2013-08-30 13:34:03

ĐỪNG SỢ HÃI, CÓ TA Ở VỚI CON, TA CHO CON VỮNG MẠNH!


... Cách đây 15 năm, bà Sophie Mercier, người Pháp, khám phá đứa con trai đầu lòng Léo bị hiệu chứng Down (dư một nhiễm-sắc-thể 21, trisomy 21). Hôm nay hồi tưởng quá khứ, bà đọc lại biến cố khắc-nghiệt từng làm giao-động giữa nỗi kinh-hoàng và lòng trìu-mến. Rất may là câu chuyện kết thúc có hậu như người Việt thường nói. Chứng từ của bà tựa đề: ”Những giọt nước mắt cho Léo”. Xin nhường lời cho bà.

Trisomique - Chứng Khờ! Tôi đã tiên liệu mọi sự, trừ cái ấy! Trong phút chốc, thời gian như ngưng lại làm đông cứng trái tim và toàn cơ thể tôi, trong một chờ đợi không thể chịu đựng nổi. Những giọt nước của người mẹ trẻ sinh hạ đứa con đầu lòng bị đọng lại trước khi có thể trào ra! Tất cả trở thành ngớ ngẩn. Tại sao lại là đứa con đầu tiên, đứa con mà chúng tôi mong đợi với trọn niềm hạnh phúc, lại chào đời trong nỗi bất hạnh?!

Đứng cạnh giường tôi với niềm vui tràn bờ của một kẻ mới được làm cha, Gilles - hiền phu tôi - không mảy may ghi nhận có điều gì đó bất thường. Chàng trang trọng cắt rún cho con trong tư thế vô cùng ngoạn mục. Rồi chàng tự tay tắm rửa cho con lần đầu với nhiều cảm xúc.

Đứa con mà tôi mới được ôm chặt vào lòng chỉ vỏn vẹn vài giây đã bị bứt khỏi tay tôi để mang đi ngay vì đứa bé cần được đặt máy giúp thở. Trẻ sơ sinh này, được thành hình trong dạ tôi, được móc ra từ tạng-phủ tôi và đã được vợ chồng tôi cẩn thận chọn cho một cái tên, bỗng xuất hiện trước mắt tôi như một kẻ hoàn toàn xa lạ! Cái tư tưởng về hiệu chứng down lẩn quẩn trong đầu óc tôi, giao thoa với hình ảnh nó nằm ngủ trong lồng kính, đã tạo nên một lằn ranh không vượt qua được giữa nó và tôi.

Điều khủng khiếp nhất chính là cảm tưởng lẻ-loi cách-biệt. Tôi tiếp người thân đến thăm với tâm tình nơm-nớp lo-sợ. Tôi định giải bày âu lo với thân mẫu nhưng khi thấy người thật hài lòng và âu yếm vuốt ve khuôn mặt tròn-trĩnh của đứa cháu ngoại Léo, tôi đành giữ thinh lặng. Nhóm y tá cũng cẩn trọng rút vào thinh lặng.

Sáng sớm hôm sau người ta báo cho tôi biết Léo phải được chuyển gấp đến khu nhi đồng của nhà thương ở Aix-en-Provence. Chính lúc ấy vị nữ bác sĩ nhi đồng báo cho chúng tôi biết: rất-có-thể Léo bị chứng down-khờ. Nói xong, bà nhẹ nhàng khéo léo đặt Léo nằm gọn vào lồng kính. Gilles - hiền phu tôi - bỗng ôm đầu ngồi phịch xuống như bị choáng váng.

Cụm từ ”rất-có-thể” vang vọng trong tôi như tiếng kêu chát-chúa của cái ly thủy tinh. Tôi cảm thấy từ từ bị rơi xuống cái giếng không đáy. Bao nhiêu câu hỏi không giải đáp quay cuồng trong đầu óc tôi.

