2012-10-29 14:06:08

Các nhà thần học cần hiểu biết khoa học nhiều hơn


Phỏng vấn linh mục khoa học gia Michael Heller, giải Nobel tôn giáo Templeton 2008

Từ vài thập niên qua, tuy có các cố gắng hòa giải giữa khoa học và thần học, nhưng xem ra vẫn còn nhiều khoảng cách giữa hai bên.

Những linh mục khoa học gia như Michael Heller, người Ba Lan, cho rằng các thần học gia cần tìm hiểu khoa học nhiều hơn. Cha Heller sinh năm 1936 tại Tarnów bên Ba Lan, và là thành viên Hàn Lâm viện Khoa Học Tòa Thánh cũng như giáo sư Đại học giáo hoàng Gioan Phaolo II tại Cracovia. Cha đã được giải Nobel tôn giáo Templeton năm 2008 về các nghiên cứu thần học và khoa học. Hồi tháng 6 năm 2012 cha đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Khoa học và Thiên Chúa”, bao gồm các bài phỏng vấn, trong đó cha kể lại các kinh nghiệm gặp gỡ với Đức Gioan Phaolô II và trình bầy lịch sử tiến triển của các tương quan giữa tư tưởng khoa học và Kitô giáo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn vài đoạn nội dung cuốn sách nói trên qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Giulio Brotti.

Hỏi: Thưa linh mục giáo sư Heller, cha đã kể giai thoại trong cuộc gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II, bên trên chiếc áo linh mục cha đã mặc chiếc áo thung có in một hình khoa học diễn tả giản đồ Herzprung-Russell để phân loại các vì sao, có phải thế không?

Đáp: Vâng đúng thế. Cuộc gặp gỡ đã khá vui nhộn. Cùng với một nhóm khoa học gia người Ba Lan tôi đã tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Gioan Phaolô II trong mùa hè tại Castel Gandolfo. Trong dịp này tôi đã thuyết trình về vũ trụ quan, theo sau đó là một cuộc thảo luận về đề tài này. Tôi đã muốn lợi dung dịp này để gửi tới Đức Thánh Cha một sứ điệp: đó là có một sự chia rẽ trầm trọng giữa các cơ cấu giáo hội và lãnh vực nghiên cứu khoa học. Chính vì thế tôi đã mặc chiếc áo thung có vẽ giản đồ Hrz, bên trên áo linh mục của tôi. Tôi đã muốn nói rằng trên thực tế có một sự phân cách, không phải trong con người của cá nhân tôi, nhưng trong các thực hành của tôi như là một linh mục công giáo và như là một khoa học gia. Khi tôi dậy trong một đại chủng viện hay trong một học viện công giáo, thì tôi được coi như là một linh mục, nhưng khi tôi làm một cuộc nghiên cứu khoa học cùng với các khoa học gia khác thì tôi được coi là một nhà khoa học. Giữa hai lãnh vực xem ra không có điểm tiếp cận.

Hỏi: Thế Đức Gioan Phaolo II đã phản ứng ra sao trước sự khiêu khích của cha?

Đáp: Thái độ nòng cốt của ngài khi gặp các khoa học gia là thái độ lắng nghe. Đức Gioan Phaolô II là một người biết lắng nghe rất nhiều. Tuy nhiên, trong trường hợp trên đây ngài đã cười, và vào ban chiều khi chúng tôi dùng bữa tối với nhau, ngài trở lại câu hỏi mà tôi đã nêu ra bằng cách đặt ra cho tôi một loạt các vấn nạn. Với thời gian qua đi, tôi đã có cảm tưởng là ngài đã suy nghĩ rất lâu về vấn đề này. Trong vài diễn văn công khai của ngài Đức Gioan Phaolô II đã đề cập tới hai điểm mà chúng tôi đã trao đổi với nhau trong cuộc găp gỡ ấy.

