2015-01-14 17:11:38

Vai trò của các kitô hữu vùng Trung Đông


Phỏng vấn ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, về

** Ngày mùng 3 tháng giêng vừa qua, nhật báo Quan Sát Viên Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh, đã đăng bài phỏng vấn ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, về vai trò của các kitô hữu vùng Trung Đông. ĐHY kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để chặn đứng các bạo lực và chiến tranh trong vùng này, đặc biệt là tại hại nước Irak và Siria, vì chúng khiến cho vùng này rơi vào nguy cơ không còn kitô hữu sinh sống nữa. Thật thể, từ hàng chục năm qua hàng ngàn tín hữu kitô đã tìm di cư ra nước ngoài, vì họ không trông thấy tương lai tươi sáng nào cho con cái họ. Đặc biệt tại Irak và Siria kitô hữu bị Nhà nước Hồi giáo công khai bách hại, tàn sát và xua đuổi. Bên cạnh đó còn có tình trạng chiến tranh xung khắc và bất ổn triền miên giữa các hệ phái hồi giáo khác nhau, đặc biệt là giữa người hồi Sunnít và người hồi Sciít.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, về tình trạng sống của các kitô hữu vùng Trung Đông.

Hỏi: Thưa ĐHY, ĐTC Phanxicô đã khẳng định rằng không thể chịu trận trước một Trung Đông không có kitô hữu. Làm thế nào để yểm trợ và giúp các cộng đoàn kitô địa phương không rời bỏ đất đai của họ?

Đáp: Giáo Hội công giáo tìm đồng hành với các kitô hữu trong tình trạng hiện nay, như chính ĐTC đã nhiều lần chỉ cho thấy, với lời cầu nguyện liên lỉ, thường xuyên, và nhìn lên Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta cùng nhau dấn thân làm tất cả những gì có thể, trước hết bằng cách trợ giúp các giám mục, linh mục, các công đoàn dòng tu, và anh chị em giáo dân. Bức thư ĐTC gửi kitô hữu vùng Trung Đông ngày 21 tháng 12 vừa qua đã là một dấu chỉ của sự an ủi lớn lao, và cũng là một trợ giúp qúy báu trong việc phân định các biến cố. Dưới ánh sáng của những gì ngài viết chúng ta có thể nỏi rằng chắc chắn Giáo Hội có thể làm và đang làm, nhưng hoạt động của cộng đồng quốc tế cũng quan trọng. Thật vậy vì cộng đồng quốc tế có thể chặn đứng bạo lực, thù hận, chiến tranh và khiến cho tự do tôn giáo và quyền sống và hiện hữu được bảo đảm cho tất cả mọi người, không phân biệt ai. Vì thế chúng ta ước mong rằng vùng Trung Đông vẫn còn các kitô hữu: nếu không, nó sẽ là một Trung Đông khác, không tương xứng với căn tính lịch sử và tất cả sự phong phú mà sự hiện diện kitô diễn tả trong vùng này.

Hỏi: Các Hội Đồng Giám Mục của vùng này có thể nắm giũa vai trò nào, thưa ĐHY?

Đáp: Việc trốn chạy của các kitô hữu khiến cho tất cả mọi giám mục rất lo âu, đặc biệt là bên Irak. Vì thế người ta tìm mọi cách để cho quyền tỵ nạn cũng như quyền trở về quê hương được tôn trọng, nghĩa là quyền tái lập cuộc sống trên quê sinh của mình, như các vị đã cùng với các Sứ thần trong vùng, khẳng định hồi tháng 10 năm vừa qua.

Về phía mình, qua Bộ của chúng tôi Giáo Hội cũng tìm yểm trợ các linh mục với các trợ giúp nhỏ. Và toàn Giáo Hội lên tiếng bênh vực các kitô hũu, bênh vực tự do tôn giáo, bệnh vực sự hiện diện trao ban phong phú của các anh chị em trong đức tin trong vùng Trung Đông – bắt đầu là Đức Gíáo Hoàng và các Giám Mục, cho tới các hiệp hội.

Nhân dịp này chúng tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn ĐTC và sự gần gũi của ngài đối với các giáo dân, giám mục, linh mục của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Lần nào chúng tôi cũng tìm thấy nơi ĐTC một sự vuốt ve trìu mến. Chính các giám mục và linh mục trong lúc này đang đau khổ bên Irak và Siria minh xác điều đó. Từ hai nơi này hàng ngày chúng tôi nhận được các tin tức khiến cho chúng tôi đau khổ và chía sẻ thảm cảnh của họ. Với lòng khiêm tốn, tình hiền phụ và huynh đệ ĐTC rất gần gũi họ, và điều này là một an ủi rất lớn cho họ.