Cho đến lúc ấy tôi chưa có dịp tiếp xúc thật gần và cũng chưa bao giờ gặp một người mang chứng down-khờ. Chính tư tưởng này gây trong tôi một cảm giác thật khó chịu. Giờ đây tôi phải làm gì với đứa con đã khiến tôi quá sợ hãi này??? Tức khắc, tôi nghĩ ngay đến cuộc sống lứa đôi, chắc chắn sự hiện diện của đứa con khuyết tật sẽ làm xáo trộn và gây nhiêu-khê cho hạnh phúc vợ chồng chúng tôi!

Tôi lựa lời nói với Gilles đang chìm sâu trong đau đớn:
- Em nồng nhiệt ước muốn biết bao cho anh có thể cảm thấy hãnh diện về đứa con của chúng mình ..
Gilles ngắt lời tôi:
- Nhưng .. anh hãnh diện về con mà!
Nói xong chàng bỗng đột ngột đứng bật dậy và kêu lên:
- Đây là con anh và anh thương nó! Nhưng ..
Giọng chàng vỡ-òa trong tiếng nấc:
- Chúa ơi, thật khó biết bao! Tại sao lại là nó? Nó đâu làm gì nên tội?

Tôi cay đắng tự hỏi:
- Mình phải làm gì đây? Chúng tôi sẽ phải làm gì với đứa con khuyết tật này?

Tôi ngồi lên trên giường và ánh mắt vô hồn đảo quanh một vòng trong căn phòng. Vào chính lúc ấy, tập san đặt trên bàn nhỏ cạnh giường tôi đã lôi kéo ánh nhìn của tôi. Tựa đề to tướng của nó hiện rõ như gởi thẳng đến tôi với vỏn vẹn 4 chữ:
- Các Con Đừng Sợ!

Nổi bật trên trang bìa của tập san là hình Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đọc diễn văn khai mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XII diễn ra tại thủ đô Paris từ ngày 19 đến 24-8-1997 với đề tài: ”Thưa Thầy, Thầy ở đâu? - Hãy đến mà xem”, Gioan 1,38-39. Trong phút chốc, mấy chữ đọc gần như tình cờ trong nỗi cô đơn tột cùng trên chiếc giường bệnh viện, bỗng vang lên trong tôi với một sức mạnh không ngờ! Y như thể sứ điệp này được gởi đến cho riêng tôi!

4 chữ ”Các Con Đừng Sợ!” như ký-sinh-trùng cứ bám-sát và lảng-vảng trong đầu óc tôi. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, tôi nghe nhiều nơi chốn chung, nhiều câu nói an ủi và khuyến khích can đảm. Tôi vừa nghe vừa cảm nhận những ánh mắt lạnh lùng và xa cách của các chuyên gia hướng về tôi. Họ xếp tôi vào ngăn tủ đựng các trường hợp họ phục dịch và giải thích từ ”khuyết tật” của đứa con tôi. Tôi không buồn cũng không ngã quỵ. Còn hơn thế nữa kìa: tôi đùng đùng nổi giận!

Bởi vì xét cho cùng, ai có thể nói cuộc đời của bé Léo rồi sẽ ra sao? Dựa trên tiêu chuẩn nào để khẳng định cuộc đời đứa con khuyết tật của tôi không đáng sống? Chính tư tưởng này thúc đẩy tôi đứng thẳng lên và can đảm vào trận.

Khi tôi bước vào khu vực các trẻ sơ sinh, cô y tá trực đưa ngay tôi đến lồng-kính dưỡng-nhi con tôi đang nằm. Cô y tá cẩn thận lựa lời nói:
- Tôi biết rõ là không mấy dễ đối với bà .. nhưng bà nên dành thời giờ, luồng tay vào lồng-kính, vuốt ve và nói chuyện với bé. Bé sẽ nhận ra bà. Bé là con bà mà!

Câu nói trang trọng của cô y tá khiến lòng tôi giao-động và xao-xuyến.

