2014-03-10 14:35:09

Ngày tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng Do thái


Phỏng vấn bà Vera Vigevani Jarach

Hôm 27-1-2014 là ”Ngày tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng Do thái” Shoah. Cuộc diệt chủng này đã do chế độ Đức Quốc Xã phát động hồi Đệ Nhị Thế Chiến, dưới sự chỉ đạo của nhà độc tài khát máu Adolf Hitler. Nó đã khiến cho hơn 6 triệu người Do thái bị tàn sát, một số rất đông bị chết trong các lò hơi ngạt tại các trại tập trung Đức Quốc Xã bên Đức, mà Auschwitz và Dachau là hai trại biểu tượng nhất. Quân Đức Quốc Xã đi tới đâu là truy lùng người Do thái tới đó. Họ bị bắt, bị dồn lên các xe vận tải chở tới các ga xe lửa và đẩy lên các chuyến tầu chở họ tới các trại tập trung, bị nhốt, hành hạ, tra tấn, bỏ đói, bỏ khát và tàn sát tệ hơn súc vật.

Người ta còn nhớ ngày 27 tháng Giêng năm 1945 lần đầu tiên các đoàn quân Liên Xô tiến vào trại tập trung Auschwitz và chứng kiến cảnh hãi hùng của hàng chục ngàn xác người gầy còm chỉ còn xương bọc da chất đống lên nhau hay nằm ngổn ngang khắp nơi, cũng như hàng ngàn người còn sống sót là các bộ xương lưu động. Từ đó trở đi thế giới biết tới cuộc diệt chủng Do thái và các trại tập trung, mà chế độ độc tài Đức Quốc Xã dựng lên tại nhiều nơi để tiêu diệt không phải chỉ những người Do thái, mà tất cả những ai chế độ coi là không đáng sống, vì không thuộc giống Ariane, trong đó có hàng trăm ngàn người du mục, các người tàn tật, cũng như những người can đảm dám lên tiếng chống đối chế độ, bao gồm nhiều linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ người Đức.

Trong sứ điệp gửi cho rabbi Abraham Skorka, là bạn của ngài ở Buenos Aires, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ tình liên đới với dân tộc Do thái và cầu mong đừng bao giờ xảy ra cảnh diệt chủng kinh hoàng như thế nữa, vì nó là một sự hổ nhục cho toàn gia đình nhân loại.

Thư của Đức Thánh Cha gửi cho rabbi Skorka đã được tuyên đọc trong buổi hòa nhạc có đề tài là ”Các chiếc vĩ cầm của niềm hy vọng” được tổ chức chiều ngày 27-1-2014 tại Công Viên Âm Nhạc Roma. Trong thư Đức Thánh Cha cầu mong các khán thính giả của buổi hòa nhạc tưởng niệm ”có thể hòa mình vào các giọt nước mắt lịch sử đến với chúng ta ngày nay qua các chiếc vĩ cầm, và cảm nhận được ước muốn dấn thân để đừng bao giờ lập lại các điều kinh hoàng như thế nữa, chúng là một hổ nhục cho nhân loại”. Các khán thính giả đã nghe các bản hòa tấu của các nhạc sĩ Vivaldi, Beethoven và các nhà sáng tác vĩ đại khác, nhưng con tim của từng người hiện diện cảm thấy rằng đàng sau tiếng nhạc đó nó cũng sống tiếng khóc than lặng lẽ của các giọt nước mắt lịch sử, các giọt lệ để dấu lại trong linh hồn và thân xác của các dân tộc”.

Trong buổi hòa nhạc chiều ngày 27-1-2014 lần đầu tiên có 10 chiếc tiểu vĩ cầm và một đại vĩ cầm được chơi chung với nhau. Chúng là các dụng cụ còn sống sót sau cuộc diệt chủng và được ông Amnon Weinstein, một nghệ nhân chế tạo vĩ cầm sửa chữa lại. Một chiếc tiểu vĩ cầm tìm thấy trong trại tập trung Auschwitz, là chiếc vĩ cầm được dùng để tiễn đưa các người bị đầy vào lò hơi ngạt. Một chiếc khác được một công nhân người Pháp tìm thấy bị vất qua cửa sổ chuyến xe lửa chở người Do thái tới trại tập trung. Cũng có các tiểu vĩ cầm thuộc các nhạc sĩ Do thái để lại bên Đức năm 1936, để đi thành lập ban hòa tấu tại Palestina, rồi của nước Israel. Chúng đã được hai nhạc sĩ Toscanini và Huberman cứu khỏi bị đi đầy.

Ban tổ chức buổi hòa nhạc cho biết chúng là các chiếc vĩ cầm đã đi theo người Do thái trong các cuộc hành hương của họ, kể cả các cuộc hành hương nghiệt ngã nhất của trốn tránh và cái chết. Các nhạc sĩ chơi các dụng cụ này thuộc các tôn giáo độc thần khác. Sự kiện này biểu tượng cho khả năng của âm nhạc, hiệp nhất tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc màu da, văn hóa và tôn giáo. Âm nhạc vượt mọi biên giới và trao ban niềm hy vọng cho con người, cả trong các thử thàch kinh hoàng nhất.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn bà Vera Vigevani Jarach dành cho phóng viên Amadeo Lomonaco của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 27-1-2014, về cuộc diệt chủng Do thái nói trên.