Hỏi: Nhưng mà làm sao có thể thức tỉnh sự chú ý của cộng đoàn quốc tế đối với thảm cảnh của biết bao nhiều người tiếp tục gánh chịu các bách hại và bạo lực như thế thưa ĐHY?

Đáp: Có biết bao nhiêu yếu tố làm chứng cho hoạt động của Tòa Thánh – đặc biệt qua ngã ngại giao và các tiếp xúc với các chính quyền của cộng đồng quốc tế, cả trên bình diện của Liên Hiệp Quốc bên New York cũng như tại Genève - để lay động thế giới khỏi sự thờ ơ trước thảm cành này. Đã có nhiều thành quả. Tôi nghĩ tới việc gây ý thức nơi dư luận công cộng, và đặc biệt là nơi vài chính quyền đang dùng tất cả ảnh hường quốc tế của mình để trợ giúp các kitô hữu này, bằng cách cung cấp các trợ giúp cần thiết, để tiếp nhận họ bên Âu châu, bên Hoa Kỳ và Canađa là các đích điểm ưa thích nhất của những người trốn khỏi vùng Trung Đông. Đó là chưa kể Italia, là quốc gia trong những ngày này một lần nữa đang liên đới tiếp đón hàng ngàn người tỵ nạn. Tuy nhiên cầu mong ưu tiên là mỗi người có thể trở về và được tiếp đón trên quê hương của họ.

Hỏi: Bên Thổ Nhĩ Kỳ ĐTC đã nhắc nhớ rằng nạn tội phạm và khủng bố tìm thấy đất mầu mỡ trong cảnh tồi tàn xã hội được dưỡng nuôi bởi nghèo đói, thất nghiệp, bị gạt bỏ ngoài lề. Có thể ngăn chặn cái vòng xoáy trôn ốc này không thưa ĐHY?

Đáp: ĐTC hành động trên hai mặt. Ngài mạnh mẽ lên án bạo lực, chiến tranh, sự tàn ác của vài hành động mà người ta vi phạm. Đồng thời ngài can thiệp vào nguồn gốc của nó, là điều tạo thuận tiện cho bạo lực gia tăng: các bất công, sự vứt bỏ, việc đào tạo những người sống không có các giá trị nhân bản và kitô. Ngài làm cho chúng ta ghi nhận rằng thật là vô lý khi tin rằng bạo lực và chiến tranh giải quyết mọi sư. Trái lại, thật là nhân bản nghĩ rằng chỉ có đối thoại và thương thuyết mới có thể tiến tới. Vì thế ĐTC có lý, khi tố cáo bạo lực, và trong thư gửi kitô hữu Trung Đông ngày 21 tháng 12 năm 2014, ngài đã dùng các lới nói chính xác để định nghĩa tổ chức khủng bố hoạt động bên Irak và Siria – và ngài cũng làm cho chúng ta hiểu rằng cần thay đổi biết bao nhiêu điều, nhất là phải đào tạo giới trẻ và những người lãnh đạo tương lai của cộng đoàn quốc tế. Có một yếu tố khác trong hoạt động của ĐTC và Tòa Thánh: đó là khuyến khích các vị lãnh đạo tôn giáo, để họ lên tiếng chống lại những kẻ muốn dùng tôn giáo để biện minh cho bạo lực, sự tàn ác và việc sử dụng người khác như thể là các đồ vật.

Hỏi: Vậy thưa ĐHY đâu là phương thế hữu hiệu nhất giúp chống lại nạn khủng bố cuồng tín?

Đáp: Đó là giáo dục, đào tạo. Như tôi đã nói trên đây, các vị lãnh đạo cộng tôn giáo trên thế giới cần phải rao giảng hòa bình, và đối thoại. Sau khi lên án khủng bố và bạo lực mù quáng ĐTC Phanxicô đã định nghĩa đối thoại là “một dấu hiệu của Nuớc Thiên Chúa” và khẳng định rằng nó là một việc phục vụ công lý, đồng thời là một điều kiện rất cần thiết cho hòa bình mong ước”

Dĩ nhiên, bước đầu tiên là phải lột mặt nạ tư tưởng cho rằng niềm tin tôn giáo có thể biện minh cho bạo lực. Các vị lãnh đạo tôn giáo nhấn mạnh rằng có các nguyên tắc phải áp dụng cho giải pháp hòa bình của các tranh chấp qua đối thoại, thỏa hiệp và khước từ vài yêu sách của chính mình.

