2014-01-28 15:55:39

Ngày đào sâu và phát triển đối thoại công giáo do thái lần thứ 18


Phỏng vấn Đức ông Marco Gnavi, giám đốc văn phòng đại kết và đối thoại liên tôn của giáo phận Roma

Hôm 16-1-2014 là ”Ngày toàn quốc Italia đào sâu và phát triển đối thoại giữa Công Giáo và Do thái giáo” lần thứ 18. Nhận dịp này Văn phòng đại kết và đối thoại của giáo phận Roma đã tổ chức một cuộc gặp gỡ tại đại học giáo hoàng Laterano. Trong số các thuyết trình viên có Rabbi trưởng cộng đoàn Do thái tại Roma Riccardo Di Segni, chuyên viên kinh tế Stefano Zamagri và Đức Ông Marco Gnavi, giám đốc văn phòng nói trên của giáo phận Roma.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông về cuộc hội thoại này.

Hỏi: Xin Đức Ông cho biết cuộc hội thoại này có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây là dịp giúp đào sâu các tương quan với thế giới do thái. Đối với chúng ta các liên hệ ấy không phải là các tương quan ngoại tại, mà là các tương quan nội tại nằm trong yếu tố di truyền của cuộc sống chúng ta, bởi vì Chúa Giêsu đã là người do thái, đã cầu nguyện với Thánh Kinh do thái trong truyền thống do thái. Bởi vì sự kiện Giao ước đã không bao giờ bị thu hồi với dân của Tân Ước thúc đẩy chúng ta nhìn về chân trời cánh chung, nhìn về sự chờ mong Nước Thiên Chúa, và chúng ta làm điều đó cùng với các anh em Do thái trên một trái đất tràn đầy các vấn đề, trong đó có phong trào bài do thái, mà chúng ta muốn cùng nhau đương đầu và chiến thắng. Trên bình diện tinh thần chúng ta là bà con với nhau. Khi viếng thăm hội đường Do thái ở Roma năm 1986 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng một kiểu diễn tả độc đáo khi gọi các tín hữu do thái là ”các người anh cả của chúng ta”. Như vậy chúng ta không thể bỏ qua tình huynh đệ và lòng yêu thương đối với nhau, tuy trong các ơn gọi khác nhau của chúng ta nó mời gọi chúng ta tất cả cùng nhau lo cho thiện ích của toàn nhân loại và cùng nhau đóng góp phần mình một cách độc đáo, nếu có thể.

Hỏi: Từ năm 2005 tới nay đề tài suy tư chú tâm vào ”Mười Điều Răn”. Năm nay cuộc hội luận đề cập tới điều răn thứ tám ”Chớ ăn trộm”. Đức Ông nghĩ sao?

Đáp: Chúng ta đang sống trong một thời buổi duy kinh tế một cách mạnh mẽ, bị ghi dấu bởi một trào lưu cá nhân chủ nghĩa nào đó. Là Tín hữu do thái và kitô chúng ta là những người đem theo một ý nghĩa cuộc sống gắn liền với khía cạnh tôn giáo, chiều dọc của tương quan với Thiên Chúa, từ đó tuôn đổ xuống ơn của các của cải và thụ tạo. ”Đừng ăn trộm” là một lệnh truyền kinh thánh khiến cho chúng ta cùng nhau bảo vệ phẩm giá con người và đề nghị cả với xã hội của chúng ta một con đường khác. Xã hội này là một xã hội biết tới các lệch lạc của sự dữ liên quan tới các tài nguyên, và việc bóc lột người khác: ăn trộm không chỉ là lấy đi, mà cũng là biến cuộc sống của người có quyền có phẫm giá trở thành bần cùng đi, cả qua thiện ích của công ăn việc làm, các của cải nâng đỡ trợ giúp họ.

Hỏi: Tại sao việc đối thoại với các ”người anh cả do thái” lại quan trọng đến như vậy thưa Đức Ông?

Đáp: Nó quan trọng đối với việc hiểu thế giới do thái, và cũng quan trọng đối với việc hiểu một cái gì đó của Đức Giêsu từ bên trong của Di chúc đầu tiên, của Thánh Kinh Cựu Ước. Nó quan trọng, vì nơi đâu tín hữu Do thái và tín hữu Kitô cùng nhau bảo vệ sự sống, thì mọi người đều được hưởng lợi. Nơi đâu sự sống của người Do thái và của các tín hữu Kitô bị đe dọa, thì sự sống của tất cả mọi người đều bị đe dọa. Phong trào bài Sêmít, bài người Do thái là các dấu chỉ của thù hận đã gieo rắc khổ đau cho tới cuộc diệt chủng Do thái trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng là một cảnh cáo lớn đòi phải có một câu trả lời cao độ và thường ngày, nghĩa là phổ biến và rộng rãi, nhưng cũng sâu xa đối với các lý do của nó. Và đây cũng là ý nghĩa của các cuộc thảo luận này giữa các tín hữu Do thái và tín hữu Kitô.

Hỏi: Đây là lần đầu tiên ”Ngày toàn quốc đào sâu và phát triển đối thoại giữa các tín hữu công giáo và do thái” diễn ra dưới triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha cũng đã loan báo chuyến viếng thăm Thánh Địa vào tháng 5 tới đây. Đâu là phần đóng góp cá nhân của Đức Thánh Cha cho cuộc đối thoại giữa tín hữu Do thái và tín hữu Kitô?

