2016-05-19 11:45:00

Tình yêu đam mê - Phần III chương IV Tông huấn Niêm Vui Yêu Thương


Tình yêu đam mê - Phần III chương IV Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” của ĐTC Phanxicô

Phần 3 chương 4 Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” của ĐTC có tiểu đề “Tình yêu đam mê”, từ số 142 tới 162, trong đó ĐTC nói về: thế giới của các xúc cảm, Thiên Chúa yêu thương niềm vui của con cái Ngài; chiều kích dục vọng của tình yêu; bạo lực và lèo lái; hôn nhân và đồng trinh.

Thế giới của các cảm xúc – Các ước muốn, tâm tình và cảm xúc, điều mà các nhà cổ điển gọi là “các đam mê”, chiếm một chỗ quan trọng trong hôn nhân. Chúng nảy sinh, khi một người khác hiện diện và biểu lộ trong cuộc sống riêng. Mỗi một người đều hướng tới một thực tại khác, và khuynh hướng này luôn luôn có các dấu chỉ yêu thương nền tảng: khoái cảm hay đau đớn, niềm vui hay nỗi buồn, sự dịu hiền hay sự sợ hãi. Chúng là giả thiết của sinh hoạt tâm lý sơ đẳng nhất. Con người là một sinh vật của trái đất này và tất cả những gì nó làm hay tìm kiếm đều đầy đam mê (s. 143).

Như là người thật, Chúa Giêsu đã sống các sự vật với nhiều xúc cảm. Vì thế sự khước từ của Giêrusalem khiến cho Ngài đau đớn (x. Mt 23,37) và tình trạng này khiến cho Ngài phải sa nước mắt (x. Lc 19,41). Cũng thế Ngài cảm thương trước các khổ đau của con người (x. Mc 6,34). Khi trông thấy những người khác khóc, Ngài cảm động và thổn thức (x. Ga 11,33), và chính Ngài đã khóc thương cái chết của một người bạn (x. Ga 11,35). Các biểu lộ này của sự nhậy cảm nơi Ngài cho thấy con tim nhân loại của Chúa  rộng mở cho tha nhân tới mức nào (s. 144).

Tự nó việc cảm thấy một xúc động không phải là một cái gì tốt hay xấu trên bình diện luân lý. Bắt đầu cảm thấy ước muốn hay khước từ không phải là tội, cũng không phải là điều đáng khiển trách. Điều là thiện hay ác là hành động mà một người thi hành, bị thúc đẩy hay đi kèm  bởi một đam mê. Nhưng nếu các tâm tình được nuôi dưỡng, tìm kiếm và vì chúng mà chúng ta phạm các hành động xấu, sự dữ ở trong quyết định dưỡng nuôi chúng và trong các hành động xấu, hậu quả của chúng. Trên cùng bình diện cảm thấy khoái đối với ai đó tự nó không phải là một thiện ích. Nếu với sự khoái cảm đó tôi làm cho người ấy trở thành nô lệ tôi, tình cảm sẽ phục vụ sự ích kỷ của tôi. Tin rằng chúng ta tốt chỉ vì chúng ta cảm thấy các tâm tình là một lừa dối kinh khủng. Có những người  cảm thấy khả năng có một tình yêu thương lớn lao chỉ vì họ cần một sự trìu mến lớn lao, nhưng họ lại không thể chiến đấu cho hạnh phúc của người khác, và sống khép kín trong các ước muốn của họ. Trong trường hợp này các tâm tình lấy mất đi các giá trị to lớn, và che dấu một khuynh hướng ích kỷ, không thể vun trồng được một cuộc sống gia đình lành mạnh và hạnh phúc (s. 145).

