2014-09-08 13:17:12

Hélder Pessoa Câmara, vị Giám Mục của dân nghèo


Phỏng vấn ông Gerolamo Fazzini, tác giả một bài viết đăng trên nguyệt san ”Các dân tộc” của dòng Tên

Cách đây 15 năm, ngày 27 tháng 8 năm 1999, Đức Tổng Giám Mục Hélder Pessoa Câmara, người Brasil, đã qua đời tại Recife, thọ 90 tuổi. Ngài đã là một trong các Giám Mục được tín hữu, đặc biệt là dân nghèo tại châu Mỹ Latinh, yêu thương nhất.

Để tưởng niệm biến cố này nguyệt san ”Các dân tộc” của dòng Tên đã cho đăng bài viết của ông Gerolamo Fazzini về cuộc đời Đức Cha Câmara. Tác giả so sánh cung cách sống và hành xử của Đức Tổng Giám Mục Câmara với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Cha Hélder Câmara sinh ngày mùng 7 tháng 2 năm 1909 tại Forteleza bên Brasil, là người thứ 11 trong một gia đình rất khiêm tốn có 13 người con. Thân phụ là ông João Eduardo Torres Câmara Filho, chủ tiệm sách, quyết định đặt tên con theo tên một hải cảng nhỏ tại miền bắc Hòa Lan là Den Hélder có nghĩa là ”trời quang”. Thân mẫu, bà Adelaide Pessoa Câmara, là cô giáo trường tiểu học. Hélder mất 5 anh em khi còn nhỏ vì một trận dịch bạch hầu. Sau khi mãn chương trình đào tạo thầy Câmara thụ phong linh mục năm 1931 tại Rio de Janeiro và năm 1952 được chỉ định làm Giám Mục phụ tá Rio de Janeiro. Chính tại đây ngài đã thánh lập nhà băng ”Quan phòng của thánh Sebastiano” để trợ giúp người nghèo và các người bị gạt ra bên lề xã hội.

Cũng chính tại Rio ngài đã tổ chức Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 36 và đại hội của Hội Đồng Giám Mục Brasil mà ngài là thư ký rất năng nổ. Khi tham dự Công Đồng Chung Vaticăng II, Đức Cha Câmara đã đóng góp nhiều ý kiến cùng với các Giám Mục thuộc các nước nghèo miền Nam Bán Cầu. Ngài cũng đã là người cổ võ thái độ được gọi là ”ưu tiên lựa chọn người nghèo”. Năm 1963 ngài được Đức Phaolô VI chỉ định làm Tổng Giám Mục Olinda và Recife. Được các bề trên thúc đẩy Đức Tổng Giám Mục Câmara đã hoạt động rất nhiều để giải quyết cảnh sống bần cùng của người dân các khu xóm chuột nên được gọi là “Giám Mục của các khu xóm ổ chuột”. Đức Cha đã thăng tiến đối thoại với các tôn giáo khác trong hòa bình và phát động chiến dịch ”Một năm 2000 không bần cùng”. Đặc biệt Đức Tổng Giám Mục Câmara đã là một trong các người đi tiên phong của nền thần học giải phỏng và là một trong các thần học gia sát nhập chiều kích chính trị và chiều kích tinh thần của đức tin kitô. Năm 1985 Đức Cha tới tuổi về hưu, và tiếp tục sống trong căn hộ bình dân mà ngài đã dọn tới từ khi làm Giám Mục tại Recife cho tới khi qua đời ngày 27 tháng 8 năm 1999.

Đức Tổng Giám Mục Hélder Câmara đã là một trong các tác nhân và chứng nhân quan trọng nhất thế kỷ XX, đồng thời là người đã mạnh mẽ tranh đấu cho lý tưởng tối thượng không thể khước từ được của công bằng. Ngài là người anh em của dân nghèo, không mệt mỏi chiến đấu cho công lý và hòa bình và hoạt động chống lại sự dốt nát và bần cùng. Ngài là người trông thấy Chúa Giêsu hiện diện trong mọi người, cách riêng nơi các anh chị em nghèo đói và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Chính vì thế những người không thích ngài chụp mũ ngài là cộng sản và gọi ngài là ”Giám Mục đỏ”.

Đức Cha Câmara đã đi diễn thuyết nhiều nơi và có những tư tưởng và câu nói bất hủ như: ”Khi tôi cho một người nghèo ăn, mọi người gọi tôi là thánh. Nhưng khi tôi hỏi tại sao người nghèo không có thực phẩm, khi đó mọi người gọi tôi là cộng sản”. Năm 1973 Đức Cha Câmara viết: ”Có niềm hy vọng giá trị nào có thể thành công để có được một thế giới công bằng và nhân bản hơn không? Rõ ràng điều có ý nghĩa nhất sẽ không phải là phá hủy tiến bộ, nhưng là thay đổi, cả trong các quốc gia giầu, thay đổi các cơ cấu chống lại con người, làm sao để sự tiến bộ kỹ thuật, là một vinh quang của nhân loai được dùng để phục vụ con người toàn vẹn và tất cả mọi người”. ”Hy vọng là tin nơi cuộc mạo hiểm của tình yêu, nhắm tới các con người và tín thác nơi Thiên Chúa nhảy vào mờ tối”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Gerolamo Fazzini về gương mặt rất thời sự của Đức Cha Hélder Pessoa Câmara.

Hỏi: Thưa ông, tại sao gương mặt của Đức Tổng Giám Mục Hélder Câmara là người đã qua đời 15 năm rồi, mà lại vẫn còn thời sự như vậy?

