2012-07-18 18:16:52

Tình hình chính trị xã hội và tôn giáo tại Mali


Phỏng vấn nữ tu Miriam Bề trên cộng đoàn các Nữ tu thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội trong thủ đô Bamako.

Ngày 22-3-2012, tức vài tuần trước ngày bầu cử tổng thống dự định vào tháng 4, một nhóm quân nhân Mali đã đảo chánh lật đổ tổng thống Amadou Toumani Touré, và lên nắm quyền tại thủ đô Bamako. Trước sự lên án và áp lực của cộng đồng quốc tế cũng như sự huy động của Cộng đồng các nước Tây Phi châu, viết tắt là CEDEAO, nhắm giúp Mali ra khổi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, ngày mùng 6-4-2012 hội đồng quân nhân đã ký với tổ chức CEDEAO một thỏa hiệp chuyển tiếp chính trị. Theo đó ông Dioncounda Traoré được chọn làm tổng thống nhiếp chính của Cộng Hòa Mali và Cheik Modibo Diarra làm thủ tướng của chính quyền chuyển tiếp.

Ngày 20-5-2012 một thỏa hiệp thứ hai cũng đã được ký kết giữa phẻ đảo chánh, chính quyền chuyển tiếp và tổ chức CEDEAO để kéo dài giai đoạn chuyển tiếp trong vòng một năm bắt đầu từ ngày 22-5-2012.

Trước đó ngày mùng 6 tháng 4 năm 2012 Phong trào giải phóng quốc gia Anzawad chủ trương đòi độc lập cho miền bắc Mali đã mở cuộc tấn công miền Bắc Mali, và ngày 17 tháng 4 đã đơn phương tuyên bố ”Anzawad độc lập”. Nước Pháp cũng như các nước đồng minh coi lời tuyên bố nói trên là vô hiệu lực vì nó chống lại sự hiệp nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Mali.

Cộng Hòa Mali rộng hơn 1,2 triệu cây số vuông có gần 14 triệu dân, 90% theo Hồi giáo, 9% theo đạo thờ vật linh và 1% theo Kitô giáo. Người dân Mali gồm nhiều chủng tộc khác nhau: 50% thuộc chủng tộc Mandé gồm ba nhóm chính là Bambara, Malinke và Soninke; 17% thuộc chủng tộc Peul; 12% thuộc chủng tộc Voltaique; 6% thuộc chủng tộc Songhai, 10% thuộc chủng tộc Touareg và Maure; 5% thuộc các chủng tộc khác. Ngoài tiếng Pháp là ngôn ngữ chính người dân còn nói các thứ tiếng Mandingue, Tamasheq, Poular, Senoufo, Bobo và Songhai...

Với hơn 26% thất nghiệp và lợi tức bình quân 691 mỹ kim mỗi năm, về phương diện phát triển nhân bản Mali đứng hàng thứ 160 trên 169 nước trên thế giới.

Cùng với nhiều nước Phi châu Mali được độc lập hồi năm 1960. Năm 1991 tướng Amadou Toumani Touré đảo chánh lật đổ thổng thống Moussa Traoré và thành lập chính quyền chuyển tiếp dẫn đến cuộc bầu cử ông Alpha Oumar Konaré làm tổng thống. Dựa trên đảng Liên Minh dân chủ Mali tổng thống Konaré đã cai trị hai nhiệm kỳ. Năm 2002 ông Amadou Toumani Touré đắc cử tổng thống và được tái cử năm 2007.

Trong 20 năm dân chủ, Mali đã trở thành điểm tham chiếu cho nền dân chủ tại Phi châu, dựa trên đường lối chính trị đồng thuận quy tụ thành phần của mọi đảng phái chính trị. Các cuộc bầu cử diễn ra trong bầu khí trong sáng, tự do và chân thành, với các quan sát viên quốc gia và quốc tế. Nhưng ý thức tham gia của dân chúng thấp: chỉ có 39% dân tham gia cuộc bầu cử tổng thống, và 33% cuộc bầu cử quốc hội.