Đàng khác, nếu một đam mê kèm theo một hành động tự do, có thể biểu lộ sự sâu xa của việc lựa chọn này. Tình yêu hôn nhân đưa tới chỗ khiến cho toàn cuộc sống xúc cảm trở thành một thiện ích đối với gia đình, cũng như phục vụ cuộc sống chung. Sự trưởng thành đến được trong một gia đình, khi cuộc sống cảm xúc của các thành phần biến thành một sự nhậy cảm không thống trị, cũng không làm lu mờ các lựa chọn lớn và các gia trị, nhưng hỗ trợ sự tự do của chúng, nẩy sinh từ nó, làm giầu cho nó, tô đẹp nó và khiến cho nó được hài hoà cho thiện ích của tất cả mọi người (s. 146).

Thiên Chúa yêu thương con cái Ngài -  Điều này đòi hỏi một lộ trình sư phạm, một tiến trình bao gồm các từ bỏ. Nó là một xác tín của Giáo Hội, nhiều lần đã bị khước từ như thể là thù địch với niềm hạnh phúc của con người. Đức Biển Đức XVI đã tiếp nhận vấn nạn này một cách rất rõ ràng: “Với các điều răn và các cấm đoán của mình Giáo Hội lại đã không khiến cho điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống trở thành cay đắng hay sao? Giáo Hội có lẽ không giơ cao các biển cấm tại chính nơi niềm vui được Đấng Tạo Hóa định trước cho chúng ta, Ngài cống hiến cho chúng ta một niềm hạnh phúc khiến cho chúng ta nếm hưởng được cái gì đó của Thiên Chúa? Nhưng Đức Biển Đức XVI trả lời rằng tuy trong Kitô giáo không thiếu các thái quá hay các khuynh hướng khổ chế lệch lạc, giáo huấn chính thức của Giáo Hội, trung thành với Thánh Kinh, đã không khước từ “dục vọng như nó là, nhưng đã tuyên chiến với sự lệch lạc phá hoại, bởi vì việc thần thánh hóa dục vọng lấy mất đi phẩm giá của nó và khiến cho nó không nhân bản nữa (s.147).

Việc giáo dục cảm xúc và bản năng cần thiết, và để đạt mục đích này đôi khi cần tự đặt ra vài hạn chế. Sự thái quá, thiếu kiểm soát, ám ảnh vì một loại lạc thú duy nhất, kết thúc bởi việc làm suy yếu, gây bệnh cho chính lạc thú đó, và làm hư hỏng đời sống gia đình. Trên thực tế ta có thể hoàn thành một con đường tốt đẹp với các đam mê, điều này có nghĩa là luôn luôn hướng dẫn chúng hơn vào một dự án tự hiến và thực hiện tràn đầy chính mình, làm giầu cho các tương quan liên bản vị trong gia đình. Nó không bao gồm việc khước từ các lúc tươi vui sâu đậm, nhưng lãnh nhận chúng trong một giao thoa với các lúc khác của sự tự hiến quảng đại, của niềm hy vọng kiên nhẫn, của sự mệt mỏi không thể tránh được, của cố gắng cho một lý tưởng. Cuộc sống trong gia đình là tất cả những điều này và nó đáng công được sống một cách trọn ven (s. 148).

Có vài trào lưu tu đức nhấn mạnh trên việc loại bỏ ước mong tự giải thoát khỏi khổ đau. Nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa yêu thương sự tươi vui là người, rằng Ngài đã tạo dựng tất cả để chúng ta vui hưởng nó (1 Tm 6,17). Chúng ta hãy để cho niềm vui trào lên trước sự hiền dịu của Ngài, khi Ngài đề nghị với chúng ta: “Hỡi con, hãy đối xử tốt với mình… Đừng từ chối không hưởng một ngày vui” (Hc 14,11.14). Một cặp vợ chồng đáp trả lại ý muốn của Thiên Chúa, khi sống theo lời mời gọi này của Thánh Kinh: “Trong ngày vui hãy cứ sung suớng” (Gv 7,14). Vấn đề là có tự do để chấp nhận rằng lạc thú có các hình thái diễn tả trong các lúc khác nhau của cuộc sống, theo các nhu cầu của tình yêu đối với nhau hay không. Trong nghĩa đó, ta có thể tiếp nhận đề nghị của vài bậc thầy đông phương, nêu bật việc nới rộng lương tâm, để không bị giam hãm trong một kinh nghiệm rất hạn hẹp khép kín các viễn tượng đối với chúng ta. Việc rộng mở ấy của lương tâm không phải là khước từ hay phá huỷ ước muốn, nhưng là sự giãn nở và hoàn thiện nó (s. 149).