Hỏi: Liên quan tới hai ơn gọi là linh mục thần học gia và là khoa học gia, chúng đã nảy sinh khi nào, có theo thứ tự không, và chúng đã luôn luôn hiện diện hài hòa với nhau hay có các va chạm nào không?

Đáp: Xác tín của tôi, như đã nói, đó là trong quang cảnh chung của nền văn hóa hiện đại, rất tiếc là các khoa học thiên nhiên và thần học làm thành hai thế giới tách biệt nhau. Nó cũng âm hưởng trên bình diện cuộc sống cá nhân, trong trường hợp của một khoa học gia có đức tin thì có nguy cơ của một loại tảo điên hay tinh thần phân lập (schizofrenia) trên bình diện hiểu biết và trên bình diện cuộc sống. Riêng đối với tôi, thì tôi hạnh phúc thực sự, vì tôi tránh được nguy hiểm này, bằng cách thành công trong việc thiết lập đựơc một sự cộng sinh (simbiosi) giữa hai chiều kích này của cuộc sống.

Hỏi: Trở lại với các nghiên cứu thần học, trong đại chủng viện. Làm thế nào để xác tín rằng triết học của thánh Toma, hay nói chung nền triết học kinh viện, không hòa giải được với hình ảnh của thế giới, mà khoa học hiện đại đề nghị với chúng ta?

Đáp: Khi đào sâu nghiên cứu vật lý, tôi đã có một phản ứng như thể là khước từ triết học mà cho tới lúc đó người ta đã dậy cho tôi. Tiếp theo đó, theo mức độ từ từ, tôi đã hiểu rằng phán đoán của tôi đã quá triệt để, bởi vì trong tư tưởng của thánh Toma cũng có nhiều khía cạnh tích cực và nhiều lý do hấp dẫn. Tuy nhiên, triết học của thánh Toma gắn liền với các lược đồ của các dữ kiện có trước cuộc cách mạng khoa học được thực hiện giữa hai thế kỷ XVI-XVII, với các nhà khoa học như Copernico (1473-1543) Galileo (1564-1642) và Newton (1643-1727). Có đúng thật là nền triết học ”tân kinh viện” giữa thế kỷ XVIII-XIX đã tìm cách sửa chữa lại sự không thích đáng ấy, nhưng theo tôi, các kết qủa của cố gắng này đã không đựơc tích cực cho lắm. Chẳng hạn chiến thuật lý luận mà Jacques Maritain (1882-1973) sử dụng, dựa trên nguyên lý, theo đó chỉ có triết học là đạt tới nõi tủy, đạt tới mức độ bản thể học sâu xa của thực tế, trong khi các khoa học phải giới hạn mình trong các lãnh vực vùng miền của chúng và vào phương pháp thực nghiệm.

Triết gia Jacques Maritain viết: ”Khoa học gia đi từ cái hữu hình tới cái vô hình, từ cái có thể quan sát tới cái không có thể quan sát”, trong khi triết gia ”đi từ cái hữu hình tới cái vô hình, tôi có ý nói tới điều mà tự nó là ở ngoài mọi trật tự của việc quan sát hữu hình, bởi vì các nguyên tắc nó đạt tới trong chúng chỉ là các đối tượng đơn sơ của việc lý trí hóa”.

Đây là một viễn tượng trấn an trên bình diện tâm lý, và thường được ủng hộ bên trong Giáo Hội, nhưng lại khiến lạc đường. Theo triết gia Maritain một triết gia muốn nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải đồng thời là một nhà khoa học, chỉ cần có một sự hiểu biết về phương pháp khoa học, mà không nhất thiết phải hiểu biết các nội dung của các bộ môn khác nhau. Tuy nhiên, lập trường này bị lèo lái bởi một sự không trung thực nền tảng, vì sự kiện dùng các nguồn khác nhau như thuyết của Aristotele và thuyết tân thực nghiệm. Ngày nay chúng ta cần có một điều khác: chúng ta cần có một nền triết lý trực tiếp đối đầu với các nội dung của khoa học và với phương pháp của nó. Và từ lâu phương pháp khoa học đã tự giải thoát mình khỏi các điều luật của thuyết thực nghiệm.