Từ ba năm qua tình hình an ninh tại miền bắc Mali đã ngày càng trở nên tồi tệ hơn với sự đe dọa khủng bố phá hoại của các nhóm Al Qaida. Từ năm 2007 các vụ tấn công các tòa đại sứ, bắt cóc và ám sát du khách và nhân viên ngoại giao nước ngoài gia tăng.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua ông Blaise Compaoré, tổng thống Burkina Faso, trung gian của tổ chức Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi châu viết tắt là ECOWAS, đã gặp một phái đoàn của Phong trào giải phóng quốc gia Azawad, là một trong các nhóm vũ trang hoạt động tại miền Bắc Mali. Trong các ngày trước đó sau khi chương trình hòa nhập các nhóm vũ trang bị thất bại, đã xảy ra các vụ đụng độ giữa các người Touareg và lực lượng Jihad do Ansar Dine lãnh đạo. Tại miền nam Mali trật tự đã được tái lập sau cuộc đảo chánh, nhưng bóng ma của một cuộc nội chiến với các nhóm vũ trang miền Bắc đang lởn vởn trên đầu người dân. Tình hình bất ổn đã gây ra làn sóng tị nạn của 80.000 người, trong đó có 25.000 trẻ em chạy trốn sang nước Burkian Faso láng giềng.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của nữ tu Miriam, bề trên cộng đoàn các Nữ tu thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm trong thủ đô Bamako, về tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo tại Mali hiện nay.

Hỏi: Thưa chị Miriam, tình hình Mali hiện nay ra sao?

Đáp: Dân chúng sống giai đoạn chuyển tiếp này trong thái độ khẩn nài hòa bình: người Hồi giáo cũng như các tín hữu kitô tất cả đều tìm đối thoại với nhau, cả khi biết rằng hòa bình và đối thoại với nhóm hồi giáo hay đúng hơn với nhóm khủng bố này, là điều khó khăn.

Hỏi: Sự liên minh giữa các phiến quân Touareg và các dân quân hồi của Ansar Dine liên hệ với tổ chức Al Qaida có gây âu lo cho ngưi dân Mali không thưa chị?

Đáp: Dĩ nhiên là có chứ! Nó gây lo âu bởi vì có sự bất ổn, và do đó người ta không biết tình hình sẽ ra sao cả khi người dân, da số dân kể cả người Touareg nói rằng Mali là một.

Hỏi: Thưa ch, đã có 25.000 trẻ em Mali tị nạn bên Burkina Faso và hơn 60.000 người lớn. Sự kiện này có tạo ra làn sóng chạy trốn khỏi Mali không?

Đáp: Có, và lập tức xảy ra làn sóng di cư trốn chạy khỏi Mali, kể từ khi xảy ra vụ đảo chánh đã có cuộc xuất hành rồi, bởi vì vùng này rất nguy hiểm. Họ áp dụng luật sharia. Do đó, dân chúng đã chạy trốn trong vùng Zili và cả bên trong nước nữa, nghĩa là người dân từ miền Bắc đang chạy trốn xuống miền Nam Mali.

Hỏi: Thế có nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến không thưa chị?

Đáp: Có, có nguy cơ chiến tranh và vấn đề là ở đó. Các quốc gia láng giềng như Algerie, Libia, Mauritania tuyên bố rằng cần phải gây chiến đối với miến Bắc Mali, bởi vì không đối thoại được với các lực lượng vũ trang tại đây. Có lo âu chiến tranh bùng nổ vì các lực lượng này tiếp tục nhận được vũ khí, và chúng tôi không biết chúng từ đâu tới, trong khi quân đội Mali không có các khả thể này, và như thế cần phải có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Vì một mình thí Mali không thể làm gì được.

Hỏi: Tại Bamako sau khi xảy ra cuộc đảo chánh thì tình hình ra sao thưa chị?

Đáp: Trong thủ đô cuộc sống tiếp tục một cách bình thường. Cho tới tuần trước đây đã có các bính sĩ kiểm soát các ngã đường vào thủ đô. Nhưng trong tuần vừa qua họ đã tháo gỡ tất cả các hàng rào cản.

