2013-05-07 11:35:32

Công tác cứu trợ các nạn nhân vụ sập nhà máy dệt


Một số nhận định của Đức Cha Patrick D'Rozario, Tổng Giám Mục Dacca, thủ đô Bangladesh

Mùng 1-5-2013 là Ngày Quốc Tế Lao Động, đã có hàng chục triệu người biểu tình trong các thủ đô đó đây trên thế giới để đòi quyền có công ăn việc làm cho người dân, cũng như tôn trọng phẩm giá an ninh và trả lương công bằng cho giới công nhân. Đây cũng là điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 28-4-2013, khi chia buồn với thân nhân của các nạn nhân bị chết trong vụ sập nhà máy dệt gần Dacca. Vụ sập nhà máy dệt ngày 24-4-2013 gần Dacca đã khiến cho hơn 600 công nhân thiệt mạng, một số người vẫn còn mất tích và hàng trăm người khác bị thương. Trong lúc hãng dệt bị sập có khoảng 3.000 công nhân làm việc. Trong các ngày qua người ta đã phải chôn tập thể các xác chết không có thân nhân nhận diện, vì không thể để lâu hơn. Các người có thân nhân được gia đình chôn cất theo từng mộ riêng, nhưng cũng không có quan tài, mà chỉ là bịch nylong gói thi thể của họ. Đa số gia đình các công nhận qúa nghèo không thể trả chi phí cho các đám tang của người thân qua đời.

Chúa Nhật 28-4-2013 cảnh sát Bangladesh đã bắt giữ Mohammed Sohel Rana, chủ nhân hãng dệt Raza Place trong vùng biên giới với Ấn Độ khi ông toan chạy trốn. Ngày 23-4-2013 ông đã xin kỹ sư Abdur Razzak Khan kiểm soát các vết nứt của hãng dệt. Kỹ sư cho biết là tòa nhà không có an ninh. Ông cũng đã bị bắt vì đã giúp chủ nhân nâng cao nhà máy lên 3 lầu nữa. Cảnh sát cũng bắt giữ hai kỹ sư xây dựng tòa nhà trong đó có tới 6 xưởng dệt và vài chủ nhân khác của các xưởng này vì đã ra lệnh cho công nhân tới làm việc, mặc dù biết tình trạng nguy hiểm của tòa nhà.

Tin tức cũng cho biết mặc dầu đã được cảnh cáo về tình trạng an ninh từ lâu, nhưng cho đến vài ngày trước khi xảy ra vụ sập nhà máy, giới chủ nhân vẫn cam đoan là không có gì đáng lo ngại và tình trạng an ninh được bảo đảm. Người ta kể rằng sáng ngày 24-4-2013 chính ông Mohammed Sohel Rana đã có mặt bên ngoài nhà máy và ra lệnh cho công nhận vào làm việc vì tình trạng an toàn vẫn tốt.

Các người bị cảnh sát bắt giữ hiện nay chờ ngày ra tòa vì tội mưu sát công nhân và lơ là đối với các điều kiện làm việc không bảo đảm an ninh cho thợ của mình.

Sau khi nghe tin nhà máy Raza Place bị sập, giới công nhân các hãng dệt tại Dacca và nhiều thành phố khác đã ngưng làm việc và kéo nhau về thủ đô Dacca rầm rộ biểu tình liên tục trong nhiều ngày để phản đối. Cũng đã xảy ra các vụ xô sát với các lực lựơng an ninh. Trong cuộc biểu tình Ngày Quốc Tế Lao Động mùng 1 tháng 5, dân chúng đã yêu cầu nhà nước lên án tử cho các chủ nhân nhà máy dệt.

Tại Bangladesh có khoảng 4-5 triệu người trên tổng số 150 triệu dân làm việc trong kỹ nghệ dệt, đa số là phụ nữ từ đồng quê lên thành phố kiếm việc làm. Hàng năm ngành dệt vải tợ sợi tại Bangladesh thu nhập 20 tỷ Euros, nhưng hiện nay đang bị Ấn Độ ráo riết cạnh tranh, vì nhiều hãng quần áo siêu quốc quay sang đầu tư bên Ấn Độ. Tuy số doanh thu lớn như thế nhưng giới chủ nhân chỉ trả lương tháng cho công nhân là 38 Euros.

Nhật báo Wall Street cho biết các hãng buôn bán lại các sản phẩm của Bangladesh như Wal-Mart và Levi Strauss đang rời xa các hãng dệt gồm nhiều chủ của các nhà máy dệt nhiều tầng, vì lý do an ninh.

Tình hình lụt lội thường xuyên, đất đai chật hẹp trong những vùng đông dân cư và các khó khăn trong việc cung cấp năng lực khiến cho giới chủ nhân kỹ nghệ dệt tại Bangladesh ưa thích xây các hãng dệt nhiều tầng thay vì các nhà trệt. Báo Washington Post cho biết từ ít lâu nay các hãng xưởng lớn sản xuất áo quần bắt đầu giảm số lượng hiệp đồng làm ăn với Bangladesh vì tình trạng thiếu an ninh của các hãng dệt và may.

Hãng thông tấn AP cũng khui ra là trong dinh thự hãng dệt và may nhiều tầng mới sập gần thủ đô Dacca có các hãng may như ”Phantom Apparels”, ”Phantom Tac”, ”Ether Tex”, ”New Wave Style” và ”New Wave Bottoms”. Còn hãng thống tấn Pháp AFP thì đăng hình chụp vài mẫu áo quần được làm tại đây như ”United Color of Benetton”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Patrick D' Rozario, Tổng Giám Mục Dacca, Bangladesh, về công tác cứu trợ các nạn nhân vụ sập nhà máy dệt tại đây.

