2013-01-07 13:59:24

Phỏng vấn cha Pietro Belcredi, thừa sai trong vùng Amazzonia bên Brasil


Amazzonia là một vùng rừng gìa rộng mênh mông bên châu Mỹ Latinh, có diện tích 5,4 triệu cậy số vuông, 60% thuộc nước Brasil, 13% thuộc Perù, 10% thuộc Colombia, các phần nhỏ còn lại thuộc các nước Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam và Guyana Pháp. Đây là môt trong các vùng giầu sức sống nhất thế giới với 2,5 triệu loại côn trung khác nhau, 40.000 loại cây, 2.200 loại cá, gần 1.300 loại chim, hơn 400 loài vật có vú, 428 loại lưỡng cư vừa sống dưới nước vừa sống trên đất, gần 400 loại bò sát.

Một phần năm các loại chim và các loai cá nước ngọt toàn thế giới sống trong vùng rừng già Amazzonia. Và các nhà khoa học đã thống kê được từ 97 tới gần 130 ngàn loài vật không có xương sống trú ngụ trong vùng này. Thật ra trong vùng rừng già Amazzonia mênh mông này còn rất nhiều loại cây, thảo mộc và thú vật mà các nhà khoa học chưa khám phá ra.

Đây cũng là vùng đất nơi có hàng ngàn thừa sai nam nữ làm việc truyền giáo, trong đó có hàng trăm linh mục và tu sĩ nam nữ người Italia. Điển hình như cha Pietro Belcredi, thuộc Hội truyền giáo nước ngoài có trụ sở tại Milano bắc Italia, gọi tắt là PIME, làm việc truyền giáo trong vùng Amazzonia bên Brasil từ năm 1996.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị bài phỏng vấn cha về công việc và cuộc sống của cha trong vùng Amazzonia. Cha đã là một trong các linh mục thừa sai tích cực tham gia ”cuộc tranh đấu cho đất đai” để bảo vệ quyền của các thổ dân Sateré-Mawé, và là người đã có công đưa hai băng đảng người trẻ tranh giành quyền lực kiểm soát dân chúng vùng Barreirinha trở về với đức tin và Giáo Hội. Giáo xứ do cha trông coi rộng gần 12.000 cây số vuông, tức phân nửa vùng Lombardia bắc Italia, nhưng chỉ có khoảng 20.000 dân, phân nửa sống trong thành phố, phần còn lại sống trong các vùng bên trong rừng già, với 44 cộng đoàn có nhà nguyện, trong đó có 17 nhà nguyện bằng gạch xây có Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm, còn các nhà nguyện khác đều bằng gỗ.

Vào sâu hơn nữa trong trong gìa Amazzonia, cách 8 giờ đi xuồng từ Barreirinha, là vùng sinh sống của khoảng 10.000 thổ dân đa đỏ. Hồi tháng 11 năm 2012 cha Belcredi đã về Milano nghỉ một ít ngày và đã được cha Piero Gheddo cùng Hiệp hội phỏng vấn.

Hỏi: Thưa cha Belcredi, bí mật giáo xứ rộng mênh mông của cha là cái gì?

Đáp: Theo lời Đức Cha Giuliano Frigeni, Giám Mục giáo phận Parintins, giáo xứ của tôi là giáo xứ tốt nhất của giáo phận - thực ra tôi không biết nó có phải là giáo xứ tốt nhất thật hay không - nhưng bí mật của nó là việc tản quyền: các giáo dân được tôi đào tạo và sau đó tôi tín thác nơi khả năng của họ. Trong vùng Amazzonia người dân đơn sơ lắm, họ tiếp nhận sứ điệp Kitô với đức tin sống động, và nếu bạn linh hoạt họ và khiến cho họ ý thức được tinh thần trách nhiệm, thì họ theo bạn và dấn thân hoạt động. Tôi là cha sở của giáo xứ này. Cùng với tôi có cha Rivaldo, đặc trách về ”vùng của thổ dân da đỏ”, và vì thế hầu như cha vắng mặt luôn vì phải đi thăm viếng họ. Khi tôi tới Barreirinha hồi năm 1996, tôi đã hiểu ngay rằng để tái hồi sinh đức tin nơi người dân - hầu như tất cả đều đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo, nhưng sống rất xa giáo xứ - thì cần phải linh hoạt và đào tạo giáo dân trở thành các thừa sai.

Chính vì thế nên ngay từ đầu tôi đã mạnh mẽ lập đi lập lại nhiều lần với giáo dân rằng: một linh mục mà lo cho 20.000 tín hữu, trong một thành phố và một vùng có tới 44 cộng đoàn ở sâu trong rừng, thì làm được rất ít việc, hay hầu như chẳng làm được việc gì cả. Nhưng mà nếu anh chị em cộng tác với tôi, thì có thể thử tái đem các anh chị em đã lãnh bí tích Rửa Tội tới với đức tin. Nếu không, thì đức tin sẽ giảm đi, và sẽ là điều tệ hại hơn đối với tất cả mọi người. Thế là Chúa đã giúp tôi, bằng cách gửi tới cho tôi các nữ tu của Mẹ Têrêxa Calcultta.