Chiều kích dục vọng của tình yêu – Tất cả những điều này đưa chúng ta tới chỗ đề cập tới cuộc sống tính dục của các cặp vợ chồng. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên tính dục, là một món quà tuyệt diệu cho các thụ tạo. Khi ta vun trồng và kiểm soát nó, là ta ngăn cản xảy ra việc làm nghèo nàn giá trị đích thực của nó. Thánh Gioan Phaolô II đã đẩy lui ý tưởng giáo huấn của Giáo Hội  đưa tới việc khước từ giá trị của tính dục con người, hay chỉ đơn thuần khoan nhượng nó vì sự cần thiết của việc sinh con cái. Nhu cầu tính dục của các vợ chồng không phải là đối tượng sự khinh rẻ, và tuyệt đối đây không phải là việc đặt vấn đề liên quan tới nhu cầu ấy (s. 150).

Đối với những người sợ rằng với việc giáo dục các đam mê và tính dục người ta làm hư hại tính tự phát của tình yêu tính dục, thánh Gioan Phaolô II trả lời rằng con người đuợc mời gọi tới sự tự phát tràn đầy và trưởng thành của các tương giao, rằng đó là hoa trái tiệm tiến của việc phân định các thúc đẩy của con tim mình. Nó là một cái gì mà người ta chính phục, bởi vì mỗi người phải học biết ý nghĩa thân xác của mình với sự kiên trì và trung thực. Tính dục không phải là một tài nguyên cần thoả mãn hay vui hưởng, bởi vì nó là một ngôn ngữ liên bản vị, trong đó tha nhân được đối xử nghiêm chỉnh, với giá trị thánh thiêng và không thể xâm phạm của họ. Trong cách thức đó trái tim con người trở thành việc chia sẻ một sự tự phát khác. Trong bối cảnh này dâm dục xuất hiện như là biểu lộ chuyên biệt tính dục của con người. Trong nó ta có thể tìm lại được ý nghĩa hôn nhân của thân xác và phẩm giá đích thực của món quà. Trong các bài giáo lý về nền thần học của thân xác con người, thánh Gioan Phaolô II đã dậy rằng tính cách xác thể tính dục không chỉ là suối nguồn của sự phong phú và sinh con cái, nhưng nó chiếm hữu khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu trong đó con người bản vị trở thành món quà. Dâm dục lành mạnh nhất, tuy nó hiệp nhất với một việc tìm kiếm lạc thú, giả thiết sự kinh ngạc và vì thế có thể nhân bản hoá các thúc đẩy (s. 151)

Vì thế, chúng ta không cách nào có thể hiểu chiều kích dục vọng của tình yêu như một sự dữ được cho phép, hay như một gánh nặng cần gánh chịu cho thiện ích của gia đình, mặc dù như là ơn của Thiên Chúa, là Đấng làm đẹp cuộc gặp gỡ giữa các vợ chồng. Vì là một đam mê được thăng hoa bởi tình yêu linh hoạt phẩm giá của người khác, nó trở thành một khẳng định tình yêu tràn đầy và vô cùng trong sáng, nó chỉ cho chúng ta thấy trái tim con người có khả năng làm được các điều tuyệt diệu nào, và như thế trong một lúc ta nhận thức được rằng cuộc sống con người đã là một thành công (s. 152).