Hỏi: Thưa Đức Cha, công tác cứu trợ các nạn nhân vụ sập nhà máy dệt gần Dacca đã và đang tiến hành ra sao rồi?

Đáp: Tôi đã gọi điện thoại cho Tổ chức Caritas Tổng giáo phận và giáo xứ và đã có một toán cứu trợ được thành lập và họ đã đến hiện trường để phụ giúp các nhóm cứu trợ khác. Trong các ngày qua các nhóm này đã làm việc rất vất vả để cứu sống các người bị thương còn kẹt lại ở bên trong, dưới các đống xi măng cốt sắt và đá gạch. Các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Terexa Calcutta cũng đã được gọi tới dể săn sóc những công nhân bị thương. Tôi đã xin các chị hiện diện một cách kín đáo như những người Samaritano nhân hậu, và làm tất cả những gì có thể để xoa dịu nỗi khổ đau của các nạn nhân. Giáo Hội hoạt động qua tổ chức Caritas, qua các tu sĩ và giáo dân nam nữ tham gia công tác cứu trợ này.

Hỏi: Kỹ nghệ dệt vải và tơ sợi rất là quan trọng đối với Bangladesh, nhưng nó bị chỉ trích nặng nề vì khai thác bóc lột giới công nhân với đồng lương trả qúa thấp và việc từ chối các quyền lợi của họ. Thế rồi các điều kiện làm việc lại thường qúa nguy hiểm vì thiếu an ninh. Vậy theo Đức Cha, có thể rút tỉa ra được những gì từ vụ sập nhà máy dệt này, vả lại đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra thảm cảnh như thế?

Đáp: Vâng, rất tiếc là cứ lâu lâu lại xảy ra thảm cảnh như vậy, và toàn nước đều bị sốc mạnh. Bài học mà chúng tôi rút tỉa ra được từ tai nạn này đó là không chỉ có các dinh thự được dành ra làm nhà máy dệt vải và tơ sợi này ở trong các tình trạng dễ bị sập, mà còn có nhiều dinh thự khác nữa cũng ở trong các tình trạng thiếu an ninh và tồi tệ như thế, và luật lệ xây cất đã không được tôn trọng. Vì thế chính quyền và dân chúng rất ý thức được sự kiện phải làm một cái gì đó để bảo đảm an ninh cho giới công nhân, chứ không được để tình trạng tồi tệ này kéo dài như vậy. Nhưng tất cả những điều này xảy ra vì có nạn gian tham hối lộ. Như thế, đất nước Bangladesh đang học được một bài học lớn, và không được chậm trễ trong hành động. Chẳng hạn bây giờ người ta đang kiểm soát lại tất cả các dinh thự, các nhà máy, các hãng xưởng xem chúng có ở trong tình trạng an ninh tốt hay không. Và câu trả lời cũng phải đến từ cộng đồng quốc tế, từ những người mua các sản phẩm được chế tạo trong các hãng xưởng tại Bangladesh. Các tổ chức doanh thương quốc tế muốn có lợi nhuận nhiều nên họ đầu tư tại các nước nghèo như Bangladesh, nhưng họ không hề chú ý tới các điều kiện sinh sống và làm việc của công nhân như: xem lương tháng của họ được bao nhiêu, và công nhân có được đối xử một cách nhân đạo, xứng đáng với phẩm giá con người hay không. Tôi nghĩ rằng biến cố buồn thương này sẽ là một bài học lớn cho tất cả những ai bị liên lụy trong vụ này: các chủ nhân của dinh thự, các kỹ nghệ gia và cả các hãng xưởng mua các sẩn phẩm chế tạo tại đây nữa. Tất cả đều phải hiệp nhất với nhau để tìm ra một phương thức an ninh cần phải áp dụng để cải tiến các điều kiện làm việc của các công nhân. Cần phải thực thi công lý cho các công nhân.

Hỏi: Đức Cha có nghĩ rằng sẽ có một sự thay đổi, giảm bớt gian tham hối lộ, vì tầm mức lớn lao của thảm cảnh mới xảy ra và con số đông các công nhân bị thiệt mạng như vậy không?

Đáp: Đúng thế, tôi nghĩ rằng sẽ có một sự thay đổi, nhưng nạn gian tham hối lộ thì luôn luôn hiện diện ở đấy, và người ta có khuynh hướng mau quên thảm cảnh đã xảy ra, chì hai hay sáu tháng sau là mọi sự rơi vào quên lãng. Nhưng lần này tôi cảm thấy toàn nước bị sốc, và vì vậy với một hành động tốt của chính quyền thì sẽ có các thay đổi và sẽ là một bước tiến tới. Nhất thiết là phải có sự cộng tác quốc tế, và giới chức quốc tế, tức các doanh thương, phải nhìn vào các điều kiện làm việc của các công nhân, và tạo áp lực trên các chủ nhân địa phương theo chiều hướng này: đó là phải có các điều kiện làm việc nhân đạo đối với các công nhân nghèo, chứ không phải chỉ tạo công ăn việc làm với đồng lương thấp, và tìm cách thương lượng giàn xếp với nhau để có được nhiều lợi nhuận hơn. Các giới chức này cũng phải trả lương công việc làm một cách cân xứng hơn, và bảo đảm cho các công nhân có các điều kiện làm việc an ninh hơn.

(RG 1-5-2013)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.