Hỏi: Thế cha đã tổ chức giáo xứ như thế nào?

Đáp: Tôi đã bắt đầu các khóa đào tạo giáo lý viên để họ chuẩn bị cho tín hữu lãnh nhận các Bí Tích, và hiện nay tôi có 40 người trong thành phố và 50 người trong các cộng đoàn trong rừng gìa. Thế rồi còn có các thừa tác viên Thánh Thể đặc trách về phụng tự cũng như hướng dẫn các buổi cầu nguyện trong các nhà thờ nhà nguyện, chủ sự các đám táng và các lễ nghi khác. Sau cùng là các ”thuyết giảng viên” là những người giảng giải Lời Chúa cắt nghĩa Thánh Kinh và Tin Mừng.

Trong thành phố chúng tôi hiện có 23 ”nguyện đường Đức Mẹ”: cứ từng 30 gia đình một làm thành một bức tranh của Mẹ Maria, với hai người đặc trách việc hướng dẫn việc đọc kinh cầu nguyện, và mỗi ngày đều có giờ lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong một gia đình với sự tham dự của những người khác. Hình thức sùng kính Đức Mẹ này lôi cuốn khoảng 700 gia đình. Mỗi ngày trong thành phố, ngoài việc tham dự tại nhà thờ, có ít nhất một buổi đọc kinh Mân Côi trong gia đình. Thế rồi mỗi cộng đoàn đều có các người phụ trách dậy giáo lý, mở cửa nhà thờ, quy tụ tín hữu, hướng dẫn cầu nguyện vv...

Tôi đã khám phá ra rằng tín hữu cộng tác, nhưng họ muốn được thừa nhận, giao một nhiệm vụ, một vai trò chính thức. Và tôi thường nói với tất cả mọi người rằng: ”Tôi là cha sở, nhưng tôi không phải là giáo xứ. Giáo xứ chính là anh chị em, nếu anh chị em biết cộng tác; vậy mỗi một người trong anh chị em hãy đảm nhận một trách nhiệm”. Tư tưởng này đã thấm nhập nhiều người, và nhiều tín hữu cảm thấy họ bị khiêu khích trợ giúp một tay.

Hỏi: Cha đã tạo ra được một tổ chức tốt cho giáo xứ, nhưng mà việc đào tạo Kitô đã ra sao?

Đáp: Tư tưởng nòng cốt là mỗi gia đình phải dấn thân trong việc đào tạo con cái mình. Trong giáo xứ có nhiều hiệp hội và phong trào khác nhau có trách nhiệm đào tạo như: Hướng đạo sinh, Tổ ấm, Đặc sủng Thánh Linh, Tông đồ cầu nguyện, Hội con cái Đức Mẹ, nhóm Caritas, Ủy ban mục vụ ruộng đất, Ủy ban bảo vệ các quyền con người, Nhóm truyền thông đặc trách đài phát thanh Andirà của giáo xứ, rất được dân chúng theo dõi vì nó là đài phát thanh duy nhất vùng Barreirinha. Chúng tôi có tổng cộng là 14 nhóm trong giáo xứ, và bây giờ chúng tôi đang thành lập thêm hội Nhi đồng truyền giáo nữa.

Rồi tôi đã bắt đầu tổ chức giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày trong nhà thờ giáo xứ. Mỗi ngày đều có một nhóm đặc trách hướng dẫn và tham dự giờ chầu Thánh Thể. Rồi tín hữu cũng đến tham dự. Giờ chầu Thánh Thể là từ 6 tới 7 giờ chiều, sau đó là Thánh Lễ. Ban đầu có ít người tham dự, từ từ nhà thờ hầu như đầy tín hữu. Nhưng chúng tôi để cho mỗi nhóm tự do diễn tả, hát thánh ca, đọc kinh: tín hữu phải diễn tả tinh thần đạo đức của họ.

Công việc chính của tôi là ba tháng đầu năm, từ tháng giêng tới tháng ba. Mỗi cuối tuần từ thứ năm hay thứ sáu cho tới Chúa Nhật các nhóm khác nhau họp, kể cả các người phụ trách các cộng đoàn ở xa, đều tham dự việc đào tạo, và tôi hướng dẫn công tác này. Các khóa đào tạo này chúng tôi tổ chức trên hòn đảo của sông Javarì. Mỗi lần không qúa 100 người tham dự. Khi hướng dẫn các khóa này, thì tôi bận từ sáng cho tới tối: chủ sự thánh lễ và giảng, tiếp đến là đảm trách các bài diễn thuyết, hướng dẫn các cuôc thảo luận và giải tội. Tôi chỉ có một mình, vì thế trong hai ba ngày phải giải tội cho 100 tham dự viên. Nghĩa là phải ngồi hàng giờ và hàng giờ, nhưng đó là công việc rất đẹp, vì bạn gặp gỡ các cộng sự viên của mình, lắng nghe những gì họ nghĩ. Trên đảo có một nhà nguyện và tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống trong hai ba ngày hoặc lâu hơn. Ban sáng chúng tôi tụ họp nhau, nói lên vài lời cầu nguyện, rồi thinh lặng và nghe tiếng chim hót. Đây là sự thinh lặng suy tư và chiêm ngắm rất đẹp, giữa cảnh thiên nhiên. Không bao giờ có người qua lại, sông chảy gần ngay bên, rồi có rừng già, chim chóc và thú vật, và bạn ở đó trước mặt thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa. Người ta rất thích cảnh này.