Tất cả như đông cứng trong tôi. Tôi chỉ muốn trốn thoát, chạy xa thật xa. Tôi quá sợ hãi đứng trước đứa bé này. Tôi sợ cuộc đời mình bị xáo trộn không hồi lại được. Tôi sợ đau khổ. Tôi muốn quên đi những khoảnh khắc trải qua và ra đi mãi mãi không quay trở lại. Nhưng có một cái gì đó còn sót lại nơi tôi ngăn cấm tôi tránh né. Tôi phải cố gắng làm thử.

Tôi ngập-ngừng luồng tay vào lồng-kính. Tôi đưa ngón tay vuốt nhẹ bắp đùi tí hon của con. Đụng chạm êm-ái nồng-ấm đầu tiên này khiến tôi ngạc nhiên. Toàn thân cậu bé như thảng-thốt thức-tỉnh trước cái vuốt-ve xem ra nhẹ nhàng thoảng qua này.

Đứng cạnh tôi quan sát, cô y tá nói ngay:
- Bà có thể ẵm con trong vòng tay bà!

Nói xong, không đợi tôi đồng ý, cô mở lồng-kính âu yếm bế Léo lên và đặt vào vòng tay tôi. Cậu bé cuộn sát vào tôi thật chặt khiến tôi ngỡ ngàng. Sức nóng nơi cơ thể cậu bé chuyển thẳng vào người tôi, thấm nhập vào tôi làm tan chảy những do dự cuối cùng. Tất cả bỗng trở nên đơn sơ và hiển nhiên một cách không ngờ!

Tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên ánh nhìn đầu tiên của con. Một ánh nhìn hoàn toàn tín thác. Ánh nhìn đã đập vỡ mọi cánh cửa sắt, mọi thiên-kiến và mọi thắc-mắc vô ích. Nó xuyên thấu tận tâm hồn tôi. Ánh nhìn nói rõ với tôi:
- Mẹ là mẹ con! Con cần tình yêu của mẹ biết là chừng nào!

Tôi lặng lẽ khóc .. Những giọt nước mắt nồng ấm đầu tiên của người mẹ trẻ dành cho đứa con trai đầu lòng yêu dấu bị chứng down-khờ!

... Ta đã nắm chặt lấy ngươi, đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất, kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm. Ta đã nói với ngươi: ”Ngươi là tôi tớ Ta, Ta đã chọn ngươi, Ta đâu ruồng bỏ. Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là THIÊN CHÚA của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh. Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta. Quả vậy, hết thảy những ai giận ghét ngươi sẽ thẹn thùng xấu hổ, và mọi kẻ gây hấn với ngươi, đều kể như không có và bị tiêu diệt. Thù địch ngươi, ngươi sẽ tìm mà không thấy. Những kẻ giao chiến với ngươi, sẽ kể như không có, như hết sạch cả rồi. Vì Ta là THIÊN CHÚA của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo: Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi. Đừng sợ, hỡi Giacóp, loài sâu bọ, hỡi Israel, kẻ mọn hèn. Chính Ta phù trợ ngươi, Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Israel. Này đây Ta sẽ biến ngươi thành một cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn. Ngươi sẽ dày đạp và nghiền nát núi non, sẽ làm cho các đồi nên như trấu. Ngươi sẽ rê chúng, gió sẽ cuốn đi và bão táp sẽ phân tán chúng. Còn ngươi, vì THIÊN CHÚA, sẽ mừng vui hoan hỷ, vì Đức Thánh của Israel, sẽ hãnh diện tự hào.
Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta sẽ đáp lời, Ta sẽ không bỏ rơi chúng. Ta sẽ khai mở sông ngòi trên các đồi trọc, và khe suối dưới các lũng sâu. Ta sẽ biến hoang địa thành hồ ao, biến đất khô nên mạch suối dồi dào. Và trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương, để cùng một lúc, thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm và hiểu rằng: điều ấy, bàn tay THIÊN CHÚA đã làm nên, điều ấy, Đức Thánh của Israel đã tạo thành” (Isaia 41,9-20).

(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, No 193, Mai-Juin 2013, trang 17-18)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.