2015-07-13 11:44:00

Khi Con Sắp Qua Đời, Xin Chúa Hằng Nuôi Lấy Linh Hồn Con


Ngày 17-3-1811, Napoléon đệ nhất, Hoàng đế nước Pháp, ra lệnh triệu tập tại điện Tuileries ở thủ đô Paris, một Ủy Ban của Hàng Giáo Phẩm Pháp gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Cha Jacques-André Émery (1732-1811), Bề Trên Tổng Quyền Hội Xuân Bích.

 Mục đích của Napoléon là thuyết phục Hàng Giáo Phẩm Pháp đứng về phía ông trong việc chỉ định các Giám Mục Pháp mà không cần sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng.

 Vừa bắt đầu cuộc họp, Napoléon thao thao lên tiếng công kích Đức Thánh Cha Pio VI (1717-1799) thậm tệ. Ông vu khống là Đức Giáo Hoàng muốn giảm uy tín của ông khi Ngài không chấp thuận trao cho ông quyền chỉ định các Giám Mục tại Pháp. Napoléon giận dữ kết thúc bài diễn văn chửi bới Đức Giáo Hoàng như sau:

 - Khi khước từ như thế, Đức Thánh Cha vừa gây hoang mang nơi cộng đồng các tín hữu Công Giáo, vừa nhằm tìm kiếm lợi lộc cho tiểu quốc Roma mà thôi!

 Hoàng đế Napoléon I có tên thật là Napoleone di Buonaparte chào đời ngày 15-8-1769 tại Ajaccio trên đảo Corse miền Nam nước Pháp. Thân sinh là ông Carlo Maria Buonaparte (1746-1785) và thân mẫu là bà Maria Letizia Ramolino (1750-1836). Cả hai ông bà thuộc gia đình quý tộc giàu sang.

 Cuộc đời Hoàng đế Napoléon I là một bức tranh đầy dẫy mâu thuẫn và màu sắc đen trắng lẫn lộn. Ông là biểu tượng của tham vọng quân sự và chính trị cuồng điên. Ông đi từ Tướng Lãnh đến Đệ Nhất Toàn Quyền rồi làm Hoàng Đế nước Pháp. Hoàng Đế nước Pháp thôi chưa đủ, ông còn nuôi tham vọng làm bá chủ lục địa Âu Châu. Nhưng rồi khi ở mức độ huy hoàng nhất của lộng lẫy quyền uy ông bắt đầu thua trận tại các nước Tây-Ban-Nha, Nga và ở thành Waterloo nơi vương quốc Bỉ. Thất bại cuối cùng này đưa ông đến cảnh tù đày trên đảo Sainte-Hélène dưới quyền giám sát của người Anh. Ông qua đời tại đây ngày 5-5-1821, hưởng dương 52 tuổi.

 Thế nhưng trong tư cách là tín hữu Công Giáo, Napoléon đệ nhất lại kết thúc cuộc đời trong tâm tình đáng mơ ước nhất. Đó là tâm tình ăn năn thống hối, hoán cải trở về với Giáo Hội Công Giáo Roma, Giáo Hội mà trong những tháng ngày đạt tột đỉnh danh vọng quyền uy, ông nhất quyết đánh phá và triệt hạ cho bằng được!

 Người ta kể lại rằng. Trong những tháng ngày cuối đời, một phóng viên Pháp tìm đến đảo Sainte-Hélène để làm cuộc phỏng vấn sau cùng với vị cựu hoàng đế từng một thời làm chấn động Âu Châu và từng vẫy vùng ngang dọc, coi trời bằng vung! Cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng câu hỏi cổ điển thông thường nhất:

 - Nếu được quay lại đàng sau thì ngài nên tránh lầm lỗi nào???