Hỏi: Xin cha nói thêm một chút về cộng đoàn Kitô của cha. Cha là cha sở và hiểu biết tín hữu. Các gia đình có còn đông con không thưa cha?

Đáp: Mỗi năm tôi ban bí tích Rửa Tội cho khoảng 1.000 người. Một ngàn trẻ em sinh ra trên tổng số 20.000 dân, trong đó có 10.000 thổ dân da đỏ, thì là nhiều lắm chứ. Nhưng trái lại các các đám cưới thì giảm nhiều, mỗi năm chỉ có khoảng 100 cặp. Cuộc sống Kitô khá bận rộn với sự tham dự và dấn thân.

Thế rồi còn có các hoạt động xã hội của tổ chức Caritas, và các nhóm khác trợ giúp người nghèo, bảo vệ đất đai, các hợp tác xã nhỏ cho công việc làm và việc bán các sản phẩm địa phương. Tất cả đến từ sự kiện tôi đã nhận một giáo xứ đã có các người khác làm việc và tổ chức từ nhiều năm trước. Hiệp Hội truyền giáo nước ngoài Milano đã hiện diện tại Barreirinha từ năm 1956. Trước đó trong vùng này không có linh mục nào. Chúng tôi có một tổ chức khiêm tốn và ngày nay cũng nhờ đài phát thanh Andirà địa phương và đài phát thanh giáo phận là Radio Alvorada, mạnh hơn nhiều, chúng tôi có thể thông truyền một quan điểm Kitô về các vấn đề của con người, của các gia đình, của xã hội, và chúng tôi cũng dành chỗ cho việc cầu nguyện nữa.

Hỏi: Thưa cha Belcredi, 44 cộng đoàn sống sâu trong rừng già Amazzonia như vậy một năm cha viếng thăm họ mấy lần?

Đáp: Từ sau Phục Sinh cho với Mùa Vọng tôi đi viếng thăm các cộng đoàn, trong khi tại thành phố cuộc sống Kitô tiếp tục tiến bước với các nữ tu và các người có trách nhiệm, mặc dù không có thánh lễ. Những cộng đoàn lớn hơn thì tôi thăm viếng mỗi năm hai ba lần, trong khi các cộng đoàn khác thì mỗi năm một lần. Các người phụ trách các nhiệm vụ khác nhau trong cộng đoàn thì từ tháng giêng tới tháng ba, họ tham dự các khóa đào tạo trên đảo Javarì trong vòng 3-4 ngày và gặp gỡ cha sở. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu cử hành một cách long trọng các lễ lớn của Kitô giáo và lễ Bổn Mạng.

Chúng tôi cũng đã bắt đầu tổ chức một đại hội truyền giáo trong năm, kéo dài ba ngày trong mùa hè, và tôi luôn nhấn mạnh rằng mỗi một tín hữu được rửa tội là một nhà truyền giáo. Trong các năm đầu mỗi năm chúng tôi chỉ tổ chức một đại hội. Nhưng sau đó phải tổ chức hai đại hội vì có tới hơn 1.000 tham dự viên. Trong các ngày đại hội các tham dự viên cầu nguyện, thảo luận là thừa sai làm sao, lắng nghe các chứng từ, và tôi giải thích rằng nếu đức tin không lan ra bên ngoài, thì đó không phải là một đức tin sống động. Và tôi rất cảm động, khi nhận thấy người dân đơn sơ biết diễn tả đức tin của họ với biết bao nhiêu dấn thân và óc tưởng tượng; và họ đã hiểu gía trị của đức tin trong cuộc sống một cách sâu đậm biết chừng nào. Dĩ nhiên, các đại hội truyền giáo này cũng đắt đỏ đối với tôi, vì chỉ nội chuyện mời gọi tham dự và nuôi ăn cho từng ấy tham dự viên cũng đủ vất vả rồi.

Hỏi: Nhưng mà cha có hài lòng về giáo xứ của cha không?

Đáp: Thực sự tôi vô cùng hài lòng, mặc dầu rất là vất vả, nhưng tôi rất được trợ giúp bởi bốn nữ tu của Mẹ Terexa Calcutta. Khi bạn có các anh chị em giáo dân, hàng chục và hàng chục người theo bạn, cầu nguyện, xác tín, yêu Chúa Giêsu Kitô và dấn thân phục vụ giáo xứ như vậy, thì khi đó mọi người đều thấy là giáo xứ thực sự là của tất cả mọi người.

(ZENIT 18-12-2012)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.