Hỏi: Cuộc đo chánh đã bình định tình hình tại miền Nam nhưng lại càng cho thấy các vấn đề với miền Bắc Mali, chị nghĩ sao?

Đáp: Cuộc đảo chánh không mhằm chiếm quyền bính, nhưng nhằm tố cáo tình trạng thiếu dân chủ, và các tệ nạn xã hội khác đang hoành hành tại Mali như gian tham hối lộ, buôn lậu, buôn bán ma túy và khí giới, và tất cả những gì liên hệ ở đàng sau. Vì thế người ta đã muốn loại trừ sự kiện Mali trở thành hành lang của các tệ nạn này.

Hỏi: Tất cả những điều không may này lại xảy ra cho đt nưc Mali là vùng đã bị nạn hạn hán mất mùa hồi năm ngoái, có đúng thế không thưa chị?

Đáp: Vâng, đúng thế, Mali thiếu thực phẩm nghiêm trọng và người dân bị đói. Vì thế chúng tôi vui mừng tiếp nhận mọi trợ giúp thực phẩm đến từ bất cứ đâu để cứu đói dân chúng.

Hỏi: Chị có muốn đưa ra lời kêu gọi nào qua đài phát thanh Vaticăng không?

Đáp: Có. Tôi kêu gọi mọi người cầu nguyện cho chúng tôi, vì trong tình hình hiện nay chỉ có phép lạ mới giúp chúng tôi tìm ra hòa bình. Chúng tôi còn tin rằng Chúa có thể can thiệp để Mali có thể vượt thắng cuộc khủng hoảng hiện nay với sự đối thoại. Các kitô hữu cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, và trong các nhóm tín hữu đọc lời cầu của thánh Phanxicô thành Assisi: ”Đem hòa bình vào nơi có hận thù”. Chúng tôi kêu gọi mọi người hiệp ý với chúng tôi để cầu nguyện như vậy, để cho dân nước Mali đừng rơi vào chiến tranh, để cho mọi người hiểu rằng chiến tranh chỉ tạo ra các kẻ góa bụa, trẻ mồ côi, và hận thù trong trái tim con người mà thôi.

Hỏi: Tại Mali có sáng kiến nào lôi cuốn mọi tôn giáo tham gia cổ võ hòa bình và hòa hợp hay không?

Đáp: Mọi lực lượng tôn giáo đều tụ tập nhau để cầu nguyện, kể cả tại các nơi công cộng hầu khẩn nài ơn hòa bình và tín hữu thuộc mọi tôn giáo: Hồi giáo, Công giáo, Tin lành và tất cả mọi tôn giác khác tại Mali đều cầu nguyện. Đó là một lời cầu liên lỉ để xin ơn hòa bình cho Mali.

Tin tức cho biết trong hai ngày 27 và 28 tháng 6 đã xảy ra các vụ nổ súng trong thủ đô Bamako và vùng Kati giữa quân đội đảo chánh và các nhóm phò tổng thống Amadou Toumani Touré. Lý do là vì đại tá Amadou Haya Sanogo, chỉ huy lực lượng mũ xanh của quân đội đảo chánh, muốn bắt tướng Abdine Guindo, chỉ huy lực lượng mũ đỏ trung thành với tổng thống Touré. Tướng Guindo cùng với các binh sĩ của mình đã tìm cách chiếm phi trường quốc tế và đài truyền hình quốc gia do quân đảo chánh kiểm soát. Họ cũng tìm cách chiếm trại Soundiata Keita Kati, là tổng hành dinh của của lực lượng đảo chánh. Sau nhiều giờ giao tranh giữa hai lực lượng, phe đảo chánh đã đọc một thông cáo trên đài truyền hình kêu gọi dân chúng thủ đô và toàn nước yên tâm, vì họ kiểm soát được tình hình. Nhưng cuộc khủng hoảng tại Mali vẫn tiếp tục và có thể trở nên tồi tệ hơn trong các thời gian tới.

(RG 27-5-2012)

Linh Tiến Khai








All the contents on this site are copyrighted ©.