2017-02-24 11:55:00

Thiên Chúa là hiền mẫu xót thương con người


Trích sách ngôn sứ Isaia

Xi-on từng nói: "Giavê đã bỏ tôi, Chúa tôi đã quên tôi rồi! "

Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”

SUY NIỆM

Thế giới loài người mệnh danh là văn minh tân tiến ngày nay là một thế giới giết người không gớm tay. Người ta tìm đủ mọi cách để tàn sát các trẻ em còn trong lòng mẹ với đủ mọi thứ thuốc và phẫu thuật phá nạo thai và cắt chặt các thai nhi có khi đã tới tháng thứ 8. Con số 50 triệu thai nhi bị tàn sát hằng năm ít khi được các phương tiện truyền thông nói tới, trong khi người ta thành lập đủ mọi thứ hiệp hội để bảo vệ thú vật đó đây trên thế giới vì sợ chúng bị tuyệt nòi. Thế rồi có hàng triệu trẻ em bị mồ côi vì chiến tranh bạo lực, xung khắc, nghèo đói bần cùng và bệnh tật  đủ loại, hằng trăm ngàn trẻ em bị bắt cóc tẩy não và biến thành chiến binh, 250 triệu trẻ em lao động, có em chỉ mới 4 tuổi, hàng triệu trẻ em là nạn nhân của thị trường mại dâm quốc tế, và hàng trăm triệu trẻ em khác không được học hành, không được săn sóc sức khỏe, không có an sinh, mỗi ngày phải đi ngủ với chiếc dạ dầy trống rỗng. Tất cả các thực tại này ít khi được giới truyền thông nhắc tới và chúng là bằng chứng cho thấy xã hội con người ngày nay, kể cả tại các nước tây âu giầu có, là một xã hội không chỉ bỏ rơi con thơ, mà con tàn sát trẻ em, và tiêu diệt tương lại của nhân loại. 

Trước các tội phạm ấy của con người hai câu trên đây trong chương 49 sách ngôn sứ Isaia giới thiệu với chúng ta gương mặt của một Thiên Chúa hiền mẫu. Chúng thuộc số ít các câu kinh thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa không chỉ là hiền phụ, mà cũng còn là hiền mẫu nữa. Thiên Chúa là một bà mẹ luôn luôn thương xót và không bao giờ bỏ rơi con mình. Với ngôn sứ Hosêa chân dung Thiên Chúa là hiễn mẫu còn rõ ràng hơn nữa. Ngôn sứ viết trong chương 11: “Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó,

từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi; chúng dâng hy lễ cho các Ba-an, đốt hương kính ngẫu tượng. Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” (Hs 11,1-4). Trong bối cảnh của một xã hội phụ hệ đề cao gương mặt thường là uy quyền và nghiêm khắc của người cha gia đình, những câu trên đây chỉ phù hợp với chân dung của một người mẹ và cho thấy quả thật Thiên Chúa cũng là hiền mẫu.

Có nhiều văn bản cựu ước nhất là các ngôn sứ miêu tả các tâm tình hiền phụ hiền mẫu của Thiên Chúa đối với dân Do thái thường phản bội bỏ Thiên Chúa để tôn thờ các thần ngoại, không tuân giữ các  luật lệ của Ngài và sống gian tham ác độc. Trong chương 1 ngôn sứ Isaia ghi lại lời Thiên Chúa tha thiết mời gọi hối thúc dân Israel như sau: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.

Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,16-17).

Hình ảnh Thiên Chúa như người mẹ chúng ta có thể nhận ra dễ dàng nơi cung cách hành xử của Chúa Giêsu Kitô, hiện thân tình yêu thương hiền mẫu của Thiên Chúa. Các Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu vô cùng hiền dịu và yêu thương. Ngài  đặc biệt yêu thương những người nghèo khổ, ốm yếu  tật nguyền, cũng như những kẻ tội lỗi, bị khai trừ, khinh rẻ hất hủi gạt bỏ ra bên lề xã hội, và nhất là Ngài yêu thương các trẻ em. Ngài đi tới đâu là các lớp người này, là các trẻ em bao vây Ngài vòng trong vòng ngoài tới đó, đến khiến cho các tông đồ nổi nóng xua đuổi không cho chúng đến gần Chúa.

Để miêu tả tình yêu thương xót của Chúa Giêsu các tác giả Phúc Âm thường dùng từ “cảm thương”. Trong bài huấn dụ ngày thứ tư mùng 8 tháng giêng vừa qua ĐTC giải thích từ này như sau: “Sự cảm thương mà Chúa Giêsu  cảm thấy không chỉ một cách đơn sơ là thương hại. Nó hơn thế nữa! Nó có nghĩa là cùng đau khổ, nghĩa là đồng hoá mình trong với nỗi khổ đau của tha nhân, tới độ nhận lấy nó trên chính mình”. Nhưng trong trình thuật hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, thánh sử Mátthêu dùng một từ khác mạnh hơn để diễn tả tâm tình của Chúa Giêsu: đó là từ “ésplanknisthê” “đau quặn thắt ruột gan”. Ngài chữa lành các bệnh nhân rồi hoá bánh ra nhiều để nuôi họ. Cái “đau thắt ruột gan” này giống cái đau của một bà mẹ sinh con. Và đó là tâm tình Chúa Giêsu có đối với đám đông dân chúng đói khát của ăn cũng như đói khát lời Ngài, đối với các bệnh nhân, người phong cùi, cũng như trước cảnh bà mẹ goá thánh Naim đi theo xác của đứa con trai duy nhất qua đời được người ta đem đi chôn.

Chính vì lòng yêu thương sâu xa vô bờ ấy Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi và lãng quên con người. Đó đã là lý do khiến cho  Thiên Chúa Cha sai Đức Giêsu Con Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, sau khi loài người đã phạm tội xa rời Ngài và đánh mất đi cuộc sống hài hoà thánh thiện sung mãn Thiên Chúa ban cho thời khai nguyên vũ trụ.

Cho tới khi nào chúng ta mới ý thức được tình yêu thương trung thành đó của Thiên Chúa, và cố gắng sống thế nào để xứng đáng hơn với tình phụ tử và mẫu tử đó của Ngài, nhất để chấm dứt biết bao thảm cảnh và tội lỗi trong xã hội ngày nay: cha mẹ bỏ rơi hay tệ hại hơn giết chết con cái, giới lãnh đạo và công quyền bỏ rơi dân, hay tệ hại hơn khai thác bóc lột ức hiếp và tàn sát dân lành? 

CN VIII A

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.