Bạo lực và lèo lái – Trong khung cảnh của quan điểm tích cực này về tính dục thật thích hợp xác định đề tài trong sự toàn vẹn của nó và với một ý thức thực tế lành mạnh. Thật vậy, chúng ta không thể không biết rằng nhiều lần tính dục bị mất nhân tính và cũng tràn đầy bệnh hoạn, đến độ ngày càng trở thành dịp của dụng cụ tự khẳng định chính “cái tôi” của mình và thoả mãn ích kỷ các ước mong và bản năng riêng. Trong thời đại này cả tính dục cũng có nguy cơ lớn bị thống trị bởi tinh thần độc hại của việc “dùng rồi vất bỏ”. Thân xác của người khác thường bị lèo lái như một sự vật cần giữ lại khi nó cống hiến thoả mãn, và khinh rẻ khi nó mất đi sức hấp dẫn. Lẽ nào ta có thể không  biết tới hay dấu diếm các hình thức thống trị liên tục, bạo lực, lạm dụng, đồi trụy, và bạo hành tính dục, là hậu quả của một sự vặn méo ý nghĩa của tính dục, chôn vùi nhân phẩm của người khác, và kêu gọi tình yêu dưới sự tìm kiếm đen tối chính mình? (s. 153).

Thật không thừa thãi nhắc lại rằng cả trong hôn nhân tính dục cũng có thể là nguồn gốc của khổ đau và lèo lái. Vì thế chúng ta phải tái nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng một cử chỉ giao hợp áp đặt cho người phối ngẫu, mà không để ý gì tới các điều kiện của họ và các ước mong chính đáng của họ, thì không phải là một cử chỉ yêu thương đích thực, và vì thế nó khước từ một đòi buộc của trật tự luân lý ngay chính trong các liên hệ vợ chồng. Các cử chỉ riêng của sự kết hợp tính dục của chồng vợ phù hợp với bản tính của tính dục do Thiên  Chúa muốn, nếu chúng được thực thi trong một cách thức thực sự nhân bản. Vì thế thánh Phaolô mới khuyến khích: “Đừng có ai trong lãnh vực này xúc phạm hay lừa dối người anh em mình” (1 Tx 4,6) . Tuy thánh nhân đã viết trong một thời đại, trong đó thống trị một nền văn hóa phụ hệ, trong đó phụ nữ bị coi như một người hoàn toàn lệ thuộc đàn ông, nhưng ngài dậy rằng tính dục phải là một vấn đề cần bàn thảo giữa chồng vợ: thánh nhân đưa ra viễn tượng khả thể rời các liên hệ tính dục lại cho một giai đoạn nào đó, nhưng “với sự đồng ý chung” (1 Cr 7,5) (s. 154).

Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra một lời cảnh báo rất tế nhị, khi khẳng định rằng người nam và người nữ “bị đe dọa bởi sự không thể thoả mãn”. Nó có nghĩa là họ được mời gọi cho một sự kết hợp ngày càng sâu đậm hơn, nhưng nguy cơ là ở chỗ yêu sách xoá bỏ các khác biệt và khoảng cách không thể tránh được giữa hai người. Vì mỗi người có một phẩm giá riêng và không thể lập lại được. Khi việc tuỳ thuộc nhau quý báu biến thành thống trị, nó thay đổi một cách nòng cốt cấu trúc của sự hiệp thông trong tương quan liên bản vị. Trong cái luận lý của sự thống trị cả người thống trị cũng kết thúc bằng việc khước từ phẩm giá riêng của mình, và một cách vĩnh viễn thôi đồng hóa mình một cách chủ thể với chính thân xác mình, bởi vì họ lấy mất đi của nó mọi ý nghĩa. Họ sống tính dục như sự thoát ly khỏi chính mình, và như việc khước từ vẻ đẹp của sự kết hợp (s. 155).