Đáp: Tôi đã sang tận Brasil để kiểm thực điều này, và thấy có một ký ức rất sống động về vị Giám Mục này, được gắn liền một cách trực tiếp với tình yêu thương đặc biệt của ngài đối với những người nghèo nàn khốn khổ, đối với những người rốt nhất trong xã hội. Thực sự ra ngay từ ban đầu ngài đã không như vậy đâu, bởi vì như là linh mục trẻ ngài đã có một nền đào tạo thuộc loại khác: ngài đã ít chú ý tới khía cạnh này hơn, cũng giống như Đức Cha Romero từ từ thay đổi trong cuộc sống và kinh nghiệm giám mục của ngài. Tuy nhiện, điều này chắc chằn là một trong các nét đặc thù trong con người của ngài.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô đã tự giới thiệu với hai tên gọi mà chúng ta tất cả đều biết: Giám Mục và dân chúng. Trong một cách nào đó, ở đây chúng ta cũng trông thấy một sự giống nhau, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, chắc chắn là có rồi. Có chiều kích này của kiểu là mục tử của ngài không phải như là một người không thể đạt tới được; một người hướng đạo nhưng không phải là một người chỉ huy, không phải là người ngồi trên tòa giảng dậy, từ trên cao. Ngay từ “dom” là từ cũng được người ta dùng cho các Giám Mục bên Brasil, nói lên sự gần gũi này và trong trường hợp của Đức Cha Câmara của chúng ta, điều này lại còn rõ ràng hơn nữa.

Hỏi: Trong một bài đặng trên nguyệt san ”Các dân tộc” ông đã trình bầy trước vài nét nơi gương mặt của Đức Cha Câmara. Dầu sao đi nữa cũng có một nhắc nhớ, cả đôi khi các khẳng định, các lời nói và cả các cử chỉ của Đức Cha Câmara, diễn tả trước trong một cách thế nào đó gương mặt của Đức Bergoglio, có phải thế không?

Đáp: Điều này tôi đã hiểu và cũng đã thấy khi đến Recife và thăm các nơi mà Đức Cha Câmara đã sống như: ngôi nhà thờ của ngài ”Nhà thờ các biên giới”, phòng ngủ và phòng làm việc của ngài. Yếu tố này của sự nghèo khó, của cái nòng cốt cần thiết, của sự đơn sơ mà Đừc Thánh Cha Phanxicô đang sống ngày này qua ngày khác và đã gây ấn tượng cho tất cả mọi người, là điều mà chính Đức Tổng Giám Mục Hélder Câmara đã sống và đã khai mào. Một căn phòng nhỏ rất đơn sơ dùng làm nơi làm việc, một phỏng ngủ cũng đơn sơ như thế với một chiếc võng nơi ngài đã ngủ những thời gian sau cùng cuộc đời ngài... Nó giống điều mà ngày nay chúng ta có thể so sánh với nhà trọ thánh Marta của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng mà không chỉ có thế thôi. Còn có một yếu tố khác chung cho cả hai vị: đó là nét nhân bản. Sự chú ý cụ thể đối với con người, sự hiền dịu, việc cúi xuống trên người khác như thể trong lúc đó người ấy là nhân vật quan trọng nhất. Khía cạnh này đã được nhiều người kể lại cho tôi biết. Cả tôi nữa, tôi cũng đã có may mắn biết Đức Cha Câmara trong một chuyến đi của ngài sang Italia, và nụ cười của ngài đã đánh động tôi rất nhiều, khả năng dừng lại, nói chuyện và đối thoại với người khác, cả khi có hàng rào của ngôn ngữ. Tất cả các yếu tố và cung cách sống này trong cuộc đời của Đức Cha Câmara gợi lại một ít các cử chỉ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Thưa ông Fazzini, liên quan tới sự chú ý tới người nghèo Đức Tổng Giám Mục Hélder Câmara đã bị vài môi trường tố cáo là một người cộng sản và chúng ta thấy rằng, nói cho cùng, một ai đó ngày nay cũng tố cáo Đức Thánh Cha Phanxicô là một người mác xít. Các câu trả lời của cả hai vị - của Đức Tổng Giám Mục Câmara cũng như của Đức Bergoglio - đều giống nhau: người nghèo không phải là một lá cờ cộng sản, mà là lá cờ của Tin Mừng. Riêng ông thì ông nghĩ sao?

Đáp: Chính xác như thế. Cả trong các diễn văn của ngài Đức Tổng Giám Mục Câmara đã đi tới nguồn gốc của các bất bình đẳng xã hội, nghĩa là ngài lưu tâm tới người nghèo cụ thể, nhưng cũng đòi hỏi phải chú ý tới các lý do làm nảy sinh ra các bất bình đẳng, các cảnh sống nghèo đói, và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng làm như thế. Và đương nhiên là thái độ này có thể khiến cho ai đó khó chịu. Trái lại họ thì họ muốn duy trì tình trạng bất bình đẳng và bất công này, và như thế họ cũng chú ý tới người nghèo đấy, nhưng chỉ đơn sơ trong chìa khóa trợ giúp, chứ không thảo luận về một hệ thống toàn cầu hơn của vài luật lệ không được viết ra nhưng chúng tạo ra các bất công như chúng ta biết. Cả trong việc cúi xuống này trên người nghèo ”cụ thể”, nhưng đồng thời yêu cầu từng người thi hành nhiệm vụ của mình để chống lại các bất công là nguyên do của sự nghèo túng và bần cùng, tôi nhận ra tình bà con tinh thần giữa Đức Cha Câmara và Đức Thánh Cha Phanxicô.

(RG 27-8-2014)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.