2013-05-28 15:10:40

Nạn buôn bán vũ khí trên thế giới


Phỏng vấn nhà báo Antonio Mazzeo

Trên thế giời hiện nay có ba loại kỹ nghệ đem lại rất nhiều lợi nhuận hàng trăm tỷ mỹ kim mỗi năm: đó là kỹ nghệ sản xuất buôn bán ma túy, kỹ nghệ chế tạo buôn bán khí giới và kỹ nghệ mại dâm.

Cho tới nay hầu như không có tin tức chính xác nào liên quan tới kỹ nghệ chế tạo và buôn bán đủ loại vũ khí tối tân lớn nhỏ: từ súng ngắn súng dài cho tới đại liên, súng cối, trọng pháo, xe tăng tầu bò, máy bay chiến đấu, máy bay bỏ bom, trực thăng, tầu chiến và cả các chiến hạm nữa. Bên cạnh đó là các loại đạn dược, lựu đạn, mìn chống người, bom lớn bom nhỏ và biết bao nhiêu quân trang quân dụng khác nữa.

Các bản tường trình hay các tin tức lọt ra ngoài chỉ phản ánh một phần sự thật liên quan tới kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí giết người trên thế giới. Nhiều nhà báo muốn tìm hiểu và phanh phui sự thật liên quan tới kỹ nghệ và cũng là tệ nạn này đã bị sát hại.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Antonio Mazzeo, nhà báo đồng thời là người dấn thân bài trừ kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí. Ông Mazzeo năm nay 33 tuổi là cố vấn Hội đồng tỉnh Pisa trung bắc Italia, đồng thời là giáo sư môn Hệ thống soạn thảo tin tức.

Từ nhiều năm qua ông Antonio Mazzeo dấn thân tố cáo kỹ nghệ chế tạo buôn bán khí giới, cũng như mạnh mẽ phê bình chủ trương quân sự hóa và các lợi nhuận béo bở của nó. Là người chống lại việc sử dụng lưu động hệ thống đối tượng trong việc truyền thông và nhất là điều khiển, phối hợp và kiểm soát quân sự, ông đã viết nhiều sách và các bài khảo luận liên quan tới nạn cướp bóc môi sinh, các cuộc xung đột quốc tế và tội phạm của các tổ chức mafia chuyển tiền và rửa tiền bẩn thỉu.

Hỏi: Thưa giáo sư Mazzeo, tình hình buôn bán vũ khí trên bình diện quốc tế hiện nay ra sao?

Đáp: Các dịch vụ xuất cảng và nhập cảng khí giới của các hệ thống chết chóc xem ra tuyệt đối không hề hấn gì trước cuộc khủng hoảng toàn cầu và cấu trúc đầu tư trên thế giới hiện nay. Chẳng những thế, tư bản tài chánh quốc tế lại còn xác tín một cách điên cuồng rắng các xung khắc và các tái thiết tiếp theo đó của các nước bị bỏ bom tàn phá có thể là đầu máy giúp ra khỏi tình trạng ứ đọng và tái phát động nhu cầu, nền kinh tế, và sự phát triển. Rất tiếc là cuộc khủng hoảng, các tin tức đầu cơ tài chánh và tầm mức nghiêm trọng của món nợ công phần lớn phát xuất từ mô thức chiến tranh toàn cầu và thường xuyên, đã được phát động với cuộc mạo hiểm quốc tế đầu tiên tại vùng Vịnh chống lại Saddam Hussein trong các năm đầu của thập niên 1990, và rồi được tái khẳng định với cái gọi là ”chiến tranh chống khủng bố”, tại khắp nơi và dù sao đi nữa là sau vụ khủng bố bên Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nghĩa là các vũ khí đã cùng góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng, mà giờ đây người ta muốn ”vượt thắng” với vũ khí. Đây là các quang cảnh có nguy cơ đưa nhân loại tới thảm họa của một cuộc sát tế toàn thiêu, đến sự hủy hoại môi sinh và đến cái đói khát của các dân tộc trên thế giới.

Hỏi: Như thế có thể định tính vòng áp phe làm ăn của thị trường vũ khí ngày nay như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Điểm chắc chắn thứ nhất là sự kiện có rất ít tin tức chính thức liên quan tới áp phe làm ăn của các hệ thống gây chết chóc này, và vùng mầu xám rộng lớn, trong đó thường di chuyển các giới sản suất và buôn bán vũ khí, các tay mối lái, các điền chủ, các giới chức quân sự, các nhân viên tình báo và các tổ chức tội phạm. Chúng tôi có được các dữ kiện đáng tin cậy.

Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu hòa bình có trụ sở tại Stockholm bên Thụy Điển, trong năm 2011 thế giới đã chi tiêu 1.740 tỷ mỹ kim cho việc mua vũ khí. Đây là số chi tiêu lớn nhất kể từ năm 1989, tức từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Như thế tính đổ đồng mỗi ngày các chính quyền trên thế giới nướng 4,7 tỷ mỹ kim cho vũ khí, mỗi giờ 198 triệu và mỗi phút là 3,3 triệu mỹ kim. Hàng năm mỗi đầu người dân trên thế giới bị lấy mất đi 250 mỹ kim có thể được dùng để sản xuất thực phẩm, thăng tiến giáo dục, y tế và an sinh. Như vậy có nghĩa là vũ khí vẫn giết người mà không cần phải bắn.

Hỏi: Các quốc gia nào liên lụy tới việc chế tạo và buôn bán khí giới trầm trọng nhất trên thế giới hiện nay?

Đáp: Năm 2011 Hoa Kỳ là quốc gia mua các hệ thống vũ khí nhiều nhất thế giới, khoảng 711 tỷ mỹ kim. Đứng hàng thứ hai là Trung Quốc, là cường quốc đang lên với 143 tỷ, tức gia tăng 170% trong các năm 2002-2011. Đứng hàng thứ ba là Nga với 72 tỷ.

Hoa Kỳ kiểm soát 40% tổng số vũ khí xuất cảng trên thị trường quốc tế. Năm 2012 các hãng chế tạo khí giới khổng lồ của Hoa Kỳ đã bán 46,1 tỷ vũ khí, tức gia tăng gấp 4 lần so với năm 2000. Đây là điều chứng minh cho thấy đàng sau các mỹ từ ”chiến tranh chống khủng bố”, ”bảo vệ các quyền con người”, và ”can thiệp nhân đạo” là các vụ làm ăn bạc tỷ của giới chế tạo và buôn bán cái chết. Liên quan tới việc xuất cảng vũ khí hơi có sự thay đổi: lần này Nga đứng hàng đầu, rồi tới Trung Quốc. Các nước trong Liên Hiệp Âu châu mỗi năm bán khoảng 32 tỷ mỹ kim khí giới, năm 2009 đạt độ cao nhất với 41 tỷ mỹ kim.

Như ông Giorgio Beretta, thuộc Mạng lưới Giải trừ vũ trang Italia, đã tố cáo trong nguyệt san ”Truyền giáo”, ngày nay hơn 45% tổng số vũ khí nói trên được bán cho các nước nghèo thuộc miền nam bán cầu. Trong ngũ niên 2006-2010 vũ khí do các nước Âu châu sản suất đặc biệt được bán cho các quốc gia thuộc bán đảo A rập: A rập Sau đi 12 tỷ Euros; Các Vương quốc A rập 6 tỷ, Oman 4,3 tỷ và Kuweit 1,6 tỷ. Số còn lại đươc bán sang một vài nước vùng có nội chiến như Pakistan 4 tỷ, hay Thổ Nhĩ Kỳ 3,5 tỷ; hoặc một vài nước Phi châu như Marốc 2,5 tỷ, Algeria 1,8 tỷ, Ai Cập và Nam Phi mỗi nước 1,1 tỷ, và Libia 1 tỷ.

Sắp hạng các nước ”tiêu thụ vũ khí” có các quốc gia có nền kinh tế đang lên như: Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng có các nước khác như Nam Hàn, Pakistan, và Singapore; trong khi các nước miền nam sa mạc Sahara bên Phi châu cũng gia tăng việc mua khí giới. Mặc dù mức nghèo đói của người dân các nước này nằm dưới mức dêrô, nhưng các chính quyền tiêu tới 18 tỷ mỹ kim cho các hệ thống vũ khí giết người.

Hỏi: Thưa giáo sư Antonio, Italia nắm giữ vai trò nào trong kỹ nghệ sản xuất và buôn bán khí giới?

Đáp: Trong tình hình Liên Hiệp Âu châu ngày càng gia tăng việc xuất cảng khí giới, Italia hiện đứng hàng thứ ba sau Pháp và Đức, nhưng trước Anh quốc. Trong 5 năm qua Italia đã bán tới 23,2 tỷ Euros vũ khí và phần lớn và do hai kỹ nghệ có một phần vốn của nhà nước là Finmeccania và Fincantieri. Tổ chức Finmeccanica đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong số các tổ chức sản xuất và bán vũ khí. Theo bản tường trình rất thiếu sót về việc sản xuất vũ khí, được chính quyền tường trình trước quốc hội trong năm 2011 chính quyền Italia đã cho phép xuất cảng khí giới 2.497 lần, trị giá hơn 3 tỷ Euros, tức gia tăng 5,28% so với năm 2010. Trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay các hãng chế tạo khí giới cũng đã phải sa thải một số nhân viên. Hai chính phủ của thủ tướng Berlusconi và Monti đã gia tăng sinh hoạt thăng tiến vũ khí chế tạo tại Italia, và tỏ ra rất hữu hiệu trong việc thăm viếng đó đây để phát huy việc xuất cảng khí giới và ký các hợp đồng với các chế độ gian tham hối lộ nhất, hay nổi tiếng là vi phạm các quyền con người một cách nghiêm trọng nhất. Do đó không phải tình cờ mà số giấy phép xuất cảng vũ khí gia tăng trong năm 2011 so với năm trước đó, và chúng được gọi là ”các chương trình cộng tác liên chính quyền”. Và chắc chắn là số giấy phép trong năm 2012 lại còn nhiều hơn năm 2011 nữa. Lý do là vì bộ trưởng quốc phòng Di Paola liên tục công du nước ngoài và tham dự tất cả mọi hội chợ quốc tế chính do các kỹ nghệ chế tạo vũ khí tổ chức.