Thật quan trọng phải rõ ràng trong việc khước từ bất cứ hình thức phục tùng tính dục nào. Vì vậy thật thích hợp tránh mọi giải thích không đúng văn bản thư gửi tín hữu Êphêxô, trong đó thánh Phaolô xin “các bà vợ phục tùng chồng” (Ep 5,22). Ở đây thánh nhân diễn tả trong các phạm trù văn hoá riêng của thời đại bấy giờ, nhưng chúng ta không phải chấp nhận chiếc áo văn hoá ấy, nhưng chấp nhận sứ điệp  mạc khải nằm bên dưới đoạn văn ấy. Chúng ta hãy lấy lại lời giải thích khôn ngoan của thánh Gioan Phaolô II: Tình yêu loại trừ mọi thứ tùng phục, qua đó người vợ sẽ trở thành đầy tớ hay nô lệ của chồng… Cộng đoàn hay đơn vị mà họ phải xây dựng vì hôn nhân, được thực hiện qua một sự trao ban cho nhau, cũng là một sự phục tùng nhau. Vì vậy ta cũng nói rằng “các người chồng có bổn phận yêu thương vợ mình như chính thân xác mình vậy” (Ep 5,28). Trong thực tế văn bản kinh thánh mời gọi thắng vượt khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa thoải mái để sống hướng tới các người khác: “Anh em hãy phục tùng nhau” (Ep 5,21). Giữa vợ chồng sự phục tùng này chiếm hữu được một ý nghĩa đặc biệt và được hiểu như là một sự tuỳ thuộc nhau được lựa chọn một cách tự do, với một tổng hợp các đặc tính của hạnh phúc, kính trọng và săn sóc. Tính dục không thể tách rời khỏi việc phục vụ tình bạn phu thê, bởi vì nó hướng tới chỗ làm cho người khác sống tràn đầy (s. 156).

Tuy nhiên, sự khước từ các bóp méo tính dục và dục vọng không bao giờ được dẫn chúng ta tới chỗ khinh rẻ chúng, hay thờ ơ với chúng. Lý tưởng của hôn nhân không thể định hình thể chỉ như là một hiến dâng quảng đại và hy sinh, trong đó mỗi người khước từ mọi nhu cầu cá nhân và chỉ lo lắng cho thiện ích của người khác, mà không có thoả mãn nào. Chúng ta hãy nhớ rằng một tình yêu đích thật cũng biết nhận từ người khác, và có khả năng chấp nhận mình như có thể bị thương tích và cần được trợ giúp, không từ chối tiếp nhận với lòng biết ơn chân thành và hạnh phúc các diễn tả thể xác của tình yêu trong sự vuốt ve, vòng tay ôm, nụ hôn và trong sự kết hiệp tính dục. Đức Biển Đức XVI đã rất minh bạch liên quan tới điều này: “Nếu người nam chỉ muốn là tinh thần, và muốn khước từ thịt xác như một gia tài chỉ có tính cách thú vật, thì khi đó tinh thần và thể xác mất đi phẩm giá của chúng”. Vì lý do đó người nam cũng không thể sống một cách triệt để trong tình yêu hiến dâng, đi xuống được. Nó không thể luôn luôn cho đi, mà cũng phải nhận nữa. Ai muốn cho đi tình yêu, thì chính mình phải nhận nó như món quà. Trong mọi cách điều này đòi buộc phải nhớ rằng thế quân bình của con người giòn mỏng, nó luôn luôn là một cái gì kháng cự lại việc bị nhân bản hóa, và trong bất cứ lúc nào cũng có thể lại nổi dậy bằng cách phục hồi các khuynh hướng sơ đẳng ích kỷ của nó (s. 157).

Hôn nhân và đồng trinh – Nhiều người không lập gia đình không chỉ tận hiến cho gia đình của riêng họ, mà thường khi cũng phục vụ trong vòng bạn bè, trong cộng đoàn giáo hội và trong cuộc sống nghề nghiệp… Thế rồi, có nhiều người dùng các tài năng của mình để phục vụ cộng đoàn kitô trong dấu chỉ của lòng bác ái và việc thiện nguyện. Rồi cũng có những người không lập gia đình, bởi vì họ thánh hiến cuộc sống vì tình yêu của Chúa Kitô và các anh em khác. Gia đình trong Giáo Hội và trong xã hội được phong phú một cách lớn lao nhờ sự  tận hiến của họ (s. 158).