Bà Vera sinh tại Milano bắc Italia năm 1928. Sau khi chính quyền Mussolini ban hành các luật kỳ thị chủng tộc, bà và gia đình phải trốn khỏi Italia và di cư sang Argentina. Tại Argentina gia đình bà cũng đã trở thành nạn nhân của chế độ quân đội độc tài. Bà là một trong những người dấn thân hoạt động mạnh mẽ để cổ võ ngày tưởng niệm Shoah này, để thế giới đừng quên các thảm cảnh kinh hoàng của cuộc diệt chủng Do thái, cũng như các cuộc diệt chủng khác.

Hỏi: Thưa bà Vera, xin bà kể lại kinh nghiệm cuộc sống của bà. Làm sao mà gia đình bà đã thoát được cảnh diệt chủng này?

Đáp: Tôi đã may mắn, vì cha mẹ tôi là những người thấy xa, nhất là mẹ tôi đã thuyết phục được chồng đưa gia đình di cư, vì cha tôi đã không muốn rời bỏ Italia. Ông qủa quyết rằng sẽ chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra cho người Do thái tại Italia. Nhưng mẹ tôi đã thuyết phục được ông. Và thế là gia đình chúng tôi sang Argentina vào tháng 3 năm 1929 nhờ thế mà được cứu thoát. Argentina đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi. Và từ đó đến nay tôi sống bên Argentina.

Hỏi: Gia đình bà đã quyết định di cư sang Argentina, chỉ trừ ông nội của bà là đã xác tín rằng sẽ không có điều gì đáng tiếc xảy ra cho người Do thái tại Italia, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, ông nội tôi đã ở lại Italia và đã bị số phận thảm thương, bị đầy sang trại tập trung Auschwitz. Trong khi đó thì chúng tôi lo sợ cho tất cả các bạn bè và người thân còn ở lại. Họ đã nghĩ và hy vọng là có thể vượt thắng được. Đa số những người ở lại đã không thể lẩn trốn hay vượt biên giới qua Thụy Sĩ hay đi nơi khác, nên đã chịu số phận thảm thương này, là số phận có thể thấy trước, bởi vì trước đó đã xảy ra tại các nơi khác rồi. Chế độ Đức Quốc Xã và chế độ Phát xít Italia là hai chế độ có trách nhiệm gây ra thảm cảnh diệt chủng này, một thảm cảnh tột cùng của thế kỷ XX.

Hỏi: Ông nội của bà ở lại Italia cũng đã tìm cách trốn sang Thụy sĩ, nhưng đã bị bắt và bị giao nộp cho Đức Quốc Xã, và ngày 30 tháng giêng năm 1944 bắt đầu cuộc hành trình sang trại tập trung Auschwitz, có phải vây không?

Đáp: Vâng. Ban đầu ông nội tôi tìm cách vượt biên giới tại Ponte Tresa. Họ gồm bốn người, trong đó có một sinh viên Milano. Ông nội tôi và anh sinh viên này bị đưa sang trại tập trung Auschwitz. Trước đó họ bị nhốt vài ngày tại Varese, sau đó bị nhốt trong nhà tù San Vittore ở Milano hàng tháng, trước khi bị đưa sang Asuchwitz.

Hỏi: Sau thảm cảnh này cuộc sống của bà tiếp tục tại Buenos Aires, thủ đô Argentina. Nhưng gia đình lại rơi vào một cuộc bách hại khác nữa: đó là cuộc bách hại của chính quyền quân đội Argentina. Con gái của bà đã bị bắt cóc, bị chở trên máy bay, rồi bị ném xuống Đại Tây Dương...

Đáp: Con gái tôi khi đó 18 tuổi và thuộc giới trẻ ước mơ và chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn, với công lý và bình đẳng cơ may cho tất cả mọi người. Niềm hy vọng và lý tưởng này đã gặp gỡ biết bao nhiêu lý tưởng và khát vọng của biết bao nhiêu thế hệ khác từ bao thế kỷ qua. Đó là hy vọng của một thế giới hữu lý hơn, nơi tình huynh đệ ngự trị và mọi người có thể sống tốt đẹp với nhau. Con gái tôi thuộc thế hệ trẻ đó, nhưng đã bị chế độ quân phiệt chiếu cố. Thật ra, không phải chỉ có quân đội có trách nhiệm đối với thảm cảnh của các người bị mất tích. Đã có 30.000 người mất tích bên Argentina. Trong đó có con gái tôi, bị giam tại Esma, là trường cơ khí của hải quân Argentina. Và số phận của con gái tôi cũng giống như số phận của ông nội tôi: đó là chết mà không có mồ mả. Cháu bị giết với các ”chuyến bay tử thần”. Quân đội chở các người bị bắt trên các chuyến bay ra khơi và vất họ xuống Đại Tây Đương.

Hỏi: Như vậy ngày nay bà không có mộ của họ để khóc: ông nội bà thì bị chết trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Asuchwitw, còn con gái bà thì bị ném xuống đại dương. Nhưng còn chứng tá là việc tưởng niệm các nỗi khổ đau tàn ác khôn nguôi này...

Đáp: Hiển nhiên là không quên được. Dấn thân của cuộc đời tôi, từ khi con gái tôi qua đời, là duy trì ký ức của những gì không được để cho rơi vào quên lãng, với một niềm hy vọng rất mạnh mẽ rằng người ta biết nhận ra vài triệu chứng kịp thời, và làm sao để các xã hội, các cơ cấu và các chính quyền trên toàn thế giới đừng đứng nhìn từ phía bên kia, nhưng phải dấn thân để tránh các thảm cảnh đó lập lại, gây khổ đau và chết chóc tang thương cho con người.

(RG 27-1-2014)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.