Hỏi: Ngoại giao “từng bước nhỏ đã đưa tới sự thay đổi tuơng quan mới đây giữa Hoa Kỳ và Cuba, nó có thể thành công bên Thánh Địa hay không thưa ĐHY?

Đáp: Chúng ta biết các chương trình của Thiên Chúa, nhưng chắn chắn Ngài họat động trong lịch sử, và rất nhiều khi đưa tới các kết quả mà chúng ta không dám tưởng tượng. Tôi tin rằng thực tại tương quan mới này giữa Hoa Kỳ và Cuba, do ĐTC và Tòa Thánh tạo thuận tiện, là một thí dụ cho thấy các khác biệt có thể được chữa lành như thế nào, và có thể tìm ra một giải pháp, kể cả từ các quan điểm khác nhau trên bình diện chính trị, xã hội, và kinh tế.
Trong nhãn quan của việc xây dựng một thế giới xứng đáng với con người, trong đó mọi người với phẩm giá có thể sống trong công lý và hòa bình.

Hỏi: Đích tới của sự hiệp nhất các kitô hữu ngày nay ra xem ra ít xa vời hơn, nhất là sau chuyến ĐTC công du Th Nhĩ Kỳ. Các Giáo Hội Đông Phương có thể nắm giữ vai trò nào trên con đường tiến về hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, thưa ĐHY?

Đáp: Các Giáo Hội công giáo đông phương được tháp vào phong trào hiệp nhất các tín hữu kitô trong tư cách - như nói trong tài liệu các Giáo Hội Đông Phương – mà chúng tôi đã cử hành kỷ niệm 50 năm công bố hồi tháng 11 năm 2014, các Giáo Hội này hiện hữu bởi vì chúng muốn và phải là một hạt giống của sự hiệp nhất. Chúng đã là một khởi đầu của một cây cầu một ngày kia sẽ hiệp nhất được các tín hữu công giáo với các kitô hữu chính thống đông phương. Các Giáo Hội công giáo đông phương không phải là một chướng ngại cho sự hiệp nhất, họ không muốn đưa ra một thủ đoạn nhằm gây khủng hoảng cho các Giáo Hội chính thống. Trái lại, như Công Đồng Chung Vaticăng II đã quan niệm, các Giáo Hội này ủng hộ sự hiệp nhất của Giáo Hội và sự hiện hữu của chúng đuợc biện minh bởi điều này. Với lòng khiêm nhường và sự thanh thản chúng ta hãy tìm cởi mở với các anh em chính thống, với các Giáo Hội đáng kính của họ, trước hết với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I và các Thượng Phụ chính thống đông phương.

Hỏi: Thưa ĐHY Tổng trưởng, các dòng tu đông phương sẽ liên lụy tới việc cử hành Năm Đời Thánh Hiến như thế nào?

Đáp: Chúng ta đã có các chỉ dẫn của ĐTC và Bộ các dòng tu và tu hội tông đồ, để có thể cống hiến cho các người sống đời thánh hiến một khung cảnh cử hành thích hợp. Chúng tôi đã nghĩ tới các cuộc tĩnh tâm, các buổi diễn thuyết, các cử hành đặc biệt, bởi vì các dòng tùy thuộc các Giáo Hội đông phương tham dự vào năm nay. Các người sống đời thánh hiến là những người loan báo Tin Mừng với cuộc sống, với căn tính, chứng tá và sự cởi mở với tất cả mọi người. Tôi khâm phục nghĩ tới những người đang xả thân nâng đỡ và khích lệ các anh chị em tỵ nạn Irak bị đuổi khỏi đồng bằng Ninive.

Hỏi: Năm nay cũng là năm kỷ niệm việc công bố Bộ giáo Luật của các Giáo Hội Đông Phương. Đây có phải là thời gian tổng kết và kiểm thực không thưa ĐHY?

Đáp: Bộ giáo luật mới là một dụng cụ ngoại thường cho đời sống của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương sau Công Đồng Chung Vaticăng II. Chúng tôi sẽ cử hành kỷ niệm cùng với Học viện giáo hoàng đông phương.

Tôi muốn nhấn mạnh sự kiện trong lời dẫn nhập Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở rằng Bộ giáo luật là một yếu tố điều hành lành mạnh cuộc sống của các Giáo Hội công giáo Đông Phương, nhưng cũng là một dấu chỉ của điều “đã có nhưng chưa tới”. Thật vậy, một khi đã đạt tới sự hiệp nhất mong ước của Giáo Hội, nó sẽ phải được duyệt xét lại theo viễn tượng ấy. Vì vậy nó có thể được coi như là một hạt giống của một thực tại mới.

(SD 3-1-2015)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.