Đáp: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức tiếp đón Rabbi trưởng Riccardo Di Segni và các phái đoàn quốc tế. Nhất là trong tư cách là Tổng Giám Mục Buenos Aires, ngài đã có một tương quan rất chặt chẽ với Rabbi Skorka, và ngài cũng đã có biết bao nhiêu cuộc nói chuyện và tình bạn cũng như tình huynh đệ với Rabbi, trong đó ngài đã đề cập tới các đề tài của khổ đau, của cuộc sống, của cái chết, các đề tài tu đức... Vì vậy tôi sẽ nói rằng bản tính của Đức Thánh Cha Phanxicô là có một cái nhìn thiện cảm, chú ý và yêu thương đối với dân tộc Do thái, có các gốc rễ sâu trong một kinh nghiệm sống rất là sâu xa.

Sau đây là một số nhận định của ông Renzo Gattegna, Chủ tịch Liên hiệp các cộng đoàn do thái tại Italia

Hỏi: Thưa ông, ông nghĩ gì về cuộc đối thoại do thái kitô?

Đáp: Cuộc đối thoại do thái kitô đã bắt đầu từ 50 năm qua. Các tương quan giữa hai bên tích cực. Cũng đã có những lúc trồi sụt, nhưng theo tôi, tổng kết khá thỏa đáng. Tuy nhiên ở điểm này thì cuộc đối thoại nên ra khỏi việc quản trị thường tình để trở thành một sự hiểu biết lớn hơn, chấp nhận chung sống với nhau nhiều hơn, dựa trên tình huynh đệ và sự cộng tác để giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết trên thế giới. Và trong số các vấn đề có phong trào qúa khích. Tôi đã đọc nhiều lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô và trong các lời tuyên bố này Đức Thánh Cha đã dùng các từ rất rõ ràng để lên án các các hiện tượng đó.

Ngài còn đi xa hơn nữa, bởi vì ngài ủng hộ phẩm gia đồng đều và tôn trọng giữa tất cả mọi tín hữu của các tôn giáo khác nhau, đến độ ngài đã nói lên xác tín là cần phải tránh bất cứ hình thức chiêu dụ tín đồ nào. Theo tôi đó là một lập trường quan trọng, mới mẻ, có thể là điểm khởi hành cho bước nhảy vọt về phẩm này, bởi vì chúng ta tất cả đều biết rằng trong nhiều thế kỷ dân Do thái đã thường bị các áp lực cưỡng bách theo đạo.

Hỏi: Nhìn vào những gì đã được làm cho tới nay, ông có nhớ vài cử chỉ đặc biệt hay lúc đặc biệt nào về tình bạn gần đây hơn không? Trong các tháng qua hay trong các năm qua, mà chúng ta có thể nhớ cùng nhau không?

Đáp: Có. Tất cả mọi Giáo Hoàng, từ Đức Gioan XXIII trở đi - đều đã có các cử chỉ ý nghĩa. Chẳng hạn, các chuyến viếng thăm Thánh Địa của các vị, tại đây trước Bức Tường phía tây của Đền Thờ Giêrusalem các Giáo Hoàng đã dừng lại cầm trí cầu nguyện. Đức Gioan Phaolô II cũng nhét một sứ điệp vào kẽ đá của bức tường, theo thói quen của người Do thái. Từ phía mình Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã đưa ra nhiều lập trường quan trọng. Chẳng hạn như đối với vài nhóm tín hữu công giáo có các lập trường bài do thái. Cả Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô với các câu mà tôi đã trích lại trên đây, cũng đang cho thấy một ý chí nhìn tương tai của thế giới như một tương lai hòa bình, trong đó mỗi người có thể tuyên xưng các tín ngưỡng của mình một cách an bình, và không vì thế mà bị bất cứ hình thức thù nghịch từ phía các kẻ khác.

Hỏi: Thưa ông chủ tịch Liên hiệp các cộng đoàn Do thái Italia, đề tài suy tư của ”Ngày toàn quốc đào sâu và phát triển đối thoại công giáo do thái” là Điều Răn ”Chớ trộm cắp”. Nó muốn nhấn mạnh điều gì, và các tín hữu do thái muốn dấn thân chung như thế nào?

Đáp: Đối với tôi điều răn ”Chớ trộm cắp” xem ra hiển nhiên không ám chỉ các vụ ăn trộm nhỏ nhặt. Ngày này nó muốn nhắc tới sự cần thiết các người có trách nhiệm chỉ huy và hướng dẫn chính trị của các nước phải khước từ mọi hình thức gian tham hối lộ, và mọi hình thức sống chung với các nhóm riêng tư, có thể rút tỉa bòn mót các tài nguyên công cộng để mưu lợi cho riêng mình. Khi nhìn những gì đang xảy ra tại Italia này cũng như tại biết bao nhiêu quốc gia Âu châu hay mỹ châu, nạn gian tham hối lộ hay sống chung với các nhóm tội phạm có tổ chức đối với tôi xem ra là một cuộc chiến có tầm quan trọng rất lớn giúp tránh cảnh suy đồi mà chúng ta tất cả đều phải trả một gía kinh khủng.

Hỏi: Đâu là các sáng kiến độc đáo nhất đã được tổ chức tại Italia nhân dịp này, ông có thể cho một ví dụ không?

Đáp: Giữa ngày này và ngày 27 tháng Giêng là ngày kỷ niệm cuộc Diệt chủng Do thái, trong các ngày quy tụ hai biến cố này, chúng tôi tìm củng cố mọi liên minh có thể, để kiểm thực một thay đổi tốt hơn cho tương lai, và để cho con cháu chúng tôi không phải thấy lại những gì mà cha ông chúng tôi đã thấy.

(RG 16-1-2014)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.