 Dĩ nhiên chàng phóng viên trẻ tuổi người Pháp chờ đợi câu trả lời liên quan đến các biến cố quân sự lẫy lừng nhất, các cuộc tiến quân xâm lược các nước lân bang đưa đến thất trận ê chề, chấm dứt một thời vàng son của Nã-Phá-Luân đại đế! Thế nhưng chàng phóng viên ngạc nhiên biết bao khi thấy Napoléon giải thích như sau:

 - Không phải lầm lẫn chính trị quân sự là lầm lẫn to tát và đáng quan tâm. Bởi vì, chỉ cần một chút thận trọng là người ta có thể tránh được các cuộc thất trận đó, dễ như chơi! Lầm lẫn vĩ đại nhất mà tôi lỗi phạm lại là điều không ai nghĩ tới. Đó là việc tôi muốn bằng mọi giá phải đánh phá và triệt hạ cho bằng được Giáo Hội Công Giáo Roma. Ngày ấy Giáo Hội Công Giáo đối với tôi giống như con rắn độc. Và muốn giết chết rắn, chỉ cần đạp dập đầu rắn. (Câu nói ám chỉ việc Napoléon từng chỉ trích và xúc phạm nặng nề đến hai Đức Giáo Hoàng Pio VI (1775-1799) và Pio VII (1800-1823)). Thế nhưng tôi đã lầm, lầm lẫn vĩ đại, lầm lẫn chua chát, lầm lẫn ê chề! Bởi vì, tôi càng tìm cách đánh phá Vị Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo thì Giáo Hội Công Giáo lại càng hồi sinh, hồi sinh mạnh ngay giữa hai lòng bàn tay tôi, ngay trước mắt tôi! Khi tôi đưa quân đánh phá các nước lân bang, tôi biết rõ mình chỉ đánh phá các đội quân mỏng giòn của loài người! Nhưng khi tôi quyết liệt chống lại Giáo Hội Công Giáo Roma, đặc biệt các Vị Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo Roma thì tôi thâm tín bài học sâu xa: ”Tôi không phải chỉ chống lại loài người mà tôi còn cả gan dám chống lại THIÊN CHÚA!”. Và đó là tất cả thảm trạng cuộc đời tôi và đó cũng là thất bại ê chề đắng cay nhất của cuộc đời tôi.

 Khi giải bày rõ ràng ý nghĩ của mình, vào lúc ấy, cựu hoàng đế Napoléon đệ nhất đã thực sự ăn năn thống hối. Ông thành tâm trở về với Giáo Hội Công Giáo, duy-nhất, thánh-thiện và tông-truyền. Ông sốt sắng lãnh 2 bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Ngày cựu hoàng đế Napoléon cảm động rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ vào lòng, sau bao năm tháng dài bê trễ, ông cảm động tâm sự:

 - Niềm vui tôi cảm nghiệm bên trong thật bao la. Giờ đây tôi mới thật sự hiểu tại sao, ngay cả vào những lúc đen tối nhất của cuộc đời và trong những năm tháng sống xa lìa Đức Chúa GIÊSU KITÔ, tôi không bao giờ quên rằng, ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi chính là ngày tôi Rước Lễ Lần Đầu!

 ... CON KÍNH LẠY MÌNH THÁNH ĐỨC CHÚA GIÊSU

 Con kính lạy Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU xưa bởi lòng Rất Thánh Đức Bà MARIA trọn đời đồng trinh mà ra, chuộc tội chịu chết trên Cây Thánh Giá, cùng chịu lưỡi đòng đâm cạnh nương long chảy hết máu ra.

 Con xin ngày sau, khi con sắp qua đời, xin Chúa hằng nuôi lấy linh hồn con. Chúa khoan thay! Nhân thay! Con Rất Thánh Mẫu Bà MARIA!

 Con kính lạy Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU là Máu rất châu báu vô cùng, xưa đã chảy xuống cho chúng con cùng cả và thiên hạ, con xin ngày sau khi linh hồn con ra khỏi xác, được lên trời sáng láng vui vẻ vô cùng.

 Con lạy ơn Đức Chúa GIÊSU có lòng lành vô cùng, xin cho linh hồn con được sống, xin Chúa thương đến con cùng. Amen.

 (”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, 31 Agosto 2008, n.34, trang 13)

 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.