Sự đồng trinh là một hình thức của tình yêu. Như là dấu chỉ, nó nhắc nhớ việc chú ý tới Nước Trời, sự cấp thiết tận hiến mình phục vụ việc loan báo Tin Mừng vô giới hạn (x. 1 Cr 7,32), và là một phản ánh sự tràn đầy của Nước Trời, nơi người ta không cuới vợ lấy chồng nữa (Mt 22,30). Thánh Phaolô khuyên điều này, vì ngài chờ đợi việc trở lại gần kề của Chúa Giêsu, và muốn rằng mọi người tập trung duy nhất vào việc loan báo Tin Mừng: “Thời gian chẳng còn bao lâu” (1 Cr 7,29). Tuy nhiên, rõ ràng đó đã là một ý kiến riêng và một ước mong của ngài (x. 1 Cr 7,6-8), chứ không phải là một đòi buộc của Chúa Kitô: “Tôi đã không nhận được lệnh truyền nào của Chúa” (1 Cr 7,25). Đồng thời ngài thừa nhận giá trị của các ơn gọi khác nhau: “Mỗi người nhận được từ Thiên Chúa ơn riêng, người cách này người cách khác” (1 Cr 7,7). Trong nghĩa đó thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng các văn bản kinh thánh “không cung cấp lý do để chủ trương sự thấp kém của hôn nhân, cũng như sự cao hơn của sự đồng đồng trinh hay độc thân, vì việc tiết dục. Hơn là nói tới sự cao vượt của đồng trinh dưới mọi khiá cạnh, xem ra thích hợp cho thấy rằng các tình trạng sống  khác nhau bổ túc cho nhau, trong cách thế làm sao một tình trạng có thể hoàn thiện hơn trong vài khía cạnh, và tình trạng khác hoàn thiện hơn từ một khía cạnh khác  của cuộc sống. Alessandro di Hales chẳng hạn đã khẳng định rằng trong một nghĩa hôn nhân có thể được coi như cao hơn các bí tích khác: bởi vì nó biểu tượng cho một cái gì lớn lao tới độ như sự kết hiệp của Chúa Kitô với Giáo Hội, hay sự kết hiệp của thiên tính với nhân tính” (s. 159).

Vì vậy, đây không phải là giảm thiểu giá trị của hôn nhân đối với sự tiết dục, và trái lại không có nền tảng nào cho một đối kháng được giả thiết… Nếu theo một truyền thống thần học nào đó, người ta nói tới tình trạng toàn thiện, thì người ta làm điều ấy không phải vì lý do của chính sự tiết dục, nhưng liên quan tới toàn cuốc sống dựa trên các lời khuyên phúc âm. Tuy nhiên, một nguời lập gia đình có thể sống tình bác ái rất cao độ. Như thế họ đạt tới sự toàn thiện nảy sinh từ tình bác ái, qua việc trung thành với tinh thần của các lời khuyên ấy. Sự toàn thiện như thế có thể, và mọi người đều có thể đạt được (s. 160).

