2013-06-25 13:26:17

THẦY CHÍNH LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH


... Cha Paul Couvreur là cựu thành viên Ban Thường Trực của Hội Thừa Sai Paris (MEP). Trước khi được chỉ định vào nhiệm vụ này, Cha từng là nhà thừa sai ”bôn ba”, hay nói đúng hơn, từng ”phiêu lưu” từ cứ điểm truyền giáo này sang cứ điểm truyền giáo khác, tùy theo quyết định của Bề Trên, dựa vào các nhu cầu của các Giáo Hội địa phương. Xin nhường lời cho Cha kể lại lịch trình 30 năm truyền giáo.

Sự kiện tôi chào đời vào ngày 6-1 lễ Hiển Linh và được rửa tội với tên thánh Phaolô, nhiều người khôi hài nói với tôi: ”Con đường truyền giáo đã vạch sẵn!” tức là, định mệnh đã an bài! Đúng thế, với điều kiện phải luôn nhớ rằng trong cuộc hành trình của nhà truyền giáo, giống như bất cứ cuộc hành trình nào khác, cũng đều ghi đậm những dời đổi, những gặp gỡ bất ngờ!

Thành viên Hội Thừa Sai Paris, đồng nghĩa với truyền giáo cho đến chết, vào năm lãnh chức phó tế, tôi được chỉ định đi Đài-Loan. Lòng tôi khấp khởi vui mừng với ý tưởng: mình ra đi làm việc nơi một miền truyền giáo đang nở rộ các cuộc xin theo Đạo Công Giáo của người dân địa phương. Thế nhưng, niềm vui không kéo dài lâu. Một thời gian ngắn sau đó, tôi được lệnh Bề Trên phải thuyên chuyển sang Mã-Lai. Cây non chưa đâm đủ rễ nơi vùng đất Đài-Loan, tôi đã phải lên đường sang Mã-Lai nhận nhiệm vụ giáo sư nơi Đại Chủng Viện Pénang. Tôi ngậm ngùi từ biệt Đài-Loan và giơ tay chào đón Mã-Lai. Tôi phải bỏ ra hai năm ròng rã để học tiếng Tàu quan-thoại!

Nhưng ”bất ngờ” luôn chờ đón tôi. Sau 6 năm làm việc tại Á châu, tôi lên đường về Pháp nghỉ phép. Kỳ nghỉ qua đi, nhưng chiếu khán tái nhập cảnh Mã-Lai vẫn chưa tới tay, khiến tôi bị bắt buộc ở lại Pháp để làm việc truyền giáo ngay trên đất Pháp. Trước tiên tôi được một năm để bồi bổ sức lực truyền giáo. Sau đó, tôi theo học một khóa thợ nề để có thể làm việc nơi công trường giữa các người di dân. Vì không thể đi ra hải ngoại, tôi liền tìm gặp gỡ người ngoại quốc ngay trên đất nước Pháp của tôi. Tôi làm việc như thế trong vòng 3 năm. Và niềm hy vọng trở lại Mã-Lai đã tan biến với thời gian, vì những khó khăn không thể vượt qua được.

Sau cùng, Bề Trên đề nghị tôi chuyển sang làm việc tại Nam Hàn. Nhưng Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn đã phát triển mạnh với một lực lượng hùng hậu về hàng giáo sĩ, chủng sinh và tu sĩ nam nữ. Vì thế, nhà truyền giáo đến Nam Hàn có thể làm việc trong những môi trường đặc thù khác. Chẳng hạn đi đến với những người ngoài Giáo Hội Công Giáo, không phải đưa họ về với Giáo Hội Công Giáo, nhưng chỉ sống giữa họ để nối kết mối giao hảo với họ và làm chứng cho họ biết:
- Tất cả đều thuộc về một Gia Đình duy nhất, tất cả đều là con cái của THIÊN CHÚA, là CHA trên Trời của hết mọi người, không trừ ai.

Trong chiều hướng đó, tôi trở thành một nông dân làm thuê độ nhật bên cạnh các nông dân ngoại giáo. Công việc này tôi chu toàn trong vòng 20 năm trời. Cuộc sống bên cạnh các anh chị em nông dân Nam Hàn không Công Giáo đòi hỏi nhiều nhẫn nại, kiên trì và vững chắc trong niềm tin Kitô của mình. Ban đầu, lối sống truyền giáo này cũng gặp nhiều khó khăn và hiểu lầm. Các nông dân thường tỏ ra ngạc nhiên và thắc mắc:
- Tại sao một người Âu Châu có học thức, thuộc một tôn giáo khác, lại chọn một nghề lao nhọc bằng tay chân để kiếm chén cơm manh áo mỗi ngày?

Đúng ra, tôi trở thành ”một cuộc gặp gỡ không đợi không chờ” đối với họ. Cứ mỗi lần tôi chủ ý đổi chủ - sau hai tuần làm việc - các nông dân mới liền hỏi ngay:
- Sao anh lại làm thế?
Và câu trả lời của tôi trước sau vẫn như một:
- Tôi làm vậy, bởi vì, THIÊN CHÚA tôi tôn thờ đã từng làm như thế cho tất cả mọi người chúng ta, không phân biệt và loại trừ ai!

Phải chăng cuộc gặp gỡ với một THIÊN CHÚA làm người chẳng gì khác hơn là một ”cuộc gặp gỡ bất ngờ” với một người nào đó, và nhất là, sống trọn vẹn chứng tá niềm tin vào Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ của mình?

... Khi ấy, Đức Chúa GIÊSU phán: ”Thầy chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là Mục Tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Thầy chính là Mục Tử nhân lành. Thầy biết chiên của Thầy, và chiên của Thầy biết Thầy, như THIÊN CHÚA CHA biết Thầy, và Thầy biết THIÊN CHÚA CHA, và Thầy hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Gioan 10,11-15).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.353, Novembre/2000, trang 265-267)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.