Hỏi: Thưa cha Heller, trong một cuốn sách của cha, cha đã khẳng định rằng một nền thần học mà không chú ý tới các chinh phục của khoa học, thì có thể tự loại bỏ mình ra ngoài lề của cuộc sống văn hóa, trong một tương lai không xa, có đúng thế không?

Đáp: Với Công Đồng Chung Vaticăng II, và còn hơn thế nữa trong các năm tiếp theo, xảy ra một khuynh hướng ngược lại. Đó là nền thần học không chú ý tới các lược đồ triết lý của thánh Toma nữa, nhưng hướng tới các khoa học nhân văn, hay cả văn chương nữa, và tìm thấy nơi đó các tác nhân đối thoại. Trong nhiều khía cạnh, tương quan với triết học chậm lại hay bị gián đoạn hẳn. Trong tình hình hiện nay, theo thiển ý tôi, một trong các lý do chính cuộc khủng hoảng của nền thần học công giáo, là nơi sự kiện nó không còn dựa trên một nền triết lý nào nữa cả. Chúng ta đang đứng trước một cuộc khủng hoảng, mặc dù không phải tất cả mọi người đều ý thức được điều này. Một nền thần học không dựa trên triết lý thì tự phó thác mình cho bản năng hay cho khuynh hướng tình cảm. Nó tiếp tục dựa trên một nền triết lý tầm thường, một quan niệm về thế giới mà các khẳng định không được suy tư với óc phê phán. Việc thần học khước từ một nền tảng lý trí gia tăng các nghịch âm với các khoa học hiện đại. Chúng ta cũng không còn chứng kiến các xung đột tranh luận như đã xảy ra trong thế kỷ XVII với trường hợp của Galileo nữa, nhưng giờ đây cảm quan xa lạ và không biết tới nhau thắng thế.

Hỏi: Khi đề cập tới các điều mới mẻ do Cômg Đồng đề ra, cha đã cho rằng việc giao cho các giáo dân nhiệm vụ nghiên cứu các thực tại trần thế có nguy cơ ngày nay bị hiểu trong cách thế không thích hợp trong lãnh vực khoa học, có đúng thế khÔng?

Đáp: Điều mà người ta thường bỏ bê trong các môi trường của Giáo Hội, đó là cả các linh mục khoa học gia cũng làm việc mục vụ, mặc đù làm theo kiểu của mình. Họ đại diện cho Giáo Hội trong thế giới khoa học, trong một cách thức đặc biệt, nghĩa là họ có thể đối thoại với các nhà sinh học, vật lý, toán học, bằng cách chia sẻ ngôn ngữ khoa học với họ. Đôi khi thường xảy ra là cuộc đối thoại của họ tiếp tục trong hình thái riêng tư liên quan tới các đề tài đức tin, hay cũng có vài khoa học gia xin xưng tội. Tôi còn nhớ các cuộc thảo luận dài về tôn giáo với nhiều khoa học gia người Nga vào thời của khối Liên Xô. Có lẽ thiếu tôn trọng khi nhắc tới việc ông Nicodemo đang đên đến gặp Chúa Giêsu, nhưng sự thực là đã có một khoa học gia đến gặp tôi ban đêm, để tránh sự dò xét và kiểm soát của một trong các cán bộ hộ tống nhóm của ông khi đi ra nước ngoài. Trước CÔng Đồng Chung Vaticăng II, bên Pháp có phong trào linh mục thợ, đi làm việc trong các nhà máy và chia sẻ cuộc sống thường ngày của giới công nhân. Tôi tin rằng các linh mục khoa học gia ngày nay cũng có một sinh hoạt mục vụ tương tự trong một môi trường khác, và rất tiếc là có ít linh mục khoa học gia.

(Avvenire 26-6-2012)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.