Sự đồng trinh có giá trị biểu tượng của tình yêu không cần chiếm hữu người khác và như thế phản ánh sự tự do của Nước Trời. Nó là một lời mời gọi các cặp vợ chồng để họ sống tình yêu phu thê trong viễn tượng của tình yêu vĩnh viễn đối với Chúa Kitô, như một lộ trình chung hướng tới sự toàn vẹn của Nước Trời. Tới lượt mình, tình yêu của các cặp vợ chồng diễn tả các giá trị biểu tượng: một đàng, nó là một phản ánh đặc biệt của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật thế, Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiệp nhất tràn đầy, nhưng trong đó cũng có sự phân biệt. Ngoài ra, gia đình là một dấu chỉ kitô học, bởi vì nó biểu lộ sự gần gũi của Thiên Chúa, là Đấng chia sẻ cuộc sống của con người, bằng cách kết hiệp với nó trong việc nhập thể, trong Thập Giá và trong sự sống lại: mỗi người phối ngẫu trở thành “một thịt xác duy nhất” với người khác, và cống hiến chính mình để chia sẻ nó một cách hoàn toàn với người khác cho đến cùng. Trong khi sự đồng trinh là một dấu chỉ “giáo hội học” của Chúa Kitô phục sinh, hôn nhân là một dấu chỉ “lịch sử” đối với những ai bước đi trên trái đất, một dấu chỉ của Chúa Kitô dương thế chấp nhận kết hiệp với chúng ta và tự hiến cho chúng ta, cho tới độ trao ban máu của Ngài. Sự đồng trinh và hôn nhân là và phải là các mô thức yêu thương khác nhau, bởi vì con người không thể sống mà không có tình yêu. Đối với chính mình nó là một sinh vật không thể hiểu nổi, cuộc sống của nó không có ý nghĩa, nếu tình yêu không được vén mở cho nó (s. 161).

Độc thân có nguy cơ là một sự cô đơn thoải mái, cống hiến tự do di chuyển với sự tự lập, để thay đổi nơi chốn, các nhiệm vụ và các lựa chọn, để dùng tiền bạc riêng, để giao du với những người khác nhau theo sự hấp dẫn của lúc đó. Trong trường hợp ấy, rạng ngời lên chứng tá của những người lập gia đình. Những người đã được mời gọi sống đồng trinh có thể tìm thấy nơi vài cặp vợ chồng một dấu chỉ rõ ràng của lòng trunh thành quảng đại và không thể huỷ diệt được của Thiên Chúa đối với Giao Ước, có thể kích thích con tim của họ cho một sự sẵn sàng cụ thể và dâng hiến hơn.

Thật thế, có những người lập gia đình duy trì lòng chung thuỷ của họ, khi người phối ngẫu đã trở thành ít hấp dẫn hơn trên bình diện thể lý, hay khi họ không thoả mãn các nhu cầu của họ, mặc dù có nhiều trường hợp mời mọc họ bất trung hay bỏ rơi người phối ngẫu. Một phụ nữ có thể săn sóc người chồng đau yếu của mình và ở đó bên cạnh Thập Giá, bà lập lại tiếng “có” của tình yêu cho tới chết. Trong tình yêu như thế biểu lộ một cách rạng ngời phẩm giá của ai yêu thương, phẩm giá như phản ánh của tình bác ái, bởi vì nó chính là tình bác ái yêu thương hơn là được yêu thương. Chúng ta cũng có thể gặp trong nhiều gia đình một khả năng phục vụ hiến dâng và trìu mến đối với các người con khó tính hay cả vô ơn nữa.

Điều này khiến cho các cha mẹ trở thành dấu chỉ của tình yêu thương tự do và vô vị lợi của Chúa Giêsu. Tất cả những điều ấy trở thành một lời mời gọi các người độc thân để họ sống  sự tận hiến của mình cho Nước Trời với nhiều quảng đại và sẵn sàng hơn. Ngày nay sự tục hoá đã làm lu mờ giá trị của một sự kết hiệp suốt đời, và đã giảm thiểu sự phong phú của tận hiến hôn nhân, vì thế cần đào sâu các khiá cạnh tích cực của tình yêu phu thê (s. 162).

