh thái tại đây gặp nguy hiểm. Nó cũng góp phần làm thay đổi khí hậu, hâm nóng trái đất và khiến cho cuộc sống của các thổ dân trở thành khó khăn hơn.  Mô thức phát triển qua việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên một cách vô chừng mực gây ra các hậu quả tàn phá đe dọa môi sinh và cuộc sống của thổ dân trong vùng. Giáo Hội có thể và phải góp phần thảo luận các vấn đề nghiêm trọng này, bắt đầu từ các giá trị của Phúc Âm.

Hỏi: Thưa ĐHY, Giáo Hội  tại Brasil và toàn châu Mỹ Latinh đang chuẩn bị thế nào cho Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Amazzonia?

Đáp: Quyết định của ĐTC Phanxicô triệu tập một THĐGM đặc biệt cho vùng Amazzonia và việc ngài loan báo ngày 15 tháng 10 năm ngoái tại quảng trường thánh Phêrô đã khiến cho tín hữu công giáo Brasil, đặc biệt là tín hữu vùng Amazzonia, rất vui mừng và biết ơn.  Việc hăng hái đáp trả này của chúng tôi là bước đầu tiên cho việc chuẩn bị THĐGM. Thế rồi HĐGM Brasil đã thành lập một Uỷ ban đặc trách vùng Amazzonia, và Liên HĐGM châu Mỹ Latinh, viết tắt là CELAM, và vùng Caraibi cũng đã có văn phòng cho Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Amazzonia, gọi tắt là REPAM. Đương nhiên là các cơ cấu này cùng với các giáo phận và các thực tại pháp lý của Giáo Hội vùng Amazzonia trực tiếp có nhiệm vụ góp phần vào việc chuẩn bị THĐGM. Đã có một chuyển động lớn qua các cuộc họp được tổ chức trong vùng. Chắc chắn chuyến viếng thăm Perù của ĐTC Phanxicô với cuộc gặp gỡ các thổ dân Amazzonia tại Puerto Maldonado cũng như với các Giám Mục đại diện 9 nước toàn vùng Amazzonia là một kích thích khởi đầu cho việc chuẩn bị này.

Hỏi: Thưa ĐHY vai trò của giáo dân trong việc chuẩn bị này ra sao?

Đáp: Đây là một Thượng Hội Đồng của các Giám Mục, nhưng toàn thể Giáo Hội luôn được mời gọi tham dự trong việc chuẩn bị mọi THĐGM. Hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều góp phần. Chính vì thế văn phòng tổng thư ký THĐGM của Toà Thánh chuẩn bị một bảng câu hỏi về đề tài của từng THĐGM, và gửi tới các giáo đoàn địa phương qua các Giám Mục. Ngoài các Giám Mục ra, các cộng đoàn địa phương cũng được mời gọi trả lời cho các câu hỏi đó. Đây là thời điểm đầu tiên quan trọng, mà mọi giáo dân có thể tham gia. Và khi lên danh sách các tham dự viên THĐGM, thì bên cạnh các Giám Mục luôn luôn có các linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ được ĐTC mời tham dự như dự thính viên, nghĩa là tham dự các phiên họp, nhưng không có quyền bỏ phiếu. Chỉ có các Giám Mục tức các nghị phụ bỏ phiếu mà thôi. Và trong THĐGM cho vùng Amazzonia cũng sẽ như thế. Chắc chắn ĐTC sẽ mời đại diện các thổ dân tham dự với tính cách là dự thính viên. Nhưng trong việc chuẩn bị, và nhất là qua bảng câu hỏi, chúng tôi muốn làm việc để các cộng đoàn thổ dân có thể tham gia vào việc trả lời các câu hỏi và nói lên ý kiến riêng của họ, cũng như đưa ra các đề nghị nhiều chừng nào có thể.

Hỏi: Vậy đâu là các âu lo lớn của Giáo Hội đối với vùng Amazzonia này thưa ĐHY?

