2013-08-05 13:20:52

LỜI NÓI ĐÁNG YÊU TĂNG THÊM BẠN HỮU


... Tháng 10 năm 1525, hai sinh viên cùng tuổi 19, ghi tên tại trường Saint-Barbe ở thủ đô Paris nước Pháp. Cả hai ở cùng phòng, cùng học hỏi cách thức quý mến và trao đổi tình bạn chân thành. Một người tên Pierre Favre, vùng Savoie (Đông Nam Pháp). Người kia tên Francesco Saverio đến từ vùng Basque nói tiếng Tây-Ban-Nha. Pierre Favre tính tình dễ thương và chuyên cần học hỏi. Francesco Saverio trái lại, nhanh nhẹn, ưa thích thể thao và có nhiều cao vọng.

Bốn năm sau, 1-10-1529, sinh viên thứ ba đến trọ cùng phòng với Pierre và Francesco. Sinh viên này tuổi độ 38 và có dáng đi khập khiễng. Anh ăn mặc nghèo nàn, hành trang ít ỏi, nhưng toàn thân anh toát ra sức hấp dẫn diệu kỳ. Anh tỏ ra chững chạc, ăn nói khiêm tốn dịu hiền và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Đặc biệt anh có đôi mắt tươi vui hóm hỉnh. Sinh viên cao tuổi ấy tên Ignazio. Anh đến từ Loyola, nơi có lâu đài dòng họ anh, bên nước Tây-Ban-Nha.

Sự có mặt của sinh viên tên Ignazio đưa hai sinh viên trẻ tuổi Pierre và Francesco vào khúc rẻ quan trọng của cuộc đời.

Anh Ignazio từng ra trận và bị thương ở chân. Thời gian chữa trị, để giết giờ, anh đọc Hạnh Các Thánh. THIÊN CHÚA hoán cải tâm lòng khiến anh quay về với Ngài. Anh đặc biệt suy gẫm Cuộc Thương Khó của Đức Chúa GIÊSU KITÔ và nhất quyết theo chân Ngài. Lành bệnh, anh tìm nơi thanh vắng, sống ẩn dật cầu nguyện trong vòng một năm. Sau đó anh đi hành hương Giêrusalem.

Trở lại Tây-Ban-Nha với tâm hồn hoàn toàn đổi mới, Ignazio ước ao chia sẻ khám phá thiêng liêng anh vừa tìm thấy. Anh tìm được cách thức phân biệt tác động nội tâm: tác động nào đưa đến niềm vui và tác động nào đưa đến chán nản ê chề. Nhưng vì anh chưa được huấn luyện về thần học nên anh bắt đầu dành thời giờ để nghiên cứu học hỏi và cùng lúc vẫn nói về THIÊN CHÚA.

Xã hội Tây-Ban-Nha lúc bấy giờ đòi buộc các nhà giảng thuyết phải có bằng cấp hẳn hoi mới được phát biểu công khai. Thế là Ignazio lên đường sang Pháp đến thủ đô Paris ghi tên tại Saint-Barbe, cùng trường với Pierre Favre và Francesco Saverio.

Nhờ dành nhiều giờ cầu nguyện, suy gẫm và suy tư về chặng đường trải qua, Ignazio dần dần thành hình phương pháp mà anh gọi là ”Linh Thao - Thao Luyện Thiêng Liêng” giúp tín hữu Công Giáo chấn chỉnh và định hướng cuộc đời mình.

Tất cả khám phá thiêng thiêng trên đây Ignazio chia sẻ cho hai bạn trẻ cùng phòng. Pierre Favre tỏ ra nhạy cảm trước kinh nghiệm của Ignazio. Francesco Saverio ít chú ý hơn. Thời gian này có thêm sinh viên trẻ khác đến từ Bồ-Đào-Nha. Anh tên Simão Rodrigues, 17 tuổi.

Một ngày Simão tình cờ giáp mặt Ignazio và gợi chuyện làm quen. Câu chuyện thiêng liêng của Ignazio lôi cuốn chú ý và khơi dậy lòng đạo đức của Simão. Anh quyết định chọn con đường phục vụ THIÊN CHÚA, khởi đầu bằng chuyến hành hương đi Giêrusalem, rồi dấn thân giúp người khác trên con đường thiêng liêng. Từ đó ba bạn trẻ Pierre Favre, Francesco Saverio và Simão Rodrigues trở thành bạn tâm giao của Ignazio di Loyola.

Thời gian sau có thêm 3 sinh viên đến từ Tây-Ban-Nha và cùng học tại Saint-Barbe. Đó là Diego Laynez, Alfonso Salmeron và Nicolás Bobadilla.

Nhờ nghe tiếng đồn danh thơm thánh thiện của Ignazio và nhờ sự quan phòng đưa đẩy, cả 3 sinh viên đều gặp Ignazio và muốn nhận Ignazio làm thầy hướng dẫn thiêng liêng.

7 Vị Tiên Tổ Dòng Tên: Ignazio di Loyola (1491-1556), Pierre Favre (1506-1546), Francesco Saverio (1506-1552), Simão Rodrigues (1510-1579, Diego Laynez (1512-1565), Alfonso Salmeron (1515-1585) và Nicolás Bobadilla (1511-1590).

15-8-1534 là ngày lịch sử. 7 sinh viên cùng lên đồi Montmartre ở thủ đô Paris và cùng vào nhà nguyện nhỏ. Tại đây, một người trong nhóm là tân Linh Mục Pierre Favre cử hành Thánh Lễ. Phần hiệp lễ, cả 7 người bạn, lần lượt lúc rước Mình Thánh Chúa, tự đọc lời tuyên khấn giữ đức khó nghèo, khiết tịnh, đi hành hương Giêrusalem và dấn thân làm việc tông đồ bằng việc rao giảng Lời Chúa. Tuy nhiên nếu lời hứa hành hương Giêrusalem không thực hiện được thì sẽ giao cho Đức Giáo Hoàng quyền quyết định tương lai và những hoạt động của mình.

Sau ngày lịch sử trên đây, tình bạn thiêng liêng giữa 7 Vị mỗi ngày một đậm đà sâu sắc. Các Vị cùng quý mến, giúp đỡ và khích lệ nhau tận tình. Cuộc sống chung mang một ý nghĩa siêu nhiên cao thượng. Và cộng đoàn huynh đệ này đã đề cử Ignazio di Loyola làm thủ lãnh tinh thần cho mình.

... ”Lời nói đáng yêu tăng thêm bạn hữu. Lời nói thanh tao tăng thêm lịch thiệp. Ước chi có nhiều người sống hòa nhã với con; nhưng cố vấn cho con, thì trong muôn ngàn chỉ nên chọn một. Nếu con muốn làm bạn với ai thì hãy thử người ấy trước, nhưng đừng vội tin tưởng ngay. Vì có kẻ chỉ là bạn nhất thời, ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa .. Người bạn trung tín là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng. Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ THIÊN CHÚA sẽ gặp được người như vậy. Người kính sợ THIÊN CHÚA thì điều khiển được tình bạn của mình vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế” (Huấn Ca 6,5-8/14-17).

(MISSI, Magazine d'Information Spirituelle et de Solidarité Internationale, 4-5/1981, trang 6-11).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.