Sự biến đổi của tình yêu - Việc kéo dài đời sống khiến cho người ta kiểm thực được điều đã không phải là chung của các thời đại khác: liện hệ thân tình và sự tuỳ thuộc nhau phải được duy trì cho bốn, năm hay sáu thập niên, và điều này bao gồm sự cần thiết lựa chọn nhau trở lại nhiều lần hơn. Có lẽ người phối ngẫu không còn hấp dẫn bởi một ước muốn tính dục sâu đậm khiến cho họ quay sang một người khác, tuy nhiên họ cảm thấy thú vui được tuỳ thuộc vào người ấy và người ấy tuỳ thuộc mình, biết rằng họ không cô đơn, nhưng có một “đồng phạm” hiểu biết mọi sự cuộc đời họ và lịch sử của họ và chia sẻ tất cả với họ. Đó là người bạn đường trên lộ trình cuộc sống, và với người ấy họ có thể đương đầu với các khó khăn và vui hưởng các  hay đẹp. Cả điều này nữa cũng làm nảy sinh ra một sự thoả mãn đi kèm theo ước mong riêng của tình yêu phu thê. Chúng ta không thể hứa hẹn với nhau là có cùng các tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể có một dự án chung ổn định, chúng ta có thể dấn thân yêu thương nhau, và sống hiệp nhất với nhau cho tới khi cái chết chia lià chúng ta, và luôn luôn sống một sự thân tình phong phú. Tình yêu mà chúng ta đã thề hứa cho nhau vượt qua mọi xúc cảm, tâm tình hay tình trạng tâm hồn, tuy nó có thể bao gồm chúng. Đó là một muốn thiện ích sâu đậm nhất, với một quyết định của con tim liên lụy tới toàn cuộc đời. Như thế, giữa một xung khắc không giải quyết được, và mặc dù có nhiều tâm tình hỗn độn quay cuồng trong tim, người ta duy trì sống động mỗi ngày quyết định yêu nhau, tuỳ thuộc vào nhau, chia sẻ toàn cuộc sống, tiếp tục yêu thương nhau và tha thứ cho nhau. Mỗi người chu toàn một lộ trình lớn lên và thay đổi riêng. Trên con đường ấy tình yêu cử hành mỗi bước và mỗi chặng mới (s.163).

Trong lịch sử của một cuộc hôn nhân, khía cạnh vật lý câm nín, nhưng điều này không phải là môt lý do để sự hấp dẫn yêu thương thuyên giảm. Người ta say mê toàn một con người với một căn tính riêng, chứ không phải chỉ say mê một thân xác, tuy thân xác ấy, vượt ngoài cái hao mòn của thời gian, không bao giờ hết diễn tả trong một vài kiểu cách cái căn tính cá nhân đã chinh phục con tim. Khi các người khác không có thể nhận ra vẻ đẹp của căn tính ấy, người phối ngẫu si tình tiếp tục có khả năng nhận thức  nó với bản năng của tình yêu và sự trìu mến không biến mất. Họ tái khẳng định quyết tâm của họ tuỳ thuộc người ấy, lại chọn người ấy, và diễn tả sự lựa chọn đó qua một sự gần gũi trung thành và tràn đầy hiền dịu. Sự cao quý trong quyết định của họ cho người đó vì mạnh mẽ và sâu đậm, đánh thức một hình thức của xúc cảm trong việc chu toàn sứ mệnh phu thê. Vì xúc cảm được khơi dậy bởi một người khác như bản vị con người tự nó không hướng tới cử chỉ giao hợp. Nó chiếm hữu được các diễn tả xúc cảm khác, bởi vì tình yêu là một thực tại duy nhất, tuy với các chiều kích khác nhau; thỉnh thoảng chiều kích này hay chiều kích khác có thể nổi lên mạnh hơn. Sự ràng buộc tìm ra các mô thức mới, và đòi buộc quyết định luôn luôn tái thiết lập nó một cách mới mẻ. Nhưng không phải chỉ để duy trì nó, mà cũng để làm cho nó lớn lên nữa. Đó là con đường cần được xây dựng mỗi ngày. Nhưng không có gì trong tất cả những điều này có thể, nếu ta không khẩn nài Chúa Thánh Thần, nếu ta không mỗi ngày kêu lên xin ơn thánh của Ngài, nếu ta không kiếm tìm sức mạnh siêu nhiên của Ngài, nếu ta không âu lo xin Ngài đổ lửa của Ngài xuống trên tình yêu của chúng ta để củng cố nó, hướng dẫn nó trong mọi hoàn cảnh.

Linh Tiến Khải

 

 

 

 

 

 

 

 

 








All the contents on this site are copyrighted ©.