2012-09-27 13:37:47

CÔNG TRÌNH THIÊN CHÚA XIẾT BAO KỲ DIỆU!


Cách đây 20 năm - 1992 - Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) quyết định chọn ngày 11-2 hàng năm làm Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân. 11-2 cũng là ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân với ba chủ đích:
- Phát triển tình liên đới Kitô với người đau khổ, với anh chị em tàn tật và những ai bị tổn thương vì cuộc đời.
- Nâng đỡ các bác sĩ, y tá và nhân viên thiện nguyện trong công tác phục vụ sức khoẻ.
- Khích lệ các Giáo Hội Công Giáo địa phương dấn thân tích cực trong hoạt động mục vụ sức khoẻ.

Sau đây là chứng từ của một bác sĩ Công Giáo về mối liên hệ chặt chẽ giữa lương tâm nghề nghiệp và Đức Tin Công Giáo. Vị bác sĩ sống tại vùng Jura bên Thụy Sỹ.

Xét về phương diện trần thế, trước tiên tôi là Kitô-hữu do bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Tiếp đến tôi là bác sĩ do lời thề Hippocrate sau khi đã hoàn tất học trình dành cho một bác sĩ. Nhưng đích thật tôi là ai? Tôi là một bác sĩ nắm chắc các hiểu biết về thực tại khoa học nhưng lại nghi ngờ về mầu nhiệm Đức Tin. Năm tháng trôi qua, kinh nghiệm dạy cho tôi nhận ra rằng các thực tại khoa học đôi khi bị lầm lẫn và các thực tập của tôi về bệnh tật không phải là cái thực tập của người bệnh. Bởi vì, sự khác biệt chính yếu nằm ở chỗ: người bệnh hay thân chủ là người thân cận của tôi.

Bệnh nhân trước tiên là con người mà ưu tư lo lắng đầu tiên của tôi là cố gắng chữa lành bệnh, đề phòng bệnh hay là phục hồi sức khoẻ trong mọi nhân tố và bình diện như: thể lý, tâm lý, cá nhân và xã hội. Bệnh nhân là người thân cận của tôi, là người mà tôi phải hết lòng yêu mến như ”chính mình tôi”, người mà tôi không được phép kỳ thị và phải hoàn toàn tôn trọng ”ý muốn hay niềm tin tôn giáo” của họ.

Đó là nghĩa vụ nghề nghiệp trong cương vị bác sĩ. Thế nhưng THIÊN CHÚA chiếm chỗ đứng nào trong việc hành nghề của một bác sĩ? Giới răn đầu tiên Đức Chúa GIÊSU KITÔ dạy chúng ta là ”Con hãy yêu mến THIÊN CHÚA hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực con”. Đối với tôi, giới răn trọng yếu này không hề ngăn cản hay trái ngược với lời thề Hippocrate mà một bác sĩ từng đọc rằng:
- Tôi xin đoan hứa giữ vững tinh thần độc lập cần thiết trong khi hoàn thành sứ mệnh nhận lãnh.

Nếu tôi đoán biết ước nguyện hay nhu cầu của bệnh nhân cần sự trợ giúp của THIÊN CHÚA trong việc chữa lành và phục hồi sức khoẻ, thì tôi không đích thân đứng ra dàn xếp cho bệnh nhân được thực hiện ước nguyện, nhưng tôi nhờ trung gian của một người thứ ba, để tránh hiện tượng dẫm chân lên nhau. Nói tắt một lời, mỗi người ở trong địa vị và nhiệm vụ của mình.

Đối với tôi, bác sĩ và Kitô-hữu ăn khớp với nhau. Cả hai danh xưng làm thành một khối duy nhất trong con người tôi .. Trong những trường hợp khó khăn, khi khoa học và thuốc men thất bại trong việc chữa trị hoặc bất lực trước nỗi đau đớn, cái chết hoặc các sự dữ như phá thai, làm cho chết êm dịu và tự tử, tôi hiểu mình có thể đặt niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA. Ngài mang tôi trên đôi vai Ngài, không phải để trao cho tôi một giải đáp khoa học - giải đáp mà tôi chỉ có thể tìm ra sau khi có sự đồng thuận của thân chủ và phù hợp với lương tâm nghề nghiệp của tôi - nhưng là để nâng đỡ tôi. Chính THIÊN CHÚA giúp tôi biết hiện diện bên cạnh bệnh nhân và gia đình bệnh nhân trong những hoàn cảnh bi thương. Cũng chính THIÊN CHÚA giúp tôi biết dùng lời lẽ nào để an ủi bệnh nhân cho đúng thời đúng lúc hoặc chỉ nên giữ thinh lặng cảm thông bằng sự hiện diện đầy yêu thương trìu mến.

Lạy Chúa, xin giúp con biết giữ vững tinh thần sống động và nhanh nhẹn để chăm sóc chữa trị các thân chủ con. Xin Chúa ban cho con một trái tim tràn đầy tình yêu để không bao giờ bỏ rơi các thân chủ con trong đau đớn của họ, hoặc lơ là trong việc chữa trị khi gặp những trường hợp khó khăn, đòi hỏi nhiều chăm sóc đặc biệt.

... Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, trí thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chấp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con. Con tự nhủ: ”Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối!” Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau. Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Thánh Vịnh 139(138) 1-14).

(”Église dans le Jura” n.4 Avril/2007, trang 114)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.