Hỏi: Như thế có nghĩa là số lượng vũ khí do Italia bán ra các nước ngoài cũng gia tăng rất mạnh, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Người ta ghi nhận các vụ xuất cảng vũ khí gia tăng hướng về các vùng căng thẳng nhất: từ bắc Phi cho tới vùng Trung Đông và cho tới các nước vùng Đông Nam Á. Trong năm 2011 hơn 64% vũ khi trị gía 2 tỷ Euros đã được bán sang các nước ngoài khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo danh sách khách hàng Algeria đứng đầu với 477,5 triệu Euros, tiếp đến là Singapore với 395,28 triệu; Ấn Độ với 259,41 triệu và Thổ Nhĩ Kỳ với 170,8 triệu Euros. Cả đại lục phi châu nghèo đói và bầm dập vì chiến tranh cũng đã trở thành thị trường tiêu thụ khí giới do Italia chế tạo. Trong 5 năm qua Italia đã bán các loại vũ khí nhẹ cho Camerun và Somalia, cũng như vũ khí nặng các máy bay oanh kích và trực thăng cho Libia, Marốc và Nigeria. Ở đây phải ghi nhận rằng luật Italia không bắt buộc phải có giấy tờ, kể cả liên quan tới việc vận chuyển khí giới nhẹ, khí giới chung hay khí giới dân dụng, mà Italia là một trong các nước sản xuất nhiều nhất. Vì thế cộng với các con số kể trên phải kể thêm các vụ xuất cảng súng dài, súng ngắn, và đạn dược không dưới 1 tỷ Euros trong hai năm 2009-2010, theo ước tính của tổ chức Văn khố giải trừ võ trang.

Cả trong các trường hợp này nữa, khách hàng là các nước ngoài khối NATO. Đứng đầu là các nước Á châu với 142 triệu Euros các vũ khí nhẹ, kể cả một số nước bị quốc tế cấm mua vũ khí như Trung Quốc, Libăng, Cộng hòa dân chủ Congo, Iran, Armenia và Azerbaijan, hay các nước gây chiến hoặc nằm trong sổ đen vì các vụ vi phạm quyền con người như Liên bang Nga, Thái Lan, Philipines, Pakistan, Ấn Độ, Afghanistan, Colombia, Israel và Kenya.

Ít lâu trước khi chiến tranh Libia bùng nổ, chính quyền của đại tá Muammar Gheddafi đã mua của Italia 8,4 triệu Euros đa số là súng lục, carabine Beretta và súng dài Benelli. Trong khi Yemen là quốc gia bị xâu xé vì nội chiến thì mua 487.119 Euros vũ khí của Italia. Theo lời tố cáo của Đài quan sát vũ khí nhẹ tại Brescia bắc Italia, viết tắt là OPAL, trong năm 2011 là năm bùng nổ ”Mùa xuân A rập” chỉ các nhà máy vùng Brescia không thôi đã xuất cảng sang miền Bắc Phi châu số súng đạn trị giá 6,8 triệu Euros. Trong khi các nước vùng Trung Đông đã mua của Italia 11 triệu Euros vũ khí. Tổ chức OPAL cũng cho biết hồi năm ngoái Bielorussia cũng đã mua 1 triệu Euros khí giới chế tạo trong vùng Brescia, ít lâu trước khi Liên Hiệp Âu châu cấm vận Bielorussia vì nhiều vụ vi phạm nhân quyền và các vụ đàn áp dân chúng dưới chính quyền của tổng thống Lukaschenko.

Thế rồi trong qúa nhiều vùng trên thế giới người ta bắn vào các đám đông dân chúng với các vũ khí và đạn dược đã mua của Italia, nhưng sư kiện này xem ra không khiến cho các chính trị gia, các nghiệp đoàn, giới truyền thông và trí thức Italia phẫn nộ.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.