2015-12-31 15:44:00

Ai Tiếp Đón Em Nhỏ Này Vì Danh Thầy Là Tiếp Đón Chính Thầy!


Lễ Giáng Sinh năm 1977, cô Louise Brissette, cảm thấy thật hạnh phúc trong khung cảnh gia đình đoàn tụ. Thế nhưng một nỗi buồn thoáng hiện trong tâm trí. Nàng thầm nghĩ:

 - Ước gì một đứa trẻ tàn tật, bị bỏ rơi được hạnh phúc có mặt tại đây!

 Louise lúc ấy là phụ nữ Công Giáo độc thân, 32 tuổi. Thêm vào đó, nàng chỉ có duy nhất một người cháu.

 Cô Louise Brisette là nữ chuyên viên về vật-lý trị-liệu và về bệnh xương của một bệnh viện tại Québec, nước Canada.

 Nghề nghiệp đưa nàng du lịch nhiều nơi và hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế tại Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ la tinh. Nơi nào đi qua, nàng cũng gặp thấy nhiều trẻ em tàn tật bị bỏ rơi, sống thật thảm thương!

 Buổi tối lễ Giáng Sinh năm 1977 đó, cô Louise thầm nghĩ:

 - Ước gì một trong các trẻ tàn tật này được hạnh phúc chia sẻ niềm vui gia đình mình!

 Nghĩ xong, nàng thực hiện ngay. Louise liên lạc với một trợ tá xã hội và ba tháng sau, ngày 6-4-1978, nàng sung sướng nhận lãnh đứa con nuôi đầu tiên. Đó là cậu bé Jean-Benoit, 8 tháng rưỡi, bị bỏ rơi trong nhà thương Sainte-Justine ở Montréal. Bé bị tật xương sống tách đôi và có vết lở nơi tủy xương sống.

 Xin nhường lời cho cô Louise Brissette.

Trước đó, khi biết tôi có ý định nhận trẻ tàn tật làm con nuôi, thân phụ tôi tỏ ra lo lắng và gặn hỏi:

 - Con suy nghĩ kỹ chưa?

 Nhưng khi lần đầu tiên trông thấy cậu bé Jean-Benoit, Ba tôi hoàn toàn chấp thuận việc làm của tôi.

 Vào ngày sinh nhật thứ ba của bé Jean-Benoit, tôi tặng bé món quà quý hiếm. Đó là em bé trai Michel, cùng mang chứng bệnh như Jean-Benoit. Nhưng rồi anh tôi xin đem bé Michel về làm con nuôi.

 Năm 1982, tôi nhận thêm đứa bé tàn tật khác. Lần này là bé gái tên Julie D'Amours, 8 tháng, và bị bệnh não-thủy-thũng. Bé gần như bị mù và không điều khiển được cái đầu. Chỉ có toàn thân bé chiếu tỏa tình thương.

 Nhưng bé Julie không sống được lâu. 7 tháng sau, bé trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay tôi.

 Thật là biến cố đau thương xé lòng đối với Jean-Benoit, lúc đó tròn 4 tuổi. Tôi phải giải thích cho cậu bé:

 - Giờ đây Julie là thiên thần tí hon đang quỳ chầu bên tòa Đức Chúa GIÊSU.

 Nhưng Jean-Benoit vẫn buồn bã lo lắng. Cậu bé hỏi dồn:

 - Nhưng ở trên Thiên Đàng, ai sẽ giữ đầu cho bé, ai sẽ giúp bé trên đó, hở mẹ?

 Ba tháng sau, khi thân phụ tôi qua đời, cậu bé Jean-Benoit vừa buồn vừa vui. Cậu bé không ngừng lập đi lập lại:

 - Ông Ngoại lên Trời để lo cho bé Julie đó mẹ ạ!

 Trước khi bé Julie qua đời hai tháng, tôi nhận nuôi bé Marie, 3 tháng rưỡi, cũng bị tật xương sống tách đôi giống như Jean-Benoit.

 Chỉ khác một điều là vết lở nơi tủy xương sống nằm ở một vị trí khác, nên sau này, bé Marie là trẻ duy nhất trong gia đình tàn tật của tôi, còn sử dụng đôi chân. Thật là hữu dụng! Bé luôn luôn nhanh nhẹn giúp đỡ các anh chị em tàn tật khác phải ngồi xe lăn!

 Sau bé Marie, tôi nghĩ mình sẽ chấm dứt chương trình nhận nuôi con tàn tật. Nhưng một ngày, một trợ tá xã hội đến nói chuyện với tôi về trường hợp bé Cathie, 20 tháng, bị mù, bị tê liệt thần kinh và bị vứt nằm một xó trong nhà thương Nhi Đồng ở Québec. Tôi nhận lời tức khắc, không đắn đo do dự.

 Ngày đem bé Cathie về nhà cũng là ngày vui mừng cho 2 bé Jean-Benoit và Marie. Riêng Jean-Benoit, cậu bé long trọng tuyên bố với bé Cathie:

 - Em biết không, em đang ở nhà chúng mình đó!

 Căn nhà tàn tật của chúng tôi còn tăng thêm hai trẻ khác, nâng tổng số lên 5. Đó là bé Mélanie, 9 tuổi, bị tê liệt thần kinh và tàn tật rất nặng. Rồi đến bé Véronique, 1 tuổi, bị tật xương sống tách đôi.

 Trong số 5 trẻ này, 4 trẻ phải ngồi xe lăn và 3 trẻ không tự mình ăn uống được. Tất cả 5 trẻ đều bị tật ”đái mế”. Nói như thế để hiểu rằng, công việc chăm sóc 5 trẻ tàn tật không phải chuyện dễ. Thêm vào đó, tôi còn phải chu toàn công tác nơi nhà thương. Do đó tôi kêu mời những người quen biết, ai sẵn lòng giúp tôi một tay thì tôi thật sung sướng ghi ơn.

 Tôi không bao giờ lo lắng cho tương lai. Mọi sự nằm trong bàn tay Quan Phòng của THIÊN CHÚA.

 Điều quan trọng là tạo bầu khí yêu thương chung quanh những đứa con tàn tật thân yêu của tôi. Ngày nào tôi qua đời, sẽ có người thay thế tôi chăm sóc chúng. Thân xác có thể bị tàn tật nhưng trái tim con người thì không!

 ... Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Chúa GIÊSu rằng: ”Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. Đức Chúa GIÊSU liền gọi một em nhỏ đến đặt vào giữa các môn đệ và bảo: ”Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã .. Anh em hãy coi chừng, chớ khi một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng thánh nhan CHA Thầy, Đấng ngự trên Trời. Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất” (Matthêu 18,1-7/10-11).

 (”Reader's Digest SÉLECTION”, Avril/1986, trang 37-42)

 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.