Đáp: Trong Ngày quốc tế giới trẻ tại Rio de Jamerio hồi năm 2013 trong diễn văn nói với các GM Brasil ĐTC Phanxicô đã khẳng định rằng Giáo Hội trong vùng Amazzonia cần có một “bộ mặt Amazzonia” và “một hàng giáo sĩ bản địa”. Ngài đã khích lệ các Giám Mục và nói: “Liên quan tới điều này, tôi xin anh em làm ơn cản đảm và dám làm”. Đồng thời ĐTC cũng nhấn mạnh rằng “Vùng Amazzonia là một trắc nghiệm định đoạt, một thử thách đối với Giáo Hội và xã hội Brasil”. Ngài cũng nêu bật rằng “Từ ban đầu, từ thời thuộc địa Giáo Hội hiện diện trong vùng Amazzonia với các thừa sai, các dòng tu, các linh mục, giáo dân và các Giám Mục và tiếp tục hiện diện và định đoạt đối với tương lại của vùng này”. Ngài cũng nới tới nguy cơ của sự suy đồi và tàn phá thiên nhiên của vùng Amazzonia, và mạnh mẽ kêu gọi cứu vãn toàn thụ tạo mà Thiên  Chúa đã tín thác cho con người. Thiến Chúa tín thác nó cho con người không phải để cho con người khai thác nó một cách tàn bạo, nhưng để con người biến đổi nó thành một ngôi vườn”. Đó là những vẫn đề gây âu lo nhất đối với vùng Amazzonia. Chắc chắn là sự hiện diện rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội gắn liền với việc lo lắng cho môi sinh trong vùng Amazzonia, như Thông điệp Laudato si của ĐTC chứng minh cho thấy.

Khi loan báo triệu tập THĐGM đặc biệt cho vùng Amazzonia, ĐTC cũng đã xác định mục tiêu của nó là “tìm ra các con đường mới” giúp đương đầu với các vấn đề này trên bình diện rao truyền Tin Mừng cũng như trên bình diện xã hội và môi sinh của vùng Amazzonia. Dĩ nhiên âu lo lớn nhất trong lãnh vực truyền giáo là sự kiện thiếu các thừa sai nam nữ, khiến cho sự hiện diện thể lý và gần gũi thường xuyên của Giáo Hội đối với  dân nghèo trong vùng trở thành khó khăn hơn. Ngoài ra việc thiếu các linh mục khiến cho các anh chị em thổ dân sống trong rừng không được lãnh nhận các bí tích Thánh Thể, hoà giải và xức dầu bệnh nhân. Sự kiện này khiến cho họ càng cảm thấy mình giòn mỏng hơn và  cảm thấy bị bỏ rơi. Làm thế nào để phát triển một hàng giáo sĩ địa phương, thổ dân, bản địa đầy đủ cho sứ mệnh truyền giáo này của Giáo Hội? Điều này sẽ khiến cho việc hội nhập Tin Mừng vào lòng các văn hoá của các dân tộc này được dễ dàng hơn.

Hỏi: ĐHY có nghĩ rằng THĐGM sẽ có thể giúp làm sáng tỏ các vấn đề của Toàn vùng Amazzonia hay không ?

Đáp: Chắc chắn rồi. Trước các vấn đề quan trọng như thế  Giáo Hội cảm thấy được khích lệ tìm ra các con đường mới và vạch ra các đường lối dựa trên sự trợ giúp của THĐGM.

Làm sao Giáo Hội có thể trợ giúp suy tư và đưa ra các đề nghị săn sóc ngôi nhà chung và sống tốt, là nền tảng của luân lý đạo đức của các dân tộc bản địa trước các dự án phát triển vùng Amazzonia như khai thác quặng mỏ, khai thác gỗ, khai thác thủy điện lực trên bình diện đại quy mô vv.. là các sinh hoạt chống lại kiểu sống của các thổ dân.

Trên thực tế mô thức phát triển công cũng như tư nhân, mà các chính quyền đang áp dụng trong vùng Amazzonia, theo hệ thống kinh tế tài chánh quốc tế mới, sẽ vô cùng tai hại và tàn phá đối với thực tại môi sinh và đối với các dân tộc bản địa và truyền thống của vùng này. Giáo Hội có thể và phải tham dự vào cuộc thảo luận về các vấn đề ấy, khởi hành từ Phúc Âm, trong tình liên đới với biết bao nhiêu người và các cộng đoàn bị thiệt hại, bị loại trừ, không được biết đến và bị lột bỏ phẩm giá, đất đai, nền văn hoá và các quyền lợi của họ. Giáo Hội phải can thiệp để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Nó sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào phương thế giữ gìn vùng Amazzonia. Chỉ nguyên vấn đề tàn phá rừng già không thôi, ngày nay chúng ta biết là rừng có thể đem lại nhiều giầu có hơn là cái giầu có mà việc tàn phá rừng đem lại.

Hỏi: Trước đề nghị của ĐTC Phanxicô đề nghị một Giáo Hội đi ra ĐHY nhận thấy các Giáo Hội địa phương có thể thực sự dấn thân đi ra hay không ?

Đáp: Có chứ. Trước hết bằng cách  tham gia vào việc chuẩn bị cho THĐGM về Amazzonia, đưa ra quan điểm riêng và các đề nghị riêng liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội trong vùng Amazzonia. Thế rồi bằng cách tươi vui tiếp nhận các định hướng của ĐTC, bắt đầu từ các kết luận của THĐGM. Điều này sẽ đòi hỏi không được sợ hãi điều mới mẻ, và không bất động trong thời gian và trong không gian, nhưng xắn tay áo lên một cách mạnh mẽ, sự mạnh mẽ của Thần Khí và quyết tâm đi ra các vùng ngoại biên và loan báo Tin Mừng với lòng hăng say truyền giáo mới, với các phương pháp mới, và với các diễn tả mới, cũng như thực thi lòng thương xót.

Hỏi: ĐHY có thể giải thích vai trò của Mạng lưới giáo hội Toàn Amazzonia mà ĐHY là chủ tịch, đối với vùng này hay không ?

Đáp: REPAM, mạng lưới giáo hội Toàn Amazzonia đã được thành lập hồi năm 2014 bên Brasil trong một cuộc gặp gỡ của các Giám Mục và các vị lãnh đạo toàn vùng Amazzonia. Nó đã được chuẩn bị bởi nhiều phiên họp trước đó nhằm phát triển một loại mục vụ chung cho toàn vùng này. Có 4 tổ chức tham gia việc thành lập này: đó là phân bộ Công lý và Liên đới  của Liên HĐGM mỹ châu la tinh và vùng Caraibi gọi tắt là CELAM, Uỷ ban Giám Mục cho vùng Amazzonia của HĐGM Brasil, Hội đồng các tu sĩ châu Mỹ Latinh và Văn phòng châu mỹ latinh và vùng Caraibi của tổ chức Caritas. Vì là một mạng lưới Repam muốn góp phần vào việc phối hợp các giáo phận, các giáo quận, các toà giám quản, các sứ mệnh của Giáo Hội cùng với các tổ chức của các cộng đoàn địa phương, các cộng đoàn thổ dân, các làng của dân chài, của các cộng đoàn hợp tác xã đồng quê gồm con cháu các người nô lệ phi châu, và nhất là của các cộng đoàn nghèo, bị lãng quên và cô lập nhất, cũng như các cơ cấu, các sáng kiến và chương trình hoạt động cho công tác loan báo Tin Mừng và bảo vệ môi sinh toàn vùng Amazzonia.

Góp phần xây dựng mạng lưới này và làm cho nó hoạt động đó là mục đích của tổ chức Repam. Như thế, các cộng đoàn, nhất là các cộng đoàn mênh mông hơn ở miền trung toàn vùng Amazzonia, sẽ cảm thấy bớt bị cô lập hơn  trong rừng già mênh mông này. Họ sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn trong các dự án, các giấc mơ, các vấn đề của họ, và họ sẽ biết rằng có một mạng lưới liên đới  và hiệp thông nối kết tất cả mọi người với nhau. Để hoạt động tốt hơn tổ chức Repam làm việc trên vài trục chính qua các uỷ ban làm việc chuyên biệt. Các trục chính đó là các thổ dân, các quyền con người, việc đào tạo và các phương pháp mục vụ, truyền thông, bản đồ các thực tại toàn vùng Amazzonia, các Giáo Hội biên giới, các mô thức phát triển mới và cuộc khủng hoảng khí hậu, các tổ chức cộng tác quốc tế. Kiểu làm việc liên mạng này và các đề tài chuyên biệt đã khiến có thể ôm vào vòng tay thực tại khổng lồ là Toàn vùng Amazzonia. Tôi tin có thể nói rằng tổ chức Repam ngày nay là một tổ chức rất sống động, năng nổ và hoạt